Các băng nhóm tội phạm sử dụng Facebook theo dõi nạn nhân

Thứ Ba, 07/06/2016, 10:00
Những người trẻ tuổi muốn thoát khỏi áp lực từ các băng nhóm tội phạm ở El Savador thường chọn con đường vượt biên qua Mỹ. Song cảm giác sống yên ổn không kéo dài trong thời đại công nghệ thông tin phát triển rầm rộ như hiện nay. Do nhu cầu sử dụng trang mạng xã hội Facebook để liên lạc với gia đình, cho nên những người chạy trốn tội phạm càng dễ dàng bị phát hiện tung tích.

Nếu các nạn nhân của tội phạm El Salvador không kiểm tra cài đặt bảo mật riêng tư của Facebook (hay thậm chí đôi khi có làm điều đó), hành vi tống tiền và đe dọa của bọn chúng sẽ xuất hiện trở lại.

Susan Cruz, nữ luật sư người Mỹ gốc El Salvador giúp đỡ những người nhập cư trẻ tuổi gặp rắc rối với luật pháp, bình luận: "Một điều không may là, khi những người trẻ tuổi nhập cư vào Mỹ, bọn tội phạm vẫn luôn có cách để truy tìm tung tích của họ, một người ở trong tình huống tương tự như chương trình bảo vệ nhân chứng. Bọn tội phạm bắt đầu sử dụng các số điện thoại di động để tham khảo chéo. Chúng cũng có thể sử dụng một số điện thoại để tìm kiếm hồ sơ Facebook của nạn nhân".

Tổng thống Salvador Sanchez Ceren.

Mạng xã hội và sự phổ biến của Smartphone hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm tội phạm giao tiếp với nhau dễ dàng. Trong khi đó, người nhập cư thường chọn Facebook để giữ liên lạc với gia đình ở quê nhà - điều đó khiến cho dấu vết trực tuyến của họ dễ bị theo dõi.

Susan Cruz kể một trường hợp: "Tôi gặp tình huống một thanh niên vẫn thường xuyên giao tiếp với cô em gái, và thông qua bạn bè trong nhà trường của người này mà băng nhóm tội phạm tìm thấy anh ta đang sống ở Mỹ. Thế là, bọn chúng tiếp tục đe dọa tống tiền". Những luật sư bảo vệ người nhập cư như Susan Cruz có lời khuyên người mới đến Mỹ nên sử dụng cài đặt bảo vệ riêng tư của mạng xã hội nhằm hạn chế tối đa việc kẻ lạ mặt xâm nhập khai thác dữ liệu.

Thực tế cho thấy, các băng nhóm Trung Mỹ luôn ưu tiên tìm kiếm nạn nhân trốn ra nước ngoài. Susan Cruz kể câu chuyện một bé gái 12 tuổi sống ở El Salvador với bà nội sau khi cả gia đình đều sang Mỹ sinh sống. Cô bé đã bị ép buộc trở thành bạn gái của một thành viên băng nhóm. Khi mạnh mẽ từ chối, cô bé liên tục nhận được những mảnh giấy viết đầy lời lẽ đe dọa luồn dưới khe cửa nhà bà nội. Quá sợ hãi, cô bé tìm cách trốn sang Mỹ và hiện đang cố gắng đấu tranh với tòa án nước này để nhận được quyền tị nạn.

Susan Cruz phân tích: "Các thành viên băng nhóm tìm đến nhà bà nội bé gái để dò la tin tức về đứa cháu gái. Bọn chúng đe dọa bà cụ rằng sẽ phải có người trả giá cho sự an toàn của bé gái. Điều đó cho thấy cho dù những đứa trẻ đã rời khỏi El Salvador nhưng những người thân còn lại trong nước vẫn tiếp tục bị bọn tội phạm đe dọa sử dụng bạo lực".

13 thành viên nhóm 18th Street bị cảnh sát bắt giữ tại Soyapango, El Salvador, tháng 3-2016.

Gần đây, cuộc chiến mới giành quyền lực giữa 2 băng nhóm chính của El Salvador - Mara Salvatrucha 13 (MS-13) và 18th Street - dẫn đến tỷ lệ án mạng nước này tăng cao đột biến. Đó là lý do buộc nhiều thanh thiếu niên nạn nhân của bọn chúng rời bỏ quê hương đến Mỹ để tìm kiếm sự an toàn. Tháng 5-2016, El Salvador càng thêm mất ổn định sau khi Bộ trưởng Tư pháp nước này ra lệnh bắt giữ 21 cá nhân làm trung gian hòa giải đình chiến giữa 2 băng nhóm vào năm 2012.

Các băng nhóm Al Salvador có gốc gác từ các băng nhóm người nhập cư - rời khỏi nước này do tình hình nội chiến - thành lập ở thành phố Los Angeles (Mỹ) trong thập niên 1980. Về sau, nhiều thủ lĩnh băng nhóm bị trục xuất khỏi đất Mỹ trở về El Salvador. Quân số bọn tội phạm El Salvador ước tính khoảng 70.000 người, chưa kể hàng chục ngàn đối tượng khác đang ngồi tù.

Sau khi được bầu làm tổng thống El Salvador hồi tháng 6-2014, Salvador Sanchez Ceren thẳng thắn chỉ trích quyết định thương lượng với tội phạm băng nhóm của người tiền nhiệm đồng thời cam kết trừng phạt bọn chúng bằng sức mạnh luật pháp. Thế nhưng, bạo lực ở El Salvador vẫn cứ tiếp tục leo thang bất chấp tuyên bố cứng rắn của Sanchez Ceren.

Juan Jose Martinez, nhà nhân loại học nghiên cứu về các băng nhóm El Salvador, phát biểu: "Tôi cho rằng chiến tranh băng nhóm không giống như bạo lực thông thường mà chúng ta nhìn thấy. Đó là cuộc khủng hoảng bạo lực". Về phần mình, những người từng phạm tội muốn hoàn lương chỉ trích chính quyền không chịu đầu tư nhiều hơn vào những chương giúp họ tái hội nhập xã hội hay cung cấp việc làm ổn định.

Di An (tổng hợp)
.
.