Các vụ tấn công "thành công" nhất của giới hacker

Thứ Tư, 16/04/2008, 16:45
Chiếm vị trí đầu bảng là cuộc tấn công nhằm vào một công ty chuyên buôn bán quần áo của Mỹ có tên gọi tắt là Công ty TJX. Mới cách đây hơn một tháng, công ty này phát hiện thấy các dữ liệu về hơn 45 triệu thẻ tín dụng của khách hàng đã bị các hacker đánh cắp. Có thể nói đây là vụ đánh cắp thông tin cá nhân lớn nhất trong lịch sử.

Kết quả cuộc điều tra sơ bộ cho thấy vụ đánh cắp diễn ra trong một thời gian dài, suốt từ năm 2003 đến cuối năm 2006. Tuy nhiên, các đại diện của Công ty TJX khẳng định dữ liệu trong phần lớn những thẻ tín dụng bị đánh cắp đều đã quá thời hạn, phần còn lại thì các hacker không thể tìm được mật mã ghi trên các dải từ của thẻ.

Cuộc tấn công của các hacker Nga nhằm vào các site của Chính phủ Estonia cũng như của các cấu trúc thương mại và truyền thông nước này được coi là lớn thứ hai trong lịch sử Internet.

Đây là cuộc tấn công diễn ra hồi năm ngoái nhằm trả đũa việc nhà cầm quyền Estonia tiến hành di chuyển từ trung tâm thủ đô ra ngoại thành pho tượng bằng đồng miêu tả người chiến sĩ Xôviết giải phóng đất nước Estonia khỏi ách phát xít Đức trong Thế chiến II.

Kết quả cuộc tấn công là một số lượng lớn các site của Estonia bị vô hiệu hóa, hàng nghìn máy tính bị hỏng hóc và vô số server (máy chủ) bị quá tải. Chính phủ Estonia cáo buộc các cơ quan an ninh Nga đứng đằng sau  vụ tấn công nói trên nhưng không tìm được bất kỳ chứng cứ nào xác nhận lời cáo buộc của họ.

Trong vụ việc xảy ra với Công ty Blue Security (An ninh xanh) của Israel là công ty chuyên sản xuất các hệ thống bảo vệ máy tính chống lại spam (nạn thư rác) cũng có sự can dự của các hacker Nga.

Cách đây vài năm, công ty này giới thiệu với khách hàng một loại phần mềm đặc biệt có tên gọi là “Blue Frog” (Ếch xanh).

Đây là loại phần mềm cho phép những ai nhận được spam đều có thể giúp tất cả những người tham gia phần mềm này rũ bỏ ngay lập tức được spam đó. Mà số người tham gia phần mềm Blue Frog không phải ít - khoảng 450 nghìn người.

Các hacker chuyên tung spam, trong đó có các hacker Nga, không thể tha thứ một hành động “láo xược” như vậy và vào tháng 4/2006 đã mở một cuộc tấn công quy mô lớn vào các server của công ty.

Đồng thời, họ tiến hành thương lượng với Blue Security, yêu cầu công ty phải từ bỏ ngay phần mềm Blue Frog. Trước nguy cơ sẽ còn xảy ra những cuộc tấn công hủy diệt khác, Blue Security đã buộc phải đầu hàng. 

Vào năm 2000, người dân thành phố Maruchi Shire ở Australia phát hiện thấy thường xuyên có hàng nghìn tấn nước thải đổ vào con sông chảy ngang qua thành phố của họ. Hóa ra, công ty thoát nước của thành phố đã bị một nhân viên 48 tuổi tên là Vitek Boden trả thù vì đã sa thải anh ta.

Anh ta xâm nhập vào hệ thống máy tính quản lý nước thải và thực hiện 39 vụ xả nước, thực tế là tiêu diệt mọi sinh vật trong dòng sông trong xanh kia. Đến vụ xả lần thứ 40 thì Boden bị cảnh sát bắt quả tang.

Giới hacker của Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã “trao đổi” những cuộc tấn công với nhau. Chẳng hạn, hồi tháng 6/2007, các hacker Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn vào mạng máy tính của Lầu Năm Góc, khiến 1.500 máy tính bị vô hiệu hóa cùng một lúc.

Cho tới nay, các cơ quan an ninh Mỹ vẫn chưa xác định được những thông tin gì đã lọt vào tay các hacker Trung Quốc, còn Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố chỉ có những thiệt hại về hành chính. Tuy nhiên, cuộc tấn công nói trên đã khiến Lầu Năm Góc buộc phải hạn chế đáng kể việc sử dụng mạng Internet và chuyển sang sử dụng những hệ thống vi tính khép kín chuyên dụng.

Công ty Media Defender, một công ty chuyên đấu tranh chống nạn sao in băng đĩa bất hợp pháp, cũng đã bị hacker tấn công vào tháng 9/2007. Công ty bị đánh cắp gần 700 megabite thư từ điện tử trao đổi nội bộ, trong đó có mô tả chi tiết những phương pháp đấu tranh bí mật của công ty với những tổ chức và cá nhân vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Về sau người ta được biết một nhóm có tên gọi “Những người đấu tranh chống Media Defender” đã lấy được rồi công bố số thư từ điện tử nội bộ nói trên

Vũ Việt (theo Topnews.ru)
.
.