Cảnh giác với chiêu trò “rắc thính” trên mạng xã hội

Thứ Ba, 29/09/2020, 22:12
Kể với tôi khi dư âm chiến thắng của chuyên án bóc gỡ đường dây mua bán 41 phụ nữ, trẻ em qua biên giới còn chưa lắng xuống, Thượng tá Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Lào Cai cho biết, thủ đoạn chủ yếu của băng nhóm tội phạm này là sử dụng Facebook, Zalo như một công cụ hữu hiệu để “bắt mồi” ở nhiều tỉnh dọc tuyến biên giới Việt - Trung.

Sau hơn 1 năm kiên trì thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án, chiến công hốt trọn đường dây buôn người đã để lại bài học cảnh tỉnh sâu sắc đối với nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay, về những cạm bẫy đang treo lơ lửng trên không gian mạng.

14 tháng ròng “truy vết”

Để bảo mật tuyệt đối cho chuyên án, chỉ khi đã bắt “róc” tất cả số đối tượng trong đường dây mua bán người xuyên quốc gia, Thượng tá Nguyễn Minh Thắng mới chia sẻ với tôi ít nhiều thông tin bên lề về trận đánh kỳ công này của đơn vị anh cùng các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và công an các tỉnh bạn.

Anh kể, tháng 4-2019 Phòng CSHS Công an tỉnh Lào Cai tiếp nhận yêu cầu phối hợp xác minh của đồng nghiệp ở tỉnh Điện Biên về những thông tin ban đầu còn khá mơ hồ, liên quan đến một đường dây mua bán người liên tỉnh. Sau một thời gian tổ chức điều nghiên, nhận thấy quy mô của băng nhóm tội phạm này “phủ” rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn..., với số lượng nạn nhân rất lớn, đơn vị đã đề xuất Cục CSHS Bộ Công an xác lập chuyên án trinh sát, để có sự tập trung, thống nhất trong chỉ đạo và phối hợp hành động giữa lực lượng điều tra hình sự của nhiều tỉnh.

Đề xuất được phê duyệt, từ đây bắt đầu những tháng ngày lực lượng trinh sát hình sự các tỉnh tập trung cao độ vào các phần việc được giao. Tỉnh Lào Cai là địa bàn băng nhóm này trung chuyển nạn nhân đưa sang Trung Quốc nên những dấu vết của tội phạm cũng tập trung nhiều ở đây. Do đó, ngay từ đầu, Phòng CSHS Công an tỉnh Lào Cai được xác định là đơn vị chủ công, mũi nhọn trong đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm này. Dưới sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của ban chuyên án và Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, biện pháp để triển khai chiến thuật trinh sát liên hoàn, với quyết tâm cao độ bằng mọi giá phải làm rõ tội ác của những kẻ buôn người.

Đối tượng Sùng A Chớ cầm đầu đường dây bán người sang Trung Quốc bị Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ.

Không thể đo đếm công sức của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị sau hơn 1 năm kiên trì rà soát, dò tìm, điều tra sâu, xác minh kỹ mọi thông tin có liên quan đến nhóm tội phạm đó. Được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị thành viên ban chuyên án, cùng sự giúp đỡ cung cấp thông tin, phối hợp xác minh của đồng nghiệp nước bạn, Phòng CSHS Công an tỉnh Lào Cai đã từng bước dựng được chân dung kẻ cầm đầu và đồng bọn. Danh tính các nạn nhân cũng được xác định để triển khai giải cứu.

Đến tháng 7-2020, toàn bộ tài liệu, chứng cứ thuyết phục để triển khai bắt giữ đường dây tội phạm này đã được đặt lên bàn các cấp chỉ huy cao nhất. Trong đó, kẻ có vai trò chủ mưu, tổ chức đường dây buôn người này được xác định là Sùng A Chớ (sinh năm 1991, trú tại Bản Nậm Pon, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Lệnh phá án phát ra, từ ngày 2-7 đến ngày 5-8 toàn bộ 7 đối tượng trong băng nhóm đã bị lực lượng CSHS Công an tỉnh Lào Cai, phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ.

Quá trình đấu tranh với Sùng A Chớ và đồng bọn, các trinh sát đã làm rõ thủ đoạn phạm tội chủ yếu của chúng là thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo để phát hiện “con mồi” là phụ nữ, trẻ em. Sau đó chúng kết bạn, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn giúp tìm việc làm hoặc giả danh là Công an, Bộ đội biên phòng Lào Cai, để rung dọa các nạn nhân rằng họ có liên quan đến vụ án đang điều tra, yêu cầu sang Lào Cai để làm việc.

Bằng thủ đoạn này, từ năm 2018 đến nay, Chớ cùng đồng bọn gây ra 29 vụ, dụ dỗ, lừa gạt 41 người, trong đó có các nạn nhân dưới 16 tuổi ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Bắc Kạn... để đưa qua biên giới, bán cho các đầu mối bên Trung Quốc với giá từ 12.000 - 20.000 NDT/người. Trong đó, Chớ được trích 3.000 NDT/người.

“Bắt mồi” thời công nghệ

Theo Tổ chức CSHS quốc tế (Interpol), tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn toàn cầu, đem lại nguồn thu bất hợp pháp cao thứ ba sau buôn bán ma túy và vũ khí. Hằng năm, ngày 30-7 được Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày Phòng, chống mua bán người.

Năm nay, ông Antonio Guterres (Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc) phát đi thông điệp: “Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm nhiều bất bình đẳng trên toàn cầu, tạo ra nhiều rào cản trên con đường đạt mục tiêu phát triển bền vững. Việc này cũng đã khiến hàng triệu người có nguy cơ bị mua bán vì mục đích mại dâm, lao động cưỡng bức, hôn nhân cưỡng ép và các tội phạm khác. Tỉ lệ phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 70% số nạn nhân mua bán người được phát hiện và họ cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch. Các cuộc suy thoái trước đây cho thấy phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm việc làm sau khủng hoảng, vì vậy đây là thời điểm cần hết sức cảnh giác”.

Trao trả nạn nhân tại biên giới Việt – Trung.

Tội phạm mua bán người tại Việt Nam vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với những chiêu trò, thủ đoạn mới, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào hoạt động phạm tội. Nếu như trước đây, để săn tìm “con mồi”, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi, rẻo cao... những kẻ mua bán người thường phải đến tận nơi, thông qua các quan hệ tại chỗ để bắt mối, câu kéo, dụ dỗ nạn nhân bỏ nhà đi tìm việc làm nhàn hạ, lương cao... thì trong thời buổi công nghệ hiện nay, với sự “phủ sóng” rộng khắp của mạng viễn thông, mạng internet đến mọi vùng miền trong cả nước, bọn tội phạm có thể ngồi một chỗ và giăng ra những cái bẫy “chết người”, tiếp cận “con mồi” từ xa thông qua mạng xã hội.

Với hơn 62 triệu người Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... thì việc kết bạn, thiết lập các quan hệ trên thế giới “ảo” chưa khi nào dễ dàng như hiện nay. Nạn nhân mà bọn buôn người nhắm đến chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, nhất là những nhóm người có sự khó khăn về kinh tế, nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác... Sắm những bộ mặt hào nhoáng, phong độ trên các tài khoản mạng xã hội, những kẻ buôn người dễ dàng chiếm được cảm tình, lòng tin của họ. Khi đã kết bạn làm quen là lúc chúng phát huy khả năng đọc vị “con mồi”.

Thông qua những dòng trạng thái (status), những chia sẻ, tâm tư... của nạn nhân tương lai, chúng sẽ biết nạn nhân thuộc “hệ” nào, họ muốn gì, cần gì. Việc còn lại chỉ là “rắc thính cho vừa miệng cá”, nghĩa là tỏ ra đáp ứng được những nhu cầu của đối tượng mục tiêu, chẳng hạn như hứa hẹn tìm cho công việc nhàn hạ, lương cao, rủ đi thăm thân, du lịch... Cũng có thể chúng tỏ ra đồng cảm, an ủi, động viên, chia sẻ khi thấy mục tiêu đang ở vào tình trạng buồn chán, bi quan, thất vọng, khó khăn.

Trao trả nạn nhân tại biên giới Việt – Trung.

Một chiêu thức khá phổ biến nữa, đó là buông lời tán tỉnh yêu đương. Bởi kỹ năng sử dụng mạng xã hội của nhiều người còn rất hạn chế, không thấy được những nguy cơ, ẩn họa từ mặt trái của ứng dụng mạng xã hội nên họ khá dễ dãi đặt lòng tin. Sau khi kết nối được quan hệ thông qua mạng xã hội, bước tiếp theo là chúng sẽ tạo cớ để gặp nạn nhân và việc đưa họ sập bẫy chỉ còn là vấn đề thời gian. Những kẻ buôn người luôn hoạt động theo băng nhóm, đường dây có từ 2 tên trở lên, với sự phân công vai trò, nhiệm vụ khá rạch ròi của từng đồng phạm. Chẳng hạn như có kẻ đặc trách việc săn mồi trên mạng, có được “hàng” sẽ giao tiếp cho những tên khác để đưa khỏi lãnh thổ Việt Nam, giao cho chủ chứa nước ngoài hoặc chuyển giao nạn nhân cho các tên ma cô, chứa mại dâm trong nước.

Sở dĩ hiện nay các nhóm tội phạm buôn người thường sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để liên lạc, làm quen với nạn nhân, bởi tính ẩn danh từ ứng dụng này. Trên mạng, chúng lấy tên khác, địa chỉ, lai lịch khác khi thiết lập quan hệ với nạn nhân. Chính yếu tố bảo mật cao, khó bị phát hiện, giữ được bí mật về thông tin cá nhân, đặc điểm nhận dạng... nên trong thời gian tới, việc gây án thông qua mạng xã hội tiếp tục diễn biến rất phức tạp, thay thế cho cách tìm kiếm “con mồi” trực tiếp như trước đây. Thủ đoạn mạo danh cán bộ cơ quan chấp pháp để rung dọa người dùng mạng xã hội, yêu cầu gặp mặt tại biên giới như các đối tượng vừa bị Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ, là một chiêu trò khá mới của những kẻ buôn người.

Tự bảo vệ mình

Theo một cựu cán bộ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, khâu yếu nhất trong hệ thống các giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người, chính là sự chủ quan, thiếu cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, hạn chế về kỹ năng sử dụng mạng xã hội của nhiều người dùng Facebook, Zalo... hiện nay. Do đó, để phòng ngừa chủ động với loại tội phạm này, điều đầu tiên là cần nâng cao nhận thức cho người dân trước hiểm họa của các loại tội phạm “ăn theo” mạng xã hội, trong đó có nạn mua bán người.

Trong kỷ nguyên công nghệ số và internet, việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một thói quen sinh hoạt mới của người Việt, vì vậy ngay từ các cấp học phổ thông, các nhà trường nên tăng cường các buổi sinh hoạt ngoại khoá với nội dung phổ biến, giới thiệu cho học sinh hiểu về tính hai mặt của mạng xã hội, bao gồm cả những tiện ích, cũng như các nguy cơ từ ứng dụng này. Đây là việc làm vô cùng cần thiết để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ làm phát sinh tội phạm mua bán người, vì trong cơ chế hành vi phạm tội này, nạn nhân có vai trò quan trọng thể hiện ở khâu làm nảy sinh ý định phạm tội hoặc tạo điều kiện để tội phạm được thực hiện một cách thuận lợi, dễ dàng hơn.

Các đối tượng mua bán người bị bắt giữ.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, chính quyền địa phương, cán bộ công an với vai trò nòng cốt cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cấp cơ sở cần chủ động xây dựng các kế hoạch phối hợp truyền thông trong trường học, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm. Điều này sẽ giúp học sinh sớm nhận biết các nguy cơ có thể xảy ra để không tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm, có ý thức cảnh giác khi thiết lập các mối quan hệ trên mạng xã hội, biết lựa chọn những mối quan hệ an toàn và làm chủ các kỹ năng giữ mình trước những nguy cơ đang rình rập trên không gian mạng.

Đào Trung Hiếu
.
.