Châu Âu: Gia tăng bạo lực sân cỏ chống trọng tài

Thứ Tư, 02/01/2013, 09:40

Bạo lực chống trọng tài tại các trận đấu bóng đá không chuyên ở Đức đang tăng đến mức báo động. Do thường xuyên đối mặt với những sự đe dọa và tấn công, cũng như cảm thấy bị các hiệp hội thể thao bỏ rơi, nhiều trọng tài quyết định bỏ nghề hay từ chối làm việc cho các câu lạc bộ có tiếng xấu.

Daniel Maurer, 23 tuổi, là trọng tài cho các đội bóng đá không chuyên ở Munich. Cách đây khoảng 1 tháng, Maurer bị đe dọa giết chết vì đã phạt một đội bóng phạm luật. Kể từ lúc đó anh luôn dè chừng mỗi khi về nhà muộn. Gần đây Maurer quyết định giải nghệ. Maurer không là trọng tài duy nhất đối mặt với bạo lực đang tăng ở môi trường bóng đá không chuyên ở Đức. Hai trọng tài Hans-Jurgen Schreier và Andreas Hitzlsperger ở thành phố Dachau miền Nam nước Đức đã nghỉ việc vào giữa tháng 11 vừa qua cũng vì lo lắng cho sự an toàn tính mạng của mình sau hơn 20 năm lăn lộn với nghề.

Mặc dù đa số các trận bóng đá kết thúc trong hòa bình, song vẫn có những sự cố bạo lực xảy ra vào mỗi cuối tuần và các trọng tài trẻ tuổi lại trở thành mục tiêu  của một số cầu thủ trẻ không chuyên và người hâm mộ bóng đá. Sự cố bạo lực dẫn đến chết người mới đây đã xảy ra ở Hà Lan.

Vào ngày 2/12, trọng tài biên 41 tuổi Richard Nieuwenhuizen đã bị một nhóm cầu thủ trẻ không chuyên tấn công dữ dội sau một trận bóng đá - diễn ra ở thị trấn Almere gần thủ đô Amsterdam của Hà Lan - do bất mãn trước sự bắt lỗi việt vị của ông. Nieuwenhuizen chết ở bệnh viện vào ngày hôm sau. 

Những vụ tấn công bạo lực nhằm vào các trọng tài là chuyện xảy ra như cơm bữa hiện nay ở Đức. Sau khi thua đội SuS Haarzopf Essen trong trận đấu ở khu công nghiệp Ruhr vào tháng 3/2012, một cầu thủ đội FC Blau-Weiss Oberhausen và một khán giả lao vào tấn công trọng tài gây thương tích nặng. Tháng 10/2012, một cầu thủ đội FC Iliira tấn công trọng tài đến mất thị lực trong trận đấu với đội ESV Rosenheim. Bạo lực xảy ra sau khi trọng tài ra quyết định thêm giờ đấu tạo thuận lợi cho đội ESV cân bằng tỷ số!

Trong vụ tấn công dã man này, huấn luyện viên đội ESV cũng bị đánh gãy xương sườn và tổn thương thận do cố gắng giải cứu cho trọng tài. Sau vụ này, hiệp hội bóng đá địa phương cấm thi đấu vĩnh viễn đối với cầu thủ tấn công trọng tài. Tình hình trên các sân cỏ ở thủ đô Berlin của Đức cũng không sáng sủa gì. Cách đây hơn 1 năm, trong một trận bóng đá không chuyên, trọng tài 52 tuổi Gerald Bothe ở Berlin bị hành hung sau khi ông loại một cầu thủ ra khỏi sân.

Thành viên các câu lạc bộ bóng đá thanh thiếu niên ở Almere, Hà Lan, giăng biểu ngữ tuần hành trong yên lặng để tưởng niệm trọng tài biên Nieuwenhuizen.

Sau mỗi trận bóng đá, trọng tài Bothe được trả 15 euro cộng thêm 5 euro cho chi phí đi lại. Nhưng bất chấp nguy hiểm luôn đe dọa tính mạng và tiền công còm cõi, Bothe vẫn không muốn rời xa sân bóng bởi vì ông cho rằng làm như thế khác nào gửi đi một thông điệp bi quan. Mà thay vào đó, Bothe tích cực vận động các đồng nghiệp cùng nhau kiến nghị lên chính quyền trợ giúp nhằm giảm bớt bạo lực trên các sân cỏ ở Berlin. Cái chết thảm thương của trọng tài biên Nieuwenhuizen ở Hà Lan vừa qua đã gây mất tự tin cho các trọng tài trẻ. Như  Franz Muhldorfer, trọng tài có thâm niên của câu lạc bộ TSV Rudow ở khu nam Berlin nói rằng: "Mọi người đều thật sự choáng váng".

Muhldorfer là người giám sát 25 trọng tài trẻ, phần đông dưới 20 tuổi và hiện nay ông phải cố gắng động viên tinh thần họ. Tháng 10/2012, một trọng tài 16 tuổi trong nhóm của Muhldorfer nhận được lời đe dọa giết chết qua điện thoại di động sau một trận bóng. Ngay bản thân Muhldorfer cũng từng bị cầu thủ và cả huấn luyện viên đánh vào mặt. Để phòng thân, vào mỗi trận bóng đá Muhldorfer đều mang theo bên người bình xịt hơi cay và điện thoại di động để gọi cầu cứu cảnh sát. Mới đây, Muhldorfer còn trang bị một camera cực nhỏ gắn lên túi áo ngực để thu hình ảnh làm chứng cứ nếu bị tấn công.

Khoảng 1.500 trận bóng đá diễn ra vào mỗi cuối tuần ở thành phố Berlin. Trong mùa bóng đá 2010 - 2011, 59 trận đấu buộc phải hoãn lại do những sự đe dọa và bạo lực. Cũng bởi sợ hãi trước bạo lực gia tăng mà nhiều trọng tài không dám ra quyết định cú đá phạt đền hay rút thẻ đỏ.

Thực trạng u ám cho thấy bạo lực đường phố và trong các ga tàu điện ngầm đang lan đến sân cỏ. Trong khi đó, Hiệp hội Bóng đá bang Bavaria (BFV) tuyên bố các vụ tấn công bạo lực nhằm vào trọng tài và những trận bóng hoãn lại chỉ là những trường hợp hiếm hoi! Herbert Fandel, trọng tài hàng đầu của Hiệp hội Bóng đá Đức (DFB), kêu gọi cần có những biện pháp trừng phạt thật nặng những cầu thủ bạo lực cũng như đội bóng chứa chấp họ

Di An (tổng hợp)
.
.