Chạy đua vũ trang… mạng

Thứ Bảy, 14/01/2012, 05:40

Trong tình hình công nghệ cao phát triển như vũ bão hiện nay, chính quyền các nước phải đối đầu với 3 mối đe doạ chính - tội phạm mạng, gián điệp công nghiệp trong không gian mạng và chiến tranh mạng. Từng cá nhân, công ty và chính quyền thường xuyên hứng chịu những cuộc tấn công trên không gian mạng, nhưng may mắn lắm mới có cơ sở để nghi ngờ một nguồn gốc nào đó và thường thì người ta khó xác định được cuộc tấn công đến từ đâu cũng như tại sao nó diễn ra!

Trong tháng 9/2011, tại khu công viên Ditchley ở sâu trong hạt Oxfordshire miền Nam nước Anh, một nhóm các điệp viên, binh sĩ, viên chức, giáo sư đại học và chuyên gia máy tính họp bàn về cách đối phó với mối đe dọa đang tăng của những cuộc tấn công mạng.

Mục đích của cuộc họp ở công viên Ditchley là tìm cách bảo vệ môi trường gọi là Cơ sở hạ tầng then chốt quốc gia, hay CNI. Cơ sở hạ tầng viễn thông bị đánh thủng có thể dẫn đến sự hỗn loạn tức thì bởi vì có quá nhiều cơ sở phụ thuộc vào nó. Cách đây 4 năm, khi các fan truy cập vào trang web chính thức của nữ ngôi sao điện ảnh Monica Bellucci của Italia, họ không chỉ biết được về những bộ phim mới nhất cũng như các hoạt động khác của nữ diễn viên xinh đẹp mà còn vô tình tải xuống một virus của hacker phục sẵn trên trang web!

Đầu năm 2007, các hacker đã phong tỏa các trang web của chính quyền Estonia và làm tê liệt mạng Internet của nước này. Đến năm 2008, những cuộc tấn công mạng tương tự lại xảy ra trước khi quân đội Nga tiến vào Georgia, nhưng Moskva phủ nhận sự liên quan đến chúng.

Theo số liệu mới nhất của hai công ty tư vấn Visiongain và Gartner, số tiền chi cho lĩnh vực an ninh mạng hàng năm trên toàn cầu vào khoảng 100 tỉ USD và dự kiến con số sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập niên. Sự phát triển nhanh chóng của những bộ phận an ninh mạng trong các công ty tầm cỡ thế giới như Lockheed, Northrop, Raytheon và BAE Systems cho thấy sự xuất hiện đang tăng của loại vũ khí mạng thuộc phức hợp quân đội - công nghiệp.

Để đối phó với cuộc chiến tranh mạng tiềm tàng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho thành lập Bộ chỉ huy không gian mạng (US CyberCommand) vào tháng 5/2010.  CyberCommand, đặt trụ sở chính tại Fort Meade bang Maryland, nằm dưới sự chỉ huy của tướng 4 sao Keith Alexander, cũng là giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). Vai trò trọng yếu của CyberCommand là bảo vệ hệ thống mạng ".mil", mạng lưới máy tính của Bộ Quốc phòng, hành động đáp trả những cuộc tấn công mạng v.v… Nước Anh cũng có bộ phận chỉ huy an ninh mạng tương tự gọi là OSCIA nhằm hỗ trợ chính quyền bảo vệ hệ thống mạng và chống lại những cuộc tấn công từ xa.

Nhiệm vụ khác của CyberCommand là phát triển những khả năng phòng thủ mạng, với sự hợp tác của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển các dự án (DARPA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD). Hiện nay hầu như mạng lưới phòng nghiên cứu máy tính của các khối trường đại học vùng bờ biển phía tây và đông nước Mỹ đều được DARPA tài trợ.

Thế giới đang đối đầu với cuộc chiến tranh mạng.

Trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, DoD phụ thuộc rất lớn vào kho vũ khí mạng, nhất là việc sử dụng những chiếc máy bay không người lái (drone) được điều khiển từ Mỹ để tấn công các mục tiêu. Chiến lược an ninh và gián điệp mạng của Trung Quốc cũng do quân đội chỉ huy trực tiếp. Nga cũng có hệ thống giám sát mạng của tình báo gọi là SORM-2. Israel có đơn vị an ninh mạng 8200 do quân đội chỉ huy. Pháp, Anh, Ấn Độ và Đức cũng nằm trong số những quốc gia hàng đầu thế giới tăng cường phát triển khả năng phòng thủ mạng.

Trong  cuộc chiến chống lại những cuộc tấn công mạng máy tính, Washington luôn hợp tác chặt chẽ với các quốc gia đồng minh. Như là NSA nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các đồng minh như Canada, Anh, Australia và New Zealand. Mỹ cũng được phép truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ trong các server của các công ty như Google và Facebook. Nếu FBI hay NSA muốn bí mật theo dõi tài khoản Gmail hay Facebook của một đối tượng nào đó, họ chỉ mất chưa đầy 24 giờ để có được giấy phép cần thiết của tòa án.

Theo công ty an ninh máy tính McAfee ở Santa Clara bang California, Estonia và Anh nằm trong số ít nhất 20 quốc gia thiết lập những chương trình chiến tranh mạng. Còn theo báo cáo mới của Hiệp hội nghiên cứu xung đột mạng (CCSA), trên thế giới hiện nay có rất nhiều quốc gia "có được khả năng tiến hành những cuộc tấn công mạng liên tục và mạnh mẽ chống Mỹ". McAfee cũng xác định được một số ít quốc gia hiện đang chuyển từ phòng thủ sang tấn công mạng - bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Israel. Mỹ được đánh giá là siêu cường không gian mạng của thế giới, với những vũ khí được kỹ thuật số tin là có khả năng làm suy yếu hay phá hủy các mạng máy tính mục tiêu và những cơ sở công nghiệp cũng như trang thiết bị liên quan đến chúng. Trung Quốc cũng thừa nhận các hệ thống mạng máy tính quốc gia của họ từng bị Mỹ gây "tổn thương ghê gớm" cho dù Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào các mạng quân sự và công nghiệp của Mỹ, theo tiến sĩ Mulvenon ở CCSA.

Theo thống kê, năm 2008 hacker đã phá hoại thành công mạng điện tử mật của DoD dẫn đến sự kiện mà sau đó Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William Lynn đánh giá là sự chọc thủng hệ thống máy tính quân sự Mỹ lớn chưa từng có. Theo báo cáo điều tra của McAfee, lượng phần mềm độc hại (malware) mới xuất hiện trên Internet đã tăng 500% trong vòng 1 năm qua và xung đột trên không gian mạng gây ra thiệt hại khoảng 6,3 triệu USD mỗi ngày.

Kaspersky Lab dự đoán tội phạm mạng sẽ lớn mạnh, đa dạng và tinh vi hơn trong năm 2012, đồng thời tình báo mạng và chiến tranh mạng càng quyết liệt hơn. Do đó, DARPA đề nghị tăng ngân sách nghiên cứu về lĩnh vực mạng từ 120 lên 208 triệu USD trong năm 2012; còn Bộ Quốc phòng Mỹ để nghị tăng ngân sách cho an ninh mạng trong 5 năm tới là 500 triệu USD. Tất cả là nhằm mục đích phát triển vũ khí mạng cho nước Mỹ

Diên San (tổng hợp)
.
.