Cẩn thận mắc bẫy khi lên mạng tìm việc

Chủ Nhật, 09/08/2020, 14:39
Trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu tìm việc để có thể “sống qua ngày” đối với nhiều người dân là rất hiện hữu. Tìm việc trên mạng Internet cũng được nhiều người lựa chọn. Tuy vậy, khi tham gia ứng tuyển, ứng viên cần cảnh giác trước những màn kịch nhằm lừa đảo, trộm cắp tài sản của các đối tượng.

Ông chủ rởm rủ ứng viên vào nhà nghỉ để trộm cắp

Mới đây Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) đã điều tra, bắt giữ một ổ nhóm chuyên lên mạng Internet đăng thông tin tuyển người để rồi dựng lên màn kịch trộm cắp tài sản của họ. Tuy còn trẻ, song hai đối tượng Nguyễn Trung Kiên và Lê Đức Mạnh (cùng sinh năm 1997, thường trú tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã nghĩ ra một thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người sa bẫy, cuỗm đi nhiều tài sản giá trị của ứng viên. Trong khi hầu hết các bị hại đang rất khó khăn, phải vay mượn để duy trì cuộc sống.

Bị hại P.V.H (thường trú ở Hà Tĩnh) kể lại tình huống anh dính bẫy của Kiên và Mạnh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, anh H. bị mất việc và ngày nào cũng lọ mọ trên mạng Intertnet để tìm việc. Tối 23-7, anh H. truy cập trang “Tìm việc làm Hà Nội” (do đối tượng Kiên lập ra) và khấp khởi khi thấy có tin đăng tuyển nhân viên với công việc và thù lao rất hợp lý. Anh H. đã liên hệ với đối tượng Kiên. Hai bên thống nhất hẹn gặp nhau vào sáng 24-7 tại khu vực Cầu Trắng (quận Hà Đông) để bàn bạc về công việc mới.

Gặp anh H., đối tượng Kiên lấy lý do đã gần trưa nên rủ anh H. vào nhà nghỉ để nghỉ ngơi cùng một "nhân viên kho", chiều sẽ đi làm (tiền nhà nghỉ sẽ do Kiên trả). Sau đó Kiên dẫn anh H. đến nhà nghỉ H.L ở địa bàn phường Mộ Lao (quận Hà Đông) để thuê phòng. Khi anh H. đã lên phòng, Kiên ra ngoài cùng Mạnh bàn kế hoạch trộm cắp tài sản của anh.

Thực hiện màn kịch đã thỏa thuận, khoảng hơn 11 giờ cùng ngày, Kiên đến nhà nghỉ, gọi điện cho Mạnh bảo anh H. xuống cùng đi mua cơm. Do tin tưởng Kiên và Mạnh, anh H. cùng Kiên đi mua cơm, còn Mạnh ở lại phòng lục đồ đạc, lấy trộm một chiếc điện thoại Vsmart của anh H.

Hai đối tượng Nguyễn Trung Kiên và Lê Đức Mạnh.

Ngay sau đó, Mạnh rời nhà nghỉ rồi tìm cách thông báo "kết quả" cho Kiên biết. Biết phi vụ đã xong, Kiên chở anh H. quay lại nhà nghỉ và giục anh H. lên phòng ăn cơm để còn “chuẩn bị đi làm”. Khi về phòng nghỉ, thấy đồ đạc bị lục tung và phát hiện chiếc điện thoại di động của mình “không cánh mà bay”, đối tượng Kiên cũng mất tích, anh H. đã đến Cơ quan công an trình báo. Sau khi đã "nẫng" được tài sản của anh, hai tên trộm đã bán cho một cửa hàng điện thoại ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai được 1,8 triệu đồng rồi chia nhau tiêu xài.

Tổ chức lực lượng truy tìm hai đối tượng, Đội CSHS Công an quận Hà Đông phối hợp với Công an phường Mộ Lao vận động hai đối tượng liên quan đến vụ việc ra đầu thú để được hưởng khoan hồng từ pháp luật.

Quá trình điều tra mở rộng, Cơ quan công an xác định Kiên và Mạnh cũng bằng thủ đoạn tương tự đã thực hiện trót lọt phi vụ trộm cắp tài sản khác. Cụ thể, ngày 24-7 Kiên dùng tài khoản Facebook của mình để đăng bài tuyển nhân viên. Anh Hoàng Văn P. (thường trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) đọc được bài viết và xin Kiên nhận vào làm. Kiên hẹn gặp anh P. vào sáng 25-7 tại khu vực đầu đường Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng). Theo kế hoạch đã bàn bạc từ trước, Mạnh đến nhà nghỉ K.L (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) thuê phòng trước đợi anh P. đến.

Khoảng 11 giờ cùng ngày, Kiên gặp anh P. rồi rủ vào một nhà nghỉ nghỉ ngơi để chiều sẽ đi làm. Tại đây, Mạnh hỏi mượn điện thoại của anh P. truy cập vào mạng. Tin tưởng Kiên và Mạnh, anh P. đưa chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 8 cho Mạnh sử dụng. Đến khoảng gần 12h trưa, theo kế hoạch đã bàn trước, Kiên xuống dưới gọi điện thoại cho Mạnh. Vờ bận chơi game, Mạnh đưa điện thoại cho anh P. nghe máy và Kiên bảo anh P. xuống cùng đi mua cơm. Sau khi anh P. cùng Kiên đi khỏi nhà nghỉ thì Mạnh cũng... chuồn. Khi quay về nhà nghỉ, Kiên bảo anh P. lên phòng trước, rồi phóng xe bỏ đi.

Quá trình điều tra, Công an quận Hà Đông đã thu giữ được chiếc điện thoại di động Samsung Galaxy Note 8, 1 xe máy Honda Dream, cùng 4 chiếc điện thoại di động liên quan đến hoạt động phạm pháp của nhóm đối tượng trên.

Tại Cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, nhận thấy nhu cầu tìm việc làm của các bạn trẻ tại Hà Nội ngày càng lớn nên Kiên và Mạnh nảy sinh ý tưởng giả làm "ông chủ" tuyển nhân viên qua mạng xã hội để "dụ" con mồi đến địa điểm kín đáo nhằm trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một chỉ huy Công an phường Mộ Lao chia sẻ, thủ đoạn hai đối tượng sử dụng rất mới và hết sức tinh vi. Các đối tượng đã bàn bạc, lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi phạm tội. Mỗi đối tượng đều được phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp ăn ý để đưa nạn nhân vào “bẫy”. Để trốn Cơ quan công an, mỗi lần gây án xong, các đối tượng liền đổi địa bàn hoạt động, lập tài khoản Facebook mới để tránh bị phát hiện. Chính vì vậy mà việc khoanh vùng bắt giữ đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện công an quận Hà Đông đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Mất hàng trăm triệu vì ứng tuyển trên mạng

Nhu cầu tìm việc online ngày một  nở rộ, cùng với đó là việc xuất hiện các chiêu thức lừa đảo rất tinh vi. Chỉ cần dạo một vòng trên Facebook hay một số trang mạng xã hội khác là có thể thấy đầy rẫy những tin đăng tuyển hấp dẫn. Trong số đó có không ít những cái bẫy giăng ra khiến cho không chỉ những sinh viên còn non kinh nghiệm mà ngay cả những người đã ra trường và đi làm cũng dễ mắc phải.

Chị Phạm Thu H. (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) - nạn nhân mới nhất của trò lừa đảo việc làm online kể lại. Tháng 6-2020 chị H. đọc được thông tin từ một group tuyển cộng tác viên (CTV) bán hàng online không cần bỏ vốn, ôm hàng, chỉ cần đăng tin theo mẫu có sẵn nên chị đã tham gia. Tuy nhiên, đó là những cái bẫy rất tinh vi.

Theo chị H., do CTV bán hàng online không trực tiếp lấy hàng, trải nghiệm sản phẩm nên không biết sản phẩm mình đăng bán chất lượng như thế nào. CTV cứ đăng theo mẫu do nhóm lừa đảo gửi và những bài đăng nhận được sự tương tác cao theo sự lập trình sẵn của nhóm này.

Những kẻ lừa đảo sẽ “vỗ béo” con mồi trong 2-3 ngày đầu bằng việc chuyển khoản sòng phẳng tiền công đăng bài. Đến ngày thứ tư, một khách hàng xuất hiện (đồng bọn của nhóm lừa đảo) đặt mua lẻ sản phẩm mà CTV đăng, khách mua thanh toán tiền sòng phẳng thông qua hình thức chuyển khoản.

Một bài lật tẩy thủ đoạn lừa đảo tuyển CTV bán hàng online; Nhiều sinh viên đã gặp phải trái đắng khi tìm việc online.

Ở những ngày tiếp theo, nhiều khách hàng đưa ra những lời khen về chất lượng sản phẩm tốt. Xuất hiện khách “sộp” đặt đơn cả chục triệu đồng. Lúc này, CTV tưởng thật ngay lập tức gọi điện cho mối sỉ giao gấp đơn hàng cho khách đặt của mình.

Tuy nhiên, với đơn hàng lớn, mối sỉ lúc này “tung chiêu” ép CTV phải chuyển khoản trước mới gửi hàng. Trong cơn say vì phần lợi nhuận thu được từ đơn hàng nên rất nhiều người đã chuyển khoản thanh toán luôn mà không hề suy nghĩ.

Sau khi chuyển khoản thanh toán, CTV gọi cho bên mua thì các kênh liên lạc đều bị cắt. Gọi cho bên bán xem có trả lại được hàng không nhưng bị chặn liên lạc. Không giao được hàng cho người mua, không trả được cho người bán, CTV phải ôm một đống hàng kém chất lượng lên tới cả chục triệu đồng mà không thể bán được cho ai.

Đặc biệt, thời gian qua có rất nhiều sinh viên khi ứng tuyển vào các công ty được quảng cáo là cực kỳ hoành tráng trên mạng, song thực chất chỉ là những địa điểm được các "boss" của công ty đa cấp thuê nhằm làm mờ mắt “con mồi”.

Hoàng Thị V.A (sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn còn cảm thấy xót xa khi dính bẫy một công ty đa cấp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đỗ đại học là V.A lập tức nghĩ đến tìm việc nhằm trang trải sinh hoạt phí. Qua mạng xã hội, V.A thấy dòng tuyển CTV của Công ty U-ST và được hứa hẹn sẽ có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

V.A được "trưởng ban nhân sự" hẹn đến công ty để được hướng dẫn, đào tạo về công việc. Song, cả một ngày trời, V.A chỉ ngập trong những cái vỗ tay cái rạo rực tinh thần "khởi nghiệp" của các "chiến binh" trong công ty. Hàng loạt thanh niên trẻ thay nhau lên khoe về sự giàu có, thành đạt sau khi bỏ công việc cũ và tham gia vào công ty này.

Cuối cùng, V.A được thuyết phục tham gia "khởi nghiệp" bằng cách bỏ hàng chục triệu đồng mua các sản phẩm thải độc gan của công ty, đồng thời càng giới thiệu nhiều bạn bè tham gia thì càng được giảm giá sản phẩm, bán ra với lợi nhuận cao. V.A đã rủ nhiều bạn tham gia, sau đó, cả nhóm mất hơn 50 triệu đồng và ôm một lô sản phẩm mà chỉ là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Một bạn cùng lớp của V.A,  sau khi ứng tuyển vào một công ty đa cấp trên mạng thậm chí còn bị dính quả lừa đau đớn hơn. Sau vòng phỏng vấn các "leader" vẽ ra hàng loạt những “tấm gương người thật việc thật” mỗi tháng kiếm hàng trăm triệu đồng, P. đã nói dối gia đình được học bổng du học nước ngoài, phải ứng 400 triệu đồng để nhập học. Nhiều tháng sau, gia đình mới phát hiện P. không hề đi đâu cả và đã tiêu sạch số tiền mấy trăm triệu đồng vào công ty đa cấp.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo "việc nhẹ lương cao"

Theo một đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công thương, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo phương thức đa cấp đang thực hiện tuyển dụng nhân viên với biểu hiện trái pháp luật. Nhóm người mà các DN này nhắm đến thường là người có nhu cầu tìm việc làm hoặc sinh viên muốn đi làm thêm.

Cụ thể, các DN này sẽ đăng các nội dung quảng cáo trên phương tiện Internet như website về việc làm, mạng xã hội Zalo, Facebook... tuyển dụng nhân sự với các tiêu chí dễ đáp ứng cùng mức thu nhập hấp dẫn.

Khi các ứng viên nộp hồ sơ và được hẹn phỏng vấn thì những nhân viên của DN này không chú tâm vào công việc mà lại tiếp cận để hỏi han về hoàn cảnh gia đình, làm thân và lấy sự tin tưởng của người đang tìm việc. Đồng thời, họ vẽ ra một tương lai tươi sáng với thu nhập hàng trăm triệu/tháng cùng những chuyến du lịch, đào tạo tại nước ngoài khiến các ứng viên muốn tham gia.

Sau đó, nhân viên tuyển dụng sẽ dùng nhiều biện pháp kể cả dụ dỗ và ép buộc người xin việc nộp các khoản tiền rất lớn với nhiều lý do như phí đào tạo kỹ năng bán hàng, mua tài liệu kinh doanh... hoặc bị yêu cầu mua một gói sản phẩm ban đầu để đầu tư hay "gia nhập" DN. Sau khi đã nộp tiền, người được tuyển dụng có thể nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để khuyến khích tuyển thêm người khác hoặc chính họ tiếp tục nộp thêm tiền có vị trí kinh doanh với mức hoa hồng cao hơn.

Cục CT&BVNTD nêu rõ thực chất công việc của họ chỉ là tuyển được thêm người, bán hàng hóa với mức giá cao vô lý hoặc nộp thêm nhiều tiền nữa lên cấp bậc. Nếu không làm các công việc trên thì họ cũng không nhận thêm được bất kỳ các khoản thu nhập nào. "Theo đó, trong trường hợp muốn khiếu nại về các khoản phí đã nộp, nạn nhân thường không có các chứng từ giao dịch với DN, các biên lai hay phiếu thu nộp tiền đều không có dấu của DN" - Cục CT&BVNTD lưu ý.

Do đó, để hạn chế những thiệt hại không đáng có cho người dân và có biện pháp xử lý đối với những DN bán hàng đa cấp có những hành vi nêu trên, Cục CT&BVNTD lưu ý, người dân cần kiểm tra giấy chứng nhận kinh doanh đa cấp của DN đang tuyển dụng. Ngay cả trong các giao dịch đối với DN bán hàng đa cấp đã được cấp giấy chứng nhận, ứng viên vẫn cần ký và lưu giữ hợp đồng bằng văn bản với DN bán hàng đa cấp.

Đặc biệt, trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia cần phải từ chối các giao dịch không đảm bảo các yếu tố rõ ràng. Tiêu biểu như nộp tiền thanh toán cho DN nhưng đối tượng nhận chuyển khoản lại là số tài khoản của cá nhân, nộp tiền mua hàng nhưng không có hóa đơn đỏ, biên lai có dấu DN...

M.Tiến - M.Trí
.
.