Cảnh giác với những mánh lừa đa cấp “ngoại”

Thứ Ba, 01/08/2017, 20:31
Thời gian vừa qua, ở Hà Nội và một số tỉnh thành xuất hiện một số nhóm người nước ngoài cùng phiên dịch người Việt tổ chức “hội thảo” giúp nhà đầu tư kiếm tiền siêu nhanh từ các công ty nước ngoài. Thoạt nghe đều là những dự án nghe rất kêu trong tương lai sẽ đem lại những khoản lợi nhuận “khủng”.

Đã có hàng trăm người dân móc hầu bao ném vào, hy vọng tiền sẽ cứ thế chảy vào túi. Tuy nhiên, gần như tất cả các nhà đầu tư đều ngậm quả đắng, khi mà các giám đốc, tổng giám đốc lần lượt biến mất, còn số tiền đầu tư không biết đã biến đi đâu...

1. Giữa năm 2016 bà Hoàng Thị Nga (một tiểu thương ở quận Đống Đa, Hà Nội) được một bạn hàng rủ tham gia một kênh đầu tư “một vốn mười lời”. Đó là dự án casino ở một tỉnh miền Trung với quy mô lớn, tương lai sẽ mở chi nhánh tại nhiều tỉnh thành khác. Dự án này có đại diện là một số người mang quốc tịch Malaysia.

Họ quảng cáo rằng sau khi đã rất thành công ở nhiều nước Đông Nam Á, hiện việc triển khai đầu tư vào Việt Nam là “ưu tiên số một”. Và chỉ cần một khoản đầu tư vài trăm triệu đồng, mỗi tháng đều có “tiền tươi” đổ về tài khoản. Sau một năm, lợi nhuận ít nhất sẽ tăng gấp đôi!

Sau khi đã có tài khoản trong công ty, thì cứ giới thiệu thêm được một người, bà Nga sẽ được “cắt” trực tiếp 10 % số tiền của nhà đầu tiếp theo do bà môi giới; và 5% của những người “nhánh dưới”. Tóm lại, nếu nhanh chân tham gia trong vòng 365 ngày bà Nga có thể kiếm được số tiền lên tới 400% so với số tiền đầu tư ban đầu.

Một cuộc hội thảo của công ty đa cấp.

Cũng theo họ, đây là dự án của người nước ngoài nên có thể “yên tâm” về những khoản đầu tư minh bạch cũng như việc điều hành, quản lý. Người môi giới cho bà Nga còn khoe đã tham gia đầu tư được mấy tháng, và công ty trả gốc và lãi rất đều đặn.

Có trong tay mấy trăm triệu tiền nhàn rỗi, bà Nga lập tức chuyển hết vào đầu tư theo hình thức này. Hai tháng đầu thấy tiền đều đặn chảy vào tài khoản, bà Nga liền đi vận động thêm nhiều người thân, bạn bè cùng tham gia. Song đến cuối năm 2017, bà Nga và nhóm nhà đầu tư không thấy tiền chuyển về đều đặn nữa. Khi hỏi mấy đại diện người Malaysia thì nhận được câu trả lời rằng dự án đang tạm dừng một thời gian để kiểm toán. Và nó cứ dừng mãi cho đến nay vẫn chưa được khởi động lại!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện đã có hàng trăm bị hại của trò lừa đảo đa cấp trên làm đơn trình báo lên cơ quan điều tra, Công an TP Hà Nội. Tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, để làm rõ hành vi của các đối tượng chủ mưu cầm đầu là không dễ. Một phần do các giao dịch này gần như không có giấy tờ làm chứng. Thêm nữa các đại diện người nước ngoài đã nhanh chân biến mất.

Một nạn nhân khác của đa cấp ngoại là ông Vũ Văn Huy, trú tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ông cay đắng kể lại hành trình từ một “đại gia” đã thành thành trắng tay, thậm chí còn thành con nợ của nhiều người.

Cuối năm 2015, ông Huy rao bán được mấy mảnh đất. Cầm trong tay nhiều tỷ đồng, ông yên lòng từ giờ đến cuối đời được sống an nhàn. Sau đó ít tháng trong họp lớp, ông Huy gặp lại người bạn gái dễ đến gần 30 năm mới gặp. Những kỷ niệm thời học sinh, sinh viên khiến ông Huy như được trở lại thời thanh niên sôi nổi. Sau đó là những chia sẻ về gia đình, về cuộc sống… Cả hai đã có những cuộc cà phê ở những nơi riêng tư.

Rồi bà bạn (tên Linh) mới chia sẻ cơ hội theo bà ta là “ngàn năm có một”. Đó là việc đầu tư vào một dự án của người nước ngoài, đang được triển khai rất rầm rộ. Để ông Huy được mục sở thị, một ngày cuối tuần bà ta đưa ông đến một khu du lịch, tham gia một cuộc “hội thảo” để hiện thực hóa giấc mơ tỷ phú.

Buổi sáng hôm ấy, ông Huy có mặt trong một khán phòng lớn, đèn đuốc sáng trưng, nhạc xập xình hơn cả ở những đám cưới to mà ông đã từng dự. Sau nửa giờ khán phòng đã lấp đầy người. Những người đến đủ các thành phần, từ nông dân cho đến tiểu thương, công chức về hưu... Rồi bất ngờ nhạc nổi lên rầm rĩ, mấy người nước ngoài với trang phục chói lòa xuất hiện. Màn hình lớn trên sân khấu phát một slide (bản trình chiếu) cùng một phiên dịch viên, người nước ngoài cao giọng nói về những cơ hội đầu tư, những con số triệu, tỷ... khiến ông Huy ù cả tai.

Cuối màn diễn thuyết, người đàn ông nước ngoài còn chốt lại: “Hỡi các bạn, mai kia nếu không may các bạn mất đi thì chỉ để lại cho con cái một vài cái nhà, một vài trăm triệu đồng. Nhưng nếu bạn tham gia vào hệ thống của chúng tôi, thì coi như bạn đã để lại cho con cháu một tài khoản vĩnh viễn. Nó sẽ sinh sôi nảy nở để chúng ta có nguồn thu nhập thụ động, không phải vất vả làm lụng nữa”.

Đại diện nước ngoài của dự án w.coin trong một hội thảo với những nhà đầu tư.

Kết thúc buổi hội thảo, bà Linh lại kéo riêng ông Huy ra một quán cà phê rồi tỉ tê dự án trồng thầu dầu của tập đoàn bên Malaysia này rất tốt, nếu có tiền nhàn rỗi thì hãy đầu tư ngay. Bản thân, bà Linh đã tham gia được hai tháng và có một “nhánh” riêng. Hằng tháng bà đều được trả lãi số tiền lên đến 15%. Như vậy là gấp mười mấy lần so với lãi suất ngân hàng.

Ban đầu ông Huy còn hơi lưỡng lự, nhưng sau khi “mắt thấy tai nghe” ông lập tức rút hết số tiền mình có để ném vào dự án trồng thầu dầu. Chỉ sau ít ngày đóng tiền, ông đã được người của tập đoàn trả cho số tiền lãi trong tháng. Ông Huy vui lắm, đi khoe khắp nơi và lôi kéo thêm nhiều người vào “nhánh”.

Song bẵng đi 6 tháng sau không thấy tiền “chảy” vào tài khoản nữa. Chạy đến hỏi bà Linh thì bà này cũng như ngồi trên đống lửa. Bà kể đã vay lãi suất cao khắp nơi để ném vào dự án, số tiền lên đến dăm bảy tỷ. Và nhiều tháng không được trả lãi. Cố gắng liên lạc với hai người Malaysia - đại diện của tập đoàn nhưng đều thất bại.

2. Một kênh đầu tư khác cũng đang được “chia sẻ” rất rầm rộ, đó là việc đầu tư vào các loại tiền ảo. Bitcoin, Onecoin và mới đây nhất là “W.coin”.

Theo P. Dương, một trong số những nhà đầu tư đầu tiên của Hà Nội tham gia vào mạng lưới W.coin, thì đây là một kênh đầu tư đầy tiềm năng.

“W.coin có tổng số là 30 triệu, với 6 triệu coin đầu tiên dành cho promotion, gồm 3 triệu tặng nội bộ cho những người tiên phong trong tập đoàn, 3 triệu coin còn lại là phần thưởng cho những thị trường làm tốt mạng lưới trên thế giới.

Có 5 gói cho nhà đầu tư lựa chọn và tham gia, đó là gói VIP, Platinum, Gold, Silver và Bronze (tương ứng với số tiền đầu đầu tư 10.000 USD, 5.000 USD, 1.000 USD, 500 USD và 100 USD). Sau khi đăng ký một tài khoản và đóng tiền, nhà đầu tư sẽ có một tài khoản online và số tiền wcoin nhất định để tham gia mua bán. Và mỗi ngày đều sẽ có số tiền thực đổ vào “ví” của nhà đầu tư.

Trong 5 gói trên, ngoài gói Bronze là gói “giữ chỗ” nên không phát sinh lợi nhuận còn từ gói Silver trở đi, lợi nhuận sẽ được trả hằng ngày cho nhà đầu tư. Và sau khoảng một năm nhà đầu tư sẽ nhận được ít nhất 50% đến 400% lãi suất. Ngoài ra, nhà đầu tư còn nhận được thêm 10% cho mỗi tài khoản mới phát sinh trong “nhánh” của mình. Cộng thêm rất nhiều loại “hoa hồng” khác khiến cho khoản đầu tư sẽ tăng lên một cách đáng kể.

“Nhưng đó chưa phải là điều hấp dẫn nhất đối với team chúng tôi, những người đi đầu trong việc phát triển thị trường W.coin ở Việt Nam. Chỉ cần khoảng một năm nữa thôi, khi mà giá trị của mỗi đồng W.coin tăng từ 300-600%, thì với chỉ 1.000 USD ban đầu nhà đầu tư sẽ có trong tay 20 ngàn đến 120 ngàn USD!  Dương dẫn chứng, chỉ trong vòng khoảng 1 năm, một số loại tiền điện tử như Ethereum, Ripple, Dash, Bitcoinnect... đều tăng từ 300-600 lần giá trị”.

Mở album ảnh có khá nhiều ảnh chụp chung với một người da đen nước ngoài, Dương không giấu vẻ tự hào: “W.coin được khai sinh bởi thiên tài kinh doanh người Mỹ tên Edward H. Edward muốn làm giàu cho người dân Việt Nam, và cho thế giới thấy rằng người Việt Nam cũng biết đầu tư”.

Đại diện nước ngoài của dự án w.coin chia sẻ về dự án.

Tuy nhiên, khi nghe Dương trình bày về hình thức đầu tư và cách mà nó tạo ra lợi nhuận thì chúng tôi nhận thấy có rất nhiều điểm đáng ngờ. Theo Dương, hình thức kinh doanh của mạng lưới này là bất kỳ một đồng tiền khi được đưa vào hệ thống sẽ được mang đi đầu tư và khai thác tiền tệ kỹ thuật số. 50% lợi nhuận sẽ được chia đều cho các thành viên trong hệ thống, và 50% được sử dụng để tăng sức mạnh và khai thác cũng như củng cố mối quan hệ kinh doanh với các công ty dành riêng cho sự phát triển công nghệ, thương mại và khai thác Bitcons. Song cụ thể là tiền sẽ được đầu tư vào đâu? Và ai sẽ trực tiếp quản lý số tiền này thì các thành viên đều không biết!?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mạng lưới kinh doanh tiền ảo W.coin giống hệt với một số mô hình đầu tư tiền ảo Onecoin hay Bitkingdom... rộ lên từ giữa năm 2016. Đã có rất nhiều nhà đầu tư ở Đà Nẵng và Nghệ An tham gia sàn Onecoin. Tuy nhiên, đa số đều đã bị hủy mã số giao dịch và mất hết tiền chỉ vì không bổ sung tiền vào tài khoản, không giới thiệu thêm thành viên mới. Và chính Edward H cũng là người đã từng điều hành Onecoin.

Theo một chuyên gia về tài chính - ngân hàng, W.coin cũng là một hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp. Người chơi đóng tiền thật vào nhận tài khoản tiền ảo để tham gia mua bán, trao đổi và mời gọi những thành viên mới vào hệ thống để nhận được tiền thưởng.

“Đầu tư này rất rủi ro, số tiền mình đóng vào không đảm bảo về mặt pháp lý vì không có giấy tờ, chứng từ gì. Nếu mạng lưới sập thì không có cách nào thu hồi tiền của mình” - chuyên gia này cho biết.

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Cơ quan này cảnh bảo, nếu rủi ro xảy ra, người sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Trao đổi với báo chí, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) khẳng định, đơn vị này cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng và nhà đầu tư thận trọng khi tham gia giao dịch và sử dụng tiền ảo, tránh các rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cũng khẳng định chưa hề cấp phép hoạt động cho những trang web kinh doanh tiền ảo.

Yên Chi
.
.