Cần khắc phục lỗ hổng quản lý người nước ngoài lang thang

Thứ Tư, 11/03/2020, 07:20
Người nước ngoài lang thang, ăn xin, vi phạm hành chính và hình sự ở TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để quản lý và giải quyết những vấn đề này một cách hợp tình hợp lý, cơ quan chức năng nói chung và cơ quan Công an nói riêng đã và đang gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại...

Đủ kiểu vi phạm pháp luật

Mấy ngày gần đây, hình ảnh một cô gái ngoại quốc đứng trên vỉa hè đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh, cầm tờ carton ghi dòng chữ: “Xin vui lòng giúp đỡ. Tôi cần tiền cho thức ăn và khách sạn” để xin tiền khiến người qua đường khá ngạc nhiên. Có người cho rằng cô gái này tới TP Hồ Chí Minh du lịch và có thể đã bị trộm, lừa đảo mất hết tiền nên mới làm vậy. Không ít người đi ngang qua đã dừng xe và cho cô gái tiền, từ 20 - 100 ngàn đồng...

Tuy nhiên, một số người cho rằng đã từng thấy cô gái “Tây” này đứng xin tiền ở nơi khác. Họ thấy cô gái ngoại quốc này ban ngày đi ăn xin nhưng buổi tối lại đi siêu thị mua sắm đồ như những người có tiền.

Khi những hình ảnh về cô gái này được đưa lên mạng, không ít người tỏ ra thất vọng và phản ứng. Một Facebooker bức xúc bình luận: “Cách giúp đỡ hay nhất với cô nàng là báo Công an hoặc dẫn về đồn Công an để liên hệ giúp với đại sứ quán, khỏi tiền bạc gì hết!”.

Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc của Công an TP Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố.

Tương tự, vào cuối tháng 11-2019, trên mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh chàng trai người nước ngoài mặc áo thun, quần short cầm tấm bìa carton ghi dòng chữ “Xin hãy giúp đỡ, không có tiền cho thực phẩm” đứng ở góc đường Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Một số người dân ở khu vực này cho biết, chàng “Tây” này là dân hành khất chuyên nghiệp. Anh này không chỉ đứng một chỗ cố định mà đi khắp TP Hồ Chí Minh để xin tiền. Họ từng thấy anh ta đứng xin tiền ở ngã tư Huỳnh Văn Bánh - Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), ngã tư 3/2 - Lê Đại Hành (quận 11) hay Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3)...

Những năm gần đây, bên cạnh những người nước ngoài chịu khó làm ăn, tuân thủ pháp luật Việt Nam, một số khác lại có hoạt động ăn xin, hát rong, bán ảnh hoặc đồ ăn, đồ lưu niệm, đồ chế tác thủ công trên vỉa hè, xin quyên góp tiền để tiêu xài hay đi du lịch như những trường hợp kể trên ngày càng nhiều. Thực tế này đã gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn của cơ quan chức năng.

Thông tin từ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng người nước ngoài vi phạm luật giao thông cũng khá phổ biến. Lỗi vi phạm chủ yếu của người nước ngoài thường là không đội mũ bảo hiểm, không mở đèn chiếu sáng, đi xe không có kính chiếu hậu, không có giấy phép lái xe hay giấy đăng ký xe, không có bảo hiểm xe và không mang theo hộ chiếu.

Người nước ngoài đến Việt Nam du lịch trong thời gian ngắn thường thuê xe máy để di chuyển. Khi xử lý người nước ngoài vi phạm, CSGT khó xác định chủ nhân phương tiện vì người vi phạm không giao lại biên bản xử phạt cho chủ cơ sở mà họ thuê xe. Chưa kể, khi giao tiếp để xử phạt, người nước ngoài cố ý không dùng tiếng Anh mà dùng tiếng địa phương, dân tộc họ khiến CSGT thường mất rất nhiều thời gian... Những điều này đã gây khá nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát, xử lý vi phạm.

Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá, số lượng người nước ngoài vi phạm pháp luật tại địa bàn thành phố qua các năm cũng có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Gần đây nhất, lúc 23h30 ngày 9-2, tại cửa hàng tiện lợi Circle K (địa chỉ A67 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), chị Lương Mỹ Linh (SN 1995, thường trú quận 1) là nhân viên cửa hàng đã bị đối tượng John David Ablett (SN 1976, quốc tịch Anh) dùng dao uy hiếp, cướp tiền trong quầy hàng rồi bỏ đi.

Tiếp nhận thông tin tố giác, tổ công tác Công an phường Nguyễn Cư Trinh khẩn trương đến hiện trường và thông báo cho Tổ công tác 363 Công an quận 1 phối hợp truy bắt đối tượng. John David Ablett bị phát hiện đang cầm dao, bỏ chạy ở gần khu vực cửa hàng tiện lợi Circle K.

Truy đến giao lộ Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu, tổ công tác đã khống chế, bắt giữ được John David Ablett, thu giữ trên người đối tượng 2.650.000 đồng cùng một con dao cán gỗ dài 20cm. Tại trụ sở Công an phường Nguyễn Cư Trinh, John David Ablett khai nhận đã thực hiện hành vi trên.

Người nước ngoài vi phạm Luật giao thông cũng khá phổ biến. Ảnh: Độc Lập.

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn có số lượng người nước ngoài đông. Số liệu từ Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, số lượng người nước ngoài khai báo hiện đang tạm trú lưu trên hệ thống khoảng 120.000 người. Lượng người nước ngoài nhập cảnh vào TP Hồ Chí Minh đang ngày một gia tăng. Tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật với chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm khá phức tạp, đa dạng: vi phạm luật giao thông, cờ bạc, say rượu, đánh nhau, liên quan đến ma túy, lừa đảo sử dụng công nghệ cao...

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cơ quan quản lý đã phát hiện 780 trường hợp người nước ngoài vi phạm hành chính về lưu trú như: không xuất trình được hộ chiếu, không đăng ký lưu trú, thị thực hết hạn; đặc biệt, có 235 trường hợp vi phạm hình sự.

Tình trạng lưu trú quá hạn thị thực, vi phạm Luật Xuất nhập cảnh cư trú diễn ra nhiều. Một số đối tượng không có tài chính, có người không có giấy tờ tùy thân. Việc xác minh, truy xét khó khăn, phức tạp, phải trao đổi với cơ quan ngoại giao các nước. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ không có cơ quan đại diện ở Việt Nam, ở TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng của thành phố phải trao đổi qua Bộ Ngoại giao và chờ đợi rất lâu. Một số đối tượng không có giấy tờ, không khai báo nhân thân chính xác, khó xác định quốc tịch nên cũng khó trục xuất.

Nhiều trường hợp lợi dụng visa du lịch vào Việt Nam nhưng thực tế lại có các hành vi cá cược thể thao qua mạng, trộm cắp tài khoản trên máy bay, buôn bán ma túy, cướp tài sản, môi giới mại dâm, sử dụng thẻ tín dụng giả, lừa đảo qua internet...

Cần có nơi riêng để lưu giữ người nước ngoài vi phạm

Tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh với Công an TP Hồ Chí Minh (vào ngày 25-2), Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Xử lý vi phạm người nước ngoài, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh đã nêu ra một số vướng mắc về việc tạm giữ người nước ngoài theo thủ tục hành chính. Đây là kiến nghị rất đáng chú ý.

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, người nước ngoài lang thang, cơ nhỡ, không xác định được nhân thân ngày càng nhiều. Trong thời gian xác minh nhân thân thì người nước ngoài được lưu giữ ở đâu? Nếu áp dụng theo Nghị định 112/2013/NĐ-CP thì bất cập vì không thể lưu giữ người nước ngoài không giấy tờ tùy thân ở công an phường. Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn đã đề nghị cần mở rộng diện tạm giữ người và bố trí nơi tạm giữ người, đặc biệt là người nước ngoài. Đồng thời, ông cũng đề xuất việc đưa người nước ngoài không giấy tờ tùy thân vào trung tâm hỗ trợ xã hội. Công an và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cần thống nhất quy trình lưu giữ để chờ xác minh quốc tịch.

Chàng trai người nước ngoài này được cho là dân hành khất... chuyên nghiệp; Cô gái ngoại quốc đứng trên vỉa hè xin tiền ban ngày nhưng buổi tối lại đi siêu thị mua sắm đồ....

Việc người nước ngoài có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhưng chưa củng cố đủ chứng cứ để khởi tố cũng đang là vấn đề khiến cơ quan chức năng bối rối. Không giữ thì họ dễ bỏ trốn. Nếu cần giữ lại thì lại không có chỗ lưu giữ. Vì thiếu chỗ để đưa người nước ngoài phạm pháp vào cơ sở lưu giữ, Công an TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Công an cho Công an TP Hồ Chí Minh lập nơi lưu giữ người nước ngoài vi phạm riêng với cơ chế rõ ràng.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, việc xử lý người nước ngoài vi phạm ở TP Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập. Hiện đang áp dụng nhiều biện pháp như phạt cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất... Tuy nhiên, trong Luật Xuất nhập cảnh lại có thêm hình thức xử lý không nằm trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, đó là buộc xuất cảnh. Quyết định hành chính và thẩm quyền ký quyết định xử lý thuộc về Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Trong khi đó, nếu áp dụng biện pháp trục xuất thì quyết định lại thuộc về giám đốc công an cấp tỉnh, thành trở lên.

Vấn đề đặt ra là buộc xuất cảnh có đồng nghĩa với trục xuất hay không? Khi nào áp dụng trục xuất, khi nào áp dụng buộc xuất cảnh?... Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn kiến nghị cần xem buộc xuất cảnh là hình thức xử lý mới, cần có khái niệm rõ ràng để dễ dàng áp dụng trong thực tiễn...

Có thể nói, công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn thành phố đang tồn tại một số vấn đề hạn chế cần khắc phục. Công tác quản lý xuất, nhập cảnh cần có sự kiểm tra, rà soát ngay từ đầu vào để phát hiện sàng lọc sớm những đối tượng nghi vấn. Đồng thời, cũng cần chấn chỉnh vai trò kiểm tra, giám sát thường xuyên của cảnh sát khu vực, tổ dân phố, chính quyền phường, xã cơ sở. Cơ quan chức năng cần làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi, thủ đoạn của người Việt móc nối, che giấu, tiếp tay cho người nước ngoài vi phạm pháp luật.

Việc quản lý lưu trú của người nước ngoài ở các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ hay tại các khu dân cư, nhất là các khu chung cư, khu đô thị mới xây dựng phải được siết chặt. Việc xuất hiện của những khu dân cư tập trung đông người nước ngoài sinh sống cũng cần có những biện pháp quản lý mang tính đặc thù... Có như vậy mới ngăn chặn hiệu quả tình trạng người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội.

Phú Lữ
.
.