Phòng chống tội phạm người nước ngoài: “Cắt ngọn” thôi, chưa đủ!

Thứ Năm, 16/04/2015, 14:30
Tội phạm người nước ngoài (TPNNN) tìm mọi cách xâm nhập Việt Nam để gây án ngày càng nhiều. Ở TP HCM, TPNNN xuất hiện nhiều trong khoảng chục năm trở lại đây và thông thường bọn tội phạm thực hiện trót lọt nhiều vụ trước khi bị bắt giữ.

Nguyên nhân là bọn chúng dùng những thủ đoạn gây án khá tinh vi, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam nên người dân chưa biết để cảnh giác và cơ quan chức năng cũng không tường tận để đưa ra lời khuyến cáo cũng như biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, bằng nỗ lực hết mình của lực lượng công an, các băng nhóm TPNNN lần lượt sa lưới…

Mới đây, ngày 7/4, Venisislav Danchov và 2 đồng phạm quốc tịch Bulgaria đã dùng thẻ ATM giả rút tiền tại ATM trên đường Thi Sách, quận 1 bị bắt là một ví dụ…

Phụ nữ luôn là miếng mồi ngon

Internet xuất hiện ở Việt Nam cách đây 18 năm nhưng nhiều năm sau đó mới được sử dụng rộng rãi và ngay lập tức được mọi người, nhất là giới trẻ đón nhận cuồng nhiệt. Cũng kể từ đó, những vụ lừa tình, tiền qua mạng bắt đầu xuất hiện mà thủ phạm ở cách xa Việt Nam hàng ngàn cây số. Đối tượng mà loại tội phạm này nhắm đến là những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin hoặc có mộng lấy chồng ngoại quốc. Để rồi khi sực tỉnh thì "tiền mất tật mang", phải nhờ đến sự can thiệp của Cơ quan Công an.

Một trong những vụ lừa qua mạng điển hình, giống như cốt truyện trong phim ảnh là trường hợp của "cao thủ" Ajmal, sinh năm 1981, quốc tịch Pakistan.

Nhờ sở hữu gương mặt khá điển trai nên Ajmal đã "cưa" đổ không ít cô gái Việt dù chỉ thấy nhau qua Webcam. Ajmal lên mạng với nickname kissmay8889 và làm quen với chị T., sinh năm 1983, ngụ quận Tân Bình, TP HCM.

Sau vài lần chat với nhau, thấy chị T. đã kết mình, Ajmal cho biết anh ta hiện đang độc thân, gia đình hối thúc lấy vợ. Nếu chị T. đồng ý thì hai người sẽ tiến tới hôn nhân. Chị T. liền chấp thuận không một chút do dự.

Khi "tình yêu" chín muồi, trong nhiều lần nói chuyện với nhau Ajmal ngỏ ý muốn xem "vợ tương lai" khỏa thân và chị T. đã không ngần ngại… Trong mỗi lần như vậy, Ajmal đều ghi lại đoạn phim "tươi mát" này để chờ cơ hội ra tay…

Cùng thời gian này, cũng với chiêu thức ấy, Ajmal còn ngỏ lời yêu đương với chị H, 20 tuổi, ngụ ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Chị H cũng "xả thân" vì "người yêu" và cũng mơ đến một ngày được ở cạnh Ajmal.

Gần một năm sau, Ajmal báo tin vui cho chị H. là y sẽ sang Việt Nam để cưới chị làm vợ và bảo chị H. đón mình ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tương tự Ajmal cũng báo cho chị T. nhưng thời điểm hẹn ở sân bay sau chị H.

Ngày hẹn đã đến, chị H. diện đồ đẹp, trang điểm phấn son ra sân bay đón người trong mộng và Ajmal đã không thất hứa. Sau đó cả hai cùng về nhà H. để ra mắt mẹ cha rồi sống với nhau như vợ chồng. Về phía chị T., cũng đẹp như hoa háo hức đón Ajmal nhưng chờ mãi chẳng thấy bóng dáng "người yêu"…

Hơn một tháng kể từ ngày Ajmal thất hứa, chị T. đột ngột nhận điện thoại của Ajmal. Anh ta cho biết đang ở Việt Nam và muốn gặp chị T. để nói lời xin lỗi về chuyện trước đây nhưng chị T. nhất quyết đoạn tình. Ajmal dọa sẽ tung đoạn phim "tươi mát" lên mạng nếu như chị T. không cho hắn "quan hệ" hoặc đưa 500USD. Chị T. chọn cách thứ 2 và trình báo Cơ quan Công an bắt giữ Ajmal…

Cùng với kiểu lừa trên, những năm trước đây, thủ đoạn lừa đảo tình, tiền phổ biến nhất của bọn TPNNN là gửi email hoặc điện thoại để thông báo cho "bạn tình" biết mình vừa gửi bưu phẩm (thông qua một công ty giao nhận của nước ngoài) trong đó có quà và một số tiền từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD để tặng "người yêu".

Sau đó, đồng bọn của kẻ lừa đảo gọi điện thoại đến nạn nhân mạo nhận là người của công ty giao nhận bưu phẩm. Chúng thông báo cho nạn nhân biết gói hàng đã đến TP HCM nhưng đã bị hải quan tạm giữ vì phát hiện bên trong có ngoại tệ không khai báo. Muốn nhận được bưu phẩm thì phải chuyển tiền qua tài khoản của người đại diện công ty giao hàng ở Việt Nam để làm chi phí "lót tay" cho hải quan. Tin lời kẻ lừa đảo, các nạn nhân gởi tiền xong thì chúng bặt âm vô tín…

Đối tượng rút tiền bằng thẻ ATM giả vừa bị bắt tại quận 1.

Cũng sử dụng phụ nữ làm con mồi nhưng tội phạm người châu Phi (phần đông có quốc tịch Nigieria) chủ yếu thực hiện hành vi mua bán ma túy trái phép và chiêu lừa tẩy rửa "đôla đen".

Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng lên kế hoạch khá công phu là sang Việt Nam cưới vợ thật hẳn hoi. Sau một thời gian tình nghĩa mặn nồng chúng bắt đầu sử dụng ngay chính người vợ của mình để vận chuyển hêrôin. Sau mỗi chuyến hàng, nếu trót lọt thì chúng tiếp tục nghĩa phu thê, còn khi vợ bị bắt thì chúng lập tức "cao chạy xa bay".

Ngoài ra, trong vai những doanh nhân thành đạt, chúng tuyển dụng các đối tượng (hầu hết là nữ giới) người Việt Nam để làm việc cho công ty của mình. Sau đó, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng cử những nhân viên này sang Ấn Độ, Pakistan để nhận hàng mẫu (của đối tác đặt hàng cho công ty sản xuất) mang về Việt Nam cho "ông chủ" xem …nhưng thực chất bên trong những chiếc hộp đựng hàng mẫu là hêrôin. Đến khi bị bắt giữ những nhân viên này mới hay mình đã bị sập bẫy, cũng có kẻ biết đó là ma túy nhưng vẫn làm ngơ hưởng lợi.

Chiêu lừa tẩy rửa "đôla đen" ở TP HCM "nở rộ" cách đây ít lâu lại là một hình thức nữa. Tuy số lượng nạn nhân sập bẫy khá nhiều nhưng thủ đoạn gần như giống nhau.

Đại loại như trường hợp của chị A (ngụ quận Bình Thạnh) có quen với một người nước ngoài qua Internet và hẹn gặp mặt ở một quán cà phê trên đường Đề Thám, quận 1. Người này bảo đang thừa hưởng một gia tài đồ sộ đến những 6,5 triệu USD và đang nhờ luật sư chuyển vào Việt Nam 500.000USD để làm ăn.

Tuy nhiên, để qua mắt các cơ quan chức năng nên đôla phải  nhuộm màu và gã này hỏi mượn chị A 40.000USD để mua hóa chất về tẩy rửa, hứa sẽ hậu tạ xứng đáng. Vì không có số tiền lớn ngay một lúc, chị A đưa trước cho kẻ lừa đảo 1.500USD để mua trước một ít hóa chất nhưng sau đó số tiền này một đi không trở lại…

Sau quá nhiều bài học được đăng tải đầy trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet thì người nhẹ dạ, cả tin cũng đã sáng ra nhiều, tội phạm dạng này ít dần đất sống. Vì thế mà vài năm trở lại đây, chuyện phụ nữ Việt bị TPNNN lừa tình, tiền qua mạng cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, một loại tội phạm mới lại bắt đầu xuất hiện với trình độ cao siêu hơn nhiều.

Sử dụng công nghệ cao gây án

So với các loại tội phạm khác thì loại tội phạm công nghệ cao xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn. Tuy nhiên, đây là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia và tổ chức khá bài bản. Những kẻ cầm đầu điều hành đường dây "điều khiển từ xa" qua mạng Internet, điện thoại nên gây khó khăn lớn cho lực lượng chức năng là không thể nhổ tận gốc đường dây phạm tội…

Theo trình tự thời gian, lừa đảo công nghệ cao do TPNNN thực hiện xuất hiện sớm nhất ở TP HCM là trộm cước viễn thông. Chúng đưa thiết bị máy móc từ nước ngoài về Việt Nam lắp đặt để thực hiện việc chuyển cuộc gọi quốc tế về Việt Nam thành cuộc gọi nội hạt. Điều đáng nói là kẻ trộm này cũng giấu mặt và sử dụng người Việt Nam làm công cụ cho mình.

Chỉ riêng vụ án Hoàng Minh Anh (Sinh năm 1962; ngụ phường 15, quận 10) can tội "trộm cắp tài sản" đã gây thiệt hại cho ngành Bưu chính viễn thông gần 10 tỉ đồng. Trong khi đó Minh Anh được một đối tượng người nước ngoài tên gọi Meng, quốc tịch Trung Quốc trả tiền công chỉ được… vài triệu đồng!

Ở chiều ngược lại, nhiều đối tượng người nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi ẩn náu hoạt động còn nạn nhân thì ở bên ngoài Việt Nam. Chúng sử dụng hộ chiếu giả rồi đến các ngân hàng ở Việt Nam để rút tiền theo lệnh chuyển tiền từ ngân hàng ở nước ngoài.

Năm 2010, sau khi Cơ quan An ninh Bộ Công an phối hợp Công an TP HCM triệt xóa  9 tụ điểm (nằm rải rác ở các quận 7, 8, 12) tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, bắt giữ tổng cộng 116 đối tượng (88 người Đài Loan và 28 người Trung Quốc) thì loại tội phạm này mới lắng xuống.

“Phương tiện hành nghề” của nhóm tội phạm công nghệ cao người nước ngoài.

Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, cũng chủ yếu là đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc đã chuyển hình thức lừa đảo mới. Chúng sử dụng thiết bị công nghệ cao dàn cảnh là người ở cơ quan công quyền điện thoại cho nạn nhân (ở nước họ) để thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây tội phạm, ma túy, rửa tiền… và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cho bọn chúng để thẩm định. Không ít người vì sợ sệt đã mắc bẫy dễ dàng…

Sau khi một số băng nhóm bị triệt phá, tội phạm dạng này cũng giảm dần và nhường chỗ cho loại tội phạm mới nổi đình nổi đám hiện nay là sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền.

Mới đây nhất, ngày 7/4, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) phát hiện Venisislav Danchov cùng 2 đồng bọn quốc tịch Bulgaria dùng thẻ ATM giả rút tiền tại trụ ATM nằm trên đường Thi Sách, quận 1.

Tiến hành khám xét các đối tượng, Cơ quan Công an thu hơn 100 triệu đồng, 20 thẻ ATM nghi thẻ giả. Trước đó, ngày 13-2, cũng tại quận 1, Cơ quan Công an bắt giữ hai người quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ dùng thẻ ATM giả rút tiền…

Phải bắt đầu từ cơ sở phường, xã…

Tình hình tội phạm người nước ngoài gia tăng ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng có lẽ nên coi là quy luật tất yếu của quá trình hội nhập. Để chủ động đối phó, trong thời gian vừa qua, Công an TP HCM đã tập trung lực lượng, đề ra nhiều giải pháp phòng, chống loại tội phạm này.

Nhiều băng nhóm TPNNN như băng nhóm người Indonesia chuyên dùng đinh đâm thủng lốp ôtô trộm tiền, băng tội phạm người Philippine chuyên gài bẫy con mồi đánh bạc, các băng nhóm lừa đảo công nghệ cao… lần lượt sa lưới. Tuy nhiên, biện pháp mạnh này mới chỉ cắt đi phần ngọn của tội phạm mà chưa ngăn ngừa được căn cơ, lâu dài.

Một lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP HCM cho biết, qua các vụ án cho thấy hầu hết các đối tượng người nước ngoài gây án đều không khai báo tạm trú. Do đó, để làm tốt công tác phòng ngừa TPNNN đòi hỏi công an địa phương cấp phường, xã cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp người nước ngoài không khai báo tạm trú, quá hạn tạm trú và các vi phạm khác về cư trú.

Đồng thời phải nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Vì trong thời gian vừa qua có khá nhiều trường hợp đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình hoặc khai báo không đúng sự thật khi bảo lãnh, mời, làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Từ sự lỏng lẻo này nên công tác truy tìm các đối tượng người nước ngoài phạm tội khó khăn lớn nhất là xác minh lai lịch của đối tượng. Như trong vụ mất trộm ở một siêu thị nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, camera an ninh của siêu thị đã ghi lại khá rõ hình ảnh thủ phạm là hai đối tượng người nước ngoài có đặc điểm giống người Trung Á, nhưng do chúng không có trong danh sách quản lý của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nên không thể nắm được nhân thân. Mà như thế thì rất khó khăn cho công tác đấu tranh, truy bắt.

Ngoài ra, các điều kiện đảm bảo cho công tác điều tra, xử lý người nước ngoài phạm tội như nơi giam giữ, phiên dịch, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, kinh phí…chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác kiểm tra, kiểm soát biên giới còn nhiều sơ hở để bọn tội phạm từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa cư trú bất hợp pháp và gây án.

Bên cạnh đó, một vấn đề băn khoăn nhất hiện nay là có khá nhiều người Việt Nam (phần đông là phụ nữ) dễ dàng tiếp sức cho bọn tội phạm đến từ một số nước ở châu Phi thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy và lừa đảo giao dịch tiền qua mạng. Đặc biệt hơn là một số người dân quá mất cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo của đối tượng người nước ngoài dù không còn mới mẻ nữa.

Mã Hải
.
.