Cách đề phòng kẻ trộm tài khoản trên Internet
Không nên sơ suất dù nhỏ
Nếu như bạn gửi tiền vào ngân hàng thì việc giao dịch chắc sẽ diễn ra thường xuyên, và tất nhiên thông tin về những lần giao dịch rất có thể bị rò rỉ ra ngoài qua những mẩu giấy tưởng chừng như rác rưởi. Nếu bạn là người cẩn thận thì không nên vất lung tung, bởi chỉ cần một mẩu giấy là quá đủ đối với những tên đạo chích chuyên nghiệp.
Việc liên lạc thường xuyên với ngân hàng sẽ giúp bạn biết được tài khoản của mình có bị đạo chích tấn công hay không. Bởi thường thì những tên này sau khi đột nhập vào ngân hàng với mã tài khoản của bạn, chúng chỉ rút tiền dần dần vì sợ bị lộ.
Chỉ “đi chợ” trên các trang Web có sự bảo đảm
Mua sắm trên mạng chỉ thực sự an toàn nếu như bạn truy cập những trang web được bảo mật tốt. Bạn hãy kiểm tra một cách cẩn thận bằng cách tìm kiếm một biểu tượng chiếc khóa hoặc nhìn vào địa chỉ mạng “https” ở thanh trạng thái của trình duyệt. Điều này có nghĩa là bạn đang truy cập vào một trang Web được bảo mật và thông tin cá nhân của bạn sẽ được mã hóa tốt.
Cẩn thận khi giao tiếp
Fishing là một kỹ thuật “câu cá” của những kẻ bất lương thông qua hệ thống thư điện tử và dịch vụ chat trực tuyến. Kẻ “đi câu” sẽ ngụy tạo cho mình một vỏ bọc dưới lốt người của một công ty, ví dụ như PayPal hoặc giả danh người công ty phát hành thẻ tín dụng của bạn, sau đó đưa ra cho bạn một mẫu yêu cầu bạn khai báo đầy đủ những thông tin phản hồi cần thiết và nhấn nút kết nối. Sau khi “cá” đã cắn câu, kẻ “đi câu” sẽ điềm nhiên rút tiền. Kỹ thuật này rất phổ thông trên mạng, bạn cần hết sức cẩn thận khi gặp phải những tên “câu cá” chuyên nghiệp.
Khi gặp phải những mẫu có yêu cầu khai báo thông tin cá nhân phản hồi, tốt nhất bạn không nên khai báo và xác nhận mà nên đóng nó lại.
Thận trọng khi nói chuyện qua điện thoại
Giao dịch với ngân hàng qua điện thoại, bạn cần phải thận trọng khi đề cập đến những thông tin cá nhân của mình. Bởi rất có thể những tên bất lương sẽ giả danh nhân viên ngân hàng hoặc công ty phát hành thẻ tín dụng mà bạn đang sử dụng, hay các tổ chức từ thiện hoặc các tổ chức khác.
Thường xuyên cập nhật phần mềm chống virus
Virus máy tính là những chương trình xâm nhập trái phép vào máy tính của bạn để khai thác hoặc phá hủy các chương trình phần mềm. Ví dụ như virus Trojan horse Spyware, khi xâm nhập vào máy tính của bạn, nó có thể gây tổn hại đến những thông tin cá nhân của bạn. Những kẻ cố tình gây “thương tích” này có thể sẽ lướt qua tất cả các chương trình trên ổ cứng trong máy của bạn và sau đó chúng sẽ đưa những gì tìm thấy lên Internet.
Để chống lại hiểm họa này, cách tốt nhất là máy của bạn phải được cài đặt các chương trình bảo vệ và diệt virus, ví dụ như chương trình Lavasoft’s Ad-Aware. Chương trình này sẽ giúp bảo vệ máy tính của bạn trước những kẻ muốn phá rối.
Trao đổi thường xuyên với ngân hàng
Bạn nên hỏi ngân hàng xem họ đang làm gì để nhận dạng và chống lại những kẻ muốn phá hoại. Hãy gọi điện thoại thường xuyên đến công ty cung cấp thẻ tín dụng cho bạn, bởi họ có trách nhiệm cung cấp cho bạn cách nhận biết những kiểu mà bọn tội phạm tấn công tài khoản của bạn để đề phòng. Nên hỏi trực tiếp nơi nắm giữ tài khoản của bạn về các bước bảo vệ thông tin cá nhân, bởi đó là dữ liệu mà bạn cũng cần phải bảo vệ, chứ không chỉ phía ngân hàng.
Bảo mật những dữ liệu quan trọng
Trên tấm thẻ bảo hiểm xã hội, hộ chiếu, giấy khai sinh hay những tài liệu cá nhân khác của bạn luôn chứa những thông tin mà các tay trộm cần, và rất có thể sau một lần đi chợ mua sắm, bạn sẽ có ngay một người bạn thân đến nỗi hắn có thể sử dụng những đồng tiền trong tài khoản của bạn một cách rất tự nhiên.
Phải chắc chắn rằng tất cả những tài liệu quan trọng của bạn luôn được cất giữ cẩn thận. Tốt nhất là nên bỏ chúng vào trong két sắt và khóa lại, đừng để lộ bất cứ một thông tin cá nhân nào ra ánh sáng. Khi bạn đi du lịch, bạn nên chú ý bảo vệ hộ chiếu của bạn cẩn thận.
Bí mật sổ bảo hiểm xã hội
Khi tiếp xúc với một số tổ chức hay các công ty bảo hiểm buộc phải sử dụng sổ bảo hiểm xã hội như là thẻ căn cước của bạn. Thật là nguy hiểm nếu như những thông tin trong sổ bảo hiểm xã hội của bạn rơi vào tay kẻ “đi săn” vì chúng có thể sử dụng những thông tin đó truy cập vào công ty bảo hiểm của bạn để moi ra mọi thông tin cá nhân của bạn.
Cẩn thận với những lá thư
Bỗng nhiên có một ngày bạn nhận được một lá thư mà trên bì thư không ghi địa chỉ người gửi. Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là thay bằng việc bóc lá thư đó ra đọc, bạn hãy cứ để nguyên trong một khoảng thời gian và chờ xem có lá thư tiếp theo không.
Có hai khả năng xảy ra, một là người viết thư cho bạn quên ghi địa chỉ ngoài phong bì, hai là rất có thể đó là lá thư nặc danh của một kẻ nào đó đang có ý định moi thông tin cá nhân của bạn.
Nếu bạn có một chuyến công tác dài ngày, bạn nên thông báo với sở bưu điện và yêu cầu giữ hộ bạn tất cả những lá thư trong lúc bạn đi vắng. Lý do của việc này là tránh thư bị thất lạc, vì rất có thể nhân viên đưa thư không thấy bạn ở nhà, họ gửi thư của bạn nhờ một người nào đó đưa lại cho bạn. Và biết đâu, thông tin về bạn bị rò rỉ từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt đó.
Trên đây là những mánh khoé của “kẻ cướp không vũ trang” mong các bạn biết và cảnh giác đề phòng. Khi đọc được bài báo này, xin hãy thông báo với những người thân, những người bạn và đồng nghiệp của bạn để họ có tinh thần cảnh giác trong việc phòng chống loại tội phạm này, tránh những tổn thất không đáng có