Các tập đoàn ma túy Mexico tạo nên làn sóng trẻ em nhập cư trái phép vào Mỹ

Thứ Sáu, 08/08/2014, 20:30

Các băng nhóm ma túy Mexico kiểm soát hoạt động buôn người dọc theo biên giới Mỹ - Mexico và đặc vụ Mỹ nghi ngờ bọn tội phạm đứng đằng sau làn sóng trẻ em nhập cư trái phép ồ ạt vào Mỹ đang bị dồn ứ trong các trung tâm giam giữ ở bang Texas.

Trong thập niên qua, sau thời gian dài hợp tác với bọn tội phạm chuyên đưa người nhập cảnh trái phép vào Mỹ (gọi là coyote), các cartel ma túy quyết định tự tay hành động và tổ chức thành mạng lưới buôn người hết sức tinh vi.

Toàn bộ đường biên giới Mỹ - Mexico hiện nay đang nằm trong tầm kiểm soát của các cartel ma túy như Los Zetas, Sinaloa và Knight of Templar, cùng với các nhóm nhỏ hơn. Do đó, bất cứ ai cũng không thể băng qua biên giới nếu không có sự cho phép của bọn chúng.

Trước đây, một người vượt biên chỉ phải trả khoảng 300 đến 500 USD cho bọn trung gian thì hiện nay đã tăng lên từ 3.000 đến 6.000 USD - tùy theo độ tuổi, giới tính và gốc gác của người nhập cư - sau khi tội phạm ma túy kiểm soát biên giới. Người vượt biên sẽ được sắp xếp để đến điểm tập kết gặp coyote. Ví dụ, thành phố Altar bang Sonora của Mexico là điểm tập kết để vượt biên và do đó biến địa phương này trở thành trung tâm đưa người nhập cư trái phép vào Mỹ.

Dân vượt biên đến những nơi như Altar thường phải đối mặt với các khoản phí mà bọn tội phạm áp dụng tại từng chặng đường, nếu từ chối hay không có tiền để chi trả tất nhiên sẽ bị ép mang cả đống hành lý nhét đầy ma túy, hay bị bắt cóc để tống tiền gia đình, thậm chí bị giết chết. Năm 2013, trùm ma túy Miguel Angel của cartel Los Zetas bị lính thủy đánh bộ Mexico bắt giữ, sau đó bị buộc tội bắt cóc và giết chết 265 dân nhập cư. Đối với trẻ nhập cư là nữ, các em nhiều khi còn bị cưỡng bức.

Sau ngày 11/9/2001, Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ (USBP) trở thành một bộ phận của Bộ An ninh Nội địa (DHS) và được giao trách nhiệm chống khủng bố bên ngoài đất nước, khu vực biên giới Tây Nam cũng biến thành vùng quân sự hóa với trên 1 km được rào dây thép gai, 21.000 nhân viên USBP thường xuyên tuần tra, mạng lưới camera an ninh dày đặc và hệ thống cảm biến được lắp trên mặt đất cũng như thiết bị giám sát công nghệ cao ở khắp nơi.

Để tránh những nơi tập trung cao nhân viên USBP, dân vượt biên phải chọn những con đường xa hơn qua sa mạc do đó gặp nhiều bất trắc hơn cũng như rất dễ mất mạng.

Sau khi Tổng thống Mexico Felipe Calderon phát động chiến dịch quân sự càn quét tội phạm vào năm 2006, các cartel ma túy hùng mạnh nhất Mexico - Los Zetas, Sinaloa v.v… - bắt đầu tràn xuống miền Nam - các tập đoàn ma túy cũng tạo nên làn sóng trẻ em nhập cư trái phép ồ ạt đổ vào nước Mỹ. Từ tháng 10/2013, 52.000 trẻ vị thành niên không có người thân đi kèm bị USBP bắt giữ.

Theo chính sách của Mỹ, trẻ vị thành niên Mexico được gửi trả qua biên giới ngay lập tức, trong khi trẻ đến từ các quốc gia khác bị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) giam giữ tối đa 72 giờ trước khi được chuyển giao cho Cục Tái định cư dân tị nạn (ORR) thuộc Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ (HHS). ORR gom trẻ vị thành niên vượt biên trái phép vào các nhà nuôi tạm thời trong khi tìm kiếm những người thân ở Mỹ để các em có thể ở lại trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Tháng 3/2014, có khoảng 366.758 vụ án trục xuất trong các tòa án người nhập cư ở Mỹ chưa được xử lý. Điều đó có nghĩa là số trẻ em nhập cư được tiếp tục sống dưới sự kiểm soát cùng với 11 triệu người nhập cư trái phép khác ở Mỹ. Chắc chắn các cartel ma túy lợi dụng điều này để đưa trẻ vị thành niên vùng Trung Mỹ vượt biên hàng loạt vào Mỹ trong thời gian gần đây.

Một số người nghi ngờ làn sóng trẻ em tràn qua biên giới Mỹ là một phần trong chiến lược đánh lạc hướng CBP của bọn tội phạm ma túy, giúp chúng vận chuyển ma túy qua biên giới dễ dàng hơn. Số liệu thống kê của Cơ quan Bài trừ ma túy (DEA) cũng ủng hộ giả thuyết này. Tổng cộng những vụ bắt giữ ma túy từ đầu năm đến nay đã giảm đáng kể trên khắp các bang nằm dọc biên giới Mỹ - Mexico, nhưng giảm mạnh nhất là ở Texas - nơi số trẻ vị thành niên vượt biên tăng vọt.

Tuy nhiên, giới chức DEA cho rằng hãy còn quá sớm để khẳng định sự giảm mạnh các vụ bắt giữ ma túy có liên quan đến sự gia tăng đột biến số trẻ em vượt biên vào Mỹ

Duy Ân (tổng hợp)
.
.