Cạm bẫy vay nặng lãi

Thứ Sáu, 24/11/2017, 08:46
Trên địa bàn Hà Nội chỉ trong vài năm qua đã xảy ra không ít vụ án mà nguyên nhân đều bắt đầu từ tín dụng đen. Những vụ việc khủng bố con nợ bằng đe dọa hay ném chất bẩn vào nhà không tính xuể.

Nguyễn Thành Nam, 21 tuổi, quê ở vùng nông thôn Nam Định, sinh viên năm thứ 3 một trường đại học tại Hà Nội.

Tháng 5 năm 2016, cậu tân sinh viên ham vui đã viết khống một tờ giấy thuê máy tính xách tay, thế chấp thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân ngoài tiệm cầm đồ để vay số tiền 8 triệu đồng dành cho việc tổ chức karaoke sinh nhật trên thành phố cùng bạn. Khoản vay trên danh nghĩa thuê máy tính này có lãi suất là 4.000 đồng/triệu/ngày tương đương 960.000 đồng/tháng hay 144%/năm, hơn một năm sau khoản vay vẫn còn nguyên, tiền chu cấp dành cho con học hành hằng tháng từ bàn tay lấm bùn của cha mẹ dưới quê gửi lên chỉ chấp chới đủ cho Nam trả lãi.

“Có một quãng thời gian khó khăn quá, đến ngày đóng lãi mà chưa có tiền, chỉ cần tắt máy là họ đến tận trường tìm. Em bị đánh 2 lần vì chậm lãi, đánh rất đau ngay cổng trường”. Với nhiều áp lực, sợ hãi và nghĩ quẩn, Nam quyết định bỏ học trốn về quê. Mấy ngày sau nhóm chủ nợ tìm về tận nhà gọi ra nói chuyện ngọt nhạt và chỉ ra về khi đã nhận được một khoản tiền lãi cậu sinh viên chạy quanh làng vay mượn họ hàng. Nếu gọi cậu ta là nạn nhân thì cũng hơi quá đáng, có vay có trả nhưng câu chuyện dại dột có thể thành một bước ngoặt cuộc đời đôi khi bắt đầu rất đơn giản như vậy.

Sự ràng buộc, dùng mánh khóe côn đồ được áp dụng ngay khi bắt đầu nhận nợ. Ngay khi vay tiền, những sinh viên túng thiếu đã phải đưa đầy đủ thông tin cá nhân, bật loa điện thoại gọi vào máy cha mẹ nếu ở tỉnh xa để xác minh, ghi lại số điện thoại vào “hồ sơ” cho vay. Gần như không có “cửa” thoát nợ nếu có ý định kém sòng phẳng.

“Tại sao không nói với gia đình, nhiệm vụ lên Hà Nội phải học chứ cứ miết mải xoay tiền làm sao thoát ra được?”, tôi hỏi Nam. “Bố mẹ em khổ quá rồi, nhà còn có mấy con lợn thôi làm sao đủ, em có cách riêng nên các anh ý cho “chậm””, Nam tưng tửng đáp.

Cách riêng của cậu sinh viên nông thôn Nguyễn Thành Nam là chấp nhận đi làm thuê cho chính cửa hàng cầm đồ đó. Ngoài giờ đến trường, công việc khá bận rộn, sáng hoặc chiều, đôi khi là đêm muộn Nam chở xấp tờ rơi “Cho vay không cần thế chấp lãi suất thấp” đi dán lên các bờ tường, cột điện ngoài phố xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình, ban ngày thì phát cho sinh viên trước cổng vài trường cao đẳng dạy nghề, đại học...

Đằng sau những lời quảng cáo cho vay tiền "thuận tiện" lại là những bi kịch.

Tiền lương công nhật rẻ mạt cộng dồn trừ dần vào lãi và gốc hằng tháng, đôi khi cũng dôi dư được chút ít. Sau một thời gian lấy được lòng tin, Nam được ưu ái toàn quyền sử dụng một chiếc xe máy cũ và chỗ ngủ sạch sẽ trên “công ty” thay vì thuê nhà trọ. Cậu sinh viên kiêm nốt cả phần việc hậu cần cho “anh em trong công ty” là rửa bát đĩa sau những bữa ăn mỗi ngày dành cho vài chục người, là những tay “hảo hán” xăm trổ đầy người phụ trách công việc đòi nợ, thu tiền hụi và gốc, lãi của khách.

“Công ty” của Nam có quy mô khá lớn, 12 cửa hàng gần các trường đại học và bến xe với lượng khách ổn định. Thậm chí có những buổi sáng sớm phải kê thêm ghế nhựa ngoài vỉa hè cho khách đến ngồi đợi vay tiền. Đa số các thành viên trong “công ty” đều là bạn tù đã có thời gian dài sống chung với nhau nên ít nhiều đã có sàng lọc, chọn lựa để làm ăn chung, ít nhất là hiện hữu lòng tin qua lại. 

Nam cho hay đa số khách tới vay mượn nặng lãi lại là sinh viên, xe ôm, những tiểu thương ngoài chợ… quanh khu vực. Do vay tín chấp nên cũng không được vay nhiều.

“Trứng không để chung một giỏ, cho hàng nghìn người vay ít còn hơn cho mấy ông cờ bạc vay có vẻ nhiều nhưng nếu vỡ là trốn mất sạch mà còn phải đụng chân đụng tay. Vay kiểu sinh viên bọn em an toàn, hồ sơ cực đẹp cũng không quá 10 triệu, còn bình thường chỉ 4-5 triệu thôi”, Nam diễn giải.

Hồ sơ đẹp của sinh viên là những sinh viên năm cuối, học lực khá trở lên được coi là đẹp vì ít khi dám bỏ học. Khi vay phải đưa chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên, nhóm chủ nợ dùng mật khẩu sinh viên vào trang web của trường xem kiểm tra bảng điểm thi cử, gọi điện thoại về nhà nếu ở quê, đưa nhóm nhân viên thẩm định giấy tờ về tận nhà trọ cho biết nhà biết cửa rồi mới được vay.

“Sinh viên sao cần nhiều tiền làm gì em?” tôi hỏi. “Nhiều lý do lắm nhưng như kiểu bạn em thì vay để mua điện thoại, sinh nhật, mua quà cho người yêu. Con gái cũng vay nhiều chắc để mua quần áo”, Nam trả lời đại khái.

Nam nói cậu là trường hợp may mắn được ưu ái bởi lấy được lòng tin và chăm chỉ. Không ít khách hàng là sinh viên nữ dính vào vay mượn tại đây không có cơ hội làm việc trả nợ như cậu ta, họ được chậm lãi “bằng thứ khác”, cậu sinh viên tinh ranh vừa cười vừa hấp háy mắt.

Và còn một cánh cửa khác cho những con nợ là khi giới thiệu được khách mới sẽ được “công ty” chia phần trăm lãi. Ví dụ Nam nếu dẫn một anh bạn cùng lớp tới vay tiền sẽ được hưởng 500 đồng/triệu/ngày trên tổng số tiền giải ngân thành công. Luôn có những thứ ảo ảnh, an ủi lòng người trong một con đường hầm tối không có lối thoát...

Có lẽ không riêng người ghi chép bài viết này, hẳn còn nhiều bạn đọc sẽ hoài nghi về cách quản lý nhân sự, tài chính và huy động vốn của những “công ty” cho vay. Chúng ta sẽ phải ngạc nhiên về tính chuyên nghiệp trong hệ thống cho vay nặng lãi nhan nhản tại các thành phố lớn. Một hệ thống mắt xích liên quan vòng tròn mật thiết tới nhau.

Đằng sau những lời quảng cáo cho vay tiền "thuận tiện" lại là những bi kịch.

Theo lời mô tả công việc của Thành Nam, tại mỗi cửa hàng có 4 tới 5 người “anh em” của ông chủ, điều đặc biệt là nhóm ấy sẽ là những tay không ưa gì nhau cả. Tại sao, bởi như vậy bản thân trong nội bộ tự theo dõi, kiểm soát chéo lẫn nhau và báo cáo lên “cấp trên” thay vì hòa hợp đồng lòng mưu mô ăn gian tiền của chủ. Quản lý tiền ra vào, lợi nhuận bằng phần mềm chuyên dụng kết nối Internet về máy chủ công ty.  

Lại cũng có không ít người lớn bất lương đầy thủ đoạn dẫn dắt những cô những chàng sinh viên ngây ngô vào con đường làm giàu trong mộng, chúng ta thường gọi thẳng đúng tên là bán hàng đa cấp. Chúng liên kết nhau dẫn sinh viên tới vay nợ để tự “chui đầu vào rọ”. Được việc “cả 3 bên”. Bên cho vay có lãi. Bên bán hàng đa cấp bán được hàng giả, thu tiền thật ngay tại chỗ và “gà” sinh viên thì thỏa ước nguyện khởi nghiệp bước vào con đường làm giàu không tốn mấy mồ hôi!?

Những vụ việc hành hung học sinh, sinh viên liên quan đến tín dụng đen xảy ra khá phổ biến. Một số khác đánh nhau ngay trong trường cũng vì chuyện vay tiền nặng lãi. Đáng lo ngại là nhiều học sinh đã bỏ học vì sợ bị hành hung. Một thầy hiệu trưởng cho biết thêm đã báo cáo toàn bộ tình hình lên cấp trên và thông báo đến các trường học, đề nghị nỗ lực bài trừ nạn vay và cho vay nặng lãi trong nhà trường. "Chúng tôi thấy sự việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trường, ảnh hưởng đến chất lượng học sinh rất nhiều".

Cách đây không lâu, TAND Hà Nội mở phiên xét xử 12 bị cáo liên quan vụ án giết người trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa. Nạn nhân là Nguyễn Thị Liên (21 tuổi, ở quận Hoàng Mai). Mâu thuẫn được xác định do chị Liên vay 10 triệu đồng không trả, bên vay và cho vay hỗn chiến bằng súng, dao kiếm và nạn nhân đã bị bắn vỡ đầu khi đang tháo chạy bằng taxi.

Theo cơ quan công tố, Lưu Quang Đức (25 tuổi) mang 10 triệu đồng của Đồng Cao Cường (tức Cường “Hồ”, 29 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cho Liên vay 1 tuần. Đến hẹn, Liên nói sẽ giao tiền ở ngã tư Đại Cồ Việt. Hôm đó (tối 28-4-2011), Đức cùng Nguyễn Mạnh Cường (Cường “Móm”, 23 tuổi) tới nơi nhưng chờ mãi không thấy Liên nên tức tối tìm đến nhà cô này. Trong khi đang nói chuyện với bố của Liên, Cường “Móm” nhận được điện thoại với nội dung: “Anh Cường ơi, anh đầu gấu quá, bọn anh chỉ bắt nạt được mấy con đàn bà thôi”.

Dò hỏi, Cường “Móm” biết người gọi điện là Nguyễn Quang Anh (bạn trai của Liên, 35 tuổi). Sau cuộc cãi cọ trong điện thoại, hai bên hẹn nhau ra phố Xã Đàn “giải quyết”. Liên, Quang Anh cùng Phạm Thanh Tùng (21 tuổi), Phạm Quốc Anh (19 tuổi) và một số người khác mang theo hung khí đến điểm hẹn. Quang Anh cầm theo một lê AK. Tuấn mang dao chọc tiết lợn. Tùng giắt trong người khẩu súng colt xoay và không quên phân công cho từng thành viên.

Trong khi đó, Cường “Hồ” đang đi cùng bạn thì Đức gọi báo bạn trai của Liên thách thức. Cường “Hồ” nóng mặt liền gọi cho Nguyễn Đức Dũng (25 tuổi), Hoàng Đức Tuấn (28 tuổi), Nguyễn Hoàng Long (28 tuổi), và Đỗ Đình Tài (26 tuổi) qua nhà mình lên kế hoạch ứng phó. Cường “Hồ” mang theo một khẩu súng tự chế và 3 súng bắn đạn hoa cải.

Đêm hôm sau, phát hiện chiếc taxi chở Quang Anh, Liên và nhóm bạn, Cường “Hồ” liền hô: “Chúng nó đấy, bắn đi”. Cả nhóm chạy xe máy đuổi theo và nổ súng vào chiếc taxi. Tài bắn trúng đầu Liên khiến cô gái tử vong tại chỗ.

HĐXX tuyên phạt Tài án tử hình, Cường “Móm”, Cường “Hồ” cùng chịu án chung thân về tội “Giết người”, “Hủy hoại tài sản”. 9 bị cáo còn lại do tham gia vụ ẩu đả và che giấu tội phạm nhận từ 18 tháng tù treo đến 20 năm tù.

Càng tiếp xúc với những con nợ học đường, tôi càng thấy hoang mang lo lắng cho họ, cho gia đình họ, những người nông dân chất phác chắc hẳn luôn hết mực thương yêu lo lắng cho con cái ăn học trên thành phố. Đối với những sinh viên ngoại tỉnh thì thành phố luôn hiện hữu quá nhiều cám dỗ, là cờ bạc, là chiếc điện thoại mới, là bữa sinh nhật hoành tráng hay con gấu bông to như cái tủ lạnh để lãng mạn tặng bạn gái khi mùa đông sắp về... đều dễ dàng dẫn đến con đường đi vay nặng lãi và thiên nan vạn nạn khó để thực sự có thể thoát hẳn ra khỏi đó.

Cay đắng những con trâu, con bò, cái xe máy cọc cạch ở nông thôn là cả một tài sản của cha mẹ mà những kẻ xa lạ khơi khơi áp tải dắt ra chợ bán trả nợ đậy cho con.

Rồi sau mỗi lần ngã sấp mặt ấy là ân hận, nước mắt thương cha mẹ, quay lại học đường với quá khứ bê bối, tu tỉnh nhận thức ra được thì tốt. Hay thói quen tay tiêu tiền như bắt được luôn là chỉ số hư hỏng tiềm ẩn trở lại sẽ diễn biến nhanh hơn xe chạy trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nếu nói rằng chỉ những học sinh, sinh viên ngu ngơ dễ dính vào cạm bẫy vay mượn thì cũng không hoàn toàn đúng. Còn đó nhóm người lao động nghèo, có tuổi tác cũng khó thoát truân chuyên bởi những việc đời bất chợt cần đến tiền, lại không có tích lũy. Có những người nắn nót viết giấy bán phương tiện và để lại đăng ký xe rồi thuê chính chiếc xe mình làm chủ để bươn chải hành nghề kiếm tiền trả lãi mỗi ngày.

Cậu sinh viên Nam chia tay tôi để bắt đầu đi làm, ánh mắt không còn thấy vẻ lấp lánh sáng trong như khi nói chuyện về gia đình cậu ta ban nãy. Nam có lẽ vẫn nghĩ rằng mình là người may mắn khi được coi là một mắt xích trong đường dây kia để được cảm thấy an toàn mà tung tẩy trên con đường đời?

Minh Hoàng
.
.