Chiến sự Syria có lan rộng ra khu vực?

Thứ Sáu, 27/04/2018, 15:32
Trong khi nội chiến giữa các phe phái tại Syria vẫn chưa chấm dứt thì sự can thiệp của các thế lực khu vực và quốc tế vào quốc gia này ngày càng tăng cường độ. Khi nguy cơ xung đột giữa các nước muốn chi phối Syria tăng cao thì hòa bình cho Syria xem ra là điều quá xa vời.

Để hiểu được tình hình Syria hiện nay, chúng ta nên tìm hiểu tại đất nước này đang có bao nhiêu thế lực bên ngoài tham chiến. Rạng sáng ngày 14-4-2018, ba nước Mỹ, Anh và Pháp đã mở chiến dịch tấn công có mục tiêu nhắm vào chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad, bị Mỹ tố cáo là đã tấn công vũ khí hóa học tại đông Ghouta. Syria và các đồng minh của nước này là Nga và Iran đã nhanh chóng lên án các vụ oanh kích. Trung Quốc cũng lên tiếng yêu cầu các bên phải thực hiện theo “khuôn khổ luật quốc tế”.

Cả ba nước phương Tây đều có các căn cứ quân sự trong khu vực nơi được dùng để tấn công Damas. Binh sĩ Nga, đồng minh của Syria, cũng hiện diện đông đảo. Mỹ có một căn cứ quân sự ở al-Tanf, đông nam Syria. Nhiều đội đặc nhiệm được triển khai ở Manbij, phía bắc Syria. Không quân Mỹ cũng hiện diện ở khu vực này nhờ vào các khu căn cứ quân sự Azraq ở Jordani và Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters trích dẫn tuyên bố của ông Bekir Bozdag, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định khu căn cứ này không được sử dụng cho chiến dịch quân sự hôm 14-4. Mỹ còn cho tu sửa một đường băng hạ cánh gần Kobané, phía bắc Syria, thuộc vùng tự trị Kurdistan.

Ngoài ra, Mỹ còn có nhiều khu căn cứ quân sự khác tại các nước Vùng Vịnh, nhất là tại Koweit, ở al-Udeid của Qatar, cũng như là Al Dhafra của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.

Pháp gần đây đã huy động tàu chiến đa năng tại Địa Trung Hải và chiến đấu cơ để tấn công Syria ngày 14-4. Những thiết bị này, gồm 5 chiếc Rafale, 4 chiếc Mirage 2000, hai chiếc Awacs và 5 máy bay tiếp liệu đã cất cánh từ nhiều khu căn cứ không quân của nước Pháp. Hiện tàu chiến Aquitaine đang đậu ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải trong khuôn khổ chiến dịch Chammal ở vùng Trung Đông, nhằm hỗ trợ quân sự cho các lực lượng địa phương tham gia chống IS.

Quân đội Pháp cũng hiện diện tại căn cứ không quân Prince-Hassan của Jordani, gồm 6 chiếc Rafale và 6 chiếc khác tại Al Dhafra, thuộc Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Cuối tháng 3-2018, hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố sơ đồ được cho là nơi đồn trú của quân đội Pháp tại bắc Syria. Dường như chính từ 5 căn cứ quân sự này, chủ yếu nằm ở phía bắc, tại những khu vực do Lực lượng Dân chủ Syria FDS kiểm soát, 70 binh sĩ Pháp đã tham gia tác chiến tại đông bắc Syria. Nhưng những thông tin này chưa được xác nhận.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm binh lính tại biên giới giáp với Syria.

Tháng 6-2016, Paris đã thừa nhận sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm Pháp tại Syria để “cố vấn cho FDS chống IS”, chủ yếu là tại Manbij, nhưng Paris vẫn luôn tỏ ra kín tiếng về quân số hay vị trí đóng quân của lực lượng này. Tháng 7-2017, cũng hãng Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố những gì mà nước này cho là bản đồ vị trí 10 đơn vị quân sự Mỹ ngay chính trong khu vực.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định tại đây còn có 75 binh sĩ Pháp, đóng quân chủ yếu tại một căn cứ gần với thành phố Raqqa. Thế nhưng, Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận những thông tin này.

Trong chiến dịch tấn công Syria vừa qua, quân đội Anh đã huy động 4 chiến đấu cơ Tornado GR4 của Không quân Hoàng gia, có trang bị tên lửa Storm Shadow. Royal Air Force có một căn cứ không quân quan trọng tại Síp: đó là Akrotiki, nơi xuất phát nhiều chiếc tiêm kích tham gia chiến dịch chống IS tại Syria. Tàu khu trục HMS Duncan dường như cũng có mặt tại Địa Trung Hải.

Đầu tháng 4-2018, quân đội Anh vừa mở một căn cứ quân sự mới ở Manama, Bahrein. Đây là cơ sở quân sự thường trực đầu tiên của Anh ở Trung Đông sau gần một nửa thế kỷ vắng mặt.

Là đồng minh của Syria, nước Nga đương nhiên hiện diện đông đảo trong khu vực. Nga có 2 cơ sở quân sự ở phía tây Syria; một tại Hmeimim nơi đồn trú của các chiến đấu cơ và dàn phòng không; một căn cứ hải quân ở Tartus cũng được bố trí hệ thống phòng không.

Về nhân sự, con số chính thức gần đây nhất chính là số quân nhân đã được thông qua nhân kỳ bầu cử Tổng thống Nga 18-3: 2.954 người. Một lượng lớn binh lính Nga đã được triển khai tại căn cứ Hmeimim. Số ít còn lại là những cố vấn quân sự, hỗ trợ quân đội Syria tại địa bàn và có một vai trò lớn trong những thắng lợi gần đây.

Ngoài 4 cường quốc trên, tại Syria hiện còn có sự tham gia của cả các “hùm xám” khu vực, Israel và Iran. Tehran ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad trong khi Israel theo đồng minh Mỹ. Rồi chưa kể tới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Nga tại Syria nhưng không ủng hộ chính quyền Damas. Ngoài sự giao tranh giữa các thế lực tại Syria với các thế lực bên ngoài, những thế lực này lại đang có xu hướng đối đầu với nhau ngay tại Syria.

Theo báo Le Monde (Pháp), quân đội Israel gần đây đã cung cấp cho báo chí hình ảnh vệ tinh về các căn cứ của Iran tại Syria, một hình thức cảnh cáo Tehran là Tel Aviv đã sẵn sàng. Trong bài phân tích “Cuộc chiến sắp tới”, Le Monde dự báo điều nguy hiểm không phải là va chạm Mỹ-Nga tại Syria, mà là một cuộc xung đột giữa Israel và Iran.

Tác giả giải thích: Mỹ, Nga, Iran và Israel tiếp tục bày binh bố trận. Ngay từ khởi đầu, nếu không có sự giúp đỡ trực tiếp từ quân sự, kinh tế, tài chính, ngoại giao và chính trị của Iran thì một mình không quân Nga không thể cứu được chính quyền Tổng thống al Assad. Chính quyền Hồi giáo Iran muốn có một căn cứ quân sự thường trực tại Syria nhưng Israel xem đây là một hành động tuyên chiến. Từ 6 năm nay, không quân Israel oanh kích thường xuyên các đoàn xe chở vũ khí của Iran cung cấp cho Hezbollah-Liban.

Ngày 9-4, căn cứ không quân T4 bị máy bay Israel oanh kích giết chết ít nhất 7 quân nhân Iran trong đó có một đại tá. Tehran cam kết sẽ có biện pháp đáp trả, động thái khiến Israel đe dọa mở rộng tấn công nhằm vào các khí tài quân sự Iran tại Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman gần đây tái khẳng định chính sách "bằng mọi giá" ngăn chặn sự xâm nhập của Iran vào Syria.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu một cuộc chiến tranh sắp nổ ra, ông nói: "Tôi hy vọng là không. Tôi nghĩ vai trò chính của chúng tôi là ngăn chặn chiến tranh và điều này yêu cầu một biện pháp ngăn chặn thật sự, cụ thể cũng như tính sẵn sàng hành động".

Ngày 22-4, Iran và Israel đã chỉ trích lẫn nhau về sự gia tăng chưa từng thấy các hành động thù địch trong nhiều tuần qua giữa lực lượng hai nước liên quan tới vấn đề Syria, tuy nhiên hai nước cũng hạ thấp khả năng nổ ra chiến tranh.

Tờ Le Monde cho rằng cho đến nay, chính quyền Nga hiểu các trận oanh kích của Israel nhắm vào Hezbollah-Liban nhưng quan hệ Nga-Israel trở nên rắc rối hơn sau khi Israel oanh kích lực lượng Iran tại Syria mà không báo trước cho Nga. Trong khi đó, tại Washington, các cố vấn của Tổng thống Donald Trump đều thuộc thành phần không thiện chí với Iran.

Nếu vào tháng 5-2018, Nhà Trắng bỏ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran được ký kết vào năm 2015, Tehran tự do tinh lọc uranium, thì phe diều hâu trong chính quyền Israel liệu ngồi yên hay không? Cùng một câu hỏi trên báo Le Figaro: “Liệu nội chiến Syria có lan rộng hay không?”, chuyên gia Ran Halevi tỏ ra bi quan hơn.

Theo nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Pháp CNRS, Nga tính chuyện cung cấp cho Syria tên lửa S-300 nhưng ý định này và vụ vũ khí hóa học đã đặt Israel và vệ binh Hồi giáo Iran ở Syria vào thế mặt đối mặt. Israel không để tái diễn sai lầm cũ, tức là để cho miền nam Israel dưới đe dọa tên lửa của Hezbollah. Do vậy, quân đội Israel không để cho Iran lập cơ sở chế tạo tên lửa tại Syria uy hiếp toàn bộ lãnh thổ Israel.

Một cuộc chiến tranh Iran-Israel tại Syria là kịch bản mà chính quyền Nga lo nhất. Liệu Moskva có đủ khả năng ngăn cản nội chiến Syria trở thành xung đột Israel-Iran hay không? Theo nhà phân tích Ran Halevi: không có gì bảo đảm.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.