Bóc trần nhiều thủ đoạn buôn lậu tinh vi

Thứ Ba, 09/08/2016, 10:20
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, Cục Phòng chống buôn lậu (C74), Bộ Công an, phía Nam, đã triệt phá gần 10 vụ buôn lậu lớn, bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ rất nhiều hàng hóa.

Đánh án kiểu “đặc công”

Đêm 27, rạng sáng ngày 28-7, phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế CATP HCM, C74 đã tiến hành khám xét, bắt giữ 5 xe tải chở đường đường trắng từ Campuchia về Việt Nam. Số hàng trên của một chủ hàng tên Vinh. Trước đó, lực lượng trinh sát C74 đã bám theo 5 chiếc xe tải từ điểm tập kết gần biên giới Campuchia, thuộc địa bàn huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Khi những chiếc xe tải trên về đến một bãi đỗ xe trên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân, các trinh sát đã ập vào bắt giữ. Toàn bộ số đường trên xe khoảng 33 tấn, không có hóa đơn, chứng từ. Chủ hàng thừa nhận số đường trên nhập lậu từ Campuchia về, đang chuẩn bị sang tay cho các đại lý.  Trị giá của số đường không rõ nguồn gốc trên khoảng 300 triệu đồng. C74 đã bàn giao vụ việc cho Công an TP HCM điều tra, xử lý.

Bắt giữ 7 toa tàu chở hàng lậu tại ga Biên Hòa.

Đường và thuốc lá là hai mặt hàng được buôn lậu nhiều nhất. Vào lúc 7 giờ 30 phút sáng 13-7 vừa qua, hơn 40 chiến sĩ ập vào vị trí tập kết hàng lậu và bắt giữ hàng cùng 3 đối tượng, cầm đầu là Huỳnh Thuận Phong (22 tuổi). Tang vật thu được là 11 ghe gắn máy chở hơn 100 thùng thuốc lá lậu với số lượng lên tới 89.450 bao mang nhãn hiệu Jet và Hero. Để có được chiến công này, lực lượng chống buôn lậu của C74 phải mất rất nhiều thời gian “ăn bờ ngủ bụi”.

Thông tin ban đầu cho biết tại ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, tồn tại một đường dây chuyên buôn lậu thuốc lá với khối lượng tương đối lớn. Chúng lợi dụng đường mòn, lối mở và hệ thống kênh rạch chằng chịt ở khu vực giáp ranh giữa Tây Ninh và Long An để vận chuyển thuốc lá từ Campuchia về Việt Nam.

Bắt buôn lậu thuốc lá tại Bến Cầu, Tây Ninh.

Hàng hóa tập kết sau đó được đưa đi tiêu thụ theo yêu cầu của khách hàng tại nhiều địa phương khác nhau, trong đó chủ yếu là TP HCM. Ban chỉ huy Phòng 6, C74 đã báo cáo vụ việc lên lãnh đạo Cục, trực tiếp là Phó cục trưởng - Trung tá Trần Thanh Hiển. Sau một thời gian trinh sát, Ban chỉ huy Phòng 6 đã lên kế hoạch đấu tranh phá án một cách toàn diện.

Đồng chí Phó Cục trưởng Trần Thanh Hiển trực tiếp xuống địa bàn rà soát mọi chi tiết. Phòng 6 đã phối hợp với Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm của K20 và lực lượng công an địa phương để phá án. Lực lượng chống buôn lậu chia làm 3 mũi, 7 giờ 30 phút sáng 13-7, có sự tham gia, giám sát của đại diện Ban 389 (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), đồng loạt tấn công điểm tập kết hàng lậu.

Được biết, các đối tượng là người địa phương thông thạo địa hình sông nước kênh rạch. Anh em trinh sát phải mất cả tháng trời, mới có thể nắm được hành trình vận chuyển hàng hóa, quy luật hoạt động của các đối tượng.

Ngoài  ra, các đối tượng còn lợi dụng chính sách dành cho cư dân biên giới, địa hình địa lý đất liền đất, kênh rạch liền kênh rạch, nửa bên này của ta, nửa kia của nước bạn, cho tập kết hàng hóa tại những vị trí sát biên giới phía Campuchia, sử dụng các phương tiện thủy, bộ, trong khi các lực lương biên phòng, lực lượng chức năng quản lý an ninh biên giới không thể giám sát hết.

Chỉ chờ sơ hở, các đối tượng nhanh chóng chuyển hàng về nơi tiêu thụ. Chúng sử dụng dân địa phương vào việc vận chuyển, tạo thành một đường dây khép kín. Do đó, việc tiến hành trinh sát, xác minh rất dễ bị phát hiện... Về việc phối hợp chống buôn lậu giữa hai nước, một cán bộ Phòng 6 cho biết, với nước bạn, họ không cho rằng các mặt hàng trên là hàng lậu, mà đó chính là các mặt hàng xuất khẩu, phát triển kinh tế, cho dù nó không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ... nên rất khó bắt giữ, tịch thu hàng hóa.

Những kẻ buôn lậu còn tổ chức chân rết theo dõi lực lượng chức năng địa phương. Chúng cài cắm người ở trước cổng cơ quan, thậm chí ở trước nhà cán bộ chống buôn lậu để dò la động tĩnh. Chúng huy động cả người già, trẻ con lao vào ôm chân, cản địa cho đối tượng tẩu thoát khi bị bắt.

Thượng tá Lê Thơm, Trưởng phòng 6 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an cho biết: “Các đối tượng buôn lậu thuốc lá lợi dụng khu vực vùng biên giới rộng lớn, thuê nhiều thanh niên làm cửu vạn hoặc chạy ca nô trên sông để cản địa lực lượng chức năng. Sau khi xác định nhóm Phong tập kết thuốc lá ở rạch tràm chỉ có con đường duy nhất dẫn vào đã được bố trí nhiều “tai mắt”, Phòng 6 C74 quyết định đánh án kiểu “đặc công”, bí mật bắt người để chúng không thể tẩu tán hàng lậu, chạy trốn cũng như kêu gọi hỗ trợ...”.

Triệt để khai thác các mặt hàng

Ngày 4-7, các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phối hợp với Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm tra 3 đối tượng Vũ Thị Hương Huyền (SN 1965), Vũ Thị Ngọc Điệp (SN 1967), Vũ Thị Ngọc Thảo (SN 1979) ngụ tại quận Phú Nhuận, TP HCM, cùng 13 kiện hàng được vận chuyển theo đường ký gửi hành lý trên chuyến bay JL79 từ Nhật Bản về Việt Nam.

Qua kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện trong 13 kiện hàng có giấu 300 hộp thực phẩm chức năng, nhãn hiệu Dr.Select Placeta 300.000 loại 9mg/gói, không được chủ hàng kê khai trong tờ khai hải quan.

Bị kiểm tra, ban đầu các đối tượng cảm thấy hơi chột dạ. Do đã từng nhiều lần thực hiện hành vi này nên cả ba nhanh chóng “lấy lại bình tĩnh” chối bay chối biến, rằng họ đi du lịch chứ không quen biết ai bên Nhật để thực hiện việc buôn lậu và mấy kiện hàng mà lực lượng công an vừa phát hiện là do họ lấy... nhầm và đang có ý định trả lại.

Trước tình huống này, các trinh sát Cục C74 và Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã tiến hành tra cứu trên hệ thống, lật lại toàn bộ hành trình, từ khâu  làm thủ tục tại Nhật Bản về sân bay Tân Sơn Nhất, của Huyền, Điệp, Thảo, đồng thời kiểm tra các dữ liệu trên thẻ ký gửi và vé của 3 đối tượng này để chứng minh số hàng hóa trên chính là của họ.

Ngay sau đó các đối tượng lại quay qua nói rằng nhận vận chuyển giúp một người bạn mới quen để lấy một ít tiền công. Lúc này các trinh sát buộc phải đưa ra bằng chứng về những hành vi của 3 đối tượng từ trước đó cùng hành trình di chuyển và địa điểm nhận hàng vận chuyển về nước thì Huyền, Diệp, Thảo mới chịu ký nhận vào biên bản phạm pháp quả tang.

Bắt buôn lậu thuốc tây tại quận Bình Tân, TP HCM.

Theo lời khai của các đối tượng, cả 3 chị em họ đã tìm cách sang Nhật mua thực phẩm chức năng giá rẻ mang về bán. Để đối phó với cơ quan chức năng, mỗi chuyến đi họ sẽ mua một lượng thuốc Tây nhất định làm vỏ bọc bên ngoài, giấu những gói thực phẩm chức năng vào giữa, khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ kê khai số tân dược trong tờ khai hải quan, còn thực phẩm chức năng không khai báo vì mặt hàng này phải nộp thuế cao hơn.

Ngày 16-7, phối hợp với Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chống buôn lậu đã kiểm tra 8 kiện hàng, trên chuyến bay từ Cộng hòa Czech về Việt Nam, phát hiện bên trong lô hàng này có 31 vật thể màu trắng, nghi là ngà voi, với trong lượng 15 kg, trị giá ước tính 1 tỉ đồng. Người đứng tên nhận số hàng trên là một người đàn ông 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ngụ tại Long An. Khi làm thủ tục nhập khẩu, đối tượng đã không xuất trình được giấy tờ hợp pháp có liên quan.

Một vụ buôn lậu thuốc tây bị bắt giữ.

Tiếp theo, ngày 18-7, phối hợp với Đội 4A - Chi cục Quản lý thị trường TP HCM và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các trinh sát Phòng 6 - Cục C74 đã tiến hành kiểm tra một chiếc taxi tại địa chỉ 71/12, đường số 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, khi chiếc xe này đang chuẩn bị chở một lô hàng tân dược đi giao cho đối tác tại TP HCM.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định toàn bộ lô hàng gồm trên 4.000 hộp với trên 243.000 đơn vị sản phẩm tân dược các loại, trong đó chủ yếu là loại thuốc hiệu Diamicron 30mg (thuốc trị bệnh tiểu đường) và Plavix75MG14TABS trị nhồi máu cơ tim đều mang nhãn mác nước ngoài. Tuy nhiên chủ lô hàng là bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đã không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu, không có dấu của Cục Quản lý dược và không có nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Trung tá Trần Thanh Hiển - Phó Cục trưởng C74 cho biết: Hiện nay tình hình buôn lậu diễn biến hết sức phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới Tây Nam thuộc các tỉnh Long An, Tây Ninh và An Giang.

Đường cát là mặt hàng được buôn lậu phổ biến nhất. Các đối tượng thường cho sang bao bì không nhãn mác hoặc mang nhãn mác của các nhà máy đường trong nước từ bên kia biên giới, sau đó xé lẻ thành những lô hàng nhỏ sử dụng hóa đơn VAT của các doanh nghiệp mía đường trong nước để hợp thức hóa hàng lậu đưa vào nội địa tiêu thụ.

Chính vì vậy, muốn chứng minh hành vi buôn lậu, Cục C74 phải tổ chức trinh sát và truy bắt hàng lậu ngay tại biên giới. Các trinh sát ngoài việc phải nằm rừng, lội ruộng đồng để truy bắt đối tượng, hàng hóa, còn phải thường xuyên đối mặt với sự chống đối của các đối tượng buôn lậu...

Đức Hà
.
.