Chiến binh IS giả dạng người tị nạn Syria để vào Pháp

Thứ Năm, 19/11/2015, 14:00
Cơ quan An ninh Pháp đã tìm ra những chứng cứ cho thấy một số tên trong nhóm khủng bố IS đã vào Pháp dưới vỏ bọc người tị nạn Syria.

Một hộ chiếu Syria, một hộ chiếu Ai Cập được tìm thấy trong tử thi của hai gã đàn ông đánh bom tự sát tại sân vận động Stade de France, trong đó một gã mới chỉ 15 tuổi. Cả hai phần tử này đã từ Syria đi qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến đảo Lesbos, Hy Lạp và đăng ký như những người tị nạn vào ngày 3/10. Tiếp theo, cả hai đến Paris để phối hợp với những tên khủng bố khác thuộc tổ chức IS…

Những lỗ hổng của an ninh Pháp

Ông Francois Molins, công tố viên Pháp cho biết: "Một trong số 7 tên này là dân Paris, sống ở Courcouronnes, ngoại ô Paris, nơi trước đây từng là điểm xuất phát của nhóm khủng bố IS đã tấn công Tòa soạn báo Charlie Hebdo. Tấm hộ chiếu Pháp thu được từ xác chết của gã tại nhà hát Bataclan đã chứng minh điều đó". Mặc dù Cơ quan An ninh Pháp đã theo dõi tên này trong suốt 5 năm nhưng lại không đủ chặt chẽ để có thể phát hiện âm mưu khủng bố của hắn.

Lần theo đường đi của những tấm hộ chiếu, ông Nikos Toscas, Phó chỉ huy trưởng Lực lượng Cảnh sát Hy Lạp cho biết, Cảnh sát Hy Lạp đã xác định 2 trong số những tên khủng bố đã đến Hy Lạp dưới dạng tị nạn theo quy chế của Cộng đồng chung châu Âu (EU): "Chúng tôi đã ghi lại dấu vân tay của cả hai nhưng không rõ trên đường đến Paris, chúng có bị kiểm tra ở chỗ nào nữa không".

Kịch bản tấn công sân vận động Stade de France đã được bọn khủng bố nghiên cứu kỹ lưỡng. Quả bom đầu tiên nổ ngay bên ngoài sân vận động nhưng nó lại được khán giả và những cầu thủ Pháp, Đức trên sân hiểu nhầm là tiếng pháo chào mừng. Đến quả bom thứ hai, do bị phát hiện nên gã khủng bố lao ra ngoài rồi kích nổ, giết chết một người đàn ông Bồ Đào Nha, 63 tuổi. Gã này được biết đến với cái tên Ismael, sinh ngày 22/11/1985, từng có tiền án.

Nhân dạng của gã đã được Cơ quan An ninh Pháp đưa vào hồ sơ theo dõi đặc biệt (Fiche S) từ… năm 2010 nhưng chẳng hiểu sao gã lại tự do ra vào sân vận động Stade de France mà không bị giám sát! Còn gã mang quả bom thứ ba thì chạy đến nhà hàng McDonald gần đó rồi kích nổ.

Theo các công tố viên, bọn khủng bố đã sử dụng một loại chất nổ được cải tiến gọi là TATP (Triacetone Triperoxide) - là loại được dùng trong các vụ đánh bom ở London năm 2005.

Một manh mối quan trọng khác cũng đã bị bỏ lỡ. Hơn một tuần trước khi xảy ra vụ khủng bố Paris, một chiếc xe hơi đã bị cảnh sát biên phòng Đức chặn lại trên đường từ Đức đến Pháp. Qua kiểm tra, Cảnh sát Đức đã tìm thấy 7 khẩu AK, 7 quả lựu đạn, một số cầu chì, kíp nổ, thuốc nổ và một khẩu súng lục. Người lái xe 51 tuổi, theo đạo Hồi đến từ Montenegro đã bị tạm giữ để thẩm vấn ngay sau đó nhưng cảnh sát không tiết lộ điều gì. Trên màn hình chỉ đường qua vệ tinh lắp trong xe, lập trình điểm đến của chiếc xe này là Paris nhưng Cảnh sát Đức lại không thông báo cho cơ quan chống khủng bố.

Cho đến nay, ngoài 7 tên đã chết, vẫn chưa biết bọn khủng bố tấn công Paris có tổng cộng bao nhiêu tên mặc dù Cơ quan An ninh Pháp đã nhận dạng được một trong số các nghi phạm khủng bố là Omar Ismail Mostefai nhờ vào ngón tay của y được tìm thấy ở sảnh nhà hát Bataclan. Mostefai sống ở Courcouronnes, cách Paris 25km về phía nam. Y là một kẻ cực đoan song chưa bao giờ có tên trong hồ sơ điều tra của các lực lượng chống khủng bố.

Theo Cơ quan An ninh Pháp, sau khi vào đến Paris, bọn chúng chia thành nhiều tổ, tất cả đều mặc áo cài bom giống hệt nhau rồi chia nhau đến từng mục tiêu đã chọn.

Tấn công Paris để trả thù cho John thánh chiến?

Một ngày trước khi vụ tấn công khủng bố vào Paris xảy ra, máy bay không người lái của Mỹ đã phóng tên lửa xuống một căn nhà ở thành phố Raqqa, Syria, nơi những nguồn tin tình báo cho biết đó là nơi cư ngụ của John "thánh chiến" (tên thật là Mohammed Emwazi) - kẻ sát nhân tàn bạo nhất của IS vì đã tự tay chặt đầu những con tin người Mỹ, Anh, Nhật Bản - và đã tiêu diệt được  tên này.

Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ là đại tá Warren nói với Đài Truyền hình Fox News: "Chắc chắn  99,9% là chúng tôi đã thổi bay John "thánh chiến" khi hắn ta vừa bước ra khỏi nhà và chui vào một chiếc xe hơi. Quả tên lửa đã khiến chiếc xe nổ tung thành nhiều mảnh và cháy ngùn ngụt".

Tuy nhiên, John "thánh chiến" vẫn còn một đứa con trai mang quốc tịch Anh, hiện đang sống bí mật ở Syria. Đứa trẻ này được sinh ra vào cuối năm 2013. Trong quá trình thu thập thông tin tình báo từ vệ tinh, Cơ quan An ninh Anh đã nghe được một cuộc điện thoại của John "thánh chiến" gọi từ Syria về cho cha mẹ, nội dung cho thấy John đã kết hôn và đang chuẩn bị có con. Theo các cơ quan tình báo, con trai John "thánh chiến" hoàn toàn có thể trở về Anh một cách dễ dàng vì mặc nhiên nó được hưởng quốc tịch Anh.

Xác của một tên khủng bố bị cảnh sát Pháp bắn hạ.

Vài ngày trước đó, cũng trong một cuộc không kích tại thành phố cảng phía đông Darnah, máy bay Mỹ đã giết chết Abu Nabil, là một trong những chỉ huy cao cấp của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở Lybia.

Ông Raffaello Pantucci, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu An ninh Quốc tế chống khủng bố nói: "Nhiều chứng cứ cho thấy vụ tấn công Paris đã được lên kế hoạch từ lâu nhưng qua cái chết của Abu Nabil và John "thánh chiến", những kẻ cầm đầu IS cho rằng đây là thời cơ tốt để chúng hành động, bởi lẽ chúng tin rằng phát xuất từ sự thỏa mãn vì đã tiêu diệt được hai mục tiêu quan trọng, phương Tây sẽ lơ là trong công tác an ninh".

Trở lại với vụ khủng bố Paris, ngay khi dòng người tị nạn từ một số quốc gia Trung Đông đổ vào châu Âu, Cơ quan an ninh EU đã nhanh chóng nhận ra nguy cơ khủng bố từ những chiến binh IS, Al-Qaeda dưới hình thức tị nạn. Bên cạnh đó, theo ước tính của tình báo phương Tây, so với tất cả các nước thuộc EU, Pháp là quốc gia có nhiều công dân gia nhập tổ chức IS nhất. Báo cáo của Thượng viện Pháp hồi tháng 4 cho biết 1.430 trong tổng số 3.000 kẻ cực đoan châu Âu đã đến Syria và Iraq để gia nhập IS là người Pháp, con số này chỉ đứng sau Arập Xêút, Tunisia, Nga và Jordan.

Cùng với Mỹ, Anh và Arập Xêút, Không quân Pháp đã tăng cường sự tham gia vào các chiến dịch quân sự tại Syria bắt đầu từ cuối tháng 9-2015. Ngày 8-10, chiến đấu cơ Pháp đã tiến hành một cuộc tấn công nhắm vào một ngôi nhà ở thành phố Raqqa, Syria, mà mục tiêu là Salim Benghalem, một người Pháp hiện đang đứng trong hàng ngũ IS. Salim Benghalem được xem là một trong những tên đao phủ khét tiếng, chẳng thua gì John "thánh chiến".

Theo Cơ quan An ninh Pháp, trước khi vụ khủng bố Paris xảy ra, nơi này đang giám sát 1.570 người bị tình nghi có quan hệ với các mạng lưới cực đoan ở Syria nhưng điều nguy hiểm nhất là trong số 1.430 kẻ đã đến Syria và Iraq để gia nhập IS, ít nhất đã có 200 người quay trở về Pháp.

Theo ý kiến của các chuyên gia về tình hình nước Pháp, ngoài việc Chính phủ Pháp tích cực tham gia liên minh chống IS, thì vấn đề then chốt nằm ở nội bộ xã hội nước này. Bị cô lập, bị đẩy ra rìa có thể là suy nghĩ bao trùm cộng đồng Hồi giáo ở Pháp. Mohamed Merah, kẻ xả súng ở Toulouse năm 2012, lớn lên tại một vùng ngoại ô nghèo khó, bắt đầu phạm tội từ tuổi thiếu niên, bị tống vào tù và sau đó trở thành một chiến binh thánh chiến tàn ác.

Mehdi Nemouche, kẻ giết hại 4 người ở Brussels vào tháng 4/2014, trở nên cực đoan trong thời gian ngồi tù. Sau khi được thả tự do, hắn tới Syria và sau đó quay trở lại tấn công Bảo tàng Do Thái ở Paris. Trong các nhà tù Pháp, ước tính 70% tù nhân là người Hồi giáo - một con số mơ hồ bởi theo luật Pháp, tù nhân có quyền không khai về tôn giáo của mình.

V.C. (tổng hợp)
.
.