Cảnh sát Nhật và cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức

Thứ Ba, 11/08/2009, 13:10
Theo số liệu của Cảnh sát Nhật Bản thì tổng số thành viên của các băng nhóm tội phạm có tổ chức lên tới 184.900 vào năm 1963. Thành viên tội phạm có tổ chức tại Nhật tăng, giảm qua nhiều thập niên và đến năm 2007 tổng số thành viên chỉ còn 84.000. Số lượng thành viên của tội phạm có tổ chức giảm về cơ bản trong một thời gian ngắn sau khi Luật chống tội phạm có tổ chức chính thức đi vào thực thi.

Các nhóm tội phạm có tổ chức dính líu tới các hoạt động bất hợp pháp nhằm tăng giá đất cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực và ép các hộ gia đình phải rời đến khu đất đã được mua và bán lại với giá cắt cổ.

Chúng lợi dụng sự tăng giá bất thường của thị trường đất tại các thành phố lớn trong đó có thủ đô Tokyo và các vùng Hanshin trong thời kỳ suy thoái kinh tế tại Nhật Bản (từ năm 1985-1991) cùng với sự can thiệp của các giao dịch mua bán bất động sản sử dụng chiến thuật đầu cơ.

Bên cạnh đó, chúng bóc lột tiền và có được những khoản vay kếch xù từ các cơ quan tài chính và tập đoàn lớn... dưới hình thức các loại quỹ. Chúng luôn là người tiên phong trong hoạt động mua bán chứng khoán với số lượng lớn và các dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng với nỗ lực nhằm tăng lượng tài sản của mình.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, các nhóm tội phạm rất đa dạng về hình thức lừa đảo và phạm tội bằng sự can thiệp trắng trợn vào thị trường bất động sản, tài chính và các phiên giao dịch chứng khoán nhằm chiếm lĩnh ưu thế về kinh tế. Chúng thành công trong việc xâm nhập vào nền kinh tế xã hội từ thế giới ngầm và thường xuyên dùng các mánh lới để lừa đảo, phạm tội.

Trước tình hình đó, Cục Cảnh sát chống tội phạm có tổ chức đã được thiết lập. Cảnh sát Nhật Bản đã đề ra phương án phá vỡ dần tổ chức tội phạm thông qua mâu thuẫn nội bộ của chúng là biện pháp cần thiết để vạch trần các hoạt động của tổ chức này, trả lại sự bình yên và an toàn cho người dân.

Phương pháp đầu tiên, các trung tâm chỉ huy chiến dịch loại trừ tội phạm có tổ chức được thiết lập theo Luật chống tội phạm có tổ chức. Phương pháp tiếp theo là gỡ bỏ các văn phòng đại diện trá hình của các băng nhóm tội phạm có tổ chức tại các địa phương trên toàn quốc. Phương pháp cuối cùng là tấn công triệt xóa tận gốc, bắt toàn bộ các thành viên của tội phạm có tổ chức, trong đó đặc biệt chú ý các tên cầm đầu, chủ mưu.

Liên quan đến mối quan hệ giữa các tập đoàn và các tổ chức tội phạm, sự can thiệp sâu sắc của các tổ chức tội phạm vào hoạt động của các tập đoàn dần bị lộ tẩy trong bối cảnh thị trường kinh tế bất ổn và suy thoái. Để loại bỏ các nhóm tội phạm có tổ chức ra khỏi các công trình công cộng, cảnh sát đã kêu gọi chính phủ ban hành các điều khoản chặt chẽ về tiêu chuẩn trong việc chọn lựa nhà thầu.

Kết quả, một điều khoản nhằm loại bỏ các nhóm tội phạm có tổ chức ra khỏi các gói thầu công cộng đã được triển khai trên khắp nước Nhật. Các văn phòng hỗ trợ loại trừ tội phạm có tổ chức cũng được cảnh sát thiết lập với các hoạt động như tư vấn, đào tạo nghiệp vụ cho cảnh sát chống tội phạm có tổ chức, bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tội phạm có tổ chức, hỗ trợ việc xóa bỏ văn phòng của tội phạm có tổ chức, trả tiền đền bù cho nạn nhân của các vụ bạo hành gây ra bởi tội phạm có tổ chức.

Cảnh sát Nhật cũng tăng cường hỗ trợ nạn nhân của các nhóm tội phạm có tổ chức. Nhờ đó rất nhiều nạn nhân bị ép buộc trước đây đã tự đứng dậy và đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm, dũng cảm gia nhập chiến dịch xóa bỏ tội phạm có tổ chức và hình thành một lực lượng mang tính toàn xã hội nhằm cô lập các nhóm tội phạm có tổ chức.

Để thắt chặt các vấn đề liên quan đến tài chính của bọn tội phạm có tổ chức, cảnh sát gửi báo cáo nợ thuế và những khoản thu nhập không rõ ràng tới cơ quan quản lý thuế nếu được phát hiện trong quá trình điều tra. Để ngăn chặn các nhóm tội phạm có tổ chức trong việc gia tăng khối lượng tài sản và thu hồi các loại quỹ thì việc chống lại các hoạt động phi pháp của những nhóm liên kết, mở rộng các cuộc truy tìm thủ phạm dựa trên những điều khoản chặt chẽ về tội rửa tiền, sau đó tịch thu và thêm vào đó là áp dụng một số hình phạt theo Luật chống tội phạm có tổ chức và thúc đẩy việc tìm hiểu thêm những cách thức nhằm loại trừ những hoạt động phi pháp này là thực sự cần thiết.

Nhờ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ trong việc loại trừ các nhóm tội phạm có tổ chức, cảnh sát Nhật Bản đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2000 - 2007 đã xóa bỏ được 187 văn phòng của của tội phạm có tổ chức trên khắp nước Nhật. Hàng nghìn tên là thành viên của các tổ chức tội phạm đã bị bắt hoặc bị tiêu diệt, bọn tội phạm không còn dám hoạt động công khai, trắng trợn như trước, tổng số thành viên của tội phạm có tổ chức liên tục có xu hướng giảm.

Các biện pháp đối phó của cảnh sát nhằm vào các nhóm tội phạm có tổ chức được cô đọng ở ba yếu tố chính đó là trừng trị thẳng tay tội phạm, vận hành hiệu quả Luật chống tội phạm có tổ chức và tăng cường các hoạt động nhằm xóa bỏ cộng đồng tội phạm có tổ chức.  Đồng thời, Cảnh sát Nhật cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhằm ngăn chặn việc các nhóm tội phạm có tổ chức tham gia vào hệ thống hành chính trung ương và địa phương.

Dự báo trong thời gian tới, hoạt động của tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản không còn công khai, trắng trợn như trước mà sẽ tinh vi, xảo quyệt hơn, đồng thời chúng còn hoạt động liên kết theo hướng xuyên quốc gia... Do vậy công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản sẽ còn nhiều khó khăn.

Cảnh sát Nhật Bản đang củng cố hoạt động và tăng cường năng lực, sức mạnh của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm có tổ chức, bên cạnh đó là các kế hoạch tổng thể và cụ thể nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức với quyết tâm sẽ kiềm chế và đẩy lùi được bọn tội phạm này, phục vụ sự phát triển ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Nguyễn Hoàng Đoàn (tổng hợp)
.
.