Cần siết chặt quản lý phương tiện vận tải đường thủy nội địa

Thứ Hai, 13/06/2016, 10:55
Từ nhiều năm qua, mỗi ngày, ở hàng trăm bến đò ngang, hàng chục bến tàu khách du lịch, hàng nghìn con tàu, chiếc thuyền vẫn bền bỉ đưa đón khách, trong số đó chiếm một số lượng không nhỏ là những phương tiện vận tải thủy chưa đáp ứng được những quy định về an toàn giao thông. Bằng cách này, cách khác, chủ của những phương tiện này vẫn an nhiên hoạt động, cho dù xung quanh họ luôn có những lực lượng hữu trách thực thi nhiệm vụ...

Như Chuyên đề ANTG đã đưa tin vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn, TP Đà Nẵng vừa xảy ra hôm 4/6 làm 3 trong số 56 người bị rơi xuống sông tử vong được xem là một bài học đắt giá trong việc buông lỏng quản lý các phương tiện giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là đối với các loại tàu, thuyền chuyên kinh doanh dịch vụ chở khách du lịch đi tham quan.

Để đưa được xác 3 du khách xấu số tử nạn trên sông Hàn sau khi tàu chìm về với người thân. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã phải huy động gần 1.000 người thuộc nhiều lực lượng cùng hơn 200 phương tiện trên sông tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Một Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng; một đội trưởng quản lý tàu thuyền thuộc Cảng vụ đã bị đình chỉ công tác, cách chức; một kíp trực của Cảng vụ trong thời điểm xảy ra sự cố chìm tàu bị buộc thôi việc... Một chủ thuyền, một tài công bị khởi tố bắt giam... Một bài học quá lớn đối với công tác quản lý các loại phương tiện vận tải đường thủy nội địa mà bài học này không dành riêng cho bất cứ địa phương nào.

Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến thực trạng hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy nội địa ở các địa phương ở khu vực miền Trung, đặc biệt là những dịch vụ vận chuyển khách tham quan trên sông nước ở thắng tích Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình, dịch vụ ca Huế trên sông Hương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, dịch vụ đưa khách tham quan đôi bờ sông Hàn, khám phá Cù Lao Chàm ở Hội An tỉnh Quảng Nam và tham quan đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi...

Ngày 9/6, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa, khi nói về vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn vào tối 4/6, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng nếu quản lý tốt thì đã không xảy ra tai nạn chìm tàu, chứ không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan.

Ông Nguyễn Xuân Anh nói: “Chúng tôi đã nhận trách nhiệm và chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ khi để xảy ra sự cố đáng tiếc này. Vừa qua cũng đã cách chức một số đồng chí liên quan, sa thải các nhân viên tham gia kíp trực hôm xảy ra sự việc. Đồng thời, chuyển Cơ quan Công an nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can kể cả tài công lẫn chủ tàu. Hướng xử lý sẽ rất nghiêm, đưa ra xét xử sớm, công khai. Kể cả trách nhiệm lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, chúng tôi đã chuyển Ủy ban Kiểm tra đề ra hình thức xử lý. Tinh thần là không có bao che...”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề đường thủy nội địa của tỉnh Quảng Bình, Thượng tá Võ Văn Chính - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Hệ thống đường thủy nội địa của tỉnh Quảng Bình rất phong phú, trong số đó có tuyến đường thủy nội địa Xuân Sơn - Phong Nha nằm về phía thượng nguồn sông Son, đi qua các thôn Hà Lời, Na, Phong Nha, Trằm, Mé, thuộc địa phận xã Sơn Trạch với 2 bến thuyền du lịch (Xuân Sơn - Phong Nha) và 1 bến đò ngang Trằm - Mé được Sở Giao thông vận tải Quảng Bình cho phép hoạt động.

Tuyến đường thủy này có độ dốc cao, địa hình, luồng lạch phức tạp, nhiều đá ngầm, mùa mưa lụt nước sông chảy xiết, tuy nhiên đây lại là tuyến giao thông quan trọng trong lộ trình tham quan động Phong Nha, Tiên Sơn, sông hang Tối tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nên mật độ phương tiện tham gia giao thông đường thủy đông. Riêng đội thuyền du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã có 310 phương tiện, trong đó có 145 thuyền rồng, 89 thuyền thép mẫu mới, 62 thuyền gỗ, 14 thuyền composite...

Tuyến đường thủy này lúc nào cũng có thuyền bè hoạt động ngược xuôi, nên hiện tượng lộn xộn là không thể tránh khỏi. Lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, tuy nhiên hiện tượng không chấp hành nghiêm túc luật lệ giao thông đường thủy vẫn tồn tại.

Lý giải về điều này, Thượng tá Võ Văn Chính nói thêm: Do trình độ học vấn của một số chủ phương tiện còn thấp, ý thức trách nhiệm còn hạn chế, một số thuyền trưởng, thuyền viên chấp hành chưa nghiêm Luật Giao thông đường thủy. Bên cạnh đó cũng phải nói rằng, ý thức  chấp hành Luật Giao thông, Nội quy tham quan du lịch, ý thức bảo vệ môi trường của một số du khách chưa cao, điều này đã làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động ở vùng đất du lịch.

Phía Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Bình đã có kiến nghị đến Ban An toàn giao thông huyện Bố Trạch (địa bàn có khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng) cần phải chỉ đạo sâu sát hơn nữa công tác bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội tại khu vực vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Công an huyện Bố Trạch sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm du lịch Phong Nha, UBND xã Sơn Trạch để tổ chức các hội nghị tuyên truyền an toàn giao thông với bình yên sông nước, trật tự xã hội... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Giao thông đường thủy đối với các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên, phổ biến kịp thời các thông tư, nghị định mới liên quan đến các phương tiện thủy nội địa cho người dân.

Ngành Giao thông vận tải sẽ tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo định kỳ, đào tạo, sát hạch, cấp bằng và chứng chỉ chuyên môn cho đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên theo đúng quy định. Hướng dẫn chủ phương tiện nâng cấp những chiếc thuyền đã xuống cấp, cải tạo những chiếc thuyền có mẫu theo truyền thống dân gian thành những mẫu thuyền mới như hiện nay để đảm bảo đội thuyền du lịch Phong Nha đồng bộ, thẩm mỹ...

Ở TP Huế, nhiều năm qua đã tồn tại loại hình dịch vụ nghe ca Huế trên sông Hương. Tại đây cũng có rất nhiều người đầu tư đóng mới thuyền rồng để phục vụ. Theo ông Nguyễn Khoa Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý bến xe, thuyền TP Huế thì hiện nay Ban đang quản lý 128 thuyền rồng, trong đó có 50 chiếc thuyền đôi và 78 thuyền đơn.

Theo Quyết định số 31 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa, các doanh nghiệp hoặc chủ tàu thuyền muốn hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bảo hiểm nhân sự; thuyền trưởng phải có bằng lái...

Theo quy định, thuyền rồng trước khi xuất bến phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm và các giấy tờ liên quan. Đặc biệt, đơn vị còn cử cán bộ xuống trực tiếp thuyền để kiểm tra xem chủ thuyền có bố trí áo phao, phao cứu sinh, phương tiện PCCC và có lập danh sách du khách đi thuyền hay không. Nếu thuyền nào chở quá 35 người/thuyền đôi và 15 người/thuyền đơn thì chắc chắn không cho xuất bến để bảo đảm an toàn.

Mặc dù Ban Quản lý bến xe, thuyền TP Huế thường xuyên phối hợp với lực lượng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và các phường Kim Long, Phú Hội, Vĩnh Ninh để tăng cường kiểm tra thuyền du lịch trên sông Hương nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều thuyền rồng đón trả khách tại bến tự phát như Đập Đá và điểm trước Bia Quốc học Huế để né tránh việc đăng ký làm thủ tục xuất bến. Việc này dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với khách đi thuyền rồng.

Một vấn đề nữa là hầu như không có một du khách nào khi bước chân lên thuyền để thưởng thức ca Huế lại muốn khoác lên người chiếc áo phao kềnh càng... Chủ thuyền thường để áo phao thành đống ở một góc thuyền rồi ai đó muốn thì khoác lên người mà thôi.

Thiếu tá Lê Hồng Hà, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, lực lượng của đơn vị đã tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn du khách đi thuyền rồng. Đặc biệt, trong giờ cao điểm từ 15 giờ đến 21 giờ hằng ngày, luôn có tổ kiểm tra các thuyền du lịch trước khi xuất bến để xem các thuyền có tình trạng dồn ép khách hay không.

“Trừ các bến đò ngang, còn lại các thuyền du lịch hoạt động tại các bến thuyền đò dọc tại TP Huế không quy định mặc áo phao lên tàu thuyền. Tuy nhiên, lực lượng CSGT đường thủy vẫn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở đến các chủ tàu cố gắng sắp xếp, bố trí áo phao gần điểm du khách ngồi để thuận tiện sử dụng, qua đó đảm bảo an toàn cho du khách nếu có sự cố xảy ra”.

Ở tỉnh Quảng Nam, hệ thống giao thông đường thủy nội địa cũng khá phong phú, tuy nhiên sôi nổi nhất vẫn là tuyến Cửa Đại đi Cù Lao Chàm. Theo Thượng tá Trần Văn Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại thì hiện tại là thời điểm có đông du khách tìm đến tham quan Cù Lao Chàm nhất.

Theo thống kê, mỗi ngày có từ 1.800 đến 2.200 du khách đi bằng đường thủy đến khám phá, tham quan khu vực đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An). Hiện nay, có 118 chiếc ca nô, trong đó có hơn 20 chiếc có công suất lớn hơn 30CV), 3 chiếc tàu chợ, 6 chiếc tàu gỗ vận chuyển khách du lịch cũng như người dân địa phương vào ra đất liền.

Đồn Biên phòng Cửa Đại thường xuyên tổ chức phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Ban quản lý bến tàu, Ban quản lý bảo tồn biển Hội An kiểm tra chặt chẽ lượng khách trên các chuyến tàu, đảm bảo vận chuyển đúng, đủ số người quy định.

Qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi nhận thấy rằng, hiện nay, tuyến vận tải khách Sa Kỳ - Lý Sơn, đảo Lớn - đảo Bé hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm.

Lâu nay, trên tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, tình trạng nhiều hành khách vẫn chen lấn, leo trèo để lên xuống tàu không đúng nơi quy định. Việc này rất dễ xảy ra tai nạn. Tuyến vận tải từ đảo Lớn đi đảo Bé hiện nay có khoảng 10 chiếc ca nô hoạt động.

Có thể nói rằng, đội ngũ những chiếc ca nô này đã đưa đón một lượng rất lớn hành khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu vực đảo Bé, góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương. Tuy nhiên, vì mới hoạt động cho nên dịch vụ này vẫn còn rất nhiều bất cập cần phải được chấn chỉnh kịp thời.

Tại cầu Cảng Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, dù có đường lên xuống tàu nhưng nhiều hành khách vẫn chen lấn, leo trèo để lên xuống tàu không đúng nơi quy định. Việc này rất dễ xảy ra tai nạn. Trong khi đó, công tác quản lý sắp xếp cho hành khách lên xuống tàu của chủ tàu và Ban quản lý cảng Lý Sơn lại chưa được chú trọng đúng mức.

Nhiều người dân thường xuyên qua lại khu vực này cho biết thêm: Ban quản lý cảng không sắp xếp được bến bãi tập trung, khách đi lên xuống còn lộn xộn nên rất dễ gây ra tai nạn như té hoặc bị rơi xuống biển.   

Nhiều chuyến tàu vận tải khách trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và tuyến đảo Lớn - đảo Bé rất mất an toàn. Chủ tàu vẫn để hành khách đứng ngoài đầu tàu một cách mất an toàn khi tàu đang hoạt động trên biển. Thậm chí, hành khách đi tàu cao tốc, đi ca nô tham quan du lịch ở đảo Lý Sơn cũng chưa được trang bị áo phao nhằm phòng ngừa rủi ro trên biển. Tình trạng các tàu vận tải, ca nô đưa đón khách hoạt động tự phát trên tuyến từ đảo Lớn sang đảo Bé vẫn chưa được kiểm soát tốt.

Ông Huỳnh Ngà, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trước mắt, chúng tôi tăng cường công tác quản lý để bảo đảm an toàn cho hành khách đi lại. Đặc biệt, chú trọng PCCC trên ca nô, áo phao cứu sinh và các thiết bị an toàn. Chúng tôi kiến nghị và Giám đốc Sở có ý kiến trong thời gian sớm nhất sẽ làm việc với huyện Lý Sơn để đưa ra giải pháp quản lý chặt chẽ các loại phương tiện này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách với phương châm tính mạng con người là trên hết”.

Vấn đề an toàn cho hoạt động vận tải khách trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, tuyến đảo Lớn - đảo Bé đang thật sự là nỗi lo của tỉnh Quảng Ngãi và được bàn thảo nhiều trong các cuộc họp để tìm cách quản lý tốt nhất hoạt động của phương tiện vận tải khách, góp phần ngăn ngừa tai nạn.

Mỗi năm, huyện đảo Lý Sơn đón khoảng 100 ngàn lượt du khách ra tham quan du lịch biển. Do vậy, nếu không siết chặt hoạt động vận tải khách, đảm bảo chất lượng an toàn đối với từng phương tiện thì tai nạn xảy ra như vụ lật tàu ở sông Hàn, Đà Nẵng là điều khó tránh khỏi...

Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư thành ủy Đà Nẵng nhận trách nhiệm về vụ chìm tàu Thảo Vân 2.

Tìm kiếm cứu nạn một vụ tai nạn trên sông.

Bảo Thy
.
.