Cái kết đắng của một trùm khủng bố
Kẻ chống phá Cuba điên cuồng
Posada chào đời tại Cienfuegos (Cuba), vào ngày 15-2-1928. Là con trai của một chủ hiệu sách, nhờ được nuôi nấng theo tiêu chuẩn của tầng lớp trên trung lưu, Posada vào học ngành hóa tại Đại học Havana - nơi mà trước đó 3 năm, xuất hiện một sinh viên luật ưu tú tên Fidel Castro.
Trong khi gia đình đi theo Fidel Castro, không hiểu vì sao Posada lại căm ghét đất nước và trở thành người chống phá điên cuồng. Năm 1961, Posada rời Cuba sang Mỹ và theo học tại trường Châu Mỹ có trụ sở tại Fort Benning, bang Georgia. Y không học về các môn khoa học tự nhiên hay xã hội mà ngược lại, được các thầy giáo ở đây huấn luyện về chất nổ, khủng bố và ám sát.
Nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro công bố bức hình Luis Posada Carriles - thủ phạm tham gia vụ ám sát ông. Ảnh: Getty. |
Trong thời gian định cư tại Mỹ, Posada đã gia nhập quân đội trong hai năm 1963 và 1964 và đã được phong tới hàm trung úy. Tháng 4-1965, y được CIA tuyển dụng làm giảng viên tại một trung tâm đào tạo gián điệp ở Florida. Posada làm việc cho CIA từ 1965 đến 1967.
Trong thời gian này, y được CIA cử làm “cố vấn an ninh” cho các nền độc tài quân sự khi đó tại Argentina, Chile, El Salvador, Guatemala và Venezuela. Đối với CIA, Posada “là nguồn tin giá trị và đáng tin cậy”.
Từ năm 1968 đến năm 1976, y làm việc thu thập thông tin cho lực lượng tình báo Venezuela thuộc phân ban có tên DISIP. Năm 1981, y tham gia vào Quỹ Quốc gia Cuba - Mỹ (FNCA) – một tổ chức cực hữu của giới Cuba lưu vong phản cách mạng chuyên tiến hành các hành động khủng bố chống Nhà nước Cuba.
Từ đó, Posada Carriles tham gia nhiều chiến dịch ám sát, khủng bố, tra tấn, lật đổ, đàn áp. Posada Carriles là kẻ chủ mưu gây ra vụ nổ máy bay của Hãng hàng không Cuba năm 1976 trên bầu trời Barbados làm 73 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là vận động viên Cuba. Đây là vụ khủng bố hàng không lớn nhất châu Mỹ trước sự kiện 11-9-2001 tại Mỹ.
Vì vụ việc này, Posada Carriles đã bị bắt giữ tại Venezuela - quốc gia y đã nhập tịch. Tuy nhiên, trước khi mở phiên xử phúc thẩm, Posada trốn thoát khỏi nhà tù ngày 18-8-1985 nhờ sự trợ giúp của những kẻ lưu vong người Cuba ở Floridam. Sau đó Posada gặp trung tá Oliver North ở Salvador và ngụ tại căn cứ không quân Ilopango và tại đây Posada lại tiếp tục tham gia vào việc tổ chức khủng bố chống chính phủ Nicaragua bằng cách cung cấp vũ khí cho nhóm phiến loạn.
Ngoài ra, y còn tham gia vụ đặt bom tại các trung tâm du lịch ở thủ đô Havana năm 1997, làm một công dân Italy thiệt mạng; hay thực hiện âm mưu sát hại cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại Panama năm 2000…
Ai đã dung túng khủng bố?
Theo báo chí Mỹ, Posada từng 2 lần ám sát bất thành lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro, tham gia ám sát cựu Ngoại trưởng Chile Orlando Letelier, hay đứng đằng sau âm mưu ám sát Tổng thống Venezuela Hugo Chavez…
Khi còn sống, Tổng thống Hugo Chavez đã cảnh báo về âm mưu ám sát ông được ngấm ngầm sắp đặt tại El Salvador khi ông đi dự lễ nhậm chức của ông Mauricio Funes năm 2007. Theo kế hoạch, ông Hugo Chavez sẽ tới El Salvador sáng 1-6-2007 bằng chiếc máy bay Cubana de Aviacion. Nhưng việc này đã bị hủy vào phút cuối bởi Tổng thống Hugo Chavez nhận được tin cấp báo của Cơ quan An ninh và Tình báo nước này về kế hoạch ám sát ông do CIA chuẩn bị.
Cơ quan Tình báo và An ninh Venezuela cho biết, họ có trong tay thông tin chính xác kế hoạch này. Sát thủ sẽ bắn hạ chiếc máy bay Cubana de Aviacion bằng tên lửa vác vai và người đó không ai khác ngoài trùm khủng bố Cuba Luis Posada Carriles.
Luis Posada cũng bị kết án 8 năm tù vì tội mưu sát cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại Hội nghị cấp cao lần thứ 10 các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha họp tháng 11-2000 tại thủ đô Panama. Tuy nhiên, năm 2004, Tổng thống Panama Mireya Moscoso đã khoan hồng cho tên khủng bố này đã dẫn đến việc Cuba cắt quan hệ ngoại giao với Panama. Quan hệ hai nước đã được nối lại ít tháng sau khi ông Martin Torrijos lên làm Tổng thống Panama.
Cũng vì liên quan tới việc thả tự do cho trùm khủng bố gốc Cuba Luis Posada Carriles hồi năm 2004 mà 3 cựu quan chức dưới thời chính phủ của cựu Tổng thống Mireya Moscoso, gồm cựu giám đốc cảnh sát quốc gia; Javier Tapia, cựu phó giám đốc về vấn đề di cư và Arnulfo Escalona, cựu Bộ trưởng Chính phủ và Tư pháp đã bị đưa ra xét xử với tội danh lạm dụng quyền hành tạo thuận lợi cho việc thả tự do Posada.
Mặc dù được CIA cưng chiều, song cuối cùng Posada cũng bị tổ chức này sa thải do nghi ngờ Posada cầm đầu các vụ buôn bán ma túy. Năm 2005, Posada trở về Mỹ và bị bắt vì tội “nhập cư trái phép”. Khi đó, Chính phủ Venezuela đã đề nghị Mỹ dẫn độ Posada để nước này xét xử theo đúng các quy định luật pháp trong nước và quốc tế.
Bất chấp sự kêu gọi dẫn độ của Venezuela, Mỹ vẫn không tỏ ra có động thái hợp tác nào trong vấn đề này. Thậm chí, sau đó Mỹ đã thả Posada vào năm 2011. Tên này đã sinh sống công khai tại Mỹ kể từ đó cho đến lúc chết. Tuy nhiên, trong quãng đời còn lại, ông trùm khủng bố Posada bị căn bệnh ung thư vòm họng hành hạ.