Cẩn thận bẫy lừa giao dịch nhà, đất

Thứ Bảy, 21/03/2020, 22:36
Mua bán nhà đất là giao dịch dễ bị lợi dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện những đối tượng lừa đảo với thủ đoạn rất tinh vi, không ai ngờ tới.

Đánh tráo sổ, đoạt tiền tỷ

Thời điểm đầu năm mới 2020 có thể coi là những ngày vui đối với gia đình ông Nguyễn Văn L. (trú tại Gia Lâm, Hà Nội). Bởi trước đó ít ngày ông đã gần như hoàn tất việc mua một mảnh đất khá đẹp tại khu vực hồ Cầu Đuống (thuộc xã Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội). Song "ngày vui ngắn chẳng tày gang", sau khoảng nửa tháng nộp hồ sơ giấy tờ vào Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Gia Lâm, ông L. bất ngờ nhận được thông báo rằng mảnh đất trên đang có vướng mắc về thủ tục sang tên. Cụ thể, người con trai của chủ nhân mảnh đất trên sổ đỏ đã có giấy đề nghị tạm ngừng giao dịch từ tháng 7-2019.

Bàng hoàng trước thông tin trên, ông L. lập tức liên hệ với người đã bán mảnh đất cho mình thì không được. Cùng lúc, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Gia Lâm cũng mời ông L. và người chủ có tên trên sổ đỏ đến làm việc. Tới nơi, ông L. mới "ngã ngửa người" khi phát hiện chủ của mảnh đất lại là một người khác, không phải là người mà ông đã giao dịch, đưa tiền.

Tang vật một vụ án lừa đảo nhà đất.

Ông L. cho biết, cuối năm 2019, qua mạng Internet, ông có thông tin về mảnh đất tại địa chỉ khu hồ Cầu Đuống, xã Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Gia Lâm cấp ngày 19-12-2006. Khi liên hệ với người "chủ đất" tên là T. (trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), ông L. bất ngờ trước sự xởi lởi, dễ dãi hiếm có. Chỉ trong vài ngày, hai bên thỏa thuận giao dịch mua bán mảnh đất trên với giá hơn 3 tỷ đồng. Ngày 26-12-2019, mấy người bên phía chủ đất đã đến nhà vợ chồng ông L. nhận đặt cọc số tiền 50 triệu đồng.

Một ngày sau, tại Văn phòng công chứng Long Biên (số 120 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên) vợ chồng ông L. cùng ông T. đã ký hợp đồng giao dịch mua bán mảnh đất trên. Tại đây, ông L. đã trả thêm cho ông T. 150 triệu đồng. Ngày 28-12-2019, vợ ông L. đến ngân hàng rút tiền và giao trực tiếp cho ông T. thêm 3 tỷ đồng nữa. Ít ngày sau vợ chồng ông L. đến Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Gia Lâm để làm thủ tục sang tên “sổ đỏ”. Vợ chồng ông L. cứ ngỡ chỉ cần chờ một thời gian là có tên trong sổ đỏ, ai ngờ...

Sau khi phát hiện mình đã dính phải bẫy của "siêu lừa", ông L. đã làm đơn trình báo lên Cơ quan công an. Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Long Biên được phân công tiếp nhận vụ án.

Trung tá Ngô Văn Điển, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Long Biên cho biết. Dưới sự chỉ huy của lãnh đạo Công an quận, cán bộ chiến sĩ trong Đội đã khẩn trương thu thập tài liệu chứng cứ, đồng thời tổ chức rà soát những đầu mối trong quá trình giao dịch của ông L. Sau một thời gian ngắn, các trinh sát đã phát hiện, vạch trần được thủ đoạn của hai gã siêu lừa. Chúng là Đinh Đức Hiệp (SN 1953, trú tại TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc) và Nguyễn Mạnh Cường (SN 1986, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội).

Người dân cần hết sức lưu ý khi giao dịch nhà đất.

Thủ đoạn của các đối tượng như sau: nhóm Cường, Hiệp thường xuyên lên mạng Internet để thu thập thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, chúng chủ động liên lạc, xưng là người môi giới và kết nối với những người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng; đồng thời đề nghị gặp gỡ xem giấy tờ có liên quan.

Tiếp đó, bộ đôi này yêu cầu người bán gửi các thông tin liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy CMND (hoặc căn cước công dân), sổ hộ khẩu... qua mạng xã hội để chúng tiến hành làm giả các giấy tờ này. Tiếp đó, chúng yêu cầu được xem bản chính của sổ đỏ. Quá trình gặp chủ sở hữu mảnh đất, lợi dụng sơ hở, các đối tượng sẽ đánh tráo giấy tờ giả để lấy sổ đỏ thật. Cuối cùng, chúng mang về dựng lên toàn bộ hồ sơ, con người cho khớp rồi lên mạng xã hội rao bán.

Khi gặp khách, các đối tượng sẽ cho người mua xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và các giấy tờ có liên quan để trao đổi, thỏa thuận giá cả mua bán. Thỏa thuận xong, các đối tượng dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và các giấy tờ, con người được dựng lên làm thủ tục chuyển nhượng tại phòng công chứng để chiếm đoạt tiền của người mua. Mỗi người đóng thế chủ sử dụng đất sẽ được trả công khoảng 400 triệu đồng...

Trong vụ việc của ông L., nhóm này đã "ẵm" gọn hơn 3 tỷ đồng của bị hại. Cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam đối tượng Nguyễn Mạnh Cường. Hiện vụ án đang được Công an quận Long Biên điều tra mở rộng.

Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thủ đoạn đánh tráo sổ đỏ giả lấy sổ thật rồi mang đi lừa đảo của nhóm Hiệp, Cường là học từ một số vụ việc đã xảy ra ở TP Hồ Chí Minh. Thủ đoạn này khiến cho người dân rất dễ bị sập bẫy, bởi theo một quy định "bất thành văn" trong giao dịch nhà đất thì sau khi đã làm hồ sơ công chứng, người mua sẽ phải giao 90-95% số tiền đã thỏa thuận để mua mảnh đất cho người bán. Thậm chí, có nhiều trường hợp còn giao đủ 100% giá trị lô đất. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là khi việc sang tên gặp vướng mắc, chưa kể nếu gặp phải đối tượng lừa đảo.

Các đối tượng lừa đảo có thể thuê làm các loại giấy tờ giả, ghép với sổ thật để đi lừa đảo.

Còn nhớ cuối năm 2018 Công an quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hồ sơ một vụ lừa đảo bán nhà. Bị hại là bà Nguyễn Thị Thúy Ng. (trú tại phường 8, quận 3). Theo bà Ng., cuối năm 2018 bà có nhu cầu bán căn nhà trên đường Trần Quốc Toản thì "choáng váng" khi biết rằng căn nhà bà đang đứng tên đã bị sang tên cho một người tên H. ở quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Theo thông tin bà Ng. thu thập được, hợp đồng công chứng mua bán căn nhà của bà do một văn phòng công chứng ở quận Gò Vấp ký xác nhận từ đầu năm 2018. Gia đình bà lập tức đến UBND quận 3 trình báo thì được biết biết căn nhà của bà đã được chuyển tên cho H.

Xâu chuỗi lại quá trình, bà Ng. cho rằng nhiều tháng trước các đối tượng đã đến hỏi mua căn nhà rồi xin bản photocopy giấy tờ nhà. Tiếp đó, bọn chúng đến yêu cầu xem bản gốc sổ hồng và đánh tráo sổ hồng bản gốc với sổ hồng giả đã làm dựa trên bản photocopy trước đó. Cuối cùng, chúng dùng các giấy tờ tùy thân giả, làm giấy ủy quyền giả, giả chữ ký, lăn tay để thực hiện mua bán tại văn phòng công chứng. Thực tế, từ khi bà Ng. sở hữu căn nhà này bà chưa từng ra công chứng để thực hiện bất kỳ một giao dịch nào liên quan đến việc sang tên mua bán căn nhà trên.

Sập bẫy chung cư thế chấp giá rẻ

Nếu như thủ đoạn tráo sổ đỏ của các đối tượng Hiệp, Cường khá mất công, tốn sức thì đối tượng Doãn Tiến Kiên (SN 1992, thường trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lại có thể ẵm gọn 2 tỷ đồng một cách rất "nhẹ nhàng".

Số là do có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề môi giới bất động sản, Kiên được một số người dân "ký gửi" đất đai, căn hộ chung cư để nhờ hắn môi giới cho khách. Cuối năm 2018, chị Hoàng Thị T. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhờ Kiên tìm khách mua căn hộ chung cư ở khu đô thị Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Để thuận tiện giao dịch, chị T. gửi chìa khóa căn hộ cho bảo vệ tòa nhà, khi nào Kiên có khách đến xem sẽ chủ động liên hệ để lấy chìa khóa.

Các đối tượng: Doãn Tiến Kiên, Đinh Đức Hiệp và Nguyễn Mạnh Cường.

Sau đó ít lâu, Kiên gặp bà Phạm Thị Đ. (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) là người có nhu cầu mua nhà. Kiên tự giới thiệu với bà Đ. rằng bản thân đang công tác ở ngân hàng và đang có một căn hộ chung cư cao cấp giá rất "hời". Gã khua môi rằng căn chung cư (của chị T. gửi hắn) là tài sản thế chấp, do chủ nợ đang bị nợ xấu nên ngân hàng phát mại với giá 2 tỷ đồng, rẻ hơn nhiều so với giá thị trường.

Để bà Đ. tin tưởng, Kiên hướng dẫn bà này mang tiền đến ngân hàng nộp làm thủ tục mua bán. Tại đây, Kiên nhờ cán bộ ngân hàng làm thủ tục chứng minh tài chính cho bà Đ. bằng cách mở một sổ tiết kiệm. Sau đó, bà Đ. được cán bộ ngân hàng cấp một bản sao kê sổ tiết kiệm. Do thiếu hiểu biết nên khi nhận bản sao kê này, bà Đ. nghĩ rằng thủ tục mua bán căn hộ với ngân hàng như vậy là hợp lệ nên yên tâm ra về, đợi nhận “sổ đỏ”.

Về phần Doãn Tiến Kiên, anh ta rút ngay số tiền hơn 2 tỷ đồng để trả nợ và chi tiêu cá nhân hết. Sau đó Kiên còn "giả nhân giả nghĩa" khi hứa hẹn sẽ tìm giúp người thuê căn chung cư và chuyển cho bà Đ. gần 130 triệu đồng “hỗ trợ sửa căn hộ”. Khi bà Đ. yêu cầu hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên căn hộ chung cư, Kiên nhờ đối tượng làm “sổ đỏ” giả đưa cho bị hại.

Cuối năm 2019, bà Đ. mới biết bị lừa khi mang “sổ đỏ” đến Phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội để tra cứu. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố đối tượng Doãn Tiến Kiên về các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Người dân cần cảnh giác với những giao dịch nhà đất "chốt nhanh"

Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, để không trở thành miếng mồi ngon cho các đối tượng lừa đảo, người bán nhà đất cần chủ động và đề cao tinh thần cảnh giác. Khi cho khách xem giấy tờ nhà như sổ đỏ, hộ khẩu, lệ phí trước bạ... chủ nhà chỉ nên cho xem bản photocopy và nên che một phần thông tin trên giấy tờ. Chủ nhà cũng không nên vì muốn nhanh chóng bán nhà mà vội vàng công khai ảnh chụp bản chính sổ đỏ lên các trang rao bán nhà đất hay mạng xã hội. Đặc biệt, với những khách hàng tỏ ra giàu có, chốt giá nhanh thì lại càng phải cảnh giác cao độ!

Nếu khách xem nhà nhất quyết muốn xem bản chính sổ đỏ, chủ nhà cần theo sát để tránh mắc bẫy dàn cảnh tráo sổ. Tốt nhất nên có hơn hai người cùng tiếp khách xem nhà, giấy tờ. Thực tế đã có trường hợp nhóm đối tượng lừa đảo cố tình tạo cảnh lộn xộn, tranh nhau trả giá mua để hòng đánh tráo giấy tờ. Ngoài ra, chủ nhà cũng có thể đánh dấu một điểm nào đó trên sổ đỏ mà chỉ mình biết để dễ dàng kiểm tra sổ đỏ đó có bị đánh tráo hay không. Trong trường hợp phát hiện mình bị đánh tráo sổ, chủ nhà cần trình báo ngay sự việc lên văn phòng đăng ký đất đai và Cơ quan công an để ngăn chặn giao dịch mua bán nhà đất, tránh để sự việc thêm phần phức tạp.

M.Tiến - M.Trí
.
.