Brazil: “Chiến dịch rửa xe” liên quan đến cựu Tổng thống L. Silva

Thứ Bảy, 12/03/2016, 13:35
Sáng sớm ngày 4-3-2016, Cảnh sát liên bang Brazil gõ cửa nhà cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ở khu đô thị Sao Bernardo do Campo thuộc bang Sao Paulo, đưa ông lên một chiếc ôtô chạy đến đồn cảnh sát ở sân bay Congonhas để thẩm vấn. Khoảng 3 giờ sau, Lula da Silva được thả ra.

Trong lúc đó, cảnh sát cũng tiến hành lục soát các văn phòng của Viện Lula - tổ chức phi chính phủ do Lula da Silva thành lập - và nhà của một số thành viên gia đình cũng như quan chức dưới trướng ông. Tổng cộng, 200 cảnh sát liên bang đã thực hiện 33 cuộc lục soát và 11 vụ bắt giữ tại nhiều địa điểm ở 3 bang khác nhau của Brazil.

Vụ ông Lula da Silva bị đưa đi thẩm vấn là một phần trong cuộc điều tra kéo dài về vụ bê bối tham nhũng gây chấn động Brazil liên quan đến cựu tổng thống và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Cuộc điều tra mang tên "Chiến dịch Lava Jato" (Chiến dịch Rửa xe) do thẩm phán Sergio Moro tiến hành từ  hồi tháng 3-2014. Trong vụ án này, từ năm 2003, một số công ty xây dựng và kỹ thuật được cho là đút lót số tiền khổng lồ lên đến 4 tỷ USD cho giới chức cao cấp Petrobras để giành những hợp đồng béo bở.

Vụ bê bối cũng liên quan đến nhiều chính khách hàng đầu thuộc vài đảng phái. Ban lãnh đạo Petrobras cùng hàng chục giám đốc các công ty xây dựng lớn nhất Brazil cũng như công ty kỹ thuật đã bị bắt giữ nhằm phục vụ điều tra "Chiến dịch Lava Jato".

Hàng chục chính khách có ảnh hưởng, như thủ quỹ Joao Vaccari Neto thuộc đảng Lao động cầm quyền (PT) và Chánh văn phòng Nội các Jose Dirceu của ông Lula da Silva cũng bị bắt giữ. Không chỉ chính khách thuộc đảng PT cầm quyền liên quan đến bê bối tham nhũng, mà Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha thuộc đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), đối thủ đáng gờm của tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff, cũng bị cảnh sát lục soát nhà riêng.

Ông Lula da Silva.

Viện Công tố Brazil cáo buộc Eduardo Cunha nhận 40 triệu USD tiền hối lộ, song chính khách này đã thẳng thừng bác bỏ. Các công tố viên cho là ông Lula da Silva hưởng "những lợi ích bất hợp pháp" từ bên hối lộ, như việc nâng cấp căn hộ hoành tráng bên bờ biển ở Guaruja trị giá đến 270.000 USD và một nông trại do gia đình cựu tổng thống sở hữu.

Cựu tổng thống cũng nhận số tiền hối lộ khoảng 8 triệu USD qua hình thức tiền quyên góp và phí trả cho những bài diễn văn. Tuy nhiên, Lula da Silva luôn bác bỏ mọi cáo buộc từ các công tố viên và phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Ông Lula da Silva được xem là "người thầy chính trị" của nữ Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff. Vào đầu năm 2014, Rousseff thừa nhận "vụ bê bối có thể làm thay đổi đất nước mãi mãi". Bà cũng phủ nhận mọi hành vi sai trái đã phạm phải trong thời gian làm Chủ tịch Ban Giám đốc Petrobras từ năm 2003- 2010. Đối với những người ủng hộ cựu tổng thống, vụ bắt giữ được coi là một phần của "cuộc chiến bẩn thỉu" chống lại nhân vật mới đây vừa tuyên bố ý định ra tranh cử tổng thống vào năm 2018.

Người phát ngôn cho Quỹ Lula gọi hành động bắt giữ là "cuộc tấn công chống lại luật pháp tác động đến mọi thành phần trong xã hội Brazil". Trong khi đó, công tố viên Carlos Fernando dos Santos Lima nhấn mạnh rằng, số tiền mà các công ty xây dựng lớn ở Brazil hối lộ Lula da Silva là nhiều và khó xác định số lượng. Vụ bắt giữ chứng minh không một ai nằm ngoài luật pháp ở Brazil.

Vụ bắt giữ Lula da Silva được thông tin trên các kênh truyền hình Brazil.

Ông phát biểu: "Bất cứ ai ở Brazil cũng trở thành đối tượng điều tra nếu có những dấu hiệu cho thấy phạm tội". Trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi ông Lula da Silva được cảnh sát thả ra, cựu tổng thống 70 tuổi lên tiếng chỉ trích quyết định bắt giữ ông mang tính bạo lực để thẩm vấn đã thể hiện rõ "tính độc đoán của hệ thống tư pháp": "Nếu muốn nghe tôi nói, họ chỉ cần gọi điện thoại và tôi sẽ đến bởi vì tôi không nợ bất cứ ai và cũng không sợ bất cứ điều gì. Họ thích phô trương quyền lực cùng tính kiêu ngạo". Về phía mình, bà Rousseff cũng bày tỏ sự "bất mãn hoàn toàn" đối với quyết định bắt giữ Lula Da Silva.

Vụ bắt giữ ông Lula da Silva diễn ra sau khi một tạp chí Brazil đưa ra tuyên bố gây xôn xao dư luận, trong đó nói Thượng nghị sĩ Delcidio do Amaral - một cựu đồng minh thân cận của Lula da Silva và Rousseff - đang chuẩn bị làm chứng chống lại 2 nhân vật này. Amaral bị bắt giữ hồi tháng 11-2015 và được cho là có thương lượng với các công tố viên về vụ làm chứng chống lại Lula da Silva và Rousseff.

Cảnh sát lục soát các văn phòng Quỹ Lula và nhà của cựu tổng thống.

Mặc dù tin tức của tạp chí chưa được xác minh, song nó cũng gây ra phản ứng rõ rệt trong chính quyền của bà Rousseff. Bởi vì, trên thực tế vẫn chưa có cáo buộc chính thức nào chống lại nữ Tổng thống Rousseff trong vụ bê bối tham nhũng Petrobras lớn nhất trong lịch sử Brazil.

Diên San (tổng hợp)
.
.