Các cơ quan tình báo phối hợp tìm ra 2 quả “bom máy in” như thế nào?

Thứ Năm, 11/11/2010, 14:45
Vụ phát hiện 2 quả bom gắn trong các thiết bị máy in gửi qua đường hàng không từ Yemen đến Chicago, Mỹ, hôm 29/10 vừa qua là một thành công điển hình trong sự phối hợp, chia sẻ thông tin chống khủng bố một cách hiệu quả giữa cơ quan tình báo các nước Arập Xêút, Mỹ và Anh.

Ngày 28/10, một phụ nữ xưng tên là Hanan al-Samawi, 22 tuổi, là sinh viên kỹ thuật, bước vào văn phòng của Hãng Vận chuyển hàng không UPS ở khu Hadda, thủ đô Sanaa, Yemen. Cô ta đưa ra một bản photocopy giấy chứng minh thư và để lại một gói hàng là hộp mực máy in vi tính bên trong có gắn một thiết bị nổ tự chế rất tinh vi. Địa chỉ nơi đến là thành phố Chicago, Mỹ.

Cách đó vài khu phố, một gói hàng khác gồm một chiếc máy in vi tính bên trong có giấu một quả bom tự chế được gửi tại văn phòng đại diện Hãng Chuyển phát nhanh FedEx, địa chỉ đến cũng là ở Chicago.

Trong 2 ngày, 2 quả "bom máy in" đó đã chu du qua 4 quốc gia trên 4 chiếc máy bay khác nhau, trong đó 2 chiếc chở khách, 2 chiếc vận tải hàng hóa, trước khi bị phát hiện vào ngày 29/10.

Quả bom thứ nhất từ Sanaa được chuyển bằng máy bay vận tải hàng hóa của Hãng United Parcel Service (UPS), quá cảnh tại Cologne, Đức, rồi đến sân bay East Midlands, gần Nottingham, Anh, và bị phát hiện nhờ thông tin cảnh báo từ tình báo Mỹ về "một kiện hàng có chứa bom".

Còn quả bom thứ hai được gửi đi vào ngày 28/10 trên chuyến bay chở khách của Hãng Hàng không Qatar Airways từ Sanaa đến Doha, thủ đô Qatar, nằm lại đây một ngày rồi tiếp tục được chuyển đến kho hàng của Hãng FedEx ở Dubai (Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất - UAE) vào sáng thứ sáu 29/10 trên một chuyến bay khác cũng của Hãng Qatar Airways.

Tuy nhiên, khi gói hàng nguy hiểm này chuẩn bị lên máy bay để đi Chicago thì Cơ quan An ninh Qatar nhận được tin điện từ Anh cảnh báo về một "kiện hàng khả nghi có bom", và Cơ quan An ninh Qatar đã không mấy khó khăn để phát hiện ra nó và tiến hành tháo gỡ thiết bị nổ.

Ngoài ra, Cơ quan An ninh Qatar còn phát hiện thêm một chiếc điện thoại di động giấu dưới đáy máy in, được cho là dùng làm ngòi nổ để kích nổ quả bom gắn trong hộp mực in.

John O. Brennan, cố vấn chống khủng bố của Tổng thống Barack Obama đưa ra nhận định hôm 31/10 rằng, rất có thể "các gói hàng sẽ được cho nổ tung trên không trên đường đến Chicago". Nếu đúng như thế thì đây là dạng tấn công hiếm thấy nhằm vào hệ thống vận tải hàng hóa trong khi các chính phủ chỉ lo chăm chú bảo vệ các chuyến bay chở khách kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Không cần bàn cãi, vụ phát hiện 2 quả "bom máy in" là một thành công trong việc phối hợp chia sẻ thông tin của tình báo các nước liên quan. Nếu như không có những thông tin cảnh báo từ tình báo Arập Xêút và nếu như không có sự cảnh giác, can thiệp kịp thời của tình báo Mỹ thì có lẽ 2 quả bom đó đã được kích nổ trên bầu trời nước Mỹ.

Chiếc máy bay của hãng chuyển phát nhanh UPS đã chở 1 trong 2 quả "bom máy in".

Công đầu trong vụ này phải kể đến tình báo Arập Xêút. Theo các quan chức chống khủng bố Mỹ và Arập Xêút, đêm 28/10, tức sau khi các gói hàng "bom máy in" đã được gửi đi, Hoàng thân Nayef - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Arập Xêút phụ trách chống khủng bố - đã mật báo cho cố vấn Brennan rằng: "Có khả năng bom đang trên các chuyến bay từ Yemen đi Chicago".

Theo báo chí Yemen, thông tin mà Hoàng thân Nayef nắm được là do tình báo Arập Xêút cung cấp. Tình báo Arập Xêút đã nắm thông tin về 2 quả "bom máy in" nhờ khai thác nghi can khủng bố Jabir Jubran al-Fayfi - một cựu tù Guantanamo được thả vào năm 2008, tham gia chương trình tái hòa nhập cộng đồng của được chính quyền Arập Xêút để rồi sau đó lại gia nhập Al-Qaeda trên bán đảo Arập (AQAP).

Fayfi bị bắt lại vào tháng 9/2010. Qua khai thác, Fayfi đã cung cấp thông tin cho biết các phần tử AQAP đang chuẩn bị cho một vụ tấn công bằng kiện hàng hóa gửi qua đường hàng không. Theo một cố vấn trong Chính phủ Hoàng gia Arập Xêút, cũng từ việc khai thác Fayfi, tình báo Arập Xêút đã nắm rõ cả mã số kiện hàng của 2 gói hàng thiết bị máy in nêu trên nên đã có thể theo dõi sát đường đi của chúng.

Trong khi đó, các quan chức tình báo Mỹ cũng vừa tiết lộ (hôm 1/11) rằng trong tháng 9/2010, tình báo Mỹ đã từng ngăn chặn được một số kiện hàng văn phòng phẩm gồm giấy, sách, đĩa CD và các đồ dùng gia đình khác gửi bằng máy bay. Các kiện hàng này cũng được gửi từ Yemen và địa chỉ đến ở thành phố Chicago.

Trước khi ngăn chặn được các kiện hàng này, tình báo Mỹ cũng đã nhận được thông tin có liên quan đến nhóm AQAP. Từ những thông tin và sự kiện đó, ngay khi thông tin tình báo từ Arập Xêút được chuyển cho tình báo Mỹ, các chuyên gia phân tích tình báo đã ráp nối các thông tin, sự kiện và ngay lập tức có phản ứng nhanh, báo động cho tình báo Anh, từ đó dẫn đến việc phát hiện kiện hàng ở sân bay East Midlands.

Hiện tại, các cơ quan tình báo Mỹ và Yemen đang đau đầu vì không có đủ bằng chứng cụ thể để ráp nối các "mảnh ghép" để từ đó lần ra manh mối thủ phạm. Rõ ràng là Hanan al-Samawi đã bị bọn khủng bố mạo danh để thực hiện âm mưu khủng bố. Cô Hanan thực sự đang theo học tại Trường đại học Sanaa và chứng minh được mình không liên can gì trong vụ 2 quả bom, cho nên cô đã được trả tự do hôm 31/10 sau khi bị cơ quan chức năng bắt tạm giam.

Một nghi can trong loạt bom thư ở Hy Lạp bị bắt hôm 1/11 vừa qua.

Ngoài Hanan, cơ quan chức năng Yemen và Mỹ chưa bắt được nghi can nào khác. Hiện các cơ quan tình báo Mỹ và Yemen đang tăng cường phối hợp truy lùng nghi can khủng bố Ibrahim Hassan Asiri, 28 tuổi, gốc Arập Xêút, được cho là chuyên gia kỹ thuật chế tạo bom hàng đầu của AQAP.

Một bài học về công tác ngăn chặn khủng bố đã được rút ra qua vụ 2 quả "bom máy in" là, việc để cho 2 quả bom này lọt qua cửa kiểm soát an ninh các sân bay để đi một vòng, một phần do bọn khủng bố lần này dùng thủ đoạn mới, quá tinh vi, phần còn lại quan trọng hơn là do các hệ thống an ninh chống khủng bố ở các sân bay quốc tế vẫn còn lỗ hổng nguy hiểm.

Các quan chức an ninh Qatar hôm 31/10, đã thừa nhận thiết bị nổ được bọn khủng bố thiết kế quá tinh vi nên đã qua mặt được hệ thống máy quét X-quang lẫn chó nghiệp vụ. Tuy nhiên, chính sự lơ là, mất cảnh giác mới là nguyên nhân chính để "lọt lưới" 2 quả bom.

Điều đáng nói là cơ quan chức năng ở Anh đã phải mất đến 20 tiếng đồng hồ tìm kiếm "bở hơi tai" mới xác định được gói hàng bên trong có hộp mực máy in và tìm thấy thiết bị nổ được gắn rất tinh vi bên trong ống mực

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.