Cảnh báo nguy cơ khủng bố sinh học bằng virus cúm gia cầm

Thứ Sáu, 30/12/2011, 18:50

Một dòng virus cúm gia cầm chết người tiềm ẩn khả năng lây nhiễm và giết chết hàng triệu người mới được các nhà khoa học Mỹ và châu Âu tạo ra trong phòng thí nghiệm. Do đặc biệt lo ngại thông tin chi tiết của các nhà khoa học sẽ được bọn khủng bố khai thác để gây nên trận đại dịch toàn cầu nên chính quyền Mỹ đã ra sức yêu cầu các tạp chí khoa học không công bố những chi tiết nhạy cảm của thí nghiệm sinh y học.

Trong công trình thí nghiệm sinh y học, được tiến hành ở Mỹ và Hà Lan, các nhà khoa học đã tạo ra được dạng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây nhiễm rất cao nhưng không qua sự tiếp xúc. Đây là lần đầu tiên giới nghiên cứu khoa học tạo ra được dòng virus cúm gia cầm A(H5N1) có thể lây truyền dễ dàng qua không khí khi con người ho hay hắt hơi.

Nhóm nhà khoa học Hà Lan tiến hành cuộc nghiên cứu gây tranh cãi nhằm mục đích tìm hiểu xem virus cúm gia cầm biến đổi gene có thể dễ dàng lây nhiễm trong không khí như thế nào. Họ tin rằng kiến thức thu thập được là yếu tố mấu chốt để phát triển những dòng vaccine hay thuốc chữa bệnh mới.

Nhưng những người chỉ trích cho rằng, các nhà khoa học đang gây nguy hiểm cho thế giới khi cố gắng tạo ra dạng virus cực độc, chúng có thể thoát khỏi phòng thí nghiệm mà rơi vào tay bọn khủng bố đang ngày đêm mơ ước sở hữu vũ khí sinh học hủy diệt cuộc sống.

Virus cúm gia cầm A(H5N1) hiếm khi lây nhiễm cho con người nhưng lại gây tỷ lệ tử vong cực cao nếu bị nhiễm. Từ khi virus được phát hiện vào năm 1997, khoảng 600 người đã bị nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm mắc bệnh và hơn một nửa trong số đó đã chết. Phần lớn những trường hợp xảy ra ở châu Á.

Cuộc thí nghiệm được tiến hành đối với chồn sương - loài vật có những triệu chứng cúm gia cầm rất giống con người - qua 5 lần biến đổi 2 gene chủ chốt. Nếu dạng virsus mới rơi vào tay bọn khủng bố, nguy cơ xảy ra trận đại dịch toàn cầu làm chết hàng chục triệu người là điều khó tránh khỏi.

Cuộc nghiên cứu nhạy cảm đến mức Hội đồng Cố vấn khoa học quốc gia về an ninh sinh học của Chính phủ Mỹ (NSABB) trực thuộc Viện Y tế quốc gia (NIH) đã chính thức yêu cầu hai tạp chí khoa học hàng đầu thế giới là Science và Nature không công bố các chi tiết của cuộc thí nghiệm.

NSABB không thể buộc hai tạp chí kiểm duyệt bài báo của họ, nhưng tổng biên tập tờ Science là Bruce Alberts cho biết ông sẽ hết sức cân nhắc để che giấu một số thông tin quan trọng về cuộc nghiên cứu nếu chính quyền Mỹ cam kết tạo ra một hệ thống cho phép cung cấp những thông tin giữ kín này cho những nhà khoa học trên thế giới cần đến chúng.

Theo tiết lộ của quan chức liên bang, NSABB đã bàn luận về việc kiểm soát thông tin đối với 3 hay 4 trường hợp. Trường hợp đầu tiên tập trung vào việc nhóm nhà khoa học khác tái tạo virus cúm gia cầm Tây Ban Nha vốn đã giết chết 50 triệu người trong năm 1918. Và năm 2005, NSABB cũng cảnh báo dịch cúm gia cầm có thể giết chết hàng trăm triệu người.

Nhà nghiên cứu Ron Fouchier.

Nhóm nhà nghiên cứu Hà Lan giới thiệu công trình của họ tại hội nghị về virus tổ chức ở đảo quốc Malta vào tháng 9/2011. Trong hội nghị, tiến sĩ Ron Fouchier thừa nhận cuộc thí nghiệm "thật sự hết sức ngu ngốc" nhưng lại hữu ích cho việc phát triển các vaccine mới chống virus cúm gia cầm hiệu quả hơn.

Hai công trình nghiên cứu độc lập - thứ nhất của nhóm nhà khoa học Hà Lan nằm dưới sự lãnh đạo của Ron Fouchier được tiến hành ở Trung tâm Y khoa Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan) và thứ hai thực hiện ở Đại học Wisconsin  - đều nhận được tài trợ từ NIH. Ron Fouchier cho biết hiện dòng virus biến đổi gene đang được lưu trữ cẩn thận trong chiếc hộp khóa kín đặt dưới tầng hầm của Trung tâm Y khoa Erasmus nhưng không có lực lượng bảo vệ vũ trang canh phòng.

Tiến sĩ  Ron Fouchier từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến cuộc nghiên cứu khi chưa có quyết định cuối cùng về việc sẽ công bố thông tin nào, nhưng ông tuyên bố trên trang web của Trung tâm Erasmus rằng, chỉ có một số nhỏ đột biến gene làm thay đổi virus A(H5N1) thành dạng có thể dễ dàng lây truyền từ người sang người qua không khí.

Nhóm nghiên cứu độc lập thứ hai dưới sự lãnh đạo của Yoshihiro Kawaoka ở hai trường đại học Wisconsin và Tokyo cũng thu được những kết quả tương tự như Trung tâm Y khoa Erasmus của Hà Lan.

Một số nhà khoa học tự hỏi: Liệu có nên tiến hành những cuộc nghiên cứu nhạy cảm như thế này trong khuôn khổ cơ sở quân đội có bộ phận an ninh chống khủng bố - nơi mà mọi thông tin được kiểm soát chặt chẽ - hay trong phòng thí nghiệm trường đại học. Họ cũng nêu trường hợp trong quá khứ khi mà virus thí nghiệm được lưu giữ trong những phòng thí nghiệm có vẻ như an toàn đã thoát ra ngoài gây nên dịch bệnh - như là vụ bộc phát dịch cúm năm 1977.

Amy Patterson, giám đốc bộ phận về các hoạt động công nghệ sinh học của NIH ở Bethesda bang Maryland (Mỹ), tuyên bố đây là lần đầu tiên cơ quan có đề nghị kiểm duyệt thông tin đến cộng đồng nghiên cứu khoa học.

Trong quá khứ, NSABB của NIH có xem qua những bản thảo nhưng chưa bao giờ đưa ra đề nghị hạn chế thông tin như hiện nay. NSABB được thành lập năm 2004 sau vụ tấn công khủng bố năm 2001 và tiếp đến là vụ tấn công bằng mầm bệnh than, giết chết và gây bệnh cho 22 người Mỹ.

Chính quyền Bush ra lệnh kiểm soát chặt chẽ mọi thông tin về nghiên cứu sinh học có thể tiềm ẩn nguy cơ tạo điều kiện cho bọn khủng bố sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. NSABB bao gồm 25 thành viên do NIH chỉ định và 18 thành viên từ các cơ quan liên bang khác

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.