Châu Âu đối mặt với mối đe dọa từ người tị nạn Hồi giáo

Thứ Năm, 08/10/2015, 11:05
Dòng người tị nạn đổ vào châu Âu giờ đây được gọi chung là "làn sóng người di cư", và theo các chính trị gia cánh hữu, đây là một mối đe dọa thật sự. Theo các nhà phân tích, quan điểm này không khác quan điểm của các chính trị gia cánh hữu đang đưa ra một quan điểm chính trị cực đoan giống như các tổ chức thánh chiến Salafi. Và như vậy họ đang hành động mâu thuẫn với những giá trị cơ bản của Liên minh châu Âu (EU)...

Rơi vào bế tắc

Mặc dù Thủ tướng Đức Angela Merkel đã  quyết định khôi phục lại quyền kiểm soát biên giới giữa Đức và Áo để tạm ngừng dòng người tị nạn ồ ạt đổ vào nước này,  song Đức đang rơi vào tình trạng bế tắc,  thậm chí tê liệt trước việc kiểm soát và sắp xếp nơi ở cho người di cư. Đức rõ ràng đang bị quá tải trong khi bản thân những người nhập cư cũng bắt đầu vỡ mộng.

Khi Hesham chạy khỏi quê hương Syria hồi đầu tháng 8 cùng với người vợ đang mang bầu và một con thơ, anh này từng tin tưởng chắc chắn rằng mọi việc sẽ tốt đẹp một khi cả gia đình anh đặt chân được đến nước Đức. Tuy nhiên, mọi thứ hoàn toàn trái ngược, sau nhiều tuần gia đình Hesham phải mỏi mòn chờ đợi được tiếp nhận tại trung tâm tiếp đón người nhập cư ở thủ đô Berlin.

Cựu đầu bếp 26 tuổi này chỉ là một trong hàng trăm người nhập cư hàng ngày đang phải chen chúc chờ đợi trong tuyệt vọng để đến lượt mình được tiếp nhận tại văn phòng đăng ký. Chỉ sau khi nhận được số đăng ký, họ mới có thể đi vào bên trong trung tâm tiếp nhận người nhập cư và được nhận một tờ giấy chứng nhận, bước đầu tiên trong quy trình xin tị nạn của họ.

Hesham cho biết thông qua người phiên dịch. "Tôi mơ về một nước Đức tốt đẹp hơn nhưng nó quá tệ. Chúng tôi đã phải ngủ ngoài trời lạnh. Và hiện giờ con tôi đang ốm".

Tiến trình đón tiếp người nhập cư ở Đức từng diễn ra rất suôn sẻ, dễ chịu. Nhưng nay nó đã biến thành một cơn ác mộng hỗn loạn đối với nhiều thành phố và thị trấn trên khắp nước Đức bởi họ đang phải vật lộn với làn sóng người nhập cư ồ ạt đến từ khu vực Trung Đông.

Theo báo cáo của Chính phủ Đức, ban đầu Đức dự kiến đón nhận khoảng 800.000 người nhập cư trong năm nay, tuy nhiên con số hiện tại gây sốc hơn nhiều: gấp gần 2 lần con số dự đoán ban đầu. Cụ thể, Đức ước tính sẽ phải tiếp nhận 1,5 triệu người nhập cư trong năm nay.

Người di cư dựng lều trại tại khu vực biên giới các nước châu Âu.

Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere cho biết số người xin tị nạn ở Đức đang đạt mức kỷ lục của mọi thời đại khi mỗi ngày có tới 10.000 người đổ vào nước này.

Với làn sóng nhập cư đổ vào Đức ồ ạt như vậy, dĩ nhiên việc tiếp đón họ một cách kịp thời là điều hoàn toàn không thể. Tại trung tâm ở thủ đô Berlin, một số người tị nạn cho biết họ phải ngủ ở ngoài trời, thậm chí đã phải chờ đợi suốt 25 ngày qua để được tiếp nhận. Với việc mùa đông sắp đến, một số người tị nạn bắt đầu tức giận, nản lòng.

Vấn đề lớn nhất và triển khai chậm nhất lúc này là thủ tục đăng ký tiếp nhận ban đầu đối với người nhập cư và cung cấp cho họ những thứ thiết yếu cho cuộc sống. Ngoài việc tìm những nơi ở đảm bảo cho người nhập cư trong mùa đông, Đức còn phải cung cấp nguồn tài chính để họ có thể sống sót, chữa bệnh đồng thời thẩm định giấy tờ và trục xuất những người làm giấy tờ giả mạo là người Syria để vào Đức.

Chưa hết, Đức còn phải truy tìm những người nhập cư vào nước này mà không đăng ký. Ông Frank-Juergen Weise – người đứng đầu Văn phòng Nhập cư và Tị nạn Liên bang (BAMF) ước tính, có khoảng 290.000 người nhập cư vào Đức mà không đăng ký.

Mối đe dọa từ người tị nạn Hồi giáo

Dòng người tị nạn đổ vào châu Âu giờ đây được gọi chung là "làn sóng người di cư", và theo các chính trị gia cánh hữu, đây là một mối đe dọa thật sự. Theo các nhà phân tích, quan điểm này không khác quan điểm của các chính trị gia cánh hữu đang đưa ra một quan điểm chính trị cực đoan giống như các tổ chức thánh chiến Salafi. Và như vậy họ đang hành động mâu thuẫn với những giá trị cơ bản của Liên minh châu Âu (EU).

Nếu các chính trị gia cánh hữu vẫn khăng khăng giữ vững quan điểm này thì từ đó làm tăng khả năng xảy ra các cuộc tấn công do những kẻ thánh chiến Salafi tiến hành nhằm vào châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi "làn sóng" những người Syria, Eritrea và Afghanistan đổ vào châu Âu là “thách thức lớn nhất” mà bà phải đối mặt. Trong khi đó, Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni khẳng định rằng cuộc khủng di cư hiện nay là mối đe dọa đối với "linh hồn của châu Âu”.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban thậm chí còn bày tỏ quan điểm gay gắt hơn khi nói: “Những người tới đây được nuôi dưỡng bởi một nền tôn giáo khác, và đại diện cho một nền văn hóa hoàn toàn khác với chúng ta. Phần lớn bọn họ không theo Thiên Chúa giáo mà theo đạo Hồi. Đây là một vấn đề quan trọng, bởi châu Âu và sự đồng nhất của châu Âu bắt nguồn từ Thiên Chúa giáo".  

Các nhà lãnh đạo và các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc tại châu Âu - ví dụ như Thủ tướng Hungary Orban, đảng Độc lập Anh hay Mặt trận Quốc gia Pháp - tin rằng người Hồi giáo tị nạn là một mối đe dọa thật sự đối với “linh hồn Thiên Chúa giáo của châu Âu” bởi họ có liên kết với lực lượng vũ trang thánh chiến Salafi thông qua đạo Hồi. Châu Âu quy kết rằng những người tị nạn, bị kích động bởi tôn giáo của họ, sẽ thúc đẩy “chủ nghĩa khủng bố” toàn cầu.

Giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo và các đảng phái theo cánh hữu tại châu Âu cần tiết chế quan điểm và những phản ứng của họ đối với cuộc khủng hoảng người di cư theo hướng nhân đạo và phù hợp với các giá trị của châu Âu. Chẳng hạn việc giúp những nước như Syria chấm dứt chiến tranh và hỗ trợ các nước đó tái thiết thời hậu chiến chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho phương Tây nhiều hơn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.