Cảnh báo việc sử dụng Darknet để buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp

Thứ Ba, 27/06/2017, 12:35
Các chuyên gia thuộc Khu liên hợp Interpol Toàn cầu vì sự đổi mới (ICGI) cho biết, mặc dù còn hạn chế, nhưng có những bằng chứng rõ ràng về việc bọn tội phạm sử dụng Darknet để buôn bán bất hợp pháp sản phẩm từ các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng như sừng tê giác, ngà voi cùng nhiều sản phẩm khác.

Được tài trợ bởi Quỹ Quốc tế về phúc lợi của động vật (IFAW), Bộ Ngoại giao Mỹ và Quỹ Động vật hoang dã châu Phi (AWF), nghiên cứu “Buôn bán động vật hoang dã trái phép sử dụng Darknet” của Interpol còn cho thấy phần lớn các hoạt động kinh doanh động vật hoang dã đều được thực hiện kín đáo, bí mật.

Từ tháng 12-2016 tới tháng 7-2017, Interpol đã tìm thấy 21 mục quảng cáo, có một số từ năm 2015, cung cấp các sản phẩm làm từ sừng tê giác, ngà voi và các bộ phận của hổ. David Higgins, Giám đốc Chương trình tội phạm môi trường Interpol, cho hay, việc sử dụng Darknet là một phần trong sự gia tăng tổng thể việc sử dụng các nền tảng trực tuyến để buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Một cảnh sát đang sắp xếp lại số ngà voi mới thu giữ tại đồn cảnh sát Makupa ở Mombasa.

“Những kẻ phạm tội luôn luôn tìm cách xác định các thị trường mới để kiếm lợi nhuận từ hoạt động bất hợp pháp của chúng và Darknet không phải ngoại lệ”, ông Higgins nói. “Tin tốt lành là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số ít sản phẩm đang được rao bán trên Darknet" bà Tania McCrea-Steele, người đứng đầu Dự án tội phạm mạng liên quan đến động vật hoang dã toàn cầu của IFAW, cho hay “Nhưng tin xấu là những nhà nghiên cứu của Interpol tìm thấy những quảng cáo bán các bộ phận của một số loài đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên trái đât trên một nền tảng Internet khó điều kiểm soát”.

Tuy nhiên, không thể bỏ qua cơ hội mà Darknet đang mang lại để có thể lần ra manh mối những kẻ sử dụng mạng Internet làm công cụ để buôn bán động vật hoang dã một cách bí mật, kín đáo.

Nghiên cứu của Interpol đặc biệt tập trung vào các loài tê giác, voi và hổ, vốn đang bị đe dọa tuyệt chủng vì các bộ phận và sản phẩm liên quan tới các loài này luôn “đắt khách” trên thị trường quốc tế.

Ở Nam Phi, nơi có số lượng tê giác trắng và đen lớn nhất trên thế giới, số lượng tê giác bị săn để lấy sừng đã tăng lên hơn 90 lần trong khoảng thời gian từ năm 2007 – 2015. Và chỉ tính riêng trong năm 2016, 1.054 cá thể bị giết. Cũng trong năm 2016, hơn 20 tấn ngà voi, được mệnh danh là "vàng trắng" tại khu vực châu Á và Trung Quốc, cũng như tại Mỹ, đã bị các cơ quan chức năng phát hiện trên toàn cầu. Mèo lớn, hay Đại miêu, châu Á bị săn lùng để lấy các bộ phận của chúng, như da, móng vuốt, răng, xương và máu, để sử dụng trong y học cổ truyền, rượu xương hổ… Interpol đã thiết lập mối quan hệ đối tác lâu dài với IFAW để đấu tranh chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

Năm 2013, một dự án của Interpol, được IFAW hỗ trợ để xác định việc tổ chức và quy mô của một thương vụ buôn bán ngà voi trực tuyến, đã phát hiện hàng trăm mặt hàng trị giá khoảng 1,45 triệu euro được bán trên các website đấu giá trên khắc 9 quốc gia châu Âu trong suốt 2 tuần lễ.

Các kẻ tội phạm buôn bán động vật hoang dã dường như đã bị Darknet thu hút bởi tính ẩn danh và cơ chế bảo mật mạnh mẽ, bên cạnh đó là việc người bán đã quen thuộc với công nghệ mã hóa, các công cụ tài chính và phương thức liên lạc thông thường được sử dụng trong không gian nặc danh này. Sự tăng trưởng trong thương mại điện tử và mối quan tâm tiềm ẩn đối với thị trường động vật hoang dã cho thấy các cơ quan thực thi pháp luật cần phải nhanh chóng tìm hiểu, phân tích khi điều tra các tội phạm liên quan tới động vật hoang dã.

Việc sử dụng Darknet như một “thị trường” cho các sản phẩm động vật hoang dã được nêu bật trong báo cáo của Interpol, có thể là do mức độ thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn thấp, đã gián tiếp giúp việc buôn bán các sản phẩm này dễ dàng hơn, giá cao nhưng không ổn định, gây cho người mua cảm giác có thể bị lừa gạt, cùng với đó là những khó khăn trong việc việc vận chuyển sản phẩm.

Giải thích một chút về Darknet. Khoảng 96% các website hoặc trang nội dung trên thế giới mạng World Wide Web (WWW) không được chỉ mục (index), đánh dấu bởi các công cụ tìm kiếm thông thường. Chúng có tên chung là Web chìm hay còn gọi là mạng chìm (Deep Web), Web ẩn (Invisible web, Undernet, hay Hidden web). Darknet là một trong số này.

Mike Bergman, nhà sáng lập của BrightPlanet và là cha đẻ của thuật ngữ trên, nói rằng: “Việc tìm kiếm trên Internet ngày nay có thể so sánh với việc kéo một tấm lưới trên bề mặt đại dương: một phần lớn có thể thu được ở trên tấm lưới, nhưng các thông tin giá trị thì chìm ở dưới đáy và do đó bị bỏ lỡ, hầu hết các thông tin trên mạng bị chôn sâu dưới đáy, nơi các kết quả từ các trang tìm kiếm không thể liệt kê ra, nơi các cỗ máy tìm kiếm không thể với tới. Các cỗ máy tìm kiếm truyền thống không thể nhìn thấy hoặc truy vấn thông tin trong web chìm. Những trang này không tồn tại cho đến khi chúng được các cỗ máy này tạo liên kết động trong kết quả tìm kiếm cụ thể nào đó”.

Năm 2011, những trang Deep web đã có kích thước gấp 400 đến 550 lần so với những trang web được định nghĩa thông thường trên thế giới.

Trong một nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley năm 2011, dựa trên ước lượng ngoại suy, dung lượng dữ liệu trên web chìm khoảng 7.500 terabyte. Cụ thể gồm khoảng 300.000 trang web chìm trong năm 2004, và theo Shestakov, khoảng 14.000 trang web chìm có xuất xứ từ Nga vào năm 2006. Để khám phá nội dung trên các trang web, các máy tìm kiếm sử dụng các máy dò để lần theo các hyperlink thông qua các số đã biết của cổng giao thức ảo. Kỹ thuật này không có tác dụng mấy đối với web chìm.

Deep web (bao gồm cả dark web) thường chứa đựng các nội dung sau: Buôn bán vũ khí không có giấy phép; hình ảnh khiêu dâm trẻ em; bán phần mềm độc hại, phần mềm lậu và hướng dẫn về hacking; bán thuốc bất hợp pháp; bán thông tin thẻ tín dụng bị đánh cắp và tài khoản người dùng; bán các tài liệu giả mạo và tiền tệ; bài bạc; rửa tiền; giao dịch nội gián…

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.