Chân dung cảnh sát địa phương Nhật Bản

Thứ Sáu, 11/12/2009, 16:35
Những con số thống kê cho thấy, các biện pháp chống tội phạm ở xứ Phù Tang đã tỏ ra rất hữu hiệu. Tỉ lệ phạm tội ở Nhật Bản thường thấp hơn 3 lần so với Đức và 4 lần so với Mỹ. Ngay cả Vương quốc Anh với truyền thống đáng tự hào về kỷ cương trật tự trong xã hội, mức tội phạm trên 100 nghìn dân cũng đã "vượt" người Nhật hơn hẳn 2,5 lần.

Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, khi quá trình tái thiết nước Nhật đang thực hiện chính quyền mới đã áp dụng thể chế quản lý dân chúng theo "mô hình", do một viên cố vấn người Đức được Bộ Tư pháp Nhật khi ấy vời đến đề xuất: trong cả nước Nhật các bốt cảnh sát nhan nhản lập tức được dựng lên. Kế tiếp, chính quyền các địa phương bắt đầu chi tiền cho việc thiết lập một cách đại trà "Trạm kiểm soát" trên khắp nước Nhật. Hiện giờ còn khoảng 2 vạn trạm như vậy.

Ở trung tâm thủ đô Tokyo cũng như tại các tỉnh lị heo hút nhất, người ta luôn có thể mục kích một bốt cảnh sát điển hình với dòng chữ "Trạm kiểm soát thường trực". Những người am hiểu thì khẳng định, chính sự thiết lập "mạng lưới đặc vụ" dày đặc vào cuối thế kỷ trước, đã tạo sự yên tĩnh tuyệt đối cho các vùng nông thôn Nhật Bản lúc bấy giờ, nơi luôn có truyền thống quan hệ khăng khít giữa chính quyền với nhân dân. Tiếng địa phương gọi những trạm kiểm soát đó là “Koban”.

Thật ra đó chỉ là một cái chòi nhỏ, treo nhan nhản dọc bốn bức tường xung quanh là chân dung của các tên tội phạm (vừa phạm tội đang bị truy nã, mới bị bắt, hoặc đã bị kết án...); những tấm bích chương với các nhân vật hoạt hình "bắt mắt", cùng lời giải thích dễ hiểu về sự cần thiết nên tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông. Trước cửa luôn có một cảnh sát viên trao đổi vài câu gì đó với người qua đường; cẩn trọng theo dõi những kẻ lạ mặt; cũng như luôn ghi chép điều gì đó vào cuốn sổ nhỏ thường trực trên tay.

Theo quy định, mỗi Koban kiểm soát một khu vực bao gồm từ 300-500 hộ gia đình. Thường xuyên có ít nhất là 3 người: một người chuyên về sổ sách văn phòng và các tài liệu cần thiết, cũng như trực điện thoại phòng những trường hợp khẩn cấp; người thứ  hai như đã nói ở trên, có nhiệm vụ đứng trước lối vào kề bên những cánh cửa luôn rộng mở, hoặc ngồi trên một chiếc ghế cạnh đấy, thể hiện tối đa sự hiện diện của cảnh sát trước mắt người dân Nhật. Ngay cả những ngày đông giá lạnh đầy tuyết, các cánh cửa vào các Koban vẫn không được phép đóng lại.

Theo điều lệnh của cảnh sát, cửa Koban phải mở quanh năm; trong khi 2 đồng nghiệp túc trực tại Koban, thì người thứ 3 đi tuần bằng xe đạp quanh khu vực mà họ quản lý. Ca mới sẽ đến thay theo thời gian quy định.

Với những cảnh sát mặc sắc phục đang thực thi nhiệm vụ, luật pháp Nhật Bản cấm ngặt họ ăn uống hoặc hút thuốc trước mặt người dân, để không làm tổn hại tới uy danh của công lực nhà nước. Những người trong các Koban có nghĩa vụ - theo Tiêu lệnh - tiếp bất cứ ai vì bất cứ lý do gì, bằng mọi giá phải chiếm được lòng tin của mọi người. Đây được coi là "yếu tố then chốt" trong việc duy trì hệ thống quản lý trật tự xã hội.

Mặt khác, mọi người công tác tại các Koban cũng phải có nghĩa vụ giúp đỡ dân chúng khi họ cần, phải thuộc lòng mọi căn nhà góc phố thuộc khu mình phụ trách trong điều kiện nhà cửa ở Nhật đa phần không có số với những con đường chồng chéo hỗn độn.

Bên ngoài một Koban tại hải cảng Yokohama.

Trong tiếng Nhật phổ thông, cảnh sát được gọi là "Omavari San", nghĩa là "Quý ngài hay đi đó đi đây". Họ thường đi bộ hoặc xe đạp, vì ở Tokyo cũng như tại các thành phố lớn khác việc đi lại bằng xe hơi rất khó khăn, ách tắc. Trong khi mưa to gió lớn hay lúc nửa đêm, ngày lễ hay ngày thường, vào bất cứ lúc nào bạn cũng có thể gặp một viên cảnh sát nào đó đang đi tuần quanh khu vực anh ta phụ trách. Họ thường đeo quanh mình máy bộ đàm, đèn pin, còng số 8, cộng thêm 10 mét dây nhỏ có thể giữ trọng lượng tương đương với cơ thể một người. Vũ khí chủ yếu của các Omavari San là khẩu súng lục 38 ly, thường được dùng trong những trường hợp bất đắc dĩ.

Cảnh sát Nhật rất rành các môn võ cổ, họ thường tập tại các cung thể thao Judo, Aikido và Kendo (đấu kiếm gỗ). Chuyên viên nghiên cứu người Mỹ James Bali thuộc Cơ quan Interpol cho rằng, cảnh sát Nhật hiếm khi sử dụng vũ khí bởi họ rất tin tưởng vào khả năng của mình; khác hẳn với giới đồng nghiệp Mỹ luôn sẵn sàng nổ súng...

Điều chú tâm nhất khi đi tuần tra của người cảnh sát Nhật là những cuộc trao đổi với dân chúng. Họ phải nghe tất cả những lời phàn nàn trái ngược nhau, hay những câu chuyện dông dài của các bà nội trợ... nhằm "thắt nút" câu chuyện bằng việc đưa ra các câu hỏi thuần túy về trật tự  xã hội.

Luật pháp chỉ cho phép nhân viên cảnh sát được hỏi cung mọi người trong trường hợp có nghi vấn thực sự, hoặc khả năng có được nguồn tin thiết yếu. Kỹ thuật "hỏi cung chớp nhoáng" ngoài đường là một nghiệp vụ đặc biệt, còn các chuyên viên thẩm vấn thường được chọn lựa qua các kỳ thi quốc gia dành cho những người đang phục vụ trong nghành cảnh sát. Tại các kỳ thi này, một cảnh sát viên thuộc Koban sẽ đóng vai người qua đường, còn những người khác cũng thuộc Koban ấy có khoảng thời gian từ 10-20 phút để khai thác tin tức trước một ban giám khảo khắt khe do Bộ Nội vụ Nhật trực tiếp bổ nhiệm

T.Q.Long (tổng hợp)
.
.