Cần ngăn chặn “ma men” sau tay lái

Thứ Ba, 30/04/2019, 13:59
Trong trí nhớ của tôi, những “cao thủ” uống rượu - “ma men” đều dẫn tới tình trạng suy kiệt về sức khỏe, thần kinh và nhân cách. Nhưng, những “ma men” đó còn nguy hiểm hơn gấp bội phần khi tham gia giao thông, bởi họ không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn khiến những người vô tội khác thiệt mạng oan và lâm vào cảnh tan cửa nát nhà.

Những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người vừa xảy ra thêm khẳng định điều đó.

Xót lòng những tai nạn do rượu bia

Đêm 22-4, sau vụ tai nạn xảy ra tại Hà Nội, nhìn cháu bé thẫn thờ ngồi bên xác mẹ, không ai cầm lòng được. Mẹ cháu - chị Lê Thị Thu Hà - là nữ công nhân môi trường vừa bị chiếc ô tô "điên" tông tử vong. Thời điểm ấy chị đang làm công việc thường ngày tại khu vực trước cửa nhà 220 đường Láng thì chiếc ô tô lao tới, tông trúng và kéo lê chị gần 200 mét.

Cú đâm quá mạnh khiến chị tử vong tại chỗ. Nhiều đồng nghiệp của chị chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy không kìm được nước mắt, đổ gục xuống đường. Hôm đưa tang chị có rất đông người thân, gia đình, bạn bè đồng nghiệp, hàng xóm.

Chị Hà là nạn nhân của vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia gây ra. Tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) sau khi gây tai nạn chết người, bị Công an quận Đống Đa tạm giữ 8-9 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa tỉnh rượu, Cơ quan công an không thể lấy lời khai.

Cơ quan chức năng xử lý lái xe say rượu tông Cảnh sát giao thông.

Trước vụ việc này, khoảng 13h ngày 11- 4, ông Nguyễn Đức Huyện (sinh năm 1959, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) lái xe ô tô Lexus biển kiểm soát 49X-6666 gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khi tông vào đám tang trên đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn, khiến 4 người tử vong, 6 người bị thương. Ông Huyện là người đi viếng đám ma trên, khi lên xe ra về thì đã không làm chủ được tốc độ, tông thẳng vào đám ma gây nên vụ tai nạn kinh hoàng.

Theo lời khai của lái xe thì trước khi đi đám ma, ông ta có uống rượu thuốc tại nhà. Kết quả đo nồng độ cồn cũng vượt mức cho phép nhiều lần.

Đêm 1-1, tại Km 198+200, Quốc lộ 20 thuộc địa phận khu phố Nam Sơn, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, taxi mang biển kiểm soát  49A-174.72 do tài xế Đỗ Thục Hân (23 tuổi) điều khiển đã xảy ra tai nạn với xe máy mang biển kiểm soát 49V1-6202 do Nguyễn Văn Huy điều khiển cùng chiều ở phía trước. Sau khi gây tai nạn với xe máy, chiếc taxi tiếp tục lao về phía trước và tông vào một cây xanh bên đường rồi lật ngửa. Hậu quả vụ tai nạn khiến 3 người tử vong, 4 người bị thương, chiếc taxi và xe máy bị biến dạng hoàn toàn.

Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là tài xế Đỗ Thục Hân sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe. Nồng độ cồn đo được sau khi gây tai nạn của lái xe Hưng là 1.108mg/l, vượt quá tất cả các quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn được ghi trong Luật.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

“Án tử” được báo trước

Rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia rượu. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều người đã gieo những án "tử" không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian gần đây, có tới 65 đến 70% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn.

Cách đây vài năm, một cuộc khảo sát do Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 địa phương cho thấy, tỷ lệ các vụ TNGT do rượu bia chiếm khoảng 40%.

Nói về vụ TNGT làm chết nữ công nhân vệ sinh, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh rằng, kết quả đo nồng độ cồn cho thấy tài xế Đỗ Xuân Tuyên có nồng độ cồn là 1,041 mg/lít khí thở. Đây là mức quá cao, vượt quá các khung cao nhất trong quy định xử phạt.

Theo chân lực lượng CSGT xử lý các lái xe sử dụng rượu bia, chúng tôi càng cảm nhận được những nguy hiểm do hành vi này gây ra. Đặc biệt, các lái xe sau khi đã uống rượu bia thường không làm chủ được hành vi nên không chấp hành quyết định xử phạt, thậm chí có lời nói, hành động thiếu tôn trọng đối với lực lượng làm nhiệm vụ.

Như lái xe Nguyễn Văn  Mạnh, ở phường Hà Khánh, TP Hạ Long, sau khi bị tổ công tác của Phòng CSGT Công an Quảng Ninh dừng phương tiện và thấy máy đo nồng độ cồn cho kết quả 0,241 miligam/lít khí thở liền tỏ ý không đồng tình với kết quả trên vì cho rằng, chỉ uống một chút rượu nho sao lại có nồng độ cồn. Anh ta không ký vào biên bản với lý do rất “cùn” là “có một ngụm rượu” sao lại bị phạt. Lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, đề nghị người làm chứng ký biên bản vi phạm đồng thời cưỡng chế tạm giữ phương tiện. Sau hơn 1h đồng hồ, tổ công tác mới xử lý xong trường hợp của lái xe này.

Lái xe Nguyễn Văn Tuân (trú ở xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà, Hải Dương) bị phát hiện có nồng độ cồn trong khí thở cũng cho rằng mình uống “có một chút” bia sao máy vẫn phát hiện nồng độ cồn(?) Suốt từ 19h đến gần 20h, lái xe này loanh quanh đề nghị chưa lập biên bản để “gọi điện cho người thân”. Lực lượng chức năng kiên quyết lập biên bản với 3 lỗi: hơi thở có nồng độ cồn, không có đăng ký xe và không có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Lái xe say rượu gây tai nạn khiến chị hà tử vong ở đường Láng.

Không chỉ không muốn ký biên bản, loanh quanh cãi cùn, một số lái xe sau khi say xỉn còn tấn công CSGT như trường hợp đối tượng Nguyễn Trung Nghĩa (22 tuổi, ngụ ấp Hòa Lạc Trung, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) khi bị kiểm tra giấy tờ đã không chấp hành, la hét kêu gọi 2 người bạn đang ngồi nhậu gần đó ra vây đánh CSGT. Sau đó, Công an huyện Chợ Gạo đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ.

Thậm chí, không bị kiểm tra giao thông nhưng do say rượu, nhóm đối tượng người Đông Cường, Đông Hưng, Thái Bình cũng tấn công CSGT. Cụ thể, khi tổ công tác CSGT Công an huyện Đông Hưng đang khám nghiệm hiện trường một vụ TNGT nghiêm trọng thì 3 đối tượng Nguyễn Duy Đạt, Nguyễn Thế Duy (đều trú tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng) và Tô Thế Hải (trú tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng) đã đi xe máy đến hiện trường, có hành vi lăng mạ và gây sự với các chiến sĩ CSGT.

Sau đó Đạt rút dao gấp trong người đâm vào bụng Trung úy Hà Đức Tài và vào ngực, lưng Trung tá Phạm Huy Hà rồi đạp vỡ cụm đèn nghiệp vụ trên ô tô công an, đập vỡ va li khám nghiệm của tổ công tác và ném xuống ruộng rồi rời khỏi hiện trường.

Công an huyện Đông Hưng ngay trong đêm đã truy bắt được cả 3 đối tượng. Chúng khai, đã uống nhiều bia rượu nên khi nhận được tin báo có bạn bị tai nạn, cả nhóm đến hiện trường. Biết bạn đã được đưa đến bệnh viện, chúng hành hung CSGT.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, xử lý vi phạm nồng độ cồn thường khó khăn hơn so với các vi phạm khác do những trường hợp sử dụng rượu, bia có nhận thức và hành động không thực sự chuẩn mực. Có trường hợp còn tỏ thái độ chống đối, lăng mạ, xúc phạm lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Song, với tinh thần trách nhiệm, anh em làm nhiệm vụ vừa phân tích, tuyên truyền để người vi phạm hiểu rõ hậu quả đi kèm với lỗi vi phạm của mình, vừa kiên quyết xử lý.

Đặc biệt, đối với những trường hợp cố tình không hợp tác, chống người thi hành công vụ, lực lượng chức năng sẽ tổ chức ghi hình, mời nhân chứng xử lý nghiêm đối tượng trước pháp luật.

Giải pháp nào ngăn ngừa “ma men” ra đường?

Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, trong quý I/2019 toàn quốc xảy ra 4.030 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. So với 3 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 644 vụ (giảm 13,78%), số người chết giảm 244 người (giảm 11,35%), số người bị thương giảm 486 người (giảm 13,4%). Tuy nhiên, lại xảy ra 7 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 29 người, bị thương 29 người, gây bức xúc dư luận xã hội tại các địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, trong đó nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia chiếm tỷ lệ rất cao.

Trong quý I/2019, CSGT trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó có 814 lái xe ô tô. Những địa phương có kết quả xử lý cao như TP Hồ Chí Minh (3.295 trường hợp); Phú Thọ (2.520 trường hợp); Bến Tre (2.169 trường hợp); Cần Thơ (2.132 trường hợp); Tây Ninh (2.807 trường hợp); Đắk Lắk (1.449 trường hợp)... Tuy nhiên, mức xử phạt đối với hành vi lại chưa tương xứng.

Hiện trường vụ tai nạn gây ra cái chết thương tâm cho chị Lê Thị Thu Hà.

Nói về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an cho rằng, hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là rất nguy hiểm vì lái xe không làm chủ được bản thân, làm giảm hoặc mất khả năng an toàn, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người khác.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Cục CSGT thấy rằng, các nước coi những người lái xe khi đã sử dụng rượu bia là tội phạm hình sự, mặc dù chưa xảy ra hậu quả nhưng gây nguy hiểm cho chính người đó và những người tham gia giao thông khác.

Và nếu là tội phạm hình sự thì phải ngăn chặn trước khi xảy ra hậu quả. Theo đó, CSGT sẽ cưỡng chế người, cẩu phương tiện đưa về trụ sở để làm việc, đồng thời được quyền hoàn thiện hồ sơ gửi ra tòa án để xử lý. Bên cạnh đó, người vi phạm sẽ bị cấm hành nghề lái xe trong một thời gian nhất định, đặc biệt là lái xe kinh doanh vận tải; xử phạt rất nặng và hạn chế quyền đi lại của người sử dụng rượu bia. Thậm chí, bảo hiểm không chi trả cho các trường hợp sử dụng rượu bia gây tai nạn, kỳ mua bảo hiểm sau sẽ phải trả phí rất cao...

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ lỗi gây tai nạn do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là rất lớn nhưng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.

Đại tá Đỗ Thanh Bình đề nghị cần có những chế tài đủ mạnh để xử phạt những người vi phạm nồng độ cồn. “Thứ nhất, đề nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn chi tiết khoản 5 Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015. Thứ hai, cho phép CSGT thông báo vi phạm đến khu dân cư, cơ quan, đơn vị nơi người vi phạm làm việc để tạo áp lực dư luận, đẩy lùi vi phạm. Việc thông báo này có tác dụng rất lớn, nhất là đối với những người làm việc tại cơ quan, tổ chức, có thể coi đây là tiêu chí phân loại thi đua cuối năm.

Bên cạnh đó, nên quy định cắt ngắn thời hạn cấp lại giấy phép lái xe trong kỳ cấp tiếp theo, bắt buộc sát hạch lại, kiểm tra kỹ phản xạ mắt, thần kinh; không cho phép kinh doanh vận tải trong một thời gian nhất định...” - Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Ủng hộ đề xuất tước bằng vĩnh viễn và buộc lao động công ích với tài xế vi phạm

Ngày 24-4, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1, nhiệm vụ công tác quý 2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ủng hộ các đề xuất xử lý mạnh hơn đối với lái xe vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích.

Phó Thủ tướng cảnh báo và cho rằng, ngoài việc xử lý hình sự, cần tiến tới các biện pháp khác mạnh tay với tài xế sử dụng chất kích thích như tước bằng vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và buộc lao động công ích...

Phương Thủy
.
.