Cảnh giác với tội phạm lợi dụng mạng xã hội

Thứ Sáu, 30/11/2018, 07:40
Cuộc điều tra của tờ báo Anh Mirror tiết lộ loại tội phạm tình dục liên quan đến những người dùng các trang mạng xã hội tăng mạnh. Và điều đáng quan ngại hơn cả là trong hơn một nửa số nạn nhân của tấn công tình dục là trẻ em dưới 16 tuổi.

Các thám tử cho biết bọn tội phạm nghiên cứu thông tin của những người dùng trang mạng xã hội để tìm kiếm mục tiêu dễ bị tấn công.

Số liệu thống kê cho thấy tuyệt đại đa số các vụ đều liên quan đến mạng xã hội Facebook. Cuộc điều tra đối với 4.000 học sinh tiểu học do Giáo sư Andy Phippen, Đại học Plymouth tiến hành tiết lộ gần 40% trong số đó thường xuyên sử dụng Facebook. Còn theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia bảo vệ trẻ em của Indonesia (Komnas PA), cho đến năm 2012 đã có khoảng 27 trong số 129 trẻ mất tích được tin là bị bắt cóc sau khi tiếp xúc với người lạ trên Facebook.

Cảnh sát Indonesia đang kiểm tra một tiệm Internet ở Bandung.

Arist Merdeka Sirait, Chủ tịch Ủy ban, cho biết hiện nay bọn tội phạm ở Indonesia khai thác mạnh trang mạng xã hội Facebook để dụ dỗ những cô gái nhẹ dạ rồi sau đó bán vào nhà thổ và đây đang là vấn đề lớn của quốc gia Đông Nam Á này.

Mặt trái của mạng xã hội

Các lực lượng cảnh sát trên toàn nước Anh hiện đang phải đối mặt với làn sóng tội phạm liên quan đến các trang mạng xã hội và các loại tội phạm bao gồm xâm hại tình dục trẻ em, tống tiền, thậm chí giết người. Và, Facebook là nơi tập trung đông đảo tội phạm cũng như nạn nhân nhất trên Internet. Tuy nhiên, trang web cũng giúp tóm cổ bọn tội phạm như trường hợp một số nạn nhân truy tìm được dấu vết hung thủ trên Facebook hay bọn chúng bị tóm gọn sau khi khoe khoang thành tích lừa đảo trên Internet.

Một thám tử dày dạn kinh nghiệm cho biết: “Tội ác thay đổi khi xã hội thay đổi. Cùng với sự phổ biến ngày càng tăng cao của Facebook, những vụ tấn công liên quan đến trang mạng xã hội này cũng tăng theo. Mối nguy hiểm là hiện nay nhờ Facebook mà bọn tội phạm dễ dàng tiếp xúc với nạn nhân hơn so với quá khứ”.

Một người cha có con gái 14 tuổi quan hệ tình dục với một gã đàn ông quen biết trên Facebook tâm sự: “Tôi đã nói chuyện với con gái về sự an toàn khi giao tiếp trên Internet nhưng không thể giám sát con trẻ suốt 24/24 giờ. Nhưng, tôi muốn cảnh báo các bậc cha mẹ nên lưu tâm khi con trẻ tìm bạn trên các chatroom hay trang mạng xã hội”. Ở hạt Lancashire miền Bắc nước Anh, trong 2 năm 2012-2013 có 8 vụ cưỡng bức phụ nữ và 15 vụ xâm hại tình dục trẻ em liên quan đến Facebook.

Những tội phạm khác có yếu tố Facebook cũng bao gồm 1 vụ tống tiền, 2 vụ giết người, 3 vụ tung ảnh khiêu dâm trên mạng và 85 vụ quấy rối tình dục. Một người phát ngôn của cảnh sát Anh tuyên bố: “Những con số này cho thấy Facebook chính là môi trường giúp tội ác dễ dàng diễn ra. Ví dụ, kẻ tấn công gặp nạn nhân trên Facebook hay những hình ảnh trên trang mạng kích thích bọn tội phạm hành động”.

Cảnh sát tỉnh Norfolk miền Đông nước Anh ghi nhận có 111 vụ phạm tội có yếu tố mạng xã hội ở địa phương này và trong đó một số vụ xảy ra do bọn tội phạm bị kích thích trước những gì chúng nhìn thấy trên trang mạng xã hội. Năm 2014, cảnh sát Scotland báo cáo 46 vụ phạm tội liên quan đến Facebook bao gồm 1 vụ tấn công nghiêm trọng xảy ra sau khi nạn nhân bị đe dọa trên mạng.

Nạn nhân Ashleigh Hall (trái) và hung thủ Peter Chapman.

Tình trạng tội ác diễn ra thông qua Facebook gia tăng đến mức cảnh sát phải báo động trên các phương tiện truyền thông. Tháng 10-2009, cô gái 17 tuổi tên là Ashleigh Hall bị bắt cóc, hãm hiếp rồi bị giết chết chỉ trong vài giờ sau khi gặp mặt một người lạ tự giới thiệu còn ở tuổi thiếu niên trên Facebook. Hung thủ tên là Peter Chapman, 36 tuổi và sống ở Sedgefield, lãnh mức án 25 năm tù giam vì tội ác hắn đã gây ra cho cô bé Ashleigh.

Năm 2011, cảnh sát hạt Humberside tiết lộ tên tội phạm Nicholas Bull – bị ngồi tù 9 năm vì tội cưỡng bức cô gái 12 tuổi mà hắn làm quen được trên Facebook – đã tiếp xúc với ít nhất 40 cô gái trẻ trên Internet! Tháng 5-2011, Michael Saunders, 22 tuổi sống ở Cambria, lãnh án 2 năm tù giam sau khi quan hệ tình dục với cô gái 14 tuổi mà hắn gặp trên Facebook. Saunders bị cha của nạn nhân phát hiện và báo cảnh sát sau khi tìm thấy thông điệp của hắn trên máy tính của con gái.

Frank Furedi, Giáo sư xã hội học thuộc Đại học Kent (Anh), nhận định rằng do khá dễ dàng gia nhập mạng xã hội nên tình trạng tội phạm liên quan đến nó tăng nhanh khủng khiếp và bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân hay tội phạm. Mặc dù, mạng xã hội có quy định bắt buộc chỉ những người trên 13 tuổi mới được đăng nhập song trên thực tế khó có thể kiểm tra tuổi hay tính xác thực của thông tin cá nhân người dùng. Ước tính có khoảng 13 triệu trẻ em không khai báo thông tin đúng sự thật về mình khi gia nhập mạng xã hội. Do đó, số trẻ này dễ dàng trở thành mồi ngon của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Một số liệu thống kê tiết lộ sự thật nguy hiểm là trước khi trở thành “bạn bè” trên mạng xã hội, phần đông những người dùng đều chưa quen biết nhau. Trước tình trạng Facebook tạo điều kiện cho tội phạm lan rộng đã có nhiều ý kiến buộc mạng xã hội lớn nhất hành tinh này phải chịu trách nhiệm đối với những người dùng và thậm chí có những tổ chức đòi đóng cửa mạng xã hội.

Những cạm bẫy trên mạng xã hội

Sau thời gian ngắn quen nhau trên trang Facebook, cô gái 14 tuổi sống ở Depok, vùng ngoại ô thủ đô Jakarta của Indonesia, đồng ý gặp người thanh niên 24 tuổi tại khu mua sắm của địa phương mà không hề biết mình đang rơi vào bẫy của kẻ chuyên dụ dỗ những cô gái trẻ để cưỡng hiếp rồi bán vào nhà thổ.

Một bé gái đang sử dụng Internet tại Jakarta.

Theo lời khai của nạn nhân, người thanh niên tự xưng tên là Yogi lái xe chở cô đến thị trấn Bogor ở phía tây Java cách Depok một giờ đường và sau đó nhốt cô trong căn phòng chật hẹp đã có mặt 5 cô gái khác trong độ tuổi từ 14 đến 17. Sau một tuần giam giữ, đánh đập và hãm hiếp các cô gái, tên bắt cóc bảo sẽ đưa họ lên máy bay ra đảo Batam để bán vào khu nhà thổ phục vụ nhu cầu tình dục trẻ em cho du khách đến từ Singapore.

Nhưng do không đủ tiền mua vé máy bay đồng thời lo sợ bị cảnh sát bắt giữ nên cuối cùng hắn đã bỏ mặc các cô gái tại một trạm xe buýt. Trong vòng 1 tháng kể từ khi cô gái ở Depok được phát hiện gần trạm xe buýt vào ngày 30-9-2012, có ít nhất 7 báo cáo về những cô gái bị những người đàn ông bắt quen trên Facebook bắt cóc.

Anjan Bose, quản lý chương trình trực tuyến bảo vệ trẻ em của ECPAT International – mạng toàn cầu phi lợi nhuận giúp đỡ trẻ em ở 70 quốc gia trên thế giới, nhận xét: “Indonesia là một trong nhiều quốc gia đang đương đầu với loại tội phạm này và Internet là phương tiện trung gian tiếp tay cho chúng”.

Theo Anjan Bose, Indonesia có gần 50 triệu người đăng nhập Facebook và đưa nước này vào số những nước có số người tham gia trang mạng xã hội đứng đầu thế giới sau Mỹ. Năm 2014, Công ty giám sát truyền thông xã hội Semiocast đặt trụ sở tại Paris (Pháp) đánh giá Jakarta là thành phố có nhiều người sử dụng Twitter nhất thế giới.

Trong khi đó, nhiều người Indonesia trẻ tuổi và cả cha mẹ của họ thường không cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm ẩn khi tiếp xúc với người lạ trên Internet. Những đứa trẻ chưa đủ khôn ngoan thường đưa lên Facebook những bức ảnh và thông tin cá nhân như là địa chỉ nhà, số điện thoại, trường học và những nơi thường xuyên lui tới mà không hề có bất cứ sự bảo vệ riêng tư nào nên từ đó cho phép bọn tội phạm dễ dàng phát hiện và biết được mọi chi tiết về họ.

Năm 2012 đã xảy ra 27 vụ bắt cóc liên quan đến Facebook ở Indonesia trong khi chỉ có 18 vụ tương tự vào năm 2011. Theo số liệu do Lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống buôn người của Indonesia cung cấp, năm 2011 có 435 trẻ em bị rơi vào tay bọn buôn người đẩy vào con đường mại dâm. Nhưng những người chống tội phạm khai thác tình dục trẻ em tin rằng con số thật chắc chắn cao hơn nhiều bởi rất nhiều trường hợp không được báo cáo với nhà chức trách do xấu hổ và không tin cảnh sát có thể giúp được gì.

Facebook cũng giúp cảnh sát điều tra bắt giữ tội phạm.

Một báo cáo của ECPAT International đánh giá mỗi năm có từ 40.000 đến 70.000 trẻ em bị bắt cóc bán vào nhà thổ hay mạng lưới kinh doanh sản xuất phim đồi trụy ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo còn rất nhiều gia đình sống trong nghèo khổ. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo ngày càng có thêm nhiều thiếu nữ Indonesia tập tành sử dụng Facebook một cách ngây thơ nên dễ trở thành miếng mồi ngon cho bọn tội phạm bắt cóc bán trong nước và nước ngoài làm nô lệ tình dục – một hiện tượng khá phổ biến ở khu vực châu Á.

Leonarda Kling, đại diện khu vực cho tổ chức phi lợi nhuận về các vấn đề buôn người Terre des Hommes Netherlands, nhận xét: “Ở Philippines, giới trẻ là đối tượng dễ trở thành mục tiêu tấn công của bọn tội phạm lợi dụng Facebook và cả những phòng hội thoại. Thủ đoạn của bọn chúng thường là hứa hẹn việc làm lương cao hay thậm chí chỉ là một chiếc smartphone đắt tiền”.

Các nhà điều tra cho biết họ cũng thường xuyên rà soát nội dung trên trang mạng và làm việc với các chính quyền bao gồm Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol (ICPO) để triệt phá những hoạt động bất hợp pháp.

Facebook cũng có mạng lưới nhân viên trên khắp thế giới có nhiệm vụ truy tìm và phát hiện những kẻ có ý đồ sử dụng trang mạng xã hội vào mục đích buôn người. Andrew Noyes, người phát ngôn cho Facebook, cho biết công ty coi việc chống tội phạm buôn người là ưu tiên hàng đầu song từ chối nêu chi tiết về sự dính líu của Facebook trong những vụ buôn người được báo cáo ở Indonesia hay những quốc gia khác trên thế giới.

Cách đây ít lâu, một cuộc điều tra của cảnh sát Jakarta đã dẫn đến việc bắt giữ và buộc tội bắt cóc và cưỡng bức 3 cô gái đối với một người đàn ông tự xưng là nhà nhiếp ảnh trên Facebook. Theo nhà chức trách, hắn ta hứa hẹn sẽ quảng bá các cô gái thành người mẫu và sau đó nhốt các nạn nhân trong một căn nhà. Cảnh sát tìm thấy hàng chục bức ảnh chụp các cô gái không mặc quần áo được lưu giữ trên camera và laptop của hắn ta.

Một vụ án khác liên quan đến cô gái 15 tuổi ở Bogor may mắn được cảnh sát giải cứu kịp thời. Cô gái bị bọn người lạ mặt quen trên Facebook bắt cóc và sắp sửa bị đưa đến địa phương khác để bán vào nhà thổ. Trong một số vụ việc, thậm chí nạn nhân do ham tiền hay tiện nghi vật chất cuối cùng đã tiếp tay cho bọn tội phạm dụ dỗ những cô gái trẻ khác trên mạng xã hội.

Nữ thám tử Ruth Yeni Qomariah thuộc Đội Bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở Surabaya cho biết, chị từng giả làm cô gái vị thành niên xuất hiện trên mạng xã hội và nhờ đó phát hiện bắt giữ được 3 người đàn ông có ý đồ bắt cóc và cưỡng hiếp trẻ gái vị thành niên.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.