Cạm bẫy rình rập trên con đường tỵ nạn chiến tranh

Thứ Hai, 11/12/2017, 19:08
Cô gái Afghanistan 16 tuổi tên là Hoor (không phải tên thật) đã phải trả giá vì sự can đảm của mình. Hoor đơn thân chạy trốn cuộc hôn nhân cưỡng ép ở Afghanistan, bất chấp sự trục xuất ở Iran và vượt biên vào Thổ Nhĩ Kỳ cùng với bọn buôn người.

Hoor tưởng mình sẽ an toàn ở Istanbul nhưng sau đó cô gái phải ẩn náu trong một trung tâm trẻ mồ côi do nhà nước quản lý ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hoor nằm trong số hàng chục ngàn trẻ vị thành niên chạy trốn chiến tranh và tỵ nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Các em mạo hiểm vượt biên mà không hề biết những hiểm nguy đang rình rập phía trước. Theo báo cáo tháng 8-2016 của tổ chức phi lợi nhuận Ủy ban về Phụ nữ Tỵ nạn (WRC), phụ nữ tỵ nạn thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị tấn công tình dục, tống tiền, bạo lực tại mỗi chặng đường trong hành trình gian khổ pha lẫn tủi nhục chạy trốn chiến tranh.

Hoor đang nhìn ra biển lần đầu tiên ở Istanbul. Hoor nói biển giúp cho cô thanh thản và ấm áp trong lòng.

Vào tháng 9-2016, hơn 116.000 người Afghanistan ở Thổ Nhĩ Kỳ xin tỵ nạn tại quốc gia thứ 3 – theo số liệu từ Cao ủy về người tỵ nạn (UNHCR) của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trong số đó, có khoảng 16.000 cô gái Afghanistan dưới 18 tuổi. Một nhân viên cứu trợ (giấu tên) người Afghanistan, người đã cứu Hoor thoát khỏi tên buôn người đã cưỡng bức cô bé, nhận xét: “Cô bé rất can đảm”.

Theo lời của người này, chỉ có một số ít những cô bé giống như Hoor dám vượt hành trình dài hàng ngàn km từ Afghanistan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Hoor nhớ lại thời gian sống vô tư lự trong căn nhà gia đình ở Kunduz, tỉnh đa sắc tộc miền bắc Afghanistan nay là chiến tuyến giữa chính quyền và phiến quân Taliban.

Cha của Hoor qua đời vì ung thư não cách đây vài năm. Hoor là đứa lớn nhất trong số 4 cô con gái. Hoor nói được 3 thứ tiếng Farsi, Pashto và Urdu, học thêm tiếng Anh và tiếng Arập.

Sau thời gian 4 tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hoor cũng nói thạo tiếng Thổ. Sau khi cha của Hoor chết, người chú – một tay nghiện cờ bạc và tội phạm – gả bán mẹ của cô gái cho một chủ nông trại với giá 4.000 USD. Sau đó, người chú buộc cả 4 cô gái về ở chung với gia đình hắn và không được phép tiếp xúc với người mẹ.

Năm 2015, người chú độc ác ép buộc Hoor lấy chồng nhưng cô gái từ chối quyết liệt. Người mẹ bí mật cậy nhờ người bạn cũ giàu có của chồng khi xưa đang sống ở thủ đô Kabul giúp đỡ Hoor chạy trốn. Người bạn tốt của gia đình trước kia đồng ý trả 2.000 USD cho bọn buôn người đưa Hoor đến Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giao ước, một nửa số tiền được giao trước và số còn lại sẽ trả sau khi Hoor băng qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoor cùng với nhiều gia đình khác được bọn buôn người đưa lên chiếc xe buýt lúc 2 giờ sáng. Chiếc xe khởi hành từ Kabul đến Nimroz – một tỉnh của Afghanistan giáp giới với Pakistan và Iran. Chiếc xe buýt băng qua sa mạc vào miền nam Iran và bị cảnh sát nước này phát hiện nên trục xuất. Cuối cùng, hành trình trên đất Iran cũng êm xuôi sau khi bọn buôn người cố thử lần nữa.

Hoor được người phụ nữ (trong ảnh) từ tổ chức United Rescues giúp đỡ.

Bọn buôn người – tất cả đều là đàn ông – luôn thay đổi người tại mỗi quốc gia nhưng chúng đều thuộc cùng một mạng lưới. Sau khi người bạn của cha Hoor ở Kabul không trả số tiền còn lại như đã thoả thuận, cô gái bị bọn buôn người giam giữ. Hoor kể: “Tôi không là người duy nhất không trả đủ tiền cho bọn chúng mà còn những người khác nữa. Tất cả đều bị nhốt trong một căn nhà. Một người đàn ông canh giữ căn nhà suốt 6 tháng để chờ lấy được đủ tiền từ từng người”.

Cuối cùng, một người đàn ông cùng quê Kunduz với Hoor đang quản lý một cửa hàng ở thành phố Instabul của Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý trả tiền vượt biên cho cô gái. Sau đó, hắn đưa Hoor đến vùng ngoại ô Zeytinburnu của Istanbul, nơi có nhiều người Afghanistan và Trung Á cư trú. Hắn có vợ và một đứa con mới biết đi chập chững. Hắn đề nghị Hoor ở chung nhà và cô gái đồng ý. Hoor nhớ lại: “Gia đình rất tốt với tôi. Hắn cho tôi ở trong một căn phòng trong nhà và tìm giúp cho tôi công việc làm trong xưởng dệt may. Tôi tin tưởng hắn”.

Nhưng, chỉ sau 1 tháng là lòng tin của Hoor vào hắn không còn nữa. Hoor nhiều lần tự trách bản thân tại sao quyết định ở chung với hắn. Hoor khóc: “Tôi trơ trọi ở đây”. Vào một đêm, sau khi Hoor tan ca làm việc trong nhà máy dệt may và trở về nhà, hắn đột nhập vào phòng cô gái trong tình trạng say khướt. Lúc đó, vợ con hắn đang ở nhà anh vợ hắn. Hắn hứa hẹn giúp chị em Hoor sang châu Âu miễn phí nếu Hoor chịu cho hắn quan hệ tình dục. Sợ hãi, Hoor thẳng thắn khước từ. Bất chấp, hắn dùng vũ lực cưỡng bức Hoor. Sau lần đó, Hoor chịu đau đớn suốt 23 ngày.

Sự trinh trắng trước hôn nhân tuyệt đối được coi trọng trong xã hội Afghanistan. Những cô gái bị mất trinh do quan hệ trước hôn nhân - hay cho dù bị cưỡng bức - đều sẽ bị giết chết vì “tội không chung thủy”. Người ta gọi đó là những vụ giết người “để phục hồi danh dự”. Tại nhiều quốc gia, bao gồm nhiều vùng ở Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ, những nữ nạn nhân tuổi vị thành niên bị buộc thành hôn với kẻ cưỡng bức mình.

Đau đớn, Hoor chạy trốn khỏi nhà gã đàn ông đồi bại cùng quê với mình. Hoor liên lạc với một nam nhân viên xã hội mà cô biết được trong một cuộc họp dành cho người tỵ nạn và kể câu chuyện u ám của mình cho anh ta nghe tại một góc phố.

Người này nhanh chóng tiếp xúc với những tổ chức đang hợp tác với UNHCR và tìm một người phiên dịch từ Tổ chức Phát triển Nguồn Nhân lực (HRDF) của Thổ Nhĩ Kỳ để giúp Hoor trình báo vụ việc với cảnh sát. Sau đó, Hoor được các bác sĩ xác định bị tấn công tình dục và cảnh sát hứa hẹn sẽ bắt giữ hung thủ.

Người dân Afghanistan chạy trốn chiến tranh.

Nhưng, do lo sợ cho sự an toàn của chị em mình ở quê nhà Kunduz cho nên Hoor không dám khai ra địa chỉ nhà của gã đàn ông cưỡng bức mình. Tuy nhiên, Hoor tiết lộ với cảnh sát về cửa hàng nhỏ mà hắn ta sở hữu ở Zeytinbumu và cũng là nơi được hắn sử dụng để mặc cả đưa người tỵ nạn sang châu Âu.

Suy sụp tinh thần, Hoor quyết định tự sát nhưng được các nhân viên xã hội Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn kịp thời. Hoor phải dùng thuốc mới ngủ được. Hoor được đưa đến một trung tâm trẻ mồ côi dành cho những cô gái dưới 18 tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hoor bắt đầu học lớp dạy tiếng Thổ. Mục tiêu của Hoor là vào đại học Thổ Nhĩ Kỳ, tìm được công việc làm ổn định về sau và giải cứu những đứa em gái của mình khỏi tay người chú độc ác ở quê nhà.

Cuối cùng, Hoor được cấp phép tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức HRDF nhận trách nhiệm theo dõi cuộc điều tra vụ cưỡng bức. Tổ chức từng giải quyết một án tương tự và vận động hành lang tìm công lý cho những người muốn được tỵ nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ với chính quyền nước này.

Tuy nhiên, HRDF không có quyền bắt giữ nghi can. Cuối cùng, nghi can cũng bị cảnh sát bắt giữ và yêu cầu Hoor ra nhận diện tội phạm. Song, Hoor cho biết vợ của kẻ cưỡng bức đã tìm gặp cô và cầu xin cô không hợp tác với cảnh sát. Từ đó, Hoor cảm thấy cuộc sống của mình không còn an toàn nữa.

Hoor nói: “Tôi không thể làm chứng. Bởi vì nếu tìm thấy được tôi thì bọn họ cũng sẽ dễ dàng tìm được gia đình tôi ở Afghanistan mà làm hại người thân của tôi”. Có lẽ vì thế mà cảnh sát đành phải trả tự do cho nghi can.

Diên San (tổng hợp)
.
.