Buôn lậu động thực vật hoang dã tràn lan trên Amazon và eBay

Thứ Sáu, 13/05/2016, 15:30
Thú vui sưu tầm những giống thực vật lẫn động vật hoang dã ngoại lai của nhiều người đang hủy diệt dần các hệ sinh thái trên toàn cầu. Chính vì đặc tính hiếm có của các loài ngoại lai khiến cho chúng trở nên hấp dẫn lạ lùng.

Hiện nay, 2 trang thương mại điện tử nổi tiếng Amazon và eBay bị buộc tội vi phạm những điều luật quốc tế khắt khe bảo vệ động thực vật hoang dã khi công khai rao bán tràn lan các loài quý hiếm trên Internet bất chấp cảnh báo về sự tuyệt chủng của giống loài tự nhiên.

Amazon cũng như eBay đều cho phép đăng quảng cáo và đóng gói hàng hóa những loài thực vật ngoại lai như là loài thủy quyết (Azolla filiculoides) hay rong đuôi chó (Myriophyllum aquaticum) vào nước Anh. Hai loài cây này bị cấm du nhập vào Anh do sự tăng trưởng nhanh của chúng gây bất lợi cho môi trường thủy sinh nước này.

Bất cứ nhà bán lẻ nào bị khép tội chào bán những loài trong danh mục cấm có thể bị phạt tiền đến 5.000 bảng Anh (khoảng 7,225 USD) và ngồi tù 6 tháng. Tuy nhiên, hiện tại trang eBay vẫn tiếp tục cho phép mua bán những loài cây này, trong khi Amazon chỉ gỡ bỏ loài rong đuôi chó ra khỏi danh mục thương mại của trang.

Rong đuôi chó.

Hiện tại, chính quyền Anh vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng thủy quyết và rong đuôi chó được đóng gói đưa vào nước này, song một số tổ chức tư nhân nhận định hàng ngàn giao dịch bất hợp pháp thuộc loại ngoại lai này đã diễn ra. Amazon và eBay cũng không tiết lộ kế hoạch kiểm soát hoạt động mua bán những loài thực vật cấm trên trang thương mại điện tử của họ.

Đây không phải là lần đầu tiên các trang thương mại điện tử bị chỉ trích gay gắt vì cho phép mọi người tự do mua bán động thực vật hoang dã trên nền tảng của họ.

Theo một nghiên cứu của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở thành phố Zurich (ETHZ) được công bố năm 2015 trên tờ Conservation Biology, hai phần ba hệ thực vật trên toàn thế giới được mua bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử, bao gồm eBay. Chỉ riêng trên eBay, 2.625 loài thực vật được đem ra đấu giá công khai - theo dữ liệu nghiên cứu của ETHZ.

Trong nhóm này, 510 loài ngoại lai có xuất xứ từ ít nhất một khu vực địa lý trên thế giới, và 35 loài trong số đó nằm trong danh sách 100 loài ngoại lai nguy hiểm của Liên Hiệp Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) đặt trụ sở tại thành phố Gland (Thụy Sĩ).

Cũng theo nhóm nhà nghiên cứu Thụy Sĩ, quả lạc tiên (Passiflora edulis) xuất hiện xấp xỉ 90 lần một ngày trên các trang thương mại điện tử. Hoa thanh cúc (Centaurea cyanus) được rao bán trung bình hơn 80 lần/ngày, và đây là loài ngoại lai hiện bị cấm mua bán tại một số bang nước Mỹ.

Giống cỏ vũ mao Mexico.

Hoạt động giao dịch mua bán giữa các bên thường diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới khiến cho việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn, nhất là tại một số quốc gia có nhiều lỏng lẻo trong luật xuất nhập khẩu. Những lô hàng thực vật ngoại lai bị cấm nhập khẩu vào Anh thường có xuất xứ từ Latvia, Australia, Ba Lan và Đức.

Năm 2014, một hội đồng kiểm soát thực vật ngoại lai gây đe dọa cho tính đa dạng sinh thái của Australia báo cáo về hoạt động bán vào nước này hạt giống loài cỏ vũ mao Mexico (Nassella tenuissima) từ Mỹ, Hồng Kông và Trung Quốc. Nhóm nhà nghiên cứu Thụy Sĩ cho biết thị trường thực vật ngoại lai trực tuyến trở nên toàn cầu hóa do những quy định về thương mại trên Internet chưa được chặt chẽ.

Các quốc gia trước đây chưa xuất khẩu thực vật ngoại lai - như là Nam Phi - thì nay cũng xuất hiện trên thị trường trực tuyến. Bộ Nội vụ Mỹ (DOI) cũng thừa nhận chính quyền nước này chưa có chính sách cụ thể giám sát hoạt động mua bán thực vật ngoại lên trên Internet. Quy định toàn cầu về thị trường đen thực vật ngoại lai chỉ mới được cụ thể hóa thông qua Công ước Quốc tế về mua bán động thực vật hoang dã (CITES).

Một số trang web cũng có nỗ lực kìm hãm hoạt động buôn bán thực vật ngoại lai trái phép trên nền tảng của họ. Năm 2009, Alibaba ký kết thỏa thuận với mạng giám sát thương mại động thực vật hoang dã TRAFFIC, đặt trụ sở tại thành phố Cambridge nước Anh, về các loài động vật quý hiếm, đồng thời triển khai giáo dục khách hàng thông qua những quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội và các ứng dụng trò chuyện trực tuyến.

Năm 2009, eBay cũng đồng hành với TRAFFIC trong chương trình thông tin với người dùng về mua bán ngà voi bất hợp pháp trên Internet.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.