Bọn khủng bố bắt du khách tham quan sa mạc làm con tin

Thứ Sáu, 18/04/2008, 14:15
Hơn một tháng sau khi mất tích, số phận hai du khách ngưới Áo tham quan vùng sa mạc Tunisia vẫn còn mù mờ. Và vụ việc càng trở nên phức tạp khi có cảnh báo Al-Qaeda đã có chân rết ở vùng Maghreb (Bắc Phi). Nhóm khủng bố này - từng chịu trách nhiệm về những vụ đánh bom tự sát ở Algeria trong năm 2007 - tuyên bố hai du khách người Áo đang nằm trong tay chúng.

Hiện thời người ta cho rằng hai con tin - Wolfgang Ebner, 51 tuổi, và Andrea Kloiber 43 tuổi - bị giam cầm tại một nơi nào đó ở vùng sa mạc hẻo lánh tại miền Bắc Mali. Theo thông tin trên Internet, bọn bắt cóc yêu cầu các chiến binh của chúng bị giam giữ ở AlgeriaTunisia phải được trả tự do để đổi lấy tính mạng của hai du khách người Áo. Bọn bắt cóc đã 2 lần hoãn thời hạn cuối cùng và thời hạn mới đây nhất được ấn định vào ngày 6/4. Có nguồn tin là bọn chúng đòi một khoản tiền chuộc.

Tổ chức trên vùng đất Maghreb Hồi giáo của Al-Qaeda (AQIM) nổi lên từ tàn dư cuộc bạo loạn của người Hồi giáo ở Algeria trong thập niên 90 thế kỷ trước. Bọn chúng sử dụng tên gọi này vào đầu năm 2007 và sau đó bắt đầu tiến hành những cuộc đánh bom khủng bố cũng như gia tăng các chiến dịch tuyên truyền.

Song những cuộc tấn công mới đây của AQIM chỉ giới hạn ở miền Bắc Algeria. Theo Jean-Francoise Daguzin, Cơ quan nghiên cứu chiến lược FSR ở Paris, vụ bắt cóc hai du khách người Áo vừa qua cho thấy, AQIM đang cố bành trướng ảnh hưởng của chúng và lôi kéo các nhóm chiến binh lẻ tẻ trong khu vực Maghreb.

Daguzin nói: “Mong muốn của chúng là tạo dựng một không gian nổi loạn và thu hút sự chú ý của quốc tế bằng việc tấn công du khách nước ngoài tìm đến sa mạc”.

Tuy nhiên, trường hợp của hai du khách người Áo không phải là chỉ mới xảy ra. Giữa tháng 2 và 5/2003, một nhóm chiến binh Hồi giáo SGCC - tiền thân của AQIM - đã tổ chức bắt cóc 32 du khách người châu Âu thực hiện chuyến lữ hành băng qua sa mạc Sahara và giam giữ số con tin này trong vài tháng.

Một con tin nghe nói đã chết vì kiệt sức do nóng trước khi người cuối cùng trong số du khách được trả tự do vào tháng 8 cùng năm, sau khi nhận được số tiền chuộc là 5 triệu euro từ chính phủ Đức. Tuy nhiên chính phủ Đức từ chối xác nhận hay phủ nhận về cái chết này.

Tình hình diễn biến cho thấy an ninh sa mạc Sahara đang bị đe dọa và buộc chính quyền địa phương phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Phía Mỹ nhận định khu vực Sahel, giáp giới với sa mạc Sahara và bao gồm Mali, Niger, Chad và Mauritania, là nơi tiềm ẩn nguy cơ khủng bố rất cao.

Từ đó Mỹ đã thành lập chương trình hành động Pan-Sahel Initiative để đối phó. Chương trình này nằm trong chương trình chống khủng bố Trans-Sahara mở rộng bao gồm các quốc gia Algeria, Morocco, Tunisia, SenegalGhana.

Theo giới chức quân sự Mỹ, chương trình Pan-Sahel Initiative được “xây dựng để phát triển các lực lượng an ninh nội địa cần thiết nhằm kiểm soát các đường biên giới và chống khủng bố cũng như các hoạt động phạm pháp khác.

Mặc dù một số nhà quan sát chưa chắc chắn về mối đe dọa khủng bố trong khu vực sa mạc Bắc Phi, song sự biến mất của hai du khách người Áo đã cho thấy tình hình an ninh dọc đường biên giới của vùng sa mạc còn quá lỏng lẻo.

Geoff Porter, nhà phân tích của Eurasia Group ở New York, nhận định bọn bắt cóc có thể di chuyển hai du khách người Áo băng qua hàng trăm kilômét sa mạc và rất có thể là các chính quyền trong khu vực đã tạo điều kiện cho chúng chuyển con tin đến khu vực trung lập.

Chính quyền Áo vẫn chưa xác định rõ hai công dân của họ hiện đang ở đâu. Nhưng căn cứ theo thông tin cho rằng hai người Áo đang bị giữ tại Mali, Chính quyền Áo đã gửi một nhóm phái viên đến thủ đô Bamako của Mali nơi không có sứ quán Áo.

Mới đây, bạo loạn đã nổ ra ở miền Bắc Mali như là cuộc nổi loạn Tuareg đòi quyền tự trị và tấn công đoàn xe quân sự của nước này. Người ta cho rằng bọn bắt cóc muốn cảnh báo du khách phương Tây đừng tìm đến Tunisia và số quốc gia ở Bắc Phi, bao gồm Morocco, AlgeriaMauritania.

Một tấm ảnh phụ nữ - có thể đó là Kloiber - đầu trùm khăn màu xanh và khuôn mặt bị làm mờ đi bằng kỹ thuật số đượcc công bố như một lời đe dọa du khách. Đến nay, vụ mất tích của hai du khách người Áo cũng gây lo lắng cho Tunisia, quốc gia phát triển nhờ ngành du lịch

Di An (theo BBC)
.
.