Cần nghiêm trị hành vi chống người thi hành công vụ

Thứ Ba, 02/02/2021, 15:00
Vụ ông Lại Quốc Đạt - (Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Tuyên Quang) hành hung chiến sĩ CSGT chưa thể khép lại, mặc dù cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính. Hành động tấn công lực lượng Công an thực thi công vụ của vị lãnh đạo này đã gây phẫn nộ trong cộng đồng.


Trên diễn đàn báo chí và mạng xã hội, nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý đánh giá hành vi đã cấu thành tội phạm và việc xử lý hình sự là đúng đắn và cần thiết. Đồng thời đặt ra câu hỏi là trong các tình huống tương tự, CSGT nên ứng xử thế nào là khôn ngoan và hợp pháp, để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Giới bào chữa lên tiếng

Theo thông tin Công an TP Tuyên Quang cung cấp, khoảng 14 giờ ngày 11-1, ông Lại Quốc Đạt điều khiển xe ôtô phóng nhanh, lạng lách trên đường, nên đã thông báo cho Đội CSGT - Công an TP Tuyên Quang. Khi lực lượng chức năng dừng phương tiện thì thấy ông Đạt đang say rượu, nên đã yêu cầu ông lên xe về trụ sở Đội CSGT để tiến hành đo nồng độ cồn theo quy định.

Luật sư Lê Hồng Hiển cho rằng hành động này không chỉ xúc phạm trực tiếp cá nhân chiến sĩ CSGT, mà còn xúc phạm sự tôn nghiêm của pháp luật

Tuy nhiên, ông Đạt không chấp hành mà bất ngờ túm cổ áo, xô đẩy chiến sĩ CSGT… rồi lăng mạ, chửi bới người thực thi công vụ. Sự việc đều được rất nhiều người dân ghi lại bằng điện thoại. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy ông Đạt vi phạm ở mức trên 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngày 20-1, Công an TP Tuyên Quang đã xử phạt ông Đạt 3 triệu đồng về hành vi cản trở người thi hành công vụ; 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng về lỗi vi phạm nồng độ cồn.

Bình luận về sự việc này, luật sư Đặng Văn Cường - (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) nói: "Hình ảnh trong clip cho thấy người đàn ông này rất côn đồ, hung hãn. Việc ông ta túm cổ áo, xô đẩy định quật ngã chiến sĩ CSGT đang thực hiện nhiệm vụ, là hành động khinh nhờn pháp luật, cản trở việc thực thi công vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội, gây dư luận xấu trong nhân dân, đặc biệt là làm xấu đi hình ảnh của cán bộ đảng viên, công chức nhà nước”.

Vẫn theo luật sư Cường, cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang nên xem xét xử lý thật nghiêm minh sai phạm của ông Đạt để làm gương. Bởi các lẽ sau, trước hết theo Luật phòng chống tác hại rượu bia thì việc uống rượu bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc của cán bộ, công chức là vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật theo quy định của luật cán bộ công chức, luật viên chức và bị xử phạt hành chính về hành vi uống rượu bia sai quy định.

Tiếp đến là hành vi vi phạm TTATGT và chống người thi hành công vụ của ông Đạt - (một người có chức vụ, quyền hạn) đã thể hiện sự sa sút về phẩm chất đạo đức, thiếu gương mẫu trong sinh hoạt của cán bộ đảng viên, cùng với đó là thái độ khinh nhờn pháp luật ở chính người cần phải nêu gương về sự thượng tôn pháp luật. Đặt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với phương châm không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, thì không thể vì bất cứ lý do gì mà đánh giá thấp đi tính chất nguy hiểm của hành vi ông Đạt đã gây ra.

Ông Lại Quốc Đạt hành hung chiến sĩ CSGT đang thực hiện nhiệm vụ

Luật sư Lê Hồng Hiển - (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong khoa học pháp lý, hành vi chống người thi hành công vụ được hiểu là việc sử dụng vũ lực tấn công, chống đối, làm cản trở hoạt động bình thường theo chức trách, nhiệm vụ của người được cơ quan Nhà nước giao thực thi nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Trong vụ việc này, ông Đạt đã điều khiển phương tiện cơ giới mặc dù say rượu. Khi CSGT yêu cầu kiểm tra, ông ta không những bất tuân hiệu lệnh, mà còn hùng hổ lao vào túm áo, xô đẩy, khoá cổ định quật chiến sĩ CSGT xuống đất, cùng với những lời nói lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân người chiến sĩ đang khoác trên mình bộ quân phục của lực lượng Công an. Hành động đó không chỉ xúc phạm trực tiếp cá nhân chiến sĩ CSGT đó, mà còn xúc phạm sự tôn nghiêm của pháp luật.

"Trong đoạn clip được đăng tải trên mạng, quan sát kỹ những giây đầu tiên thấy dường như đã có hành động tát chiến sĩ CSGT của ông Đạt. Nếu đúng thì việc phạm tội là rất rõ ràng. Nếu không thì chỉ cần hành vi túm cổ áo, xô đẩy, chửi bới, ôm cổ để quật chiến sĩ xuống đất… cũng đã thoả mãn các dấu hiệu quy định tại mặt khách quan trong cấu thành tội phạm của tội "Chống người thi hành công vụ" - luật sư Hiển bình luận.

Nghiêm trị để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật

Trong một lần trò chuyện, Thượng tá Nguyễn Minh Hiển (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện CSND) cho rằng giải pháp cho vấn nạn manh động hành hung cán bộ, nằm trong tay chính lực lượng thực thi công vụ trên đường. Trước hết đó là việc nắm vững pháp luật, lấy đó làm căn cứ để đánh giá hành vi nào chưa cần phải dùng đến sức mạnh, hành vi nào đã đến mức cấu thành tội phạm để cương quyết trấn áp. Tiếp đến là văn hoá ứng xử, biết đánh giá nhận định về đối tượng vi phạm, về tính chất của sự việc.

Quan trọng là biết kiềm chế cảm xúc, không chạy theo diễn biến của sự việc và thái độ của đương sự khiến bản thân mất bình tĩnh, dẫn đến nổi nóng và hành xử sai. Trong những tình huống phạm tội đã rõ ràng, thì cần phải quyết đoán, sử dụng vũ lực ở mức đủ để khống chế, ngăn chặn tội phạm, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, ghi hình sự việc để làm căn cứ xử lý. Người chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài đường nên ghi nhớ rằng: sức mạnh của bản thân chính là quyền năng và biện pháp được pháp luật quy định, là công cụ phương tiện chiến đấu mà Nhà nước đã trang bị để duy trì pháp luật. Sử dụng hết sức mạnh mà pháp luật cho phép đối với người thực thi nhiệm vụ, tạo nên sức mạnh đề kháng trước mọi sự chống đối của người vi phạm.

Quả thực khi quan sát nhiều vụ việc phức tạp xảy ra trên đường, có thể nhận thấy rõ sự do dự, lúng túng của một số cán bộ chiến sĩ khi gặp phải đối tượng côn đồ hung hãn. Lẽ ra phải sử dụng vũ thuật, công cụ hỗ trợ cương quyết trấn áp ngay khi hành vi phạm tội đã xảy ra, thì họ lại tỏ ra phân vân không biết nên làm thế nào. Làm "rắn" thì sợ sai, sợ kỷ luật, còn không làm gì thì dĩ nhiên sẽ càng củng cố thêm niềm tin trong kẻ vi phạm, rằng với Công an cứ "mềm nắn, rắn buông!”.

Tán thành quan điểm này, luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng giải pháp quan trọng bảo vệ CSGT trước vấn nạn chống đối, tấn công của người vi phạm, đó là phải tăng cường tính răn đe của pháp luật đối với hành vi này. Theo ông Quyền, mọi hành vi tấn công lại CSGT (dù chưa gây hậu quả thương tích), cũng phải được xem xét xử lý về hình sự.

"Việc xử lý nghiêm khắc mọi hành vi tấn công, chống đối CSGT là cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất là phải làm sao để không một hành vi chống người thi hành công vụ nào thoát khỏi bị trừng trị. Tôi biết trên thực tế, chỉ có những vụ chống đối, tấn công CSGT gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ thì mới bị xử lý hình sự, còn thường chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính, hoặc không xử lý. Áp lực đối với cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc không phải là nhỏ, và đã có những vụ việc bị "chìm xuồng" do bên vi phạm bồi thường hay xin lỗi, phía "bị hại" cũng dễ dàng thông cảm, bỏ qua… Chính điều này làm cho luật pháp bị xem thường. Tôi nghĩ cứ làm rốt ráo, xử án điểm những vụ chống đối, tấn công CSGT, sẽ tác động mạnh tới ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông" - Luật sư Quyền nêu quan điểm.

Đào Trung Hiếu
.
.