Bóc gỡ nhiều ổ nhóm tín dụng đen

Thứ Tư, 10/04/2019, 15:52
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương ngày 9-4 cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công hai ổ nhóm hoạt động tín dụng đen; ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 4 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong hai vụ án này, thủ đoạn phạm tội của các bị can rất tinh vi.

Các đối tượng hoạt động khép kín, dưới vỏ bọc của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; giữa các mắt xích trong ổ nhóm có sự liên kết chặt chẽ... Khách có nhu cầu vay tiền đều phải viết giấy theo mẫu in sẵn do các đối tượng soạn thảo. Trên giấy tờ vay, chỉ ghi thông tin cá nhân, số tiền vay... không có mức lãi suất và số tiền người vay phải trả hàng ngày.

Lãi suất đến 255,5%/năm

Thêm một đêm không ngủ, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương chụm đầu bàn bạc. Ròng rã nhiều tháng, ngày thì anh em trinh sát lăn lộn ở địa bàn, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ nắm bắt thông tin, dựng chân dung các ổ nhóm hoạt động tín dụng đen... Tối đến, họ lại chụm đầu bàn bạc, phân tích và đánh giá các thông tin thu thập được trong ngày, nhằm củng cố chứng cứ, làm rõ thủ đoạn hoạt động tinh vi của các đối tượng cho vay lãi nặng.

Nằm trong tam giác kinh tế Đông Bắc, cũng như các tỉnh, thành phố khác, thời gian qua, hoạt động của tội phạm tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Hải Dương diễn biến phức tạp... Đây đồng thời là nguyên nhân của một số vụ phạm pháp hình sự. Vì thế, ngay sau khi kế hoạch đấu tranh trấn áp tội phạm được Ban giám đốc triển khai, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã chủ động xây dựng phương án, tăng cường cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn nắm tình hình.

Đối tượng họ nhắm đến là các trường hợp nghi vấn, hoạt động trong lĩnh vực tín dụng đen; những kẻ không có nghề nghiệp ổn định, bất minh về kinh tế, hoạt động liên quan đến lô đề, cờ bạc... Sau nhiều tháng "nằm gai, nếm mật", bằng các biện pháp nghiệp vụ và qua nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng, các trinh sát đã dựng lên 2 nhóm đối tượng nghi vấn ở Chí Linh và Kinh Môn (Hải Dương). Nhóm ở Chí Linh do Hoàng Văn Mạnh (sinh năm 1991, trú tại khu dân cư Mật Sơn, phường Chí Minh, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) điều hành, hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi.

Cơ sở cầm đồ Hùng Mạnh, có địa chỉ số 23, đường Hữu Nghị, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh do Hoàng Văn Mạnh làm chủ, Đặng Việt Cường (Tạnh) là người trực tiếp trông coi, quản lý. Theo sự chỉ đạo của Mạnh, Cường có nhiệm vụ theo dõi sổ sách, quản lý giấy tờ vay, các giấy tờ cá nhân của khách hàng mang đến cầm cố; trực tiếp trông coi, quản lý cửa hàng. Nếu có người nộp tiền lãi thì Cường hướng dẫn cho khách và theo dõi lượng tiền thu về hàng ngày...

Hoàng Văn Mạnh là người cung cấp tiền, thuê và mở địa điểm kinh doanh và thuê người quản lý. Đối tượng đồng thời là người tổng kiểm soát tất cả các hoạt động của cửa hàng. Người muốn vay tiền phải được sự đồng ý của Mạnh... Để tránh sự phát hiện của lực lượng Công an, Mạnh chỉ "ra mặt" trong trường hợp khách hàng là những con nợ xấu, chây ỳ. Đây là một trong những khó khăn các trinh sát phải đối mặt trong quá trình nắm bắt thông tin, thu thập tài liệu về đối tượng gây án.

Các đối tượng thuộc hai nhóm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Tại Kinh Môn, qua rà soát, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã tập trung vào: Nguyễn Văn Mạnh còn có biệt danh Mạnh "màu" (sinh năm 1986, trú tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn). Nguyễn Văn Mạnh là đối tượng có 3 tiền án về các tội trộm cắp, hủy hoại và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Hoàng Duy Thảo (Tuấn) có 2 tiền án về các tội cưỡng đoạt và cướp tài sản nên phương thức và thủ đoạn hoạt động rất manh động và liều lĩnh.

Người vay tiền của Mạnh "màu" trong các vụ án này phần lớn là công nhân, những người chủ nhỏ cần tiền để trả lương cho công nhân. Cũng chính vì thế, họ rất ngại ngần hợp tác với cơ quan Công an...

Để củng cố, chứng minh được hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án, khó khăn ngay cả từ phía người bị hại. Bởi họ mang tâm lý e dè, sợ thanh thế của các đối tượng gây án, các con nợ cũng rất ngại tiếp xúc với cơ quan Công an. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban đầu Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã tiếp xúc được với hai trường hợp, trong đó có chị M.T.H. ở huyện Kinh Môn.

Chị H. cho biết vào ngày 13-8-2018, chị vay 10.000.000 đồng với mức lãi suất là 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày (lãi suất 182,5%/năm). Đến ngày 30-11-2018, chị H. đã trả lãi số tiền 5.500.000 đồng… Ngày 1-12-2018, lực lượng Công an kiểm tra phát hiện các đối tượng cho vay lãi nặng nên đã yêu cầu dừng hoạt động nên các đối tượng không thu tiền lãi của chị H. nữa.

Một trường hợp khác là anh Lê Văn H. (cũng trú tại Hải Dương). Ngày 9-8-2018, anh vay số tiền là 10.000.000 đồng đồng với mức lãi suất là 5.000 đồng/11triệu/1 ngày (lãi suất 182,5%/năm. Đến ngày 1-12-2018, anh H. đã trả tiền lãi số tiền 3.000.000 đồng. Ngày 28-8-2018 vay 2.000.000 đồng với mức lãi suất là 7.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (lãi suất 255,5%/năm). Đến ngày 1-12-2018, anh H. đã trả tiền lãi số tiền 1.400.000 đồng.

Ngày 18-9-2018, vay số tiền là 2.000.000 đồng với mức lãi suất là 7.000 đồng/1 triệu/1 ngày (lãi suất 255,5%/năm). Ngày 1-12-2018, anh H. đã trả tiền lãi số tiền 1.120.000 đồng. Ngày 20-12-2018, anh H. đã trả toàn bộ số tiền gốc cho quán cầm đồ... Các trường hợp trên sau khi được vận động đã hợp tác với cơ quan Công an. 

Phá án

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Cù Ngọc Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Sau nhiều tháng theo dõi, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương quyết định chọn điểm đột phá bắt đầu từ những người đến vay tiền. Để thu thập thông tin, các trinh sát phải mất nhiều tháng, bí mật theo sát những người đến các cơ sở cầm đồ trên, xác định họ là ai, họ đến để cầm cố tài sản hay vay tiền... Rồi khi cho vay, các đối tượng có xem xét khả năng chi trả của khách hàng?

Đó là những câu hỏi họ đặt ra trong quá trình phá án. Từ các thông tin thu thập được, họ đưa ra các phương án loại trừ rồi củng cố hồ sơ và tài liệu phục vụ cho quá trình phá án.

Cùng một thời điểm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã chia làm 2 mũi, đồng loạt tiến hành kiểm tra ở hai địa điểm. Quá trình điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trong ổ nhóm.

Từng ra tù, vào tội nên Nguyễn Văn Mạnh cực kỳ tinh quái trong thủ đoạn hoạt động nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Từ năm 2014, Mạnh đăng ký rồi mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ Mạnh Nga tại thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn. Đến năm 2016, Mạnh đăng ký thêm dịch vụ kinh doanh cầm đồ Mạnh Nga tại nhà của ông Lương Văn Nhiệm, ở thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, Kinh Môn.

Tháng 7-2016, Mạnh thuê Hoàng Duy Thảo còn gọi là Tuấn (sinh năm 1987, trú tại thôn Cộng Hòa, Minh Hòa, Hưng Hà, Thái Bình) trông coi, quản lý quán cầm đồ tại thôn Ngư Uyên. Đến tháng 7-2018, Mạnh thuê Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1985 trú tại tổ 40, khu 11, phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh) cùng quản lý trông coi quán cầm đồ với Hoàng Duy Thảo. Mạnh trả lương cho Thảo và Thế Anh từ 6.000.000 đồng/1 tháng đến 8.000.000 đồng/1 tháng. Mạnh đồng thời cấp tiền để cho Thảo và Thế Anh cho người khác cầm cố và vay tiền, số tiền mặt của quán dao động từ 30 đến 50 triệu đồng.

Mạnh đồng thời quy định mức lãi suất cho vay từ 3.000 đồng/1 triệu/1 ngày đến 7.000/1 triệu/1 ngày (tương đương từ 109,5%/1 năm đến 255,5%/1 năm). Thời gian đóng lãi suất là 10 ngày/lần, 15 ngày/lần khi vay tiền, người vay sẽ nhận tiền và đóng lãi trước 10 ngày, 15 ngày. Khi vay tiền, con nợ phải viết 1 giấy cam kết theo mẫu của quán, ký nhận. Trên giấy vay tiền, có các thông tin gồm họ và tên, địa chỉ, số điện thoại người vay tiền, số tiền vay, ngày vay…

Người vay tiền phải để lại các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe… đến kỳ đóng lãi sẽ đến quán đưa tiền trực tiếp cho Thảo hoặc Thế Anh. Người nào chậm trả thì Thảo, Thế Anh sẽ gọi điện nhắc nhở việc trả tiền. Hàng tháng, Thảo, Thế Anh sẽ thống kê tiền gốc, tiền lãi và đưa cho Mạnh.

Căn cứ tài liệu điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương xác định: Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1-2018 đến ngày 1-12-2018, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Mạnh (Mạnh "mầu"), Thảo và Thế Anh đã cho 14 khách hàng vay tiền 26 lần với tổng số tiền cho vay 390.000.000 đồng, lãi suất từ 109,5%/ năm, đến 255,5%/ năm. Số tiền lãi đã thu là 90.620.000 đồng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố Nguyễn Văn Mạnh, Hoàng Duy Thảo về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, chuyển Công an huyện Kinh Môn điều tra theo thẩm quyền.

Siết nợ bằng thủ đoạn tinh vi

Hoàng Văn Mạnh và Đặng Việt Cường là bạn bè quen biết từ lâu và làm nghề lao động tự do. Năm 2016, Mạnh nảy ý định mở quán cầm đồ để cho người khác vay lấy lãi. Đối tượng hợp đồng thuê nhà số 23 đường Hữu Nghị, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh của bà Trần Thị Loan để mở quán cầm đồ Hùng Mạnh kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tín chấp trả góp với phương thức trả tiền được quy định rất chặt chẽ.

Trong đó, thời gian cho vay là 40 ngày, người vay sẽ phải trả tiền hàng ngày, số tiền trả mỗi ngày được tính bằng số tiền gốc cho vay cộng với số tiền lãi sau đó chia đều cho 40 ngày.

Hoàng Văn Mạnh giao cho Đặng Việt Cường trực tiếp trông coi, quản lý tại quán cầm đồ, hàng tháng trả lương cho Cường từ 5 - 7 triệu đồng. Tiền cho vay là tiền của Mạnh. Mạnh và Cường thống nhất khi có người muốn vay tiền nếu là người quen của Mạnh thì gọi điện trực tiếp cho Mạnh qua số điện thoại 0974.223… để hỏi vay; nếu không quen biết với Mạnh thì đến quán cầm đồ gặp Cường hỏi vay tiền.

Tại đây, Cường sẽ yêu cầu người vay gọi điện thoại cho Mạnh qua số 0974.223... Nếu Mạnh đồng ý cho vay và thỏa thuận mức lãi suất cho vay thì sẽ bảo Cường làm thủ tục viết giấy biên nhận cho vay, để lại giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe…và xuất tiền cho người vay.

Sau đó, Cường ghi chép thông tin khách hàng vào sổ thu họ gồm: Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại người vay tiền, số tiền vay, ngày vay, số tiền người vay phải trả hàng ngày. Hàng ngày, người vay sẽ đến quán cầm đồ trả trực tiếp cho Cường, nếu chậm thì Cường gọi điện thoại nhắc đến quán trả tiền. Khi người vay trả tiền thì Cường đánh dấu số tiền trả tiền vào trong quyển sổ thu họ. Cường quản lý thu tiền rồi đưa lại cho Mạnh.

Từ đầu năm 2018 đến ngày 2-12-2018, quán cầm đồ Mạnh Hùng đã cho 14 khách hàng vay tổng cộng 43 lượt với tổng số tiền là 385.000.000 đồng, thu tổng số tiền lãi là 75.400.000 đồng. Căn cứ tài liệu điều tra, xác minh đủ căn cứ xác định: Trong thời gian từ khoảng tháng 3-2018 đến tháng 8-2018, Hoàng Văn Mạnh đã cho 13 khách hàng vay 42 lần tiền với tổng số tiền cho vay 375.000.000 đồng, với lãi suất từ 271,79%/năm đến 336,12%/năm, số tiền lãi đã thu là 73.400.000 đồng.

Các khách hàng của quán cầm đồ chủ yếu là người lao động chủ cơ sở kinh doanh nhỏ, thiếu vốn nhưng ngại làm thủ tục vay ngân hàng, thủ tục vay tiền lâu, không kịp thời có tiền để giải quyết công việc. Ngày 29-3, Phòng Cảnh sát hình sự đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can Hoàng Văn Mạnh và Đặng Việt Cường về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, chuyển Công an thành phố Chí Linh điều tra theo thẩm quyền.

Việc bóc gỡ, triệt phá các ổ nhóm hoạt động tín dụng đen bước đầu đã góp phần ổn định và giữ vững tình hình an ninh trật tự. Đây tiếp tục là bài học cảnh giác cho người dân khi có ý định vay lãi theo hình thức tín dụng đen. Bởi đã có nhiều trường hợp mất nhà cửa, đất đai chỉ vì những khoản nợ rất nhỏ ban đầu. 

Xuân Mai
.
.