Cảnh báo nạn buôn bán động vật hoang dã trên internet

Thứ Ba, 23/12/2014, 11:41
Một cuộc điều tra quy mô nhất từ trước đến nay ở 16 quốc gia phát hiện tràn ngập những quảng cáo bán động vật hoang dã còn sống trên Internet chỉ với vài cái nhấp chuột: hổ, đười ươi, tinh tinh… Đối với những người muốn có hàng độc vẫn có thể mua được trăn Nam Mỹ, chim ruồi hay loài ếch phi tiêu độc quý hiếm. Internet còn cung cấp cho khách hàng những sản phẩm độc đáo như: thảm làm bằng da gấu trắng Bắc Cực hay răng nanh loài báo tuyết.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ và Chăm sóc động vật (IFAW) phối hợp với giới chức hành pháp điều tra về thị trường đen động vật hoang dã trên Internet tại 16 quốc gia trong thời gian 6 tuần tìm thấy hơn 33.000 loài vật và sản phẩm làm từ chúng được rao bán vô cùng náo nhiệt trên Internet. Điều đáng nói là hàng chục ngàn sản phẩm đặc biệt này đều nằm trong danh mục bảo vệ bởi luật pháp quốc tế và tất cả trị giá đến 11 triệu USD. Rất nhiều quảng cáo liên quan đến kinh doanh động vật quý hiếm trên Internet hiện vẫn đang trong vòng điều tra của cảnh sát.

Bác sĩ thú y Thái Lan đang lấy máu để xác định ADN của một trong 16 con hổ con bắt giữ từ bọn buôn lậu năm 2012.

Azzedine Downes, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành IFAW, đánh giá trong một báo cáo: "Khi nạn săn bắn trái phép gia tăng đến mức báo động, loại tội phạm kinh doanh động vật hoang dã đặt mối đe dọa nghiêm trọng cho sự sinh tồn của các loài đặc hữu".

Loại tội phạm đời sống hoang dã có nguồn thu ước tính trị giá đến 19 tỉ USD/năm, đứng hàng thứ tư sau buôn lậu ma túy, kinh doanh hàng giả và buôn người. Nước Anh đứng hàng thứ 4 về số lượng quảng cáo trực tuyến động vật hoang dã - sau Trung Quốc, Đức và Pháp. Nội dung các quảng cáo tràn lan của Anh bao gồm: chim săn mồi, khỉ và một con vẹt đuôi dài Nam Mỹ được chào bán với giá gần 20.000USD! Philip Mansbridge, Giám đốc đại diện IFAW ở Anh, cho rằng: "Tội phạm đời sống hoang dã thường được coi như một vấn đề xa xôi, nhưng hiện nay Internet đã kéo nó xích lại gần căn nhà của mọi người. Khi mà rất nhiều người trên thế giới sử dụng Internet thì chúng ta sẽ thấy được vấn đề ấy kinh sợ như thế nào".

Trang web của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất giới thiệu con báo đốm cheetah với giá 65.000 dirham (hơn 10.000USD).

Trong báo cáo điều tra, các chuyên gia IFAW đưa ra con số 10.000 quảng cáo trên 280 trang web liên quan đến động vật hoang dã. IFAW tập trung điều tra về những loài bị đe dọa cực kỳ nghiêm trọng được bảo vệ trong Công ước Quốc tế về kinh doanh các loài đặc hữu (CITES). Công ước được 125 quốc gia ký kết năm 1973 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1975. Những loài vật được rao bán trên Internet có thể còn sống hay đã chết. Số lượng quảng cáo động vật to lớn và còn sống được tìm thấy cao nhất ở Nga và Ukraina.

Các quảng cáo của Nga bao gồm đười ươi và tinh tinh, được chào bán với giá từ 45.000USD; và ngoài ra là hổ, báo và khỉ đột "đã qua huấn luyện". Các trang quảng cáo ở Ukraina giới thiệu cá sấu còn sống, gấu đen châu Á và loài thú có túi cực hiếm thuộc họ Macropodidae tương tự như kangaroo nhưng nhỏ hơn. Các trang quảng cáo ở Trung Đông rao bán thú còn sống, bao gồm loài báo cheetah với giá 18.000USD/con và các loài linh dương.

Azzedine Downes, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành IFAW.

Nhưng, trên tất cả thì ngà voi luôn là "sản phẩm" phổ biến nhất và xuất hiện với mật độ cao trên các trang quảng cáo. Mansbridge cho biết: "Hiện nay, cứ mỗi 5 phút có một con voi bị giết chết trên thế giới. Đó là sự thật kinh khủng. Điều đó cho thấy tội phạm đời sống hoang dã đã gia tăng chưa từng thấy". Những món đồ làm từ ngà voi chiếm 80% trong các quảng cáo trên các trang web của Trung Quốc, với một sản phẩm chạm khắc bằng ngà voi được ghi giá 65.000USD! Năm 2014, săn lậu tê giác ở Nam Phi được ghi nhận ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 1.020 con bị giết chết. Các nhà điều tra tìm thấy 406 món đồ tạo hình từ ngà voi xuất hiện trên các trang web của Anh, trong đó 376 món được bán trên mạng eBay.

Sau ngà voi, các loài bò sát chiếm 26% trong các quảng cáo trực tuyến. Rùa chiếm 70% trong các quảng cáo của Đức, bao gồm loài rùa Ai Cập đang có nguy cơ tuyệt chủng. Thành phố Hamm miền Bắc nước Đức được coi là trung tâm buôn bán loài bò sát. Báo cáo từ tổ chức phi chính phủ (NGO) Pro Wildlife của Đức chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) đã thả nổi tình trạng kinh doanh các loài động vật hoang dã cần được bảo vệ. Sandra Altherr, chuyên gia ở Pro Wildlife, tuyên bố: "Những kẻ kinh doanh chuyên nghiệp loài bò sát thu về lợi nhuận rất lớn trong khi nguy cơ bị sờ gáy là cực thấp. Loài kỳ đà không tai Borneo được săn lùng nhiều nhất, với giá bán gần 10.000USD/cặp". Loài ếch phi tiêu độc (loài ếch có nguồn gốc Trung và Nam Mỹ) chiếm 30% trong các quảng cáo trực tuyến ở Hà Lan.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.