Bức tường biên giới có ngăn được ma túy?

Thứ Ba, 21/03/2017, 14:45
Ở từng nơi và từng thời kỳ - từ các nhà nước Trung Hoa phong kiến cho đến chính thể CHDC Đức - những bức tường đã tạo ra sự rạn nứt, chia rẽ và bất công. Vì vậy khi một chính trị gia tuyên bố việc xây dựng bức tường nào đó, câu hỏi đầu tiên chúng ta nên hỏi là: Mục đích của nó? Liệu nó có giúp cho mọi chuyện tốt đẹp hơn hay xấu đi?

Ngày 28-2, trong bài diễn văn đầu tiên của mình tại Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ thực thi lời hứa của ông với cử tri Mỹ về việc dẹp bỏ các tập đoàn tội phạm tung hoành ma túy trên khắp nước Mỹ. Ông lập lại tuyên thệ của mình rằng "bức tường vĩ đại" ấy chạy dọc theo biên giới Mexico như một trụ cột cơ bản trong chiến lược của ông, bảo đảm rằng bức tường này sẽ là "vũ khí rất hiệu quả chống tội phạm và ma túy".

Đó không phải là lần đầu tiên ông Trump "tiếp thị" bức tường của mình như một biện pháp chống ma túy. Tuy nhiên, bất kỳ ai từng biết đến mãnh lực của các tập đoàn buôn lậu ma túy Mexico đều nghĩ đây là lời nói không tưởng. Hàng rào ấy, hiện đã che phủ 1/3 biên giới với Mexico, vẫn chưa chặn được ma túy hay các tập đoàn buôn lậu, và việc trám lại những khe hở sẽ không thay đổi được chuyện đó.

Ảnh bức tường biên giới Mỹ-Mexico của Newsweek.

Những biện pháp ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn hiện có để chống lại ma túy, từ những luật lệ chống rửa tiền cho đến hợp thức hóa ma túy hay truy cản các con đường huyết mạch của bọn buôn lậu ma túy đều chưa đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng một bức tường chỉ có ý nghĩa hình tượng và nó gửi một thông điệp: "Chúng tôi đang chống lại các anh, và chúng tôi đang làm điều đó cứng rắn hơn. Hãy nhìn đó mà liệu hồn".

Bức tường giờ đây nằm giữa Mỹ và Mexico là một dự án song phương, được dựng lên theo thời gian bởi cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ nhằm tái củng cố tinh thần toàn bộ cử tri đang hoang mang sợ hãi. Nó từng mang ý nghĩa ngăn chặn dòng người Mỹ Latinh muốn nhập cư bất hợp pháp qua cửa ngõ biên giới, và nhằm chặn đứng các tổ chức buôn lậu ma túy xuyên biên giới - cả những tay sản xuất Nam Mỹ lẫn những kẻ phân phối Mexico - trong nỗ lực tiêu thụ sản phẩm và rửa tiền bẩn của chúng.

Dẫu có bức tường hay không, các tập đoàn buôn lậu ma túy lâu nay vẫn tìm mọi cách đưa ma túy vào Mỹ bằng đủ loại phương tiện: máy bắn đá, tàu lượn trên không, đường hầm qua đèo, và thậm chí cả tàu ngầm. Và ma túy từ Mexico cũng thường vào Mỹ thông qua các chuyến vượt biên giới chính thức: Với hơn nửa triệu người từ Mexico vào Mỹ mỗi ngày, khó có thể kiểm tra từng chiếc xe hơi, xe máy, xe tải và xe buýt đi tour du lịch.

Các tay buôn ma túy thường giấu ma túy bên trong những chiếc xe được phép băng qua biên giới trong một làn xe đặc biệt; những tay chuyển hàng giỏi nhất thường là những người thậm chí không biết mình đang buôn lậu ma túy.

Bọn buôn lậu biết cách che đậy mùi cocain - và qua mặt cảnh khuyển chống ma túy - bằng cách bỏ thêm cà phê và tiêu cayenne bên ngoài bao bì. Một khi xe đi qua được tới bên kia biên giới, bọn buôn lậu sẽ có nhiều cách để thu hồi ma túy. Chừng nào nước Mỹ còn là nơi tiêu thụ ma túy lớn nhất thế giới, chừng ấy Mexico còn cung cấp ma túy, không bức tường nào đủ khả năng ngăn chặn thương vụ béo bở này.

Cho đến nay, bức tường này thậm chí chưa chặn được dòng người nhập cư chưa được thống kê, những kẻ vượt biên bằng mọi cách, sẵn sàng liều mạng trong hoang mạc và làm giàu cho bọn buôn người do các tập đoàn buôn lậu ma túy kiểm soát. Những dân di cư vượt biên để tìm công việc lương thiện, tìm cuộc sống tốt hơn cho gia đình họ. Một số người trong đó thậm chí đào thoát khỏi cuộc bạo loạn từ cuộc chiến chống ma túy.

Trái với lời nói bóng gió phân biệt chủng tộc của ông Trump, họ chẳng phải là thành viên các tập đoàn buôn lậu ma túy. Nhưng bức tường này lại cho phép bọn buôn lậu ma túy khai thác tiền của một số người di cư: Nếu một di dân không có 1.500 đến 2.000 USD trả cho một tên vô lại, y có thể xóa nợ bằng cách giúi cocain vào túi của anh ta trước khi cho phép vượt qua biên giới.

Bức tường cũng không thể chặn đứng nạn rửa tiền bẩn ma túy. Một nghiên cứu năm 2012 của hai nhà kinh tế Colombia, Alejandro Gaviria và Daniel Mejía, tiết lộ rằng 97,4% lợi nhuận buôn lậu ma túy tại Colombia được các hệ thống ngân hàng châu Mỹ và châu Âu rửa sạch thông qua các chiến dịch tài chính đa dạng.

Vụ án Wachovia là một ví dụ rõ nhất. Trong giai đoạn 2004-2007, hàng triệu USD chạy từ túi của tập đoàn buôn lậu Sinaloa vào thẳng các tài khoản ngân hàng Wachovia thông qua các văn phòng ngoại hối (casas de cambio). Những văn phòng tại Mexico sẽ nhận tiền mặt, mở tài khoản do một chi nhánh của ngân hàng Wachovia tại Miami quản lý, và chuyển tiền bằng hình thức điện tử vào các tài khoản tại Mỹ. Wachovia không tôn trọng nghị định thư chống rửa tiền trong việc chuyển hơn 378 triệu USD.

Trong tổng số tiền khổng lồ đó, ít nhất 100 triệu USD đến từ việc buôn lậu ma túy và chấm dứt số phận tiền bẩn của mình tại các hệ thống ngân hàng quốc tế. Năm 2010, Wachovia thương lượng xin được giải quyết 160 triệu USD (110 triệu bị tịch thu và 50 triệu tiền phạt) với chính phủ liên bang. Nhưng con số đó chẳng là gì so với lợi nhuận của ngân hàng này.

Từ bọn buôn lậu ma túy cho đến các tổ chức ngân hàng, các phòng ngoại hối - đều có lợi bất kể bức tường bởi vì bọn buôn lậu ma túy không còn vượt biên với những cái vali đầy tiền như xưa! Ngày nay, tiền được chuyển trực tiếp từ Mexico sang Mỹ chỉ với một cú nhấp chuột vi tính.

Vậy mà mới đây Hệ thống Bù trừ liên ngân hàng (the Clearing House) - một tổ chức đại diện cho các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - loan báo kế hoạch đề nghị chính phủ Mỹ đưa ra luật rửa tiền mới. Hệ thống này sẽ giảm các yêu cầu hiện hành (bao gồm việc hoàn tất một báo cáo cho mỗi lần chuyển khoản nghi vấn phạm pháp), nhờ đó giảm bớt gánh nặng tài chính và bàn giấy mà ngân hàng đang phải gánh vác, để tôn trọng nghị định thư chống rửa tiền hiện hành.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.