Buôn lậu xăng dầu trên biển: Trang bị cả vũ khí “nóng”
- Tội phạm quốc tế điều hành buôn lậu xăng dầu trên biển
- Hé lộ bí mật về chuyên án buôn lậu xăng dầu cực "khủng" trên biển1
- Buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến phức tạp1
Vấn nạn buôn lậu xăng dầu trên biển không chỉ gây thất thu khá lớn cho ngân sách Nhà nước, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy gây mất an ninh, an toàn trên biển, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng, ảnh hưởng trực tiếp môi trường biển và làm mất khả năng kiểm soát về chất lượng xăng dầu, tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ cao về cháy nổ phương tiện.
Cảnh sát Biển Vùng 3, Vùng 4 kiểm tra, bắt giữ tàu chở lậu xăng dầu. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, thời gian qua hoạt động buôn lậu, vận chuyển, sang mạn trái phép xăng dầu đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến vô cùng phức tạp trải dài theo bờ biển nước ta từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau, Kiên Giang…
Đặc biệt là vùng biển Tây Nam (Kiên Giang) gần đây gia tăng nhiều vụ buôn lậu xăng dầu có quy mô lớn và số lượng cực lớn.
Tại vùng biển Vũng Tàu trước đây, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển thường phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển dầu trên biển nhưng số lượng chỉ vài chục ngàn lít. Còn nay, nhiều tàu dầu bị bắt tạm giữ có số lượng từ 100 ngàn lít trở lên. Hoạt động buôn lậu xăng dầu đang gia tăng với số lượng, số vụ rất cao.
Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 20 vụ/30 tàu/170 đối tượng vi phạm. Trong đó, có trên 3,5 triệu lít dầu D.O. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 12 vụ/16 tàu/58 đối tượng, với tổng số tiền phạt trên 3,5 tỷ đồng và tịch thu trên 2 triệu lít dầu.
Riêng tính trong 1 tháng (từ ngày 22-4 đến 22-5), lực lượng Vùng 4 Cảnh sát Biển (Phú Quốc) đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, bắt giữ trên 6 tàu buôn quốc tịch Thái Lan sang mạn xăng dầu trái phép, tịch thu hơn 3,5 triệu lít dầu không rõ nguồn gốc trên biển, trị giá trên 30 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Cảnh sát Biển còn phát hiện có tàu buôn dầu lậu đã từng bị bắt giữ 4-5 lần, nay vẫn tiếp tục vận chuyển, buôn bán xăng dầu trái phép trong hải phận biển Tây Nam nước ta.
Theo lời của thuyền trưởng tàu Asia Star (quốc tịch Thái Lan) bị Cảnh sát Biển 4 bắt giữ đã khai: mọi công việc thỏa thuận mua bán xăng dầu đều diễn ra trên bờ. Các tàu vận chuyển chỉ cần đến đúng tọa độ được thông báo trước đó, nhận đúng ám hiệu là tiến hành sang mạn, bơm dầu. Thuyền trưởng hai tàu không quen biết, chỉ ký sổ xác nhận rồi quay tàu về. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, thì chỉ cần ném sổ xuống biển là xong. Thuyền trưởng này còn cho biết thêm: Đã thực hiện trót lọt trên 50 phi vụ nay mới bị bắt.
Các tàu vận chuyển, mua bán xăng dầu trên biển được chủ tàu trang bị điện thoại vệ tinh và hệ thống ra-đa định vị hiện đại, bán kính rộng đã nhanh chóng phát hiện, cảnh giới từ xa, thông tin với nhau khi phát hiện các lực lượng chức năng chấp pháp của Việt Nam ra biển tuần tra, kiểm soát. Nhiều vụ sang mạn xăng dầu ngoài phao số 0 được xác định tọa độ, nhưng khi cơ quan chức năng đến nơi thì các tàu dầu đã biến mất.
Các tàu buôn bán dầu là tàu mang số hiệu nước ngoài, đa số là Thái Lan có trọng tải lớn thường nhận vận chuyển hàng hóa từ cảng ở Malaysia, Singapore, Indonesia… tổ chức giao dịch bán xăng dầu cho các tàu cá Việt Nam tại vùng biển giáp ranh và vận chuyển vào nội địa tiêu thụ hưởng giá chênh lệch. Những trùm buôn lậu xăng dầu trong nước trực tiếp giao dịch mua bán với những trùm đầu nậu ở nước ngoài.
Sau đó, móc nối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh thành, khu vực và đơn vị chuyên vận tải xăng dầu. Bến bãi, tàu nhận hàng thường diễn ra trong đêm tối tại các tọa độ theo thỏa thuận thường là rất gần các cửa sông nếu bên kinh doanh “lo bến bãi” nhận hàng sang mạn. Các đối tượng buôn lậu nội địa kiểu này chủ yếu là vận chuyển xăng dầu an toàn vào các kho ở nhiều tỉnh thành để phân phối và tiêu thụ.
Đại tá Trần Văn Nam - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho hay: Lực lượng Cảnh sát Biển gặp khó khăn khi bắt giữ, kiểm tra hoạt động buôn lậu xăng dầu tại khu vực biển xa giáp ranh giữa Việt Nam và các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Tình hình tại khu vực biển Tây Nam diễn biến hết sức phức tạp. Các tàu buôn lậu xăng dầu của nước ngoài (chủ yếu là Thái Lan) tổ chức vận chuyển, sang mạn dầu trái phép cho các tàu cá cải hoán của Việt Nam và sau đó trực tiếp bán cho tàu đánh bắt cá ngay trên biển.
Hành vi sang mạn, buôn bán diễn ra trên vùng biển nước ngoài vào ban đêm, khi trời sáng chúng bắt đầu di chuyển vào vùng biển chủ quyền Việt Nam. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng lập tức cơ động thoát ra vùng biển nước ngoài.
Đặc biệt trong thời gian qua, khi lực lượng Cảnh sát Biển bắt giữ các đối tượng buôn lậu dầu trên biển Tây Nam đã phát hiện nhiều vũ khí nóng được trang bị trên tàu. Đây là dấu hiệu cho thấy tính chất nguy hiểm của các đối tượng buôn lậu xăng dầu hiện nay mang tính quốc tế, xuyên quốc gia nếu chúng ta không xử lý chính xác, mất cảnh giác, thiếu linh hoạt khi tiếp cận đối tượng mất ưu thế, sẽ dẫn đến hậu quả rất xấu.
Các đầu nậu buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài, câu kết với các đối tượng đầu nậu trong nước sử dụng tàu thuyền vận chuyển không treo cờ, không mang quốc tịch hoặc sử dụng tàu cá cải hoán thành khoang, téc chứa xăng dầu mua từ các tàu mang quốc tịch nước ngoài xuất hiện tại các vùng biển giáp ranh nên rất khó cho các lực lượng chức năng phát hiện xử lý. Tàu chở dầu lậu sử dụng máy có công suất lớn, trọng tải nhỏ, khi có thông tin về lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát dễ dàng cơ động tránh né.
Đa phần là bỏ chạy sang vùng biển nước ngoài, do địa điểm giao dịch, sang mạn xăng dầu tại vùng biển giáp ranh. Lợi dụng đêm tối và thời tiết xấu, bọn buôn lậu xăng dầu trên biển tiến hành nhanh chóng các giao dịch sang mạn, bơm hút dầu qua các tàu đánh cá cải hoán, ngụy trang để vận chuyển vào lãnh hải buôn bán cho tàu cá hoặc vận chuyển vào đất liền để phân phối, tiêu thụ.
Bên cạnh việc khuyến khích ngư dân bám ngư trường, bám biển giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, các lực lượng chức năng luôn đồng hành cùng ngư dân bảo vệ tài sản, con người, thực thi đúng pháp luật biển, pháp luật và công ước quốc tế về Biển.