Cảnh báo sự yếu kém của lực lượng cảnh sát Nauy

Thứ Năm, 11/08/2011, 14:30

Khi Anders Behring Breivik mặc cảnh phục giả dạng cảnh sát bắt đầu nổ súng giết người tại một trại hè Na Uy, một trong những người đầu tiên bị bắn chết là sĩ quan cảnh sát Na Uy tên  là Trond Bernstsen, người đã làm công việc giữ gìn an ninh trong nhiều năm ở khu trại nghỉ mát.

Người ta cho đến bây giờ vẫn còn tranh cãi không biết Trond Bernstsen lúc đó có cố gắng ngăn chặn hành động giết người điên rồ của tên Breivik hay không. Nhưng xét trên thực tế khi đối mặt với tên giết người vũ trang súng đạn đầy mình thì chắc hẳn Bernstsen chẳng thể làm được gì nhiều. Bởi vì, cũng giống như những sĩ quan cảnh sát khác ở khu trại hè, Bernstsen không có súng trong tay.

Theo luật định, Cảnh sát Na Uy phải có giấy phép của sĩ quan chỉ huy mới được mang súng, song trước đây họ hiếm khi đòi hỏi loại giấy phép đó. Nhưng trong tình hình hiện nay ở Na Uy, tội phạm bạo lực đang tăng lên đều đều, gây thất vọng cho một xã hội thường có thói quen không khóa cửa nhà và trẻ con chơi đùa bên ngoài không hề biết sợ hãi điều gì. Cùng với sự chỉ trích ngày càng tăng về việc cảnh sát phản ứng quá chậm chạp trước cuộc thảm sát kinh hoàng và sự nhầm lẫn về con số nạn nhân thiệt mạng, người ta cũng đang đặt vấn đề về việc Cảnh sát Na Uy có cần được vũ trang đầy đủ và thường xuyên hay không.

Gry Jorunn Holmen, nữ phát ngôn của lực lượng Cảnh sát Na Uy, bình luận: "Hiện nay bọn tội phạm đều có súng ống trong tay, cho nên cảnh sát cũng cần được mang vũ khí". Mặc dù phát biểu rằng hãy còn quá sớm để có bất cứ hành động đánh giá nào, song bà Holmen cũng cho biết, hiện lực lượng Cảnh sát Na Uy đã cho thành lập một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu vấn đề: cảnh sát có cần mang vũ khí hay không? Bởi vì, theo bà Holmen, sự vũ trang có thể làm cho cảnh sát trở nên hung bạo hơn.

Báo chí đồng loạt đưa tin, sau khi nhận được tin về vụ tấn công khủng bố đơn vị SWAT (cảnh sát đặc nhiệm có mang vũ khí) của Na Uy mất hơn 1 giờ mới đến được khu trại hè trên đảo Utoya. Cảnh sát phải dùng xuồng mới leo lên được đảo Utoya, trong khi máy bay trực thăng của lực lượng không thể đáp xuống mặt đất. Anne Holt, cựu Bộ trưởng Tư pháp Na Uy, trả lời Hãng tin BBC: "Chính sự yếu kém đó của Cảnh sát Na Uy đã tạo thuận lợi cho hung thủ ra tay. Nếu như cảnh sát có mặt trên đảo sớm hơn 30 phút thì có lẽ nhiều người sẽ thoát chết”.

Cảnh sát Na Uy đứng gác trước tòa án ở Oslo xét xử vụ Anders Behring Breivik.

Na Uy nổi tiếng trên thế giới là quốc gia có tỉ lệ tội phạm bạo lực cực thấp, một yếu tố mang đến sự hãnh diện cho người dân Na Uy. Những vụ giết người, khi xảy ra, luôn được đưa tin trên trang nhất các báo ở đây. Năm 2009, ở đất nước chỉ có 4,6 triệu dân này xảy ra 29 vụ án mạng. Ở thủ đô Oslo, giới quan chức cao cấp thậm chí hiếm khi phải lo lắng về vấn đề giữ an ninh cho mình.

Kristian Berg Harpviken, Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo, cho biết: "Bạn có thể đi bộ khắp thành phố này và đụng mặt một bộ trưởng cũng đang đi dạo trên đường, trò chuyện vài câu rồi bỏ đi nơi khác". Do đó không có gì khó hiểu khi mà, sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu trên đảo Utoya, người dân Na Uy cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy sự xuất hiện của cả đội cảnh sát đặc nhiệm vũ trang hạng nặng canh gác phía trước mặt tiền của các tòa nhà chính quyền.

Na Uy rõ ràng cần phải có sự thay đổi, theo nhận định của các chuyên gia. Na Uy là 1 trong 3 quốc gia Tây Âu thiếu một lực lượng cảnh sát vũ trang đầy đủ. Phần đông sĩ quan cảnh sát ở Anh và Iceland cũng không mang vũ khí. Còn Thuỵ Điển, quốc gia láng giềng của Na Uy, bắt đầu yêu cầu vũ trang cho lực lượng cảnh sát nước này vào năm 1965.

Trong thập niên qua, số vụ cưỡng bức và tấn công bạo lực ở Na Uy đã tăng cao hơn, theo số liệu thống kê. Tuy nhiên, số vụ án mạng vẫn không tăng. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mạng lưới tội phạm nước ngoài ở Na Uy cũng chính là một lý do khiến tỉ lệ tội phạm tăng cao hơn, và bọn tội phạm trong nước cũng phần nào trở nên nguy hiểm hơn trước, theo bà Holmen.

Theo báo chí Na Uy, chỉ hai ngày sau vụ thảm sát trên đảo Utoya, lại xảy ra vụ một số người mặc quân phục đã bắn chết một thanh niên 27 tuổi ngay tại nhà anh ta ở miền Nam Na Uy. Mặc dù tỉ lệ tội phạm giết người ở Na Uy còn chưa đáng kể so với quốc gia không bình yên như nước Mỹ, song tình hình bạo lực gia tăng (dù còn nhỏ) vẫn gây bất an cho người dân ở đây. Hiện nay ở Na Uy chỉ có cảnh sát bên trong xe tuần tra đặc chủng mới có vũ khí. Tuy nhiên, theo luật, súng ống vẫn giữ yên trong bao và chỉ khi nào được phép họ mới có quyền dùng đến nó!

Một số chuyên gia đang lo ngại trường hợp lực lượng cảnh sát được vũ trang thường xuyên chỉ dẫn đến sự leo thang bạo lực.

Ở Na Uy, lực lượng Cảnh sát Quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tư pháp và Cảnh sát. Lực lượng bao gồm 7 đơn vị đặc biệt, và quân số khoảng 11.000 người. Sĩ quan cảnh sát điều tra tội phạm, trong khi thông thường cảnh sát tư pháp có quyền quyết định xem có nên đưa vụ án ra tòa xét xử hay không. Trong phần đông các trường hợp, việc buộc tội thuộc quyền trực tiếp của công tố viên, người không nằm trong lực lượng cảnh sát. Cảnh sát cũng là một bộ phận của cơ quan cứu nạn Na Uy, chịu trách nhiệm tổ chức cứu hộ trong những tai nạn và thiên tai. Điều này đặc biệt là vấn đề khi mà phần phía tây của Na Uy có thời tiết khá khắc nghiệt.

Sau sự kiện ngày 11/9/2001 ở Mỹ, mỗi khu vực địa phương ở Na Uy đều có một đơn vị cảnh sát cơ động được huấn luyện đặc biệt nhằm xử lý những vụ tấn công khủng bố. Cũng giống như mọi lực lượng cảnh sát khác trên thế giới, Cảnh sát Na Uy vẫn có trường hợp hành động sai trái và tham nhũng

Di An (tổng hợp)
.
.