Cảnh sát trưởng hà khắc nhất nước Mỹ bị điệu ra tòa

Thứ Năm, 23/08/2012, 23:25

Một phiên tòa vừa diễn ra ở thành phố Phoenix, thủ phủ tiểu bang Arizona xét xử Cảnh sát trưởng Joe Arpaio của quận Maricopa tội danh phân biệt đối xử, vi phạm Đạo luật Quyền dân sự liên bang cũng như Hiến pháp Mỹ.

Căn cứ vào đơn khởi kiện hành vi kỳ thị chủng tộc, Tòa án Liên bang tại Arizona đã mở phiên tòa xử theo thẩm quyền đối với một nhân vật cao cấp đầy thế lực. Nguyên đơn đại diện cho sắc dân nói tiếng Tây Ban Nha tại địa bàn quản lý của bị đơn - Đại tá Arpaio, 80 tuổi, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Maricopa suốt 5 nhiệm kỳ liên tiếp kể từ năm 1993 tới nay, từng được truyền thông địa phương gọi qua biệt danh "Cảnh sát trưởng hà khắc nhất nước Mỹ".

Những bằng chứng do các luật sư bên nguyên đưa ra trước tòa gồm các tài liệu lấy được từ Văn phòng Cảnh sát trưởng Maricopa (MCSO), là chứng cứ bóc trần nhãn quan phân biệt đối xử đối với người Mexico nói riêng, cũng như các sắc dân Mỹ Latinh nói chung. Trong đó nổi bật là văn bản lưu hành nội bộ thể hiện sự tức giận xen lẫn nỗi âu lo, khi các thông số về sắc dân nói tiếng Tây Ban Nha tại Maricopa đã tăng vọt tới 47% chỉ trong vòng một thập niên qua. Đồng thời, các nguyên đơn cũng tố cáo họ thường bị nhân viên MCSO kiểm tra bất ngờ, nhiều khi nhắm vào những người vô tội là cư dân gốc Mỹ Latinh cư trú hợp pháp.

Tài liệu mà tòa có được cho thấy việc sử dụng tiếng Anh không nhuần nhuyễn là một trong những lý do căn bản, khiến nhân viên MCSO không tin tưởng vào người nói tiếng Tây Ban Nha nói chung. Ngoài ra là màu da, nghề nghiệp, cử chỉ hành vi…cũng là các nguyên nhân để cảnh sát nghi ngờ đương sự là người nhập cư phi pháp. Tiếng lóng của nhân viên MCSO ám chỉ kẻ nhập cư lậu là từ "con đỉa" đầy miệt thị, thường thể hiện trong những bức thư điện tử trao đổi công việc giữa các đồng nghiệp.

Luật sư Stanley Young biện hộ cho bên nguyên cho rằng với một đất nước đa sắc tộc như Hoa Kỳ, mọi người cần có thái độ đúng mực nhằm tôn trọng sự khác biệt văn hóa như Hiến pháp quy định, tuy vậy Cảnh sát trưởng Arpaio đã chỉ đạo các đồng sự cấp dưới lạm quyền bất chấp luật lệ. Các nguyên đơn không đòi hỏi Arpaio phải bồi thường thiệt hại vật chất ngoài án phí và tiền thuê luật sư, nhưng yêu cầu tòa ra phán quyết cấm J. Arpaio cùng 2.700 nhân viên thuộc quyền có biểu hiện phân biệt chủng tộc, cũng như phải có quy chế giám sát chặt chẽ những người thừa hành theo lệnh của J. Arpaio.

Khi ra trước tòa, Đại tá J. Arpaio thay mặt MCSO đã phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời khẳng định không làm gì vi phạm pháp luật cả. Cảnh sát trưởng Maricopa đơn cử tỉ lệ phạm nhân da màu chiếm ưu thế ở các nhà tù trong quận, dựa theo mức án đã tuyên về các tội danh cụ thể chứ không phải là nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc.

Cần biết rằng, từ giữa tháng 5/2012 - Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức khởi kiện J. Arpaio tội phân biệt đối xử. Cơ quan lập pháp cấp liên bang cáo buộc MCSO can dự vào các hành vi kỳ thị một cách có hệ thống, trấn áp những người chỉ trích bằng các tội danh hình sự giả tạo, chà đạp quyền lợi của những người gặp trở ngại với những người không biết nói tiếng Anh đang bị giam giữ trong các nhà tù.

Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tại thủ đô Washington D.C chưa ấn định thời điểm mở phiên tòa này. Hệ quả nhãn tiền là Bộ An ninh nội địa đã tước quyền bắt giữ người nhập cư phi pháp của MCSO, vốn chồng lấn sang chức năng của lực lượng tuần phòng quốc gia. Ngoài biệt danh “Cảnh sát trưởng hà khắc nhất” ra, J. Arpaio còn nổi đình nổi đám qua những cuộc họp báo trong thời gian gần đây, đòi Quốc hội Mỹ mở cuộc điều tra tính chất giả mạo trong giấy khai sinh của đương kim Tổng thống Barack Obama (!).

Được biết, phiên tòa xét xử Cảnh sát trưởng Arpaio dự kiến kéo dài một tháng

Thu Hường (theo National Journal)
.
.