Cape Town: “Thủ phủ” bạo lực băng nhóm của Nam Phi

Thứ Tư, 07/09/2011, 14:35

Cape Town, được coi là thủ phủ của tội phạm bạo lực khét tiếng Nam Phi với khoảng 150 băng nhóm và ước tính 100.000 thành viên hoạt động “rầm rộ”, theo số liệu của quan chức chính quyền. Trong suốt nhiều thập niên, khu vực Cape Town nổi tiếng bạo lực đẫm máu do sự đối đầu băng nhóm tranh giành quyền kiểm soát thị trường ma túy.

Martin Afrika, 33 tuổi, ngồi tù lần đầu tiên lúc 12 tuổi vì tội buôn bán ma túy. Sau khi ra tù, Martin Afrika, gương mặt mang vết sẹo vì đạn bắn cũng như thân thể đầy vết xăm là dấu ấn của quá khứ tội lỗi. Cách đây vài năm, Martin đã rời bỏ băng nhóm này để đến với bóng đá thông qua MylifE Foundation - tổ chức sử dụng môn thể thao vua này để giúp tuổi trẻ Nam Phi rời xa vòng xoáy bạo lực băng nhóm và ma túy.

Barney Stevens ở MylifE, người từng nghiện ma túy song hiện là huấn luyện viên của đội bóng đá, nói: "Khi chơi bóng đá, chúng sẽ không còn đi cướp bóc, gây hỗn loạn đường phố nữa".

Vượt trội hơn lực lượng cảnh sát về số người lẫn vũ khí, các băng nhóm ở Cape Town cũng như những vùng lân cận thành phố ngày càng lớn mạnh. Chúng dư thừa súng ống, hoạt động trong những lĩnh vực doanh thu béo bở như là buôn ma túy, vũ khí và rửa tiền. Sự cải cách chính sách tàn bạo thời Apartheid và hệ thống tư pháp đã giúp cho bọn tội phạm dễ sở hữu súng ống hơn đồng thời gây khó khăn nhiều hơn cho lực lượng cảnh sát trong chiến đấu chống tội phạm.

Martin Afrika với nhiều hình xăm trên thân thể.

Theo báo cáo của cảnh sát địa phương, 15 người bị giết chết trong cuộc đọ súng dữ dội mới đây giữa hai nhóm Junky Funky và Corner Boys. Cảnh sát trưởng Cape Town Rob Young cho biết bọn gangster và bán rong ma túy gây ra khoảng 80% vụ phạm tội ở đây. Nhóm Pagad (Những người chống văn hóa gangster và ma túy) - bị cấm hoạt động từ năm 2000 vì được coi là một tổ chức khủng bố - tuyên bố họ đã một thời nắm quyền kiểm soát Cape Town.

Osman Sahib, người phát ngôn của Pagad, có vẻ đắc chí: "Khi kiểm soát đường phố (Cape Town) cách đây 10 năm, chúng tôi đã kết liễu được tội phạm bạo lực. Đó là thời mà chúng tôi tống khứ bọn tội phạm ra khỏi đường phố. Cảnh sát rõ ràng đã không làm được điều này. Vợ con chúng ta bị bọn gangster cưỡng bức và chúng tôi có mặt ở đây để lên tiếng: “Như thế đủ lắm rồi!”. Nhưng sự xuất hiện trở lại của Pagad vừa qua - mặc dù với những thủ lĩnh mới - cũng gây không ít băn khoăn lo lắng cho người dân Cape Town.

Pagad (chủ yếu là thành viên người Hồi giáo) làm nên tiếng tăm năm 1996 khi Rashaad Staggie - đồng thủ lĩnh một trong những băng nhóm tội phạm nổi tiếng nhất Nam Phi "Hard Livings" - bị thành viên Pagad giết chết. Sau đó đơn vị an ninh vũ trang G.Force của Pagad dính líu vào vụ đánh bom nhà hàng Planet Hollywood ở Cape Town làm chết một phụ nữ và hơn 20 người khác bị thương, song không ai bị buộc tội trong vụ khủng bố này. Hiện được đổi tên là "New Pagad" và vẫn còn chưa rõ nhóm hoạt động có hợp pháp hay không, song quan chức chính quyền Nam Phi đang cố gắng chống lại sự hồi sinh của băng nhóm này.

Kevin Southgate, người phát ngôn của Community Policing Forum - một tổ chức gồm thành viên là cảnh sát và dân thường - giải thích: "Chúng tôi hiểu người dân đang tuyệt vọng nhưng chúng tôi không thể giải quyết được vấn đề này bằng con đường bạo lực chống lại bạo lực. Trong đời chúng tôi đã chứng kiến quá đủ bạo lực rồi". Tuy nhiên, người dân Cape Town mong muốn chính quyền thành phố phải hành động mạnh tay hơn nữa để nhổ tận gốc tai họa bạo lực băng nhóm.

Khoảng 55.000 người sống ở Cape Town và hơn 80% trong số họ là nạn nhân của tội phạm băng nhóm, theo Philisa Abafazi Bethu (Hãy cứu chữa phụ nữ chúng ta) - tổ chức bảo vệ phụ nữ bị cưỡng bức và trẻ em ở Cape Town. Lucinda Evans, nữ lãnh đạo tổ chức, nói: "Chúng tôi là cộng đồng hàng ngàn người bị một nhóám người cầm tù. Cảnh sát thì không thấy đâu!".

Có hai suy nghĩ trong cộng đồng Cape Town - một phía tin cảnh sát bắt tay với bọn trùm ma túy, còn số khác nghĩ cảnh sát không được trang bị đầy đủ để quét sạch bọn gangster ra khỏi đường phố. Về phía mình, cảnh sát phủ nhận bất cứ sự dính líu nào đến các băng nhóm tội phạm, thậm chí kêu gọi người dân mạnh dạn tố giác  với chính quyền bất cứ sĩ quan cảnh sát nào tiếp tay cho bọn chúng.

Đại tá cảnh sát Abdre Traut xác nhận với báo chí rằng, lực lượng cảnh sát tại đây thực thi tốt nhiệm vụ của mình để làm chủ tình hình. Mặc dù vậy, vẫn có không ít người dân Cape Town khẳng định cảnh sát đã bất  lực khi đối đầu với tội phạm băng nhóm. Lucinda Evans nói: "Lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy cảnh sát tuần tra trong khu vực là mùa bóng đá World Cup 2010, nhưng bây giờ thì chúng tôi đã bị bỏ mặc". Lucinda Evans cũng từng là nạn nhân của bạo lực đường phố. Bà bị một tên gangster bắn ngay tại nhà mình vì dám hợp tác với cảnh sát chống tội phạm.

Kevin Southgate cùng với một số người dân Cape Town tự tổ chức tuần tra đường phố song kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Southgate thừa nhận: "Chúng ta cần xây dựng lại niềm tin của người dân vào lực lượng cảnh sát. Người dân không cảm thấy an toàn khi cung cấp thông tin về bọn tội phạm cho cảnh sát, chúng ta cần thay đổi điều đó. Bởi vì điều đó mới làm thay đổi vấn đề chứ không phải Pagad".

Nhiều người dân Cape Town lo ngại tình hình an ninh trật tự sẽ ngày càng tồi tệ hơn, trừ phi chính quyền tạo được nhiều công ăn việc làm cho hàng ngàn thanh niên thất nghiệp, tránh việc họ gia nhập băng nhóm

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.