Cách phòng ngừa trộm đột nhập tư gia
Tại đây, hình ảnh camera ghi rõ tên trộm vào khu vực bếp lấy con dao cầm trên tay, đi lại ngang nhiên trong nhà, sau đó lên tầng trên lục soát tài sản. Trước khi tẩu thoát, kẻ trộm vứt lại con dao trong một phòng ngủ.
Đoạn clip đã được gia chủ gửi đến cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra, truy xét thủ phạm. Song vụ việc cũng dấy lên mối bất an của nhiều gia đình về loại tội phạm trộm đột nhập.
![]() |
Cơ quan Công an kiểm tra tang vật vụ trộm đột nhập. |
Những thủ đoạn tinh vi
Theo Cơ quan công an, mùa nắng nóng là thời điểm các gia đình đi nghỉ mát dài ngày. Đây là khoảng thời gian thuận lợi cho các đối tượng trộm đột nhập gây án. Một khi đã lọt vào những ngôi nhà mà gia chủ không thể trở về trong chốc lát, kẻ trộm có thời gian để lục soát kỹ càng, lấy đi tài sản có giá trị nhất.
Đặc biệt tại các khu đô thị mới, mật độ dân cư còn thưa hoặc các khu biệt thự có khoảng cách rộng giữa các nhà thường là những địa điểm được kẻ trộm theo dõi, “nghiên cứu” kỹ về đặc điểm ngôi nhà cũng như sinh hoạt của gia chủ để tìm “điểm yếu” của ngôi nhà đột nhập khi có thời cơ. Do đó, nhiều gia đình mặc dù đã lắp đặt camera hoặc các thiết bị chống trộm nhưng do lắp đặt không đúng vị trí cần thiết, các đối tượng vẫn có thể đột nhập ở các vị trí camera không “quét” tới.
Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 – 1/5 vừa qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 2 vụ trộm đột nhập nhà dân trong lúc gia đình đi du lịch, lấy trộm tài sản tổng trị giá theo trình báo lên đến trên 2,5 tỷ đồng. Những dấu vết để lại cho thấy kẻ trộm đã đột nhập bằng nhiều cách như phá cửa sổ, bẻ chấn song, cậy phá cửa chính...
Còn trên địa bàn TP Hà Nội, thống kê của cơ quan Công an cho thấy các gia đình đi vắng dài ngày cũng trở thành mục tiêu mà trộm đột nhập ngắm tới. Điển hình như ngày 24-3, tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), một ngôi biệt thự đã bị kẻ trộm “thăm hỏi” trong lúc chủ nhà đang đi du lịch. Tận dụng không gian rộng trong khu vực được quy hoạch riêng cho nhà biệt thự, kẻ trộm dùng xà cầy cậy phá cửa ra vào, lấy đi số tài sản trị giá trên 500 triệu đồng.
![]() |
Hiện trường một vụ trộm phá song cửa sắt đột nhập. |
Trước đó, ngày 18-3, gia chủ một ngôi biệt thự tại khu đô thị Dương Nội (phường La Khê, quận Hà Đông) sau chuyến du lịch 4 ngày trở về phát hiện kẻ trộm đột nhập, phá két sắt lấy đi số tiền 100.000 USD và một số tài sản có giá trị. Qua khám nghiệm hiện trường cho thấy, gia chủ trang bị camera an ninh nhưng chỉ chú trọng ở mặt trước của tòa nhà mà không chú ý tới mặt sau. Điểm sơ hở này đã bị kẻ trộm tận dụng, chọn cửa ngách phía sau thông với bếp là điểm đột nhập.
Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp thuê trụ sở làm việc nhưng không bố trí bảo vệ buổi đêm cũng trở thành địa điểm rình mò của trộm đột nhập. Mới đây nhất, ngày 17-4, một công ty TNHH thuê trụ sở là ngôi nhà 4 tầng trên phố Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, đã bị trộm “ghé thăm” trong đêm. Kẻ trộm sau khi phá hỏng hệ thống camera an ninh trước nhà đã dùng kìm cộng lực, xà cầy phá khóa cửa ra vào mặt trước ngôi nhà, khuân chiếc két sắt mini cùng 3 cây máy tính tổng trị giá trên 300 triệu đồng.
Qua công tác khám nghiệm cho thấy, trong các vụ trộm đột nhập, đối tượng thường sử dụng các công cụ như tô vít, kìm cộng lực, xà cầy để phá các loại cửa và khóa cửa, két sắt... Đây được coi là những “bảo bối” của các đối tượng trộm đột nhập. Chiều 26-4 vừa qua, Công an quận Đống Đa đã bắt quả tang ổ nhóm 2 đối tượng chuyên dùng kìm cộng lực cắt phá khóa trộm tài sản trong các khu ký túc xá khi đang “hành nghề” tại ký túc xá Đại học Công đoàn, thu tại chỗ 1 kìm cộng lực, 2 máy tính xách tay tang vật.
Qua đấu tranh, 2 đối tượng khai nhận đã gây ra 15 vụ trộm với thủ đoạn tương tự. Các đối tượng này thường giả dạng sinh viên, vai đeo ba lô đựng “đồ nghề”, trà trộn vào các khu ký túc xá gây án. Lợi dụng thời điểm sinh viên lên giảng đường, các đối tượng đi tìm những phòng ký túc không còn sinh viên ở lại, dùng kìm cộng lực phá khóa đột nhập. Chúng thường lấy trộm laptop, là tài sản gọn nhẹ, dễ tiêu thụ, cho vào ba lô cất giấu rồi ung dung rời hiện trường.
Theo lời khai của nhóm trộm, phòng ở ký túc xá cho sinh viên thường sử dụng các loại khóa sơ sài, công tác bảo vệ còn chưa chú trọng, người ngoài có thể lọt vào ký túc xá dễ dàng, không bị kiểm soát.
![]() |
Hình ảnh vụ trộm đột nhập tư gia tại TP Hồ Chí Minh được gia chủ đưa lên mạng xã hội. |
Nguy hiểm trộm tấn công gia chủ
Theo Cơ quan công an, mùa nắng nóng, nhiều gia đình có thói quen mở cửa sổ, cửa tum, cửa ra vào ban công... để hóng gió rồi ngủ quên, tạo điều kiện cho các đối tượng trộm đột nhập dễ dàng hơn. Kẻ trộm thường lợi dụng những cây cao, cột điện sát nhà hoặc sử dụng “điểm tựa” từ chính những ngôi nhà liền kề để leo trèo, di chuyển tới ngôi nhà có thể đột nhập.
Nguy hiểm nhất là trường hợp kẻ trộm khi bị chủ nhà tỉnh giấc phát hiện đã quay lại tấn công. Nhiều vụ án mạng đã xảy ra khi kẻ trộm manh động tìm cách sát hại gia chủ nhằm thoát thân.
Mùa hè năm 2016, trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã xảy ra vụ trọng án giết người, xuất phát từ vụ việc trộm tài sản bị phát hiện. Nạn nhân là anh Nguyễn Quang A. (SN 1998). Khoảng 7h ngày 27-8-2016, mẹ anh A lên phòng ngủ tầng 3 gọi con trai dậy ăn sáng, phát hiện anh A tử vong trên giường, người nhiều thương tích. Kiểm tra tài sản thấy mất 1 điện thoại iPhone 6S, 1 máy tính Macbook, 1 ba lô.
Thiếu tá Phùng Huy Thái, Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội, người trực tiếp khám nghiệm vụ việc cho biết: Ngôi nhà nơi xảy ra vụ án nằm trong ngõ 165 Xuân Thủy, Cầu Giấy, là nhà 5 tầng kiên cố. Tại thời điểm phát hiện vụ việc, các cửa ra vào từ tầng 1 lên đến tầng tum đều trong trạng thái đóng, chốt trong hoặc khóa trong, lại không có dấu vết cậy phá. Vậy thủ phạm đã đột nhập và tẩu thoát bằng lối nào?
Để trả lời câu hỏi này, lực lượng kỹ thuật hình sự, điều tra đã phải xem xét rất kỹ các dấu vết, đặc điểm của từng tầng trong ngôi nhà. Các cửa ra vào ban công mặt trước ở tầng 3 và 4 là cửa gỗ, riêng ở tầng 2 là phòng khách nên gia chủ sử dụng loại cửa nhựa lõi thép kiểu Euro Window, mặt kính kéo rèm để tạo thẩm mỹ. Tại ban công tầng 2 có nhiều vết trượt mất bụi, trùng khớp với vết trượt trên thân cây ngay trước cửa nhà, sát ban công. Tuy nhiên, điều lạ là mặc dù có dấu vết đột nhập từ hướng này nhưng thời điểm phát hiện sự việc, cửa ra vào ban công tầng 2 lại chốt trong.
Sau khi thu thập các dấu vết, lực lượng điều tra đã làm “thí nghiệm” đứng ngoài ban công thử đẩy cửa ra 2 bên thì cửa tự bật chốt; sau đó ở ngoài đóng lại, khóa cửa cũng tự động bật chốt trong. Đây chính là “điểm yếu” đã được đối tượng lợi dụng để đột nhập.
Sau này, khi Cơ quan điều tra bắt giữ thủ phạm Chu Văn Trường (SN 1986, ở Tuyên Quang), đối tượng khai nhận khoảng 3h sáng đã trèo lên cây trước cửa nhà đột nhập vào tầng 2 như cách làm trên. Khi vào nhà, Trường lục tìm dao để phòng thân rồi lên tầng 3, vào phòng nạn nhân lấy trộm máy tính. Bị nạn nhân thức giấc phát hiện, Trường đã dùng chăn bịt miệng nạn nhân, đâm nhiều nhát rồi lấy máy tính, điện thoại cho vào ba lô tẩu thoát theo hướng đã đột nhập.
![]() |
Hiện trường vụ án mạng bắt nguồn từ trộm đột nhập tại quận Cầu Giấy, đối tượng lợi dụng cây cao trước cửa để leo vào. |
Một hướng đột nhập mà kẻ trộm thường nhằm tới, đó là cửa tum. Nhiều gia đình không chú trọng tới loại cửa này, thường làm sơ sài hoặc không đóng cửa. Trong điều kiện ở các khu dân cư nhà cửa san sát, từ trần nhà nọ có thể bước sang trần nhà kia thì những sơ hở từ cửa tum cũng là “điểm yếu” của ngôi nhà để tội phạm lựa chọn hướng đột nhập.
3h sáng ngày 26-10-2016, với ý đồ trộm tài sản, đối tượng Vũ Huỳnh Cương (SN 1990, ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) chuẩn bị búa đinh, băng dính, trèo cột điện leo lên các nóc nhà trong khu vực ngõ 210/23 Đội Cấn, tìm sơ hở đột nhập. Sau khi lọt vào tầng tum nhà bà Lương Thị C., do chủ nhà thức giấc nên Cương đã chui vào tủ gỗ trên tầng tum của gia đình bà C. ẩn nấp, chờ cơ hội. Tên trộm trong lúc mệt vì chờ đợi đã... ngủ quên trong tủ.
Đến sáng, bị chủ nhà mở tủ phát hiện, Cương đã dùng búa đinh đuổi đánh bà C., sau đó chạy xuống tầng 1 định tẩu thoát nhưng do cửa khóa nên Cương vào bếp lấy 1 con dao chạy ngược lên tầng trên để chống trả chủ nhà. Trước sự manh động, nguy hiểm của tên trộm, anh H. (con trai bà C.) đã nhanh trí đưa cho tên trộm chìa khóa cửa để Cương tự xuống tầng 1 mở cửa chạy thoát, sau đó anh H. đưa mẹ đi cấp cứu.
Tổ chức truy xét, Công an quận Ba Đình đã bắt giữ được Vũ Huỳnh Cương ngay sau đó khi tên này tới một bệnh viện tư nhân băng bó vết thương.
Chủ động phòng ngừa
Trung tá Khuất Anh Chương, Đội trưởng Giám định kỹ thuật hình sự truyền thống - PC54 Công an TP Hà Nội cho biết, qua các vụ trộm đột nhập đã được lực lượng kỹ thuật hình sự tổ chức khám nghiệm, thu thập dấu vết phục vụ công tác điều tra cho thấy, phương thức hoạt động của tội phạm trộm đột nhập nhà dân, chủ yếu vẫn là lợi dụng sơ hở như đi vắng lâu ngày không có người trông coi, quên không đóng cổng, cửa sổ, cửa tum...
Đối với các cơ quan, các đối tượng trộm lợi dụng các doanh nghiệp thuê địa điểm làm trụ sở, buổi tối không có người ở lại trông coi, hoặc các siêu thị, trung tâm thương mại có diện tích rộng, lực lượng bảo vệ mỏng... để đột nhập trộm cắp. Trộm đột nhập thường lựa chọn lấy đi những tài sản gọn nhẹ như tiền, vàng, các đồ điện tử có giá trị cao.
Để phòng ngừa tội phạm trộm đột nhập theo quy luật thường gia tăng trong mùa nắng nóng, lực lượng cảnh sát hình sự khuyến cáo các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp... cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng ngừa, tự bảo quản tài sản. Trường hợp vắng nhà dài ngày cần nhờ người trông coi; thường xuyên kiểm tra, gia cố các loại cửa trong nhà. Nếu có điều kiện, nên lắp đặt các thiết bị chống trộm và hệ thống camera an ninh. Tuy nhiên, phải đảm bảo việc lắp đặt đúng các vị trí thiết yếu, không để kẻ trộm dễ dàng phát hiện. Trường hợp phát hiện trộm đột nhập, không nên lùng sục bắt trộm bởi một khi bị phát hiện, đối tượng thường tìm cách chống trả quyết liệt để thoát thân. Cần bình tĩnh xử lý tình huống, trước hết phải đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và những người trong gia đình, sau đó tìm cách gọi điện thoại hoặc hô hoán cho người thân, hàng xóm và Cơ quan Công an ứng cứu. Cơ quan Công an cũng khuyến cáo, khi mạng xã hội phát triển, không nên chia sẻ, đăng các thông tin chính xác về kỳ nghỉ của gia đình lên mạng bởi đôi khi, kẻ trộm lại là người thân quen. |