Cảnh giác và nghiêm trị những kẻ mạo danh yêu nước để phá hoại
- Hé lộ có nhiều “kẻ đứng sau” kích động, xúi giục người gây rối2
- Cảnh giác trước những âm mưu kích động biểu tình gây rối
Càng xem những hình ảnh, đoạn clip tường thuật trực tiếp từ hiện trường, tôi càng dâng lên niềm đau xót, nghẹn uất không nói lên lời.
Người ta muốn xuống đường tuần hành một cách “ôn hòa” để biểu thị trước những dự thảo luật mà họ cho rằng ảnh hưởng tiêu cực đến quốc gia, điều đó có thể chấp nhận được. Nhưng, không thể hiểu nổi vì lý do gì mà ở một huyện tại Nghệ An, họ lại đẩy những đứa trẻ còn đang độ tuổi học sinh tiểu học, vốn nhiệm vụ của chúng là chỉ biết cắp sách tới trường, chưa hiểu gì nhiều về “đặc khu” với “An ninh mạng” xuống đường, dưới cái nắng chang chang mùa hè.
Nhìn các cháu trên tay cầm những tấm biển với dòng chữ phản đối đặc khu đầy ngây ngô, tôi thật sự không thể tin vào mắt mình nữa. Để thực hiện mưu đồ của mình, đến trẻ chúng cũng “không tha”, vậy thì chờ đợi gì ở những đám người lớn núp sau đó sự công chính, đàng hoàng, với tinh thần xây dựng đất nước đúng đắn?
Ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi có số lượng người xuống đường được cho là đông đảo nhất trong Chủ nhật vừa qua, hành động của đám đông cũng khiến những người xung quanh phải phẫn nộ. Họ tự xưng là xuống đường văn minh, bất bạo động, nhưng lại tràn xuống đường, gây cản trở, ùn tắc giao thông cả vài kilômét, ở những tuyến đường huyết mạch.
Đấu tranh văn minh kiểu gì, trật tự kiểu gì mà đến nỗi một bác tài lái xe cấp cứu đã phải kêu lên trên Facebook: Khẩn cầu các anh chị nhường lối cho xe cấp cứu đi. Chưa biết các bạn cứu được ai khi xuống đường nhưng hành động của các bạn rất dễ khiến người khác phải chết oan vì các anh chị (?!).
Chưa hết, đông đảo người dân tỏ thái độ phẫn nộ và uất nghẹn về sự việc xảy ra ở Bình Thuận. Chủ nhật, ngày 10-6, tại Phan Thiết, đám đông hàng nghìn người đã tụ tập tại khu vực trung tâm, hò hét, kích động ném gạch đá, cầm gậy tấn công lực lượng cảnh sát khi họ đang làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Không ít kẻ quá khích còn hò nhau giật đổ cả cổng ủy ban nhân dân tỉnh, đốt cháy xe công vụ, ném vỡ các cửa kính... Sau đó, hò nhau đột nhập trái phép, đốt phá tài liệu của một số cơ quan của tỉnh...
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ Trần Minh Huệ và Nguyễn Đình Thành để điều tra về hành vi in ấn tài liệu, kêu gọi người dân tham gia biểu tình trái phép, gây rối ANTT. |
Sau khi lực lượng Công an khống chế được một số kẻ cầm đầu, những tưởng vụ việc sẽ lắng xuống. Vậy nhưng, ngày hôm sau, hành động gây rối kia tiếp tục tái diễn, với tính chất manh động hơn. Đám đông cuồng nộ không còn phân biệt được đúng sai, kéo đến trụ sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đốt phá xe chuyên dụng, sau đó, còn vây hãm các chiến sĩ cảnh sát, đập phá các công trình nhà nước.
Vụ việc ở Bình Thuận hai ngày qua chắc chắn không phải là cuộc biểu tình ôn hòa nữa rồi. Ngay cả ở những nước được cho là tự do, dân chủ phát triển trên thế giới, người ta cũng không chấp nhận những hành động xuống đường điên loạn ấy. Đã đến lúc phải gọi thẳng tên, đó chính là hành động chống phá, gây bất ổn xã hội, làm ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới trật tự an ninh địa phương. Đó là hành vi vượt quá giới hạn cho phép, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, dù ở bất cứ đất nước nào cũng đều phải làm rõ, trừng trị nghiêm khắc.
Bình tâm suy ngẫm lại, sẽ thấy rằng, phía sau những hành động ấy, là những âm mưu đã được tính toán, vạch sẵn của các thế lực chống đối với kế hoạch chi tiết, cụ thể. Trên thực tế, quảng đại quần chúng là người tốt, chỉ một bộ phận do hạn chế về nhận thức đã bị bọn xấu lợi dụng, kích động để xuống đường biểu tình với lí do là dựa vào một số điểm trong dự thảo luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Nhưng, tại sao, ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tuyên bố sẽ điều chỉnh thời gian cho thuê đất theo ý kiến góp ý của dư luận, sau đó, đề xuất Quốc hội tạm hoãn chưa thông qua dự luật tại kỳ họp này, vậy mà đám người kia vẫn tiếp tục biểu tình? Họ xuống đường vì điều gì, khi chưa biết các khu đất kia có được tiếp tục cho thuê hay không và càng không thể biết người được thuê là ai?
Phân tích ra, có thể thấy, đây không phải là cuộc xuống đường biểu tình để phản đối dự thảo luật đơn thuần, nó là kế hoạch gây rối được chuẩn bị từ lâu, do các thế lực chống đối đạo diễn, và vì đã lên kế hoạch, ấn định thời gian rồi nên các đối tượng thực hiện bằng mọi giá.
Tiếc rằng, do tâm lý nóng vội, dễ bị kích động, lại không chịu tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nên không ít người tham gia đã vô tình bị lừa gạt, trở thành những kẻ a dua mà cứ nghĩ rằng mình đang tham gia một hoạt động nghĩa hiệp, công chính, đúng pháp luật.
Điều cần làm lúc này, đó là, các cơ quan chức năng phải lập tức cung cấp những thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về các vấn đề dư luận đang quan tâm; có những cảnh báo, vạch trần âm mưu chống phá để người dân phòng tránh. Cùng với đó, phải điều tra, xử lý nghiêm những kẻ chủ mưu, cầm đầu, kích động gây rối, mượn cớ biểu tình ôn hòa để gây náo loạn xã hội, nhân danh yêu nước để chống phá chế độ.
Đối với mỗi người dân, cần hiểu rằng, việc nêu quan điểm, bày tỏ thái độ trước những vấn đề trọng yếu của đất nước là cần thiết, song phải biểu đạt một cách đúng pháp luật, trách nhiệm, đúng lúc, đúng chỗ. Những ý kiến phản biện, đóng góp xuất phát từ lòng yêu nước chân chính, đúng đắn của mỗi người dân đều đáng được trân trọng, ghi nhận.
Nhưng, việc lợi dụng biểu tình để tổ chức các hoạt động chống phá là hành vi cực kỳ nguy hiểm, đáng lên án và phải bị nghiêm trị. Hãy yêu nước một cách tỉnh táo, bằng pháp luật, trách nhiệm và lương tri của con người Việt Nam, đừng để kẻ xấu lợi dụng.