Căng thẳng sau vụ tấn công tàu chở dầu Saudi Arabia

Thứ Năm, 16/05/2019, 14:45
Trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang rất nguy hiểm, lại xảy ra vụ việc các tàu chở dầu của Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ, bị tấn công khiến dư luận thêm lo ngại nguy cơ xung đột Mỹ-Iran có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngày 13-5, Saudi Arabia thông báo 2 tàu chở dầu của nước này bị “tấn công phá hoại” và hư hỏng đáng kể nhưng không gây thương vong và sự cố tràn dầu. Vụ việc được báo cáo xảy ra ngoài khơi cách cảng biển Fujairah của Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) khoảng 130km. Một trong hai chiếc tàu được cho là đang trên đường đến Fujairah để nhận dầu mỏ và vận chuyển đến Mỹ giao hàng.

Được biết, cảng biển Fujairah là thương cảng lớn nhất UAE, nằm sát eo biển Hormuz trong vịnh Persic. Trước đó ít hôm, Bộ Ngoại giao UAE cũng thông báo 4 tàu thương mại của nước này bị “tấn công phá hoại” khi đang lưu thông ở vùng nước gần hải phận nước này nhưng không nêu chi tiết phá hoại thuộc loại nào. Vài giờ sau, truyền thông Liban và Iran đưa tin đã xảy ra một số vụ nổ ở một hải cảng của UAE.

Giới quan sát bình luận, thông báo vụ việc tấn công tàu chở dầu của Saudi Arabia và tàu thương mại của UAE đang tạo ra 2 mối lo ngại lớn: một là lo ngại về tuyến hàng hải thương mại đi qua các vùng nước trong vịnh Persic, đặc biệt là khu vực eo biển Hormuz do Iran kiểm soát; hai là lo ngại những vụ việc tấn công này có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đối với tuyến vận chuyển dầu mỏ trong vùng, vốn chiếm đến 1/3 lưu lượng vận chuyển dầu mỏ bằng đưởng thủy của thế giới.

Ngày 13-5, Bộ Ngoại giao Iran ra tuyên bố lên án các vụ việc tấn công tàu của Saudi Arabia, cho rằng các vụ tấn công đó sẽ tác động tiêu cực đến an ninh hàng hải và sự an toàn của các chuyến tàu thương mại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đi xa hơn, tuyên bố các vụ việc phá hoại nêu trên là một phần trong âm mưu nhằm châm ngòi xung đột trong khu vực.

Ông Mousavi cảnh báo các quốc gia trong khu vực về những âm mưu của những kẻ có dụng ý xấu nhằm phá hoại an ninh trong khu vực, đồng thời kêu gọi điều tra làm rõ.

Ngay sau khi Saudi Arabia thông báo các vụ việc tấn công phá hoại tàu chở dầu, truyền thông khu vực và phương Tây lập tức đưa tin đậm nét, đồng thời vụ việc được liên hệ, đặt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran đang leo thang. Không nói thẳng ra nhưng thông tin được lan truyền theo chiều hướng ám chỉ thủ phạm của các vụ tấn công phá hoại “rất có thể là Iran”.

Tàu chở dầu Saudi Arabia di qua eo biển Hormuz.

Bởi không gì hợp lý hơn nếu Iran nhắm vào các mục tiêu là các đồng minh của Mỹ trong khu vực và dầu mỏ của một quốc gia đồng minh lại được vận chuyển cung cấp cho khách hàng ở Mỹ trong khi Mỹ đang siết chặt cấm vận mua bán dầu mỏ Iran. Và có vẻ như những vụ việc này xảy ra như một minh chứng cho lời cảnh báo trước đó một tuần của Mỹ rằng nước này đã nhận “thông tin tình báo” về một “kế hoạch của Iran chuẩn bị tấn công nhằn vào các mục tiêu lợi ích của Mỹ và đối tác của Mỹ trong khu vực”.

Tuyên bố của Mỹ nói rõ rằng “Iran và/hoặc các tay chân của mình trong khu vực có thể hành động nhắm vào các lợi ích của Mỹ và các đối tác của Mỹ, trong đó bao gồm hạ tầng sản xuất dầu mỏ” để trả đũa chính sách cấm vận của Mỹ.

Một lập luận khác được đưa ra nhằm ám chỉ Iran đứng sau các vụ việc tấn công phá hoại tàu của Saudi Arabia, cho rằng Iran đã dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz để trả đũa việc Mỹ gia tăng áp lực và đe dọa tấn công Iran.

Như để củng cố cho tuyên bố của mình, ngày 9-5, Mỹ đã điều tàu sân bay lớp Nimitz USS Abraham Lincoln thuộc Hạm đội 5 đến vùng vịnh Persic để “phòng ngừa Iran tấn công”. Dư luận chú ý đến việc Mỹ không chỉ điều tàu sân bay với hàng chục máy bay chiến đấu trên đó, mà quan trọng hơn là hàng chục chiếc “pháo đài bay” B-52 cũng có mặt.

Ngày 12-5, tướng Tư lệnh Không quân Iran Amirali Hajizadeh tuyên bố việc Mỹ điều tàu sân bay Abraham Lincoln đến vùng vịnh Pesic là một lời đe dọa đối với an ninh của Iran vì thế Iran có thể sẽ tấn công phủ đầu nhằm vào tàu sân bay này. Ngoài ra, tướng Hajizadeh cũng tuyên bố nếu Mỹ thật sự gây chiến với Iran thì Israel sẽ là mục tiêu hủy diệt đầu tiên của Iran.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran ngày càng gia tăng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký giữa Iran và 6 cường quốc, trong đó có Mỹ, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Chính sách cấm vận của Mỹ đã khiến cho kinh tế Iran rơi vào tình trạng khó khăn thật sự.

Cách đây 1 tuần, Iran đã tuyên bố dừng thực thi một phần thỏa thuận hạt nhân như một động thái cho thấy Tehran đã mất kiên nhẫn trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận, còn các cường quốc thì quá chần chừ trong việc đàm phán lại một số điều khoản cam kết nhằm lôi kéo Mỹ quay trở lại với thỏa thuận.

Trong tuyên bố của mình, Tehran ra thời hạn 60 ngày nếu tình hình không có gì chuyển biến, nghĩa là các cường quốc vẫn chưa xúc tiến đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân thì Iran sẽ khởi động lại chương trình làm giàu uranium ở mức độ cao hơn.

Tuyên bố của Iran vấp phải phản ứng của EU, cho rằng Tehran đang “tống tiền” các cường quốc để tìm cách thoát khỏi gọng kìm cấm vận của Mỹ. Bộ Ngoại giao Pháp thậm chí còn thể hiện thái độ cứng rắn hơn, dọa sẽ lại áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Iran nhất quyết từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, tái khởi động chương trình làm giàu uranium như tuyên bố.

An Châu (tổng hợp)
.
.