Cảnh sát Anh triệt phá đường dây buôn lậu vũ khí

Chủ Nhật, 01/05/2016, 17:10
Mới đây, băng nhóm buôn lậu vào nước Anh một lượng lớn súng trường tấn công và súng máy - bị lực lượng Cảnh sát Quốc gia Chống tội phạm (NCA) nước này điều tra phát hiện và bắt giữ hồi tháng 8-2015 trong một chiến dịch bí mật kéo dài nhiều tháng - đang phải đối mặt với án tù sau khi bị buộc tội tại tòa án Old Bailey ở thành phố London.

Hai kẻ chủ mưu - Harry Shilling, 25 tuổi, và Michael Defraine, 30 tuổi - cùng các thành viên băng nhóm bị tóm gọn sau khi đặc vụ NCA bất ngờ đột kích chiếc tàu Albernina khi nó vừa cập vào bến du thuyền Cuxton thuộc hạt Kent miền nam nước Anh.

Hôm 21-4-2016, Shilling và Defraine bị buộc tội sở hữu và âm mưu nhập vũ khí nóng vào nước Anh đe dọa tính mạng con người. Cả hai tên có thể đối mặt với án tù chung thân. Lô hàng vũ khí nóng của băng nhóm Shilling và Defraine bao gồm 22 khẩu kiểu AK47 - loại súng trường tấn công VZ58 do Cộng hòa Séc sản xuất, 9 súng máy Skorpion, hơn 1.000 viên đạn cùng với 2 bộ hãm thanh. Số vũ khí này được Công ty AFG Corp. ở Slovakia, bán ra vào giữa 2 năm 2014 và 2015. Sau khi được chuyển đổi từ bất hợp pháp sang hợp pháp, số vũ khí được vận chuyển bằng đường bộ từ Đông Âu vào Pháp rồi sau đó đến Anh.

Lô vũ khí và băng đạn (ảnh nhỏ) bị NCA bắt giữ.

Theo các chuyên gia cung cấp bằng chứng tại Tòa án Old Bailey, mỗi khẩu súng kiểu AK47 được Shilling bán với giá 8.000 bảng Anh. Vũ khí do đường dây Shilling và Defraine cung cấp từ trước đến nay được cho là sử dụng trong cuộc tấn công khủng bố liên hoàn vào tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo và siêu thị Hyper Cacher ở Paris hồi tháng 1-2015. Trong khi loại súng kiểu AK47 được sử dụng phổ biến bởi các băng nhóm tội phạm ở Pháp, Hà Lan và Đan Mạch trong 6 năm qua, chúng rất hiếm thấy ở Anh do khó vận chuyển qua biên giới nước này.

Tháng 3-2015, NCA, cùng hợp tác với cảnh sát hạt Kent, bắt đầu mở cuộc điều tra đối với băng nhóm Shilling và Defraine sau khi nhận được thông tin tình báo về việc bọn chúng toan tính nhập khẩu một đợt vũ khí nóng khác từ Đông Âu vào Anh. Đặc vụ NCA giải mã thành công chương trình mã hóa PGP cài đặt trên điện thoại BlackBerry được băng nhóm sử dụng để liên lạc và sau đó bí mật tiến hành thu thập tín hiệu. Anh là nước thứ 3 trên thế giới - sau Canada và Hà Lan - công bố có thể chọc thủng lá chắn PGP mã hóa dữ liệu phục vụ điều tra tội phạm.

Ngày 20-6-2015, Shilling mua chiếc tàu Albernina với giá 24.500 bảng Anh từ nhà buôn thuyền David Payne ở thành phố Sandwich thuộc hạt Kent. Sau đó, Shilling và Defraine sử dụng chiếc tàu để thực hiện vài chuyến đi đến Đông Âu nhưng toàn bộ hành động của chúng đều bị đặc vụ NCA theo dõi chặt chẽ từ mạng lưới camera giám sát đặt tại những vùng biên giới. Những chuyến di chuyển bằng ôtô trên bộ của chúng cũng được vệ tinh do thám ghi hình.

Theo hồ sơ điều tra, cặp đôi Shilling - Defraine lui tới vài địa chỉ ở Romania, Hungary và Slovakia. Sau khi mua được vũ khí từ cửa hàng AFG Shop ở tỉnh Partizanske của Slovakia, bọn chúng lên kế hoạch vận chuyển hàng nóng xuyên châu Âu đến thành phố cảng Boulogne miền Bắc nước Pháp và sau đó vượt biển Manche vào Anh bằng chiếc tàu Albernina.

Rob Lewin, lãnh đạo các chiến dịch đặc biệt của NCA, phát biểu với báo chí: “Đây là vụ bắt giữ lô hàng súng tự động lớn nhất được NCA thực hiện. Và, chúng tôi cũng tin rằng, đây cũng là vụ bắt giữ vũ khí buôn lậu lớn nhất từ trước đến nay ngay trên lãnh thổ nước Anh. Bằng chứng cho thấy bọn tội phạm âm mưu quốc tế hóa thế giới tội phạm”.

Cửa hiệu bán súng AFG Shop ở tỉnh Partizanske, Slovakia.

Cảnh sát Anh lo sợ một số khẩu súng có thể rơi vào tay bọn khủng bố thông qua sự chồng chéo giữa 2 thế giới ngầm tội phạm và cực đoan. Tariq Hassane - phần tử khủng bố bị buộc tội hồi tháng 3 vừa qua do âm mưu giết người trên đường phố London - cũng là một mắt xích trong đường dây cung cấp vũ khí nóng, bộ phận hãm thanh và đạn dược thông qua mạng lưới tội phạm ở London.

Công tố viên Duncan Atkinson cho rằng, vũ khí mà băng nhóm Shilling - Defraine buôn lậu vào Anh có khả năng gây ra cuộc tàn sát với quy mô lớn nếu cảnh sát không kịp thời triệt phá.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của báo chí, Frantisek Gajdos - con trai của chủ sở hữu AFG Shop tuyên bố, cửa hiệu không vi phạm bất cứ luật pháp nước nào: “Chúng tôi bán súng cho nhiều người, một số trong đó là người nước  ngoài. Nhưng, tất cả đều hợp pháp”.

Chuyên gia về súng Roman Ficek của Slovakia cho biết, từ lâu luật pháp nước này về kiểm soát vũ khí cũ đã ngừng sử dụng rất lỏng lẻo so với những quốc gia khác ở châu Âu rồi quy định bất cứ ai trên 18 tuổi đều có quyền sở hữu mà không đòi hỏi giấy phép. Tuy nhiên, hành vi phục hồi vũ khí cũ để sử dụng trở lại được coi là bất hợp pháp ở Slovakia.

San San (tổng hợp)
.
.