Cảnh báo thủ đoạn làm giả chứng thư bảo lãnh ngân hàng

Thứ Tư, 14/09/2016, 16:25
Không đủ năng lực tài chính, một số chủ doanh nghiệp đã thực hiện chiêu trò dùng chứng thư bảo lãnh ngân hàng giả để được tạm ứng tiền, hàng hóa của đối tác, sau đó chiếm đoạt.

Dùng chứng thư bảo lãnh giả để tạm ứng tiền thi công

Ngày 10-9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết vừa bắt tạm giam 2 bị can trong vụ  làm giả  chứng thư bảo lãnh ngân hàng nhằm mục đích lấy trên 2,2 tỷ đồng tiền tạm ứng trong hợp đồng thi công xây dựng.

Trước đó, theo tố cáo của Công ty CP đầu tư xây lắp dầu khí IMICO (trụ sở tại đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội), ngày 25-8-2014, Công ty IMICO ký hợp đồng kinh tế với Công ty CP xử lý nền móng và xây dựng Bình Minh (có trụ sở tại ngõ Giếng, Đông Các, Đống Đa, Hà Nội) do Nguyễn Diệu Linh (SN 1982) làm giám đốc.

Theo đó, Công ty Bình Minh thực hiện thi công cống ngang và hệ thống cải dịch mương tiêu, rãnh dọc từ km61+300 đến km63+300 dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giá trị hợp đồng trên 17 tỷ đồng. Để được nhận trên 2,2 tỷ đồng tiền tạm ứng thi công, Nguyễn Diệu Linh đã chuyển cho Công ty IMICO 2 chứng thư bảo lãnh do Ngân hàng TMCP Ngoại thương - chi nhánh Thủ Đức.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do Công ty Bình Minh liên tục vi phạm các điều khoản trong hợp đồng nên ngày 17-1-2015, Công ty IMICO đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Bình Minh, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Vietcombank là đơn vị phát hành chứng thư bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Thế nhưng qua kiểm tra, phía Ngân hàng Vietcombank trả lời ngân hàng không phát hành 2 chứng thư bảo lãnh như Nguyễn Diệu Linh đã chuyển cho IMICO. Công ty IMICO đã đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ sự việc.

Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội làm rõ, do cùng làm việc trong lĩnh vực xây dựng nên Nguyễn Diệu Linh quen Trương Thị Thu Hà (SN 1971, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Giám đốc Công ty CP Sinh Hồng Tín Nghĩa. Hà từng giới thiệu với Linh nếu có nhu cầu làm chứng thư bảo lãnh mà không có tài sản đảm bảo thì liên hệ với Hà.

Các bị cáo trong vụ dùng chứng thư giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Cần Thơ.

Vì vậy sau khi ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty IMICO, do không có tài sản đảm bảo đề nghị ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh, Linh đã liên hệ với Hà nhờ làm chứng thư  bảo lãnh để công ty của Linh được nhận 2,2 tỷ đồng tiền tạm ứng thi công từ IMICO. Linh thỏa thuận sẽ trả cho Hà 60 triệu đồng là chi phí để làm chứng thư giả.

Để thực hiện việc làm giả chứng thư bảo lãnh, Nguyễn Diệu Linh chuyển cho Trương Thị Thu Hà nội dung hợp đồng  đã ký kết giữa Công ty Bình Minh và Công ty IMICO. Hà chuyển tiếp nội dung hợp đồng này cho Ngô Bảo Long (SN 1979, ở Long An), là đối tượng trước đó đã được Hà thuê làm giả một số chứng thư bảo lãnh ngân hàng cho Hà và một số doanh nghiệp khác nhằm mục đích nhận được tiền tạm ứng từ đối tác khi ký kết hợp đồng kinh tế.

Theo đó, để làm chứng thư bảo lãnh giả, Hà sẽ nhận nội dung hợp đồng kinh tế rồi chuyển cho Long để làm các chứng thư bảo lãnh mà không cần phải có hồ sơ đề nghị ngân hàng phát hành bảo lãnh, không cần có tài sản đảm bảo và không lên ngân hàng ký hợp đồng tín dụng.

Giá làm chứng thư bảo lãnh ngân hàng giả này tùy thuộc vào số tiền mà doanh nghiệp sẽ được tạm ứng. Việc thỏa thuận chi phí, giá cả làm chứng thư giả do Hà thực hiện với khách hàng. Hà giữ lại một phần cho mình, còn lại chuyển cho Long.

Về phía Nguyễn Diệu Linh, đến ngày 15-9-2014, Linh đã được Hà chuyển cho 2 chứng thư bảo lãnh ngân hàng giả. Linh đã chuyển cho Hà số tiền 60 triệu đồng. Hà giữ lại 20 triệu đồng, trả cho Long 40 triệu đồng.

Xác minh tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thủ Đức, ngân hàng cho biết không phát hành các chứng thư bảo lãnh cho Công ty Bình Minh. Không có người nào là Ngô Bảo Long đến làm việc tại ngân hàng, cũng không có ai là Nguyễn Diệu Linh gửi hồ sơ đề nghị phát hành chứng thư bảo lãnh đến ngân hàng và không đến ngân hàng để ký hợp đồng tín dụng phát hành chứng thư bảo lãnh cho hợp đồng kinh tế của Công ty Bình Minh.

Cơ quan điều tra cũng trưng cầu giám định 2 chứng thư bảo lãnh trên, kết luận giám định xác định đó đều là chứng thư giả. Tại cơ quan điều tra, Ngô Bảo Long khai nhờ một đối tượng khác làm chứng thư bảo lãnh giả để được hưởng lợi 8 triệu đồng/1 chứng thư giả. Biết việc làm này là sai nhưng do cần tiền tiêu xài nên Long vẫn nhận làm.

Mặc dù Nguyễn Diệu Linh không khai nhận hành vi sai phạm của mình nhưng cơ quan điều tra kết luận, là người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng lâu năm, nhiều lần đề nghị ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh, Linh hiểu rõ về quy định, điều kiện, trình tự thủ tục để được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh.

Mặt khác, Linh là người trực tiếp sử dụng các chứng thư giả này để hưởng lợi nên hành vi của Linh đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 BLHS.

Ngày 5-8-2016, Cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam đối với bị can Trương Thị Thu Hà và Ngô Bảo Long. Do Nguyễn Diệu Linh đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng nên cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với Linh. Hiện cơ quan CSĐT đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND TP Hà Nội đề nghị truy tố cả 3 đối tượng Linh, Hà và Long về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 2, Điều 267 BLHS.

Làm và sử dụng chứng thư bảo lãnh giả, các đối tượng Linh, Hà, Long bị đề nghị truy tố trước pháp luật.

Cảnh báo thủ đoạn làm giả chứng thư bảo lãnh

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, trong quan hệ kinh tế hiện nay, chứng thư bảo lãnh được rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp sử dụng. Bảo lãnh được hiểu là quan hệ giữa 3 bên gồm bên được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, trong đó 2 bên có quan hệ giao dịch phát sinh nghĩa vụ thanh toán và bên bảo lãnh là ngân hàng.

Để đề phòng việc đối tác không trả được tiền từ giao dịch, doanh nghiệp yêu cầu có bên thứ 3 là ngân hàng đứng ra phát hành cam kết bảo lãnh, nếu đối tác không thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì ngân hàng sẽ phải trả thay. Trong lĩnh vực xây dựng,  các doanh nghiệp năng lực tài chính kém, không có tài sản đảm bảo để đề nghị ngân hàng bảo lãnh thường chọn “giải pháp” làm giả chứng thư bảo lãnh ngân hàng để được tạm ứng tiền thi công từ đối tác.

Cũng do không có năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng nên thực tế sau khi tạm ứng, không ít doanh nghiệp đã chiếm đoạt số tiền này, hoặc không thực hiện việc thi công theo đúng tiến độ đề ra. Về phía đơn vị ký hợp đồng, vì tin tưởng đối tác, tin tưởng vào chứng thư bảo lãnh nên đã chủ quan, không kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh của đối tác, cũng không kiểm tra lại thông tin chứng thư bảo lãnh tại ngân hàng nên cũng bị gánh chịu hậu quả.

Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, làm giả chứng thư bảo lãnh ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang là một thủ đoạn của tội phạm  trong làm ăn kinh tế nói chung. 

Đầu năm 2016, TAND TP Cần Thơ đã xét xử 7 bị cáo trong đường dây chuyên làm giả chứng thư ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng chuyên làm giả chứng thư bảo lãnh của ngân hàng là Nguyễn Thành Nam (26 tuổi) cùng 4 đối tượng “chân rết” đã nhận làm nhiều chứng thư giả cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua hàng trả chậm nhưng không có tài sản đảm bảo, thế chấp. Tiền công làm chứng thư giả được các đối tượng bán với giá từ 3-5% giá trị số tiền thể hiện trong chứng thư bảo lãnh.

Một mẫu chứng thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo được các đối tượng sử dụng trong các vụ án lừa đảo.

Để làm chứng thư bảo lãnh giả, Nam lên mạng Internet lấy mẫu chứng thư bảo lãnh thật của các ngân hàng, dùng phần mềm chỉnh sửa tên doanh nghiệp, số tiền, thời gian bảo lãnh rồi in bằng phương pháp in phun màu, Nam còn lập trang web giả của ngân hàng, thuê 2 số điện thoại cố định, điền thông tin website và 2 số điện thoại trên vào các chứng thư bảo lãnh giả. Do đó, khi doanh nghiệp xác minh theo địa chỉ trên chứng thư sẽ gặp “người” của Nam và đều nhận được câu trả lời chứng thư bảo lãnh là đúng. 

Trong số các khách hàng nhờ Nam làm chứng thư bảo lãnh giả có bà Mai Thị Huyền Nga (56 tuổi), Phó Giám đốc Công ty TNHH thức ăn gia súc và xây dựng Phúc Vinh. Bà Nga  nhờ   Nam  làm giả chứng thư bảo lãnh thanh toán trị giá 2 tỷ đồng để Nga mua thức ăn chăn nuôi thủy sản của Công ty Green Fed.

Nhờ có chứng thư bảo lãnh giả này, bà Nga đã được Công ty Green Fed xuất cho 170 tấn hàng tương đương 1,9 tỷ đồng. Bà Nga mang bán số hàng này cho người khác nhưng chỉ thanh toán cho Công ty Green Fed 500 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt.

Sau đó, bà Nga  giới thiệu Dương Hòa Nhã (46 tuổi)  gặp nhóm của Nam  để nhờ làm giả chứng thư bảo lãnh trị giá 5 tỷ đồng, mua trên 411 tấn thức ăn gia súc của Công ty Proconco theo phương thức mua trước trả tiền sau. Bộ chứng thư giả này được ông Nhã mua của bọn Nam với giá 450 triệu đồng. Sau khi lấy hàng, ông Nhã mang đi bán để trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Thấy ngon ăn, ông Nhã thỏa thuận trả 630 triệu đồng cho nhóm của Nam để làm giả chứng thư bảo lãnh khác trị giá 7 tỷ đồng để tiếp tục mua hàng của Công ty Proconco. Nghi ngờ là chứng thư giả, công ty đã đến ngân hàng xác minh và báo cơ quan điều tra.

Trước đó, tòa án cũng đã xét xử vụ án Ngô Quang Đạo (SN 1983), Phạm Thị Thu Dung (SN 1976), nguyên Chủ tịch HĐQT và nguyên Kế toán trưởng Công ty CP thương mại dầu khí Vũ Anh cùng đồng bọn làm giả 78 chứng thư bảo lãnh thanh toán của nhiều ngân hàng khác nhau, giá trị bảo lãnh lên tới 1.148 tỷ đồng, sau đó dùng để mua 76.242.672 lít xăng dầu của chi nhánh Petec Hà Nội và Thái Bình, trị giá trên 468 tỷ đồng. Sau khi bán hết số xăng dầu trên, Đạo chỉ thanh toán một phần, còn lại Đạo cùng Dung chiếm đoạt.

Với thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trên, hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Đạo và Dung mức án tù chung thân về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Ngoài hành vi làm giả hoàn toàn chứng thư bảo lãnh của ngân hàng như trên thì cơ quan chức năng từng cảnh báo có sự tiếp tay của chính nhân viên ngân hàng trong việc làm chứng thư giả. Theo đó, nhân viên ngân hàng lợi dụng sơ hở lấy con dấu của ngân hàng đóng dấu khống lên phôi giấy trắng có in logo của ngân hàng, ký giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng rồi đưa cho các đối tượng cấu kết bên ngoài sử dụng viết tên của khách hàng lên.

Điển hình là vụ Trương Công Dũng, nguyên cán bộ Ngân hàng HSBC cùng các đối tượng khác đã làm nhiều chứng thư bảo lãnh giả với tổng trị giá bảo lãnh là trên 405 tỷ đồng để bán cho một số doanh nghiệp. Các đối tượng đã dùng chứng thư bảo lãnh giả trên để lừa đảo, chiếm đoạt trên 16 tỷ đồng của 3 công ty thông qua việc ký kết hợp đồng mua bán sắt thép.

Theo cơ quan điều tra, để ngăn chặn nạn chứng thư bảo lãnh giả, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên thụ hưởng bảo lãnh, một số ngân hàng đã mở dịch vụ tra cứu chứng thư bảo lãnh ngân hàng trực tuyến. Theo đó, các bên thụ hưởng bảo lãnh do một ngân hàng phát hành chỉ cần truy cập website của ngân hàng đó để tra cứu, đối chiếu với chứng thư bảo lãnh đã được phát hành.

Thận trọng hơn, bên thụ hưởng bảo lãnh có thể trực tiếp đến ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh để kiểm tra. Ngoài ra, trước khi đặt bút ký kết các hợp đồng kinh tế, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về tình hình hoạt động cũng như năng lực tài chính của doanh nghiệp đối tác mà mình định hợp tác nhằm phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.

Hương Vũ
.
.