Căng thẳng ngoại giao quanh vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích
Báo chí Mỹ ngày 11-10 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và Jared Kushner, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng, con rể ông Trump, đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu Hoàng thái tử Mohammed bin Salman lý giải chuyện gì đã xảy ra bên trong cơ sở ngoại giao của vương quốc này tại Istanbul hồi đầu tháng 10.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng lời giải thích của Saudi Arabia là chưa đầy đủ và yêu cầu Riyadh cung cấp các hình ảnh camera an ninh ghi lại hoạt động bên trong Tổng lãnh sự quán để chứng minh cho lời khẳng định của vương quốc này rằng nhà báo Khashoggi đã rời Tổng lãnh sự quán an toàn.
Dựa trên các chứng cứ có được, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ rằng nhà báo Khashoggi đã bị giết bên trong Tổng lãnh sự quán bởi người của Chính phủ Hoàng gia Saudi Arabia. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cảnh báo Saudi Arabia sẽ đối mặt những “hậu quả nghiêm trọng” nếu những nghi ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ là đúng sự thật.
Vụ nhà báo Khashoggi mất tích xảy ra vào ngày 2-10. Hôm đó, ông Khashoggi đến Tổng Lãnh sự quán Saudi Arabia theo một lời mời làm việc của cơ quan này. Người bạn gái của ông, bà Hatice Centiz, đứng chờ ở bên ngoài cổng lãnh sự quán. Chờ quá lâu không thấy ông Khashoggi quay trở ra và liên lạc điện thoại cũng không được, bà Centiz đành phải báo cảnh sát.
Phải mấy ngày sau, Saudi Arabia mới cho cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ vào Tổng lãnh sự quán để tìm kiếm ông Khashoggi. Nhưng khi vào bên trong, cảnh sát không phát hiện dấu vết nào về ông Khashoggi. Riyadh phủ nhận mọi sự liên quan đến việc ông Khashoggi mất tích, giải thích rằng ông Khashoggi đã “rời Tổng lãnh sự quán một cách tự do và an toàn”.
Không thuyết phục trước lời giải thích đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra lại, trích xuất camera an ninh bên ngoài khu vực xung quanh Tổng lãnh sự quán. Có nhiều dấu hiệu khả nghi đang được công bố rộng rãi. Một hình ảnh camera an ninh cho thấy ông Khashoggi bước đi vào cổng cơ sở ngoại giao Saudi Arabia. Một chiếc ô tô 7 chỗ đậu ở bên cạnh và cảnh sát nghi ngờ chiếc xe này là phương tiện dùng để chuyên chở xác ông Khashoggi sau khi bị giết.
Nhà báo Jamal Khashoggi. |
Một chi tiết rất đáng quan tâm nữa là toàn bộ hình ảnh camera an ninh bên trong Tổng lãnh sự quán ngày 2-10 đã biến mất, tạo nghi vấn về một sự “phi tang” chứng cứ. Ngày 10-10, tờ báo Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố danh sách 15 người quốc tịch Saudi Arabia tình nghi là một đội “sát thủ” đã thực hiện vụ bắt cóc và sát hại nhà báo Khashoggi.
Đặc biệt, trong danh sách biệt đội “sát thủ” có tên một chuyên gia pháp y của cơ quan an ninh nội địa Saudi Arabia và một trung úy phi công thuộc Không lực Hoàng gia Saudi. Đội “sát thủ” này đến Istanbul trong ngày 2-10 trên 2 chiếc máy bay thuê của tư nhân mang số hiệu HZ-SK1 và HZ-SK2 để thực hiện nhiệm vụ bí mật và rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào chiều cùng ngày theo hai hướng khác nhau (chiếc HZ-SK1 bay đến Cairo, còn chiếc HZ-SK2 Dubai).
Hiện cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang truy tìm chiếc ô tô màu đen đậu trước cổng lãnh sự quán khi ông Khashoggi đi vào bên trong vì cho rằng đây là chiếc xe đã chuyên chở xác ông Khashoggi cũng như toàn bộ chứng cứ camera an ninh đi khỏi hiện trường.
Ông Jamal Khashoggi năm nay 60 tuổi, là một nhà báo kỳ cựu ở Saudi Arabia. Khashoggi từng là Tổng Biên tập của kênh truyền hình uy tín Al Arab News và là Trưởng Ban biên tập của tờ báo Al Watan, một diễn đàn của những người theo quan điểm cấp tiến. Là một người có quan điểm chính trị cấp tiến, Khashoggi không chấp nhận những chính sách của chính quyền hiện tại, thường xuyên có những bình luận chống đối chính quyền.
Sau hàng loạt vụ việc “thanh trừng” xảy ra trong năm qua, Khashoggi lo ngại cho sự an nguy của bản thân nên đã sang Mỹ sống lưu vong vào năm 2017. Tại Mỹ, ông tiếp tục làm báo, tham gia viết nhiều bài bình luận trên báo Washington Post chỉ trích, phê phán chính sách cai trị đất nước của Hoàng gia Saudi Arabia hiện tại, đặc biệt là đối với Hoàng thái tử Mohammed bin Salman.
Chính vì điều này, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và dư luận báo chí cho rằng có lẽ Khashoggi đã trở thành mục tiêu “thanh trừng” của Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman và ông đã bị “dụ” đến Tổng lãnh sự quán để “trừ khử”.
Theo đánh giá của giới quan sát, vụ nhà báo Khashoggi mất tích có thể gây thêm hệ lụy về chính trị. Washington có thể sẽ đánh giá lại những cam kết cải cách chính trị, xã hội mà ban lãnh đạo mới của Saudi Arabia đã đưa ra hồi năm ngoái, đặc biệt là đối với Hoàng thái tử Mohammed bin Salman - người được xem là trị vì trên thực tế của Vương quốc Saudi Arabia.
Ngày 10-10, 22 thượng nghị sĩ Mỹ đã ký tên chung một lá thư gửi đến Tổng thống Trump đề nghị mở cuộc điều tra đối với vụ mất tích nhà báo Khashoggi nhằm xác định Riyadh có vi phạm nhân quyền hay không, dựa theo quy định của Luật Trách nhiệm nhân quyền toàn cầu Magnitsky. Tổng thống Trump tuyên bố muốn có câu trả lời từ phía Riyadh và sẽ hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.
Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra không mấy mặn mà với việc đi sâu vào vấn đề đối với một đồng minh như Saudi Arabia. Một mặt, nếu làm thế, ông Trump có thể làm hỏng kế hoạch xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Hoàng gia Saudi Arabia mà con rể ông đã cất công thực hiện gần 2 năm qua.
Mặt khác, Tổng thống Trump cũng không muốn làm ảnh hưởng đến thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá đến 110 tỉ USD với Saudi Arabia đạt được trong chuyến công du của ông hồi năm ngoái.