Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thứ Năm, 02/05/2019, 13:02
Lừa đảo chiếm đoạt cước viễn thông, chiếm quyền truy cập tài khoản facebook rồi hỏi mượn tiền, truy cập bất hợp pháp vào tài khoản ngân hàng để chuyển tiền, lừa đảo bằng hình thức bán hàng qua mạng... là những chiêu thức sử dụng công nghệ cao mà tội phạm sử dụng chủ yếu hiện nay. Thủ đoạn không mới nhưng hàng trăm nạn nhân vẫn “sập bẫy”, với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Vay tiền qua facebook, chiếm đoạt 10 tỷ đồng

Ngày 27-4, Trung tá Nguyễn Hữu Cường - Phó Trưởng Công an TP Vinh (Nghệ An) xác nhận, đơn vị này vừa phá thành công một chuyên án, bắt giữ 13 đối tượng quê tại tỉnh Quảng Trị nhưng đang sinh sống, làm việc tại TP Đà Nẵng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đối tượng cầm đầu được xác định là Nguyễn Hữu Tiến (sinh năm 1995, trú khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Trong thời gian từ năm 2017 đến nay, nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt gần 400 tài khoản Facebook, với lượng tiền chuyển khoản giao dịch lừa đảo lên đến hơn 10 tỷ đồng. Nạn nhân đa số là người sinh sống và làm việc tại các tỉnh miền Trung, trong đó tập trung chủ yếu tại Nghệ An.

Trước đó, vào năm 2017, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã nhận được tin báo của một số người dân về việc họ bị lừa rất nhiều tiền bằng thủ đoạn chiếm Facebook người quen. Số nạn nhân trình báo này tăng lên theo thời gian, tới khoảng 50 người vào thời điểm cuối năm 2018, với cùng thủ đoạn giống nhau.

Vào cuộc xác minh, Công an TP Vinh phát hiện những đối tượng lừa đảo chủ yếu ở các địa bàn khác và việc chuyển tiền đều thông qua dịch vụ Internet banking. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng hủy luôn tài khoản đã cung cấp cho bị hại để chuyển tiền. Các tài khoản này được mua bán trên mạng và thực tế chủ tài khoản không liên quan đến việc chuyển tiền đó.

Công an Nghệ An tiếp nhận tin báo nạn nhân của tội phạm công nghệ cao thời điểm đầu năm 2019.

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Cường, vụ việc tương đối phức tạp, các nạn nhân trình bày sự việc cũng chung chung chứ không ai đưa ra được một mô tả cụ thể nào về đối tượng. Ngoài ra, dấu vết mà các đối tượng lừa đảo này để lại rất mơ hồ vì mọi giao dịch đều xảy ra trên thế giới ảo, chủ yếu qua mạng xã hội Facebook, thủ đoạn của các đối tượng này lại rất tinh vi nên rất khó để lần ra dấu vết.

Sau hơn 6 tháng lập chuyên án, với sự phối hợp của Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An và các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, ban chuyên án đã thu được những dữ liệu, chứng cứ quan trọng. Trong đó, đã dựng lên được chân dung ổ nhóm lừa đảo qua mạng xã hội này là một nhóm thanh niên, tập trung tại tỉnh Quảng Trị. Ổ nhóm này do đối tượng Nguyễn Hữu Tiến cầm đầu, mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng các đối tượng này có bề dày hoạt động và thậm chí có đối tượng đã mang tiền án, tiền sự về hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao.

Cuối tháng 4-2019, phát hiện các đối tượng này tập trung về Đà Nẵng để hội ngộ và tiếp tục lừa đảo nên ban chuyên án quyết định phá án. Tổ công tác được cử vào Đà Nẵng để thu thập thông tin, xác minh địa điểm hoạt động và thu hẹp phạm vi của các đối tượng. Ngay khi thời cơ chín muồi, 4 tổ công tác khác của ban chuyên án đã bất ngờ ập vào 4 nhà trọ trên địa bàn TP Đà Nẵng bắt gọn 13 đối tượng, tất cả đều là người Quảng Trị.

Thời điểm này, các đối tượng này đang lừa một người phụ nữ ở TP Đà Lạt và người này đã chuyển 30 triệu đồng. Tại hiện trường, Cơ quan công an thu giữ 750 triệu đồng, 8 viên hồng phiến, nhiều ổ cứng, máy tính, điện thoại, thẻ ATM... để phục vụ hoạt động lừa đảo.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng này, theo nhận định của ban chuyên án là không hề mới, thậm chí còn phổ biến nhưng nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn rơi vào “bẫy lừa”. Các đối tượng này lên mạng xã hội, dò mật khẩu Facebook người khác rồi nghiên cứu mối quan hệ giữa chủ Facebook với những người khác thông qua các tin nhắn trò chuyện. Sau đó, chúng chiếm quyền sử dụng bằng cách thay đổi mật khẩu rồi dựng lên màn kịch vay tiền, mượn tiền vì có việc cấp bách.

Với thủ đoạn này, mỗi ngày, nhóm đối tượng này chiếm đoạt và lừa đảo từ 3-5 tài khoản. Trung bình, mỗi nạn nhân bị các đối tượng này lừa từ 50-100 triệu đồng, cá biệt có một số nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 300 triệu đồng.

Tiền sau khi lừa đảo được chuyển vào các tài khoản, nhóm này phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng đi “rửa tiền” bằng nhiều cách như có thể chuyển tiền qua một tài khoản khác bằng dịch vụ Internet banking, thậm chí chuyển vào tài khoản game để mua tiền ảo. Sau đó, chúng bán tiền ảo để lấy tiền thật. Hoặc một đối tượng khác được hóa trang cẩn thận, đến các cây ATM rút tiền ngay khi bị hại vừa chuyển vào. Trong số 13 đối tượng bị tạm giữ hình sự thì Nguyễn Hữu Tiến được xác định là kẻ chủ mưu.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Trong những năm gần đây, cùng với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Nghệ An trở thành “điểm nóng” của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Cái khó trong quá trình đấu tranh, lần theo dấu vết của các đối tượng này là chúng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, phạm vi toàn cầu và mang tính ẩn danh cao, mọi giao dịch, hoạt động lừa đảo lại diễn ra trên thế giới ảo, trong khi một bộ phận người bị hại với tâm lý e ngại, xấu hổ nên không khai báo.

Đơn cử như trong quá trình đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông, đối tượng giả danh lực lượng chức năng để chiếm đoạt tiền của bị hại với số lượng lớn xảy ra vào tháng 4-2018.

Thời điểm này, Nguyễn Hữu Thu (sinh năm 1991) và Phạm Đình Luận (sinh năm 1993, cùng trú tại thôn Mỹ Xuyên, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) đã cấu kết với nhau, thông qua thủ đoạn giả danh nhân viên công ty viễn thông gọi đến số điện thoại cố định của bị hại để lừa đảo.

Các đối tượng và tang vật vụ án lừa đảo hơn 10 tỉ đồng tại Nghệ An.

Các đối tượng thông báo nội dung số điện thoại của bị hại hiện đang nợ cước với số tiền rất lớn do phát sinh các cuộc gọi ra nước ngoài, yêu cầu chuyển tiền vào các số tài khoản mà chúng đã chuẩn bị sẵn. Khi người bị hại thanh minh, đối tượng thông báo sẽ kết nối tới “đường dây nóng” của Bộ Công an hoặc công an một số địa phương trong cả nước để người bị hại trình báo với Cơ quan công an.

Sau đó, chúng sẽ chuyển máy cho một đối tượng khác để người này giả danh là điều tra viên của Cơ quan công an. Nội dung chúng thông báo: qua hoạt động điều tra, Cơ quan công an xác định tội phạm ma túy và rửa tiền có thể đang sử dụng chứng minh nhân dân của người bị hại để lập tài khoản ngân hàng và sử dụng tài khoản đó vào mục đích phạm tội. Vì vậy, người bị hại đang là đối tượng điều tra của Cơ quan công an.

Thu và Luận yêu cầu bị hại chuyển tất cả tiền mà mình đang có vào tài khoản ngân hàng mà chúng cung cấp để chứng minh sự trong sạch, Cơ quan công an sẽ tạm giữ số tiền đó để xác minh, nếu kết quả điều tra chứng minh bị hại không liên quan đến hoạt động phạm tội thì sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên, ngay sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, chúng nhanh chóng rút hết tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.

Tổng số tiền mà nhóm đối tượng này chiếm đoạt là hơn 3,3 tỷ đồng. Ngày 25-4, tại tỉnh Nghệ An, TAND Cấp cao Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án, tuyên phạt Phạm Đình Luận 12 năm tù, Nguyễn Hữu Thu 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm, chỉ tính riêng trong năm 2018, Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đã xác lập 12 chuyên án về tội phạm sử dụng công nghệ cao, khám phá 10 chuyên án, bắt giữ, khởi tố, xử lý hành chính 76 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao, so với năm 2017 tăng 6 vụ, 30 đối tượng. Cơ quan Công an cũng đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp tố giác, tin báo liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Theo Đại tá Nam, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao rất đa dạng, thiên biến vạn hóa và vô cùng tinh vi, nạn nhân chúng nhắm vào cũng rất tình cờ nhưng tập trung chủ yếu vẫn là những người cao tuổi hoặc ít am hiểu về công nghệ thông tin. Có thể kể đến vụ việc gần đây, xảy ra tại xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Bà Nguyễn Thị Th. có con gái đang theo hệ vừa đi học vừa làm tại Nhật Bản. Ngày 18-12-2018, bà Th. nhận được tin nhắn qua ứng dụng messenger của con gái, bảo mẹ gửi 32 triệu đồng qua tài khoản Tạ Hứa Huệ, Ngân hàng BIDV, chi nhánh Thái Nguyên cho một người bạn vay có việc gấp. Không nghi ngờ gì, người mẹ này đã gửi qua tài khoản như yêu cầu.

Đến 15h cùng ngày, chị Th. tiếp tục nhận được tin nhắn của “con gái”, báo đã nhận được tiền, song do đang có việc gấp nên nhờ vay thêm 58 triệu nữa. Lúc này, chị Th. nghi ngờ nên đã gọi điện cho con gái thì mới vỡ lẽ.

Thời điểm này, Công an Nghệ An cũng đang thụ lý hồ sơ, điều tra vụ việc liên quan đến chị Lê Thị H. (trú tại huyện Tương Dương) bị một tài khoản ở nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Quen biết với một người nước ngoài qua mạng xã hội không lâu, chị H. được người này cho biết đang chiến đấu tại Syria và nhặt được một thùng tiền đô la.

Vì gặp khó trong việc vận chuyển về Mỹ để tiêu thụ nên buộc phải đưa qua một nước trung gian ở châu Á và người này quyết định chọn chị H. để chuyển thùng tiền kia về. Với lời hứa, sau khi kết thúc chiến tranh sẽ trở về Việt Nam để mua nhà, định cư và đón chị H. về ở cùng.

Chẳng mảy may nghi ngờ, nên khi có người gọi tự xưng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết chị có thùng hàng gửi về từ Trung Đông, yêu cầu đóng 40 triệu tiền phí để nhận, chị H. gom tiền gửi đủ vào tài khoản mà nữ nhân viên kia cung cấp. Thế nhưng liên tiếp sau đó, lấy lý do phải nộp thêm các khoản phí khác, nữ nhân viên này yêu cầu chị H. đóng thêm tiền, số tiền nộp mỗi lần như vậy lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tổng cộng, chị Lê Thị H. đã chuyển số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Đến lúc không có tiền để chuyển, cũng chẳng thể liên lạc được với người tự xưng là nhân viên an ninh sân bay, chị H. biết mình bị lừa nên mới làm đơn trình báo Cơ quan công an.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, hiện nay có rất nhiều thủ đoạn mà các đối tượng tội phạm sử dụng để lừa đảo, như lừa đảo chiếm đoạt cước viễn thông; lừa đảo bằng hình thức chiếm quyền truy cập tài khoản Facebook; lừa đảo truy cập bất hợp pháp vào tài khoản ngân hàng để chuyển tiền; lừa đảo bằng hình thức bán hàng qua mạng, đánh bạc bằng hình thức lô đề qua mạng viễn thông, cá độ bóng đá qua mạng...

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet trong những năm gần đây đã tăng về số vụ, tính chất cũng như mức độ thiệt hại, khả năng thu hồi số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt là hết sức khó khăn.

Khởi tố 24 đối tượng vụ đánh bạc qua mạng hơn 30.000 tỷ đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương vừa khám phá chuyên án tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng Internet thông qua trang web Fxx88.com.

Ngày 23-4, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, hơn 30 tổ công tác gồm lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động tiến hành khám xét khẩn cấp, triệu tập các đối tượng tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Nai, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau.

Kết quả khám xét đã thu giữ nhiều ô tô hạng sang (Porsche, Audi); số lượng lớn tiền mặt và tài khoản ngân hàng có số dư tài khoản lớn; hàng trăm thiết bị điện tử, nhiều đồ vật tài liệu khác có liên quan hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc.

Ngày 28-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc đối với 24 đối tượng.

Thiên Thành
.
.