CIA đã thực sự rút khỏi Syria?

Thứ Sáu, 11/08/2017, 15:48
Chương trình hỗ trợ vũ khí và huấn luyện cho phiến quân đối lập chống Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sẽ phải chấm dứt sau quyết định của Tổng thống Donald Trump. Phiến quân Syria bất mãn, còn những người ủng hộ chương trình này nhằm mục đích lật đổ ông Assad thì kêu gào, phản đối. Nhưng đây chỉ là một bước đi mới của Mỹ trên bàn cờ Syria chưa tàn cuộc.

Bước lùi của Mỹ

Quyết định chấm dứt chương trình CIA tài trợ cho phiến quân Syria được Tổng thống Donald Trump đưa ra vào ngày 19-7 vừa qua khiến nhiều người bị bất ngờ. Bởi lẽ, cách đây 3 tháng, sau khi Mỹ cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, ông Trump đã ra lệnh cho máy bay ném bom một căn cứ không quân của Chính phủ Syria để “trừng phạt”.

Tuy nhiên, một số người am hiểu thì không bất ngờ, bởi từ trước đó ông đã chỉ trích chương trình này là kém hiệu quả và lãng phí. Quá trình đi đến quyết định cũng đã trải qua một thời gian đắn đo, suy nghĩ, cùng với sự tham vấn ý kiến của các phụ tá và lãnh đạo ngành tình báo.

Quyết định bắt đầu được mang ra xem xét tại cuộc họp làm việc giữa Tổng thống Trump với Giám đốc CIA Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster vào hạ tuần tháng 6, khoảng nửa tháng trước khi ông Trump có cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị G20 ở Đức.

Ngay sau cuộc gặp giữa hai ông Trump - Putin, một thỏa thuận ngừng bắn đã được triển khai tại Syria, đồng thời hai bên tiếp tục thảo luận triển khai thêm một số biện pháp nhằm ổn định tình hình Syria, tiến tới chấm dứt cuộc nội chiến, tập trung lực lượng cho việc quét sạch tàn quân IS. Có lẽ do vậy mà dư luận và báo chí có nhiều ý kiến cho rằng, ông Trump quyết định chấm dứt chương trình CIA tài trợ cho phiến quân Syria là để đáp ứng điều kiện của Nga trong thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.

Dù được CIA viện trợ, phiến quân FSA vẫn không thể làm nên lịch sử ở Syria.

Mặt khác, quyết định được đưa ra trong bối cảnh cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 cho nên phát sinh nhiều điều tiếng là lẽ tất nhiên. Theo các quan chức Mỹ, CIA không chấm dứt hoạt động tại Syria ngay lập tức mà sẽ rút dần trong nhiều tháng. Một phần nguồn lực và khí tài hỗ trợ phiến quân sẽ được điều chuyển cho các nhiệm vụ khác, như chống IS hoặc trang bị cho phiến quân để tự vệ.

Hao tiền tốn của mà... vô bổ

Chương trình hỗ trợ phiến quân Syria được xem là một trong những nỗ lực trang bị vũ khí và huấn luyện phiến quân tốn kém nhất của CIA kể từ thời nội chiến Afghanistan thập niên 80 thế kỷ XX. Chương trình này bắt đầu được manh nha từ mùa hè năm 2012, với việc Giám đốc CIA khi đó là David H. Petraeus lần đầu đề xuất việc trang bị vũ khí và huấn luyện cho phiến quân khi các lực lượng này đang thất thế trước quân đội Chính phủ Syria.

Đề xuất đó đã tạo nên một cuộc tranh luận trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Barack Obama, trong đó một số cố vấn cao cấp của ông Obama lập luận rằng, với chiến trường hỗn loạn ở Syria, hầu như không thể bảo đảm vũ khí do CIA cung cấp không rơi vào tay thành phần phiến quân cực đoan như Mặt trận Nusra. Thế là ông Obama bác bỏ đề xuất. Nhưng một năm sau, ông đổi ý, ký sắc lệnh phê duyệt một báo cáo trong đó cho phép CIA được tiến hành việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho những nhóm nhỏ phiến quân tại căn cứ huấn luyện ở Jordan.

Sự đổi ý 180 độ của ông Obama được cho là do sức ép vận động hành lang quá quyết liệt của các lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Vua Abdullah II của Jordan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Netanyahu đã hối thúc Mỹ đóng vai trò chủ động hơn để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria.

Vậy là chương trình CIA tài trợ cho phiến quân Syria ra đời, mang mật danh là Timber Sycamore. Ở giai đoạn đầu, chương trình được triển khai từ từ, nhưng đến năm 2015 thì được đẩy nhanh tiến độ và đạt một số kết quả nhất định.

Với sự tham gia của Mỹ, một số nước đồng minh của Mỹ trong khu vực như Arập Xêút, Jordan, UAE cũng nhảy vào cùng góp sức tài trợ cho phiến quân Syria. Chính nhờ thế mà vào đầu năm 2015, phiến quân đối lập với thành phần nòng cốt là lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) đã trở thành lực lượng hùng mạnh, chiếm ưu thế trước quân đội Chính phủ Syria, nắm giữ được nhiều vùng lãnh thổ và nhiều địa điểm trọng yếu.

Tuy nhiên, khi phiến quân FSA đánh vào các tỉnh Idlib, Hama và Latakia ở phía Bắc Syria, tình hình lại trở nên khó khăn cho Washington, vì thành phần Hồi giáo cực đoan (Mặt trận Nusra) chiến đấu bên cạnh FSA cũng tranh thủ chiếm giữ các vùng lãnh thổ cho riêng mình. Chính vì sự bành trướng của Mặt trận Nusra đã khiến cho Tổng thống Nga Putin quyết định phải can thiệp.

Mặt trận Nusra là lý do cực tốt cho một cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria nhằm mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ Chính phủ Syria do ông Assad lãnh đạo. Chiến dịch không kích bằng vũ khí hiện đại và hiệu quả bậc nhất của Nga đã vùi dập không chỉ Mặt trận Nusra mà chủ yếu là đánh bật phiến quân FSA ra khỏi các vị trí chiếm đóng trước đó, buộc lực lượng này phải co cụm về địa bàn vốn có trước đây, giúp Chính phủ Syria lấy lại thế cân bằng, đồng thời dần dần nắm ưu thế tuyệt đối trên chiến trường.

Trong khi đó, sự xuất hiện và lớn mạnh của IS đặt ra một thách thức lớn thứ hai cho phiến quân FSA; chính IS đã đẩy FSA vào con đường tuyệt vọng, tiến thoái lưỡng nan. Chương trình viện trợ của CIA dành cho phiến quân FSA bỗng chốc trở thành công cốc, mọi hy vọng, mục tiêu đều tiêu tan nhanh chóng mà không có cách gì gỡ gạc được.

Non nửa năm trở lại đây, nhiều căn cứ chiến lược tại khu vực miền nam Syria đã rơi vào tay quân đội Chính phủ Syria. Thực tế này cho thấy, khả năng “lật kèo'” của phe đối lập đã làm “nhà bảo trợ” lớn nhất là Mỹ hết hy vọng.

Cựu Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Syria Hussam Awak gia nhập SDF từ đầu năm 2016.

Từng bình luận về quyết định '”đóng băng'” chương trình hỗ trợ FSA hồi tháng 2-2017, Larry Johnson, một quan chức CIA đã nghỉ hưu cho rằng: “Tôi nghĩ đều chúng tôi cần phải thừa nhận lực lượng đối lập này hoạt động không hiệu quả''. Hiện tại, phiến quân FSA gần như đã bị đánh bại, mất hầu hết các địa bàn quan trọng ở Syria, không còn khả năng chống trả quân đội Chính phủ Syria.

Đã vậy, do hoạt động viện trợ và huấn luyện cho phiến quân Syria diễn ra trên đất Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, nên đã xảy ra một số vấn đề lấn cấn với các quốc gia đồng minh này. Báo chí đã từng đưa tin về việc kho vũ khí viện trợ của CIA trên đất Jordan đã bị bốc hơi ngay cả khi chúng chưa kịp cấp phát cho phiến quân Syria, lý do là chúng bị các sĩ quan tình báo Jordan lấy cắp và mang đi bán trên thị trường chợ đen, từ đó rất nhiều súng đạn của CIA đã rơi vào tay khủng bố và cả IS.

Rồi liên tục nhiều báo cáo gửi về Washington tố cáo phiến quân do CIA huấn luyện đã vi phạm luật chiến tranh, tàn sát dân thường, tù nhân,... làm mất uy tín của cơ quan này và cả nước Mỹ. Tất cả những yếu kém, thất bại này đã quá đủ để Tổng thống Trump đi đến quyết định phải chấm dứt chương trình viện trợ ngay.

Với việc chấm dứt chương trình viện trợ của CIA cho phiến quân đối lập, sự tham gia của Mỹ tại Syria giờ chỉ còn hoạt động không kích bằng máy bay chống IS và một chương trình huấn luyện và trang bị khí tài cho lực lượng người Kurd chống IS ở thành phố Raqqa, Bắc Syria và thung lũng sông Euphrates do Lầu Năm Góc chủ trì. Những người không ủng hộ quyết định chấm dứt chương trình của CIA cho rằng, quyết định này có thể đưa đến hậu quả làm tăng cường sức mạnh cho các nhóm Hồi giáo cực đoan bên trong Syria và làm suy giảm uy tín của nước Mỹ với các đồng minh trong khu vực.

Một số ý kiến còn “lo xa” rằng một khi CIA chấm dứt chương trình viện trợ, một bộ phận không nhỏ phiến quân của FSA sẽ chuyển sang đầu quân cho IS và Mặt trận Nusra. Thực tế thời gian qua đã có ít nhất 50 tay súng FSA đã đào tẩu sang Mặt trận Nusra.

Tại một cuộc họp ở Phòng tình huống của Nhà Trắng năm 2016, tình thế phiến quân FSA vừa mất thêm lãnh thổ về tay quân Chính phủ Syria, Giám đốc trong CIA khi đó là John Brennan vẫn quyết liệt đặt ra yêu cầu Mỹ tiếp tục viện trợ cho phiến quân FSA. Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice đã đáp trả thẳng thắn: “Xin đừng mắc sai lầm. Ưu tiên của Tổng thống ở Syria bây giờ là chống IS”.

“Quân cờ mới” SDF

Ngay khi Tổng thống Mỹ tuyên bố CIA chấm dứt chương trình bí mật tài trợ cho FSA, nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan cho rằng, đây là một chiến thắng của ông Putin trước ông Trump. Tuy nhiên người Nga cũng hiểu rõ;  Mỹ dừng hỗ trợ FSA không có nghĩa là Nga đã làm chủ được vị trí chiến lược tại chiến trường Syria vốn bị thao túng bởi nhiều lực lượng.

Người Mỹ sao lại có thể dễ dàng từ bỏ địa vị nước lớn trong bàn cờ Syria chưa hẳn đã ngã ngũ. Cũng giống như Nga, Mỹ đang có những căn cứ quân sự rất lớn cũng như lợi ích tại Syria, vì thế không dễ gì họ từ bỏ.

Cả lực lượng Quân đội tự do Syria (FSA) và lực lượng dân chủ Syria (SDF) đều chống lại Tổng thống Syria và tổ chức IS, hai lực lượng này đều được Mỹ hậu thuẫn. Không “nâng” FSA nữa thì tự khắc SDF sẽ được “đỡ”. Động thái này khiến gợi nhớ đến chuyện: vào tháng 2-2017, Bộ Quốc phòng Mỹ từng đề xuất điều động lực lượng chiến đấu mặt đất vào miền Bắc Syria lần đầu tiên để tăng tốc cuộc chiến chống khủng bố.

Giám đốc CIA Mike Pompeo tại một cuộc họp gần đây trong Nhà Trắng.

“Có thể các bạn sẽ thấy lực lượng bộ binh chiến đấu trên chiến trường Syria trong một thời gian không lâu nữa”, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN. Các nhà quan sát khi ấy đã phỏng đoán, một trong các tùy chọn trong kế hoạch của Lầu Năm Góc là Mỹ có thể gửi hàng ngàn binh sĩ tới Syria để hỗ trợ người Kurd chiếm thành phố Raqqa.

Tuy những bộ óc của Lầu Năm Góc không đến mức “võ biền” như thế nhưng họ vẫn tin rằng tổ chức SDFmà nòng cốt là lực lượng vũ trang của người Kurd Syria là lực lượng duy nhất có năng lực quân sự và chính trị để đánh bại IS, đặc biệt là tại thành phố Raqqa.

SDF được thành lập vào ngày 10-10-2015, bao gồm 27.000 chiến binh chiến binh Lực lượng Phòng vệ nhân dân người Kurd (YPG), một nhóm người Assyria và một loạt các nhóm vũ trang Arập tụ hợp lại với nhau dưới tên gọi là Liên minh Arập - Syria. Quân số của lực lượng liên minh dân chủ SDF này vào khoảng trên dưới 60.000 binh sĩ.

Với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ người Kurd và sự hỗ trợ đắc lực từ phía Mỹ, SDF đang dần lớn mạnh và trở thành một trong những lực lượng quân sự chính tại Syria. Các lực lượng SDF đã tiến hành bao vây thành phố Raqqa nơi IS đang chiếm đóng từ tháng 11-2016. Một trong những nhân vật nổi tiếng của lực lượng SDF chính là cựu Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Syria Hussam Awak. Ông này gia nhập lực lượng SDF từ đầu năm 2016.

Hồi cuối tháng 1-2017, SDF đã ra tuyên bố rằng, kể từ khi bắt đầu chiến dịch “Cơn thịnh nộ Euphrates” (Euphrates Wrath), họ đã giải phóng 3.200km2 lãnh thổ Syria, trong đó có 236 làng, tiêu diệt hơn 620 tay súng IS và giải phóng hàng nghìn người dân ở nông thôn miền tây Raqqa.

Người Mỹ vốn nổi tiếng thực dụng, quân đội Syria Tự do đã không còn đủ sức để có thể giúp Mỹ thực hiện ý đồ của mình. Do đó, chẳng có lý do gì để Washington tiếp tục hao tổn thêm khí tài vật lực cho lực lượng này nữa.

Nguyên Khang - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.