Châu Phi: Chống cướp biển bằng công nghệ hiện đại

Thứ Năm, 15/09/2016, 20:10
Tội phạm cướp biển gây thiệt hại cho kinh tế thế giới hơn 700 triệu USD năm 2015 - theo đánh giá từ Oceans Beyond Piracy, tổ chức phi lợi nhuận hợp tác toàn cầu về vấn đề cướp biển. Cướp biển hoạt động trải dài từ Somalia đến Tây phi, với Vịnh Guinea hiện nay được coi là vùng nước nguy hiểm nhất thế giới. Không còn là những vụ cướp truyền thống, mà cướp biển ngày nay sử dụng thành thạo công nghệ cao.

Khi tấn công những con tàu chở hàng, bọn cướp biển nói chung đã biết rõ giá trị mục tiêu của chúng nhờ sự tham khảo dữ liệu hàng hóa vận chuyển (thường là không an toàn) trên Internet từ trước đó. 

Cụ thể là những tay hacker chuyên nghiệp đánh cắp dữ liệu rồi rao bán chúng trên web đen. Đó là lý do tại sao bọn cướp biển biết chính xác giá trị từng chiếc tàu hàng, và "trong một số trường hợp, chúng biết rõ mã vạch và số sêri của container hàng hóa" - theo Bryan Sartin, Giám đốc điều hành Công ty An ninh mạng Mỹ Verizon Risk.

Phó Đô đốc Peter Hudson (giữa).

Hơn nữa, có lẽ do lênh đênh thời gian dài trên biển cho nên các hệ thống máy chủ trên tàu hàng không thường xuyên cập nhật vá lỗ hổng an ninh và từ đó dễ trở thành mục tiêu cho bọn hacker tấn công xâm nhập cung cấp "bản đồ kho tàng" cho cướp biển - theo Sian John, giám đốc chiến lược làm việc cho Công ty An ninh mạng Symantec.

 Trong thời đại công nghệ hiện nay, bọn cướp biển bắt đầu sử dụng máy bay không người lái (drone) để do thám những tuyến đường biển và tìm kiếm những chiếc tàu hàng không được bảo vệ chặt chẽ, đội ngũ bảo vệ thưa thớt hay không được rào dây kẽm gai. Trong khi trước đây, theo Philippe Minchin ở công ty cứu đắm và cung cấp thiết bị an ninh BCB International, cướp biển chỉ biết sử dụng người giả làm ngư dân theo dõi tại các cảng biển. Phó đô đốc hải quân Peter Hudson - lãnh đạo chiến dịch biển của Liên minh châu Âu (EU) ở ngoài khơi Somalia giữa những năm 2009 và 2011 cho rằng lý do khiến cho các công ty vận tải biển ở châu Phi giảm bớt sự phụ thuộc vào lực lượng an ninh vũ trang hạng nặng để bảo vệ tàu bởi vì "giá thuê quá đắt".

Trước những thách thức mới, các chính quyền châu Phi cũng như công ty vận tải biển nhận thức được mối đe dọa cướp biển hiện nay xuất phát không chỉ trên mặt biển mà còn từ bầu trời và Internet. Để đối phó, hàng loạt công ty vận tải biển bắt đầu triển khai những chiếc "drone sát thủ" dò tìm tín hiệu GPS của drone cướp biển và sau đó kích hoạt tính năng "quay về nhà" của chúng.

Hải quân Canada (phải) được triển khai chống cướp biển ở châu Phi.

Theo Peter Hudson, những chiếc "drone sát thủ" còn trang bị công nghệ nhận diện gương mặt để phát hiện những tên cướp biển đồng thời có nhiệm vụ cảnh giới tại những khu vực nguy hiểm cao như là eo biển Bab al-Mandab nằm giữa Yemen, Djibouti và Eritrea.

Những công nghệ phòng vệ mới nhất được giới kinh doanh vận tải biển sử dụng bao gồm vũ khí laser hay âm thanh gây đau đớn cho bọn cướp biển và hệ thống lưới mạng nhện vô hiệu hóa sự di chuyển của tàu tấn công.

Và, một hệ thống vũ khí lưới mạng nhện như thế - gọi là Barracuda - được cung cấp bởi BCB International. Lưới mạng nhện được bắn ra từ khẩu pháo khí nén cầm tay hoặc khẩu pháo được điều khiển từ xa. Những vũ khí phòng vệ, như là Barracuda, không gây chết người mà chỉ nhằm giảm bớt sự leo thang xung đột cũng như tránh sự thiệt hại về nhân mạng.

Tháng 2-2012, 2 ngư dân Ấn Độ bị đội bảo vệ tàu chở dầu MV Enrica Lexie bắn chết do lầm tưởng là cướp biển. Ibrahim Ahmed Abdinoor, Giám đốc điều hành công ty vận tải biển African Shipping Line, cho biết hiện nay ngành kinh doanh này ở châu Phi bắt đầu chia sẻ thông tin trực tuyến về hoạt động cướp biển nhằm giúp tránh giết lầm ngư dân vô tội.

Cuộc chiến chống cướp biển là cuộc chiến phức tạp không ngừng nghỉ. Khi giá dầu sụt giảm, bọn cướp biển nhanh chóng chuyển từ hoạt động cướp thùng dầu sang bắt cóc thủy thủ đoàn để tống tiền. Vào nửa đầu năm 2016, 44 thủy thủ bị bắt cóc đòi tiền chuộc (trong đó chỉ riêng Nigeria là 22 người) - theo số liệu từ trung tâm báo cáo về cướp biển thuộc Cục Hàng hải quốc tế (IMB).

Trong khi vào nửa đầu năm 2015, chỉ có 10 người bị cướp biển bắt cóc trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Jon Huggins (cựu sĩ quan hải quân Mỹ và Giám đốc Oceans Beyond Piracy) nhận định trên thực tế 70% vụ việc liên quan đến cướp biển không được báo cáo với chính quyền. Cũng theo Jon Huggins, mặc dù chính quyền Nigeria đã gia tăng những cuộc tuần tra trên biển song cho đến nay vẫn chưa có bất cứ ai bị giam vào tù hay bị truy tố vì tội cướp biển.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.