Chiến tranh là sai lầm lớn nhất của Chính quyền Mỹ
Thượng nghị sĩ Chuck Hagel, cựu binh Mỹ từng bị thương trong cuộc chiến Việt Nam, đang là ứng viên sáng giá cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Một số nguồn tin thông thạo cho hay trước đây, cái tên Chuck Hagel đã từng nhiều lần xuất hiện trong danh sách ứng viên chiếc ghế Bộ trưởng nhưng chưa lần nào chiến thắng. Song lần này, như lời một nhân vật ở Nhà Trắng tiết lộ: "Việc chọn ông Hagel đã hầu như xong và chỉ chờ ngày Tổng thống Obama chính thức đưa ra quyết định cuối cùng".
Nổi tiếng với xu hướng yêu chuộng hòa bình, Chuck Hagel phản đối mạnh mẽ chính sách hiếu chiến của cựu Tổng thống Geogre Bush. Ông lên án cuộc chiến Iraq và Afghanistan, cho rằng đó là những sai lầm nghiêm trọng nhất trong lịch sử đối ngoại nước Mỹ. Thấm thía bài học xương máu đau thương từ cuộc chiến khốc liệt ở Việt Nam, Hagel kêu gọi giới hiếu chiến Mỹ phải tiếp thu những bài học kinh nghiệm và tăng cường sử dụng các biện pháp hòa bình để tránh lặp lại những sai lầm không đáng có.
Làn gió mới mang tên "Chuck Hagel"
Chuck Hagel sinh ngày 4/10/1946, là Thượng nghị sĩ bang Nebraska. Ông trúng cử vào Thượng viện năm 1996, hoạt động tích cực trong đảng Cộng hòa nhưng sau đó, quyết định rời bỏ chính trường vào năm 2008. Chuck Hagel từng là ủy viên của 4 ủy ban chuyên về đối ngoại, ngân hàng, nhà ở - đô thị, và tình báo - pháp chế. Trước khi được bầu vào Thượng viện, Hagel làm việc trong lĩnh vực tư nhân với cương vị Giám đốc Công ty McCarthy & Co, một ngân hàng đầu tư có trụ sở ở Omaha (Nebraska), đồng thời ông còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hệ thống thông tin Mỹ và Giám đốc điều hành của Tổ chức Dịch vụ quân nhân.
Hagel từng là đồng Chủ tịch Ủy ban Cố vấn tình báo của Obama, do vậy được Tổng thống biết rất rõ. Năm 2008, Hagel hậu thuẫn ứng viên Obama tranh cử, cùng đi Iraq và Afghanistan với ông Obama. Sau khi không còn là nghị sĩ, Hagel vẫn hoạt động về chính sách, và hiện là người đứng đầu cơ quan không đảng phái Atlantic Council. Cựu nghị sĩ chủ trương "nhập cuộc" và "quyền lực mềm" bằng cách chống lại quyết định tấn công Iraq của cựu Tổng thống Bush cũng như chiến lược tăng quân số năm 2007. Mới đây nhất, Hagel được ông Obama mời đến Nhà Trắng để thảo luận về một số vị trí trong đội ngũ những người chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh quốc gia, trong đó có vị trí Giám đốc mới của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thay thế tướng David Patreus vừa từ chức sau bê bối tình ái.
Việc lựa chọn Chuck Hegel, một người có quan điểm ôn hòa trong chính sách đối ngoại, vừa giúp ông Obama có được một nhân vật của đảng Cộng hòa trong nội các, vừa giúp ông giành được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa trong nỗ lực ngăn chặn các nguy cơ "vách đá tài khóa", đồng thời thể hiện thiện chí sẵn sàng vượt qua sự khác biệt giữa hai đảng Cộng hòa - Dân chủ vì công việc chung. (Vách đá tài khóa là thuật ngữ dùng trong trường hợp khi hàng loạt các luật và chính sách đã được thông qua ở Mỹ, nếu không được thay đổi, kể từ ngày 1/1/2013 sẽ khiến các loại thuế tăng trở lại và tiêu dùng của chính phủ sẽ bị cắt giảm). Trong khi đó, Hagel tỏ ra rất thân thiết với Barack Obama tới mức đã có lần ông khen Tổng thống là nhà chính trị "được trời phú" cho khả năng mang lại đoàn kết thống nhất cho nước Mỹ.
Chuck Hagel là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng dưới nhiệm kỳ của ông Barack Obama. |
Nhiều người cho rằng Chuck Hagel sẽ tạo nên những đột phá trong chính sách đối ngoại bởi lẽ con người ông vốn dày dặn kinh nghiệm và từng phục vụ dưới hai thời tổng thống Mỹ là Harry Truman và Dwight Eisenhower. Hagel vô cùng thần tượng các đời tổng thống Mỹ đến mức ông treo đầy đủ các bức chân dung trên tường văn phòng làm việc. Ông nắm bắt những quan điểm chính trị rất linh hoạt và cứng rắn, cùng tư duy sắc sảo nhờ quãng thời gian dài được tháp tùng hai tổng thống tài năng của Mỹ. Thực sự, Hagel được kỳ vọng sẽ đem tới một làn sinh khí mới cho đường lối đối ngoại của Mỹ, và giúp Tổng thống Obama thoát khỏi cái bóng quá lớn từ những chính sách của người tiền nhiệm.
Trong bối cảnh này, Chuck Hagel đang gửi tới một thông điệp rất rõ ràng: tinh thần của những tổng thống yêu chuộng hòa bình ông từng phục vụ đang được truyền lại vào từng đường lối đối ngoại, và sẽ chắc chắn trở thành bàn đạp khẳng định vị thế cường quốc số 1 của Mỹ trên vũ đài chính trị thế giới. Đây được coi là điểm khác biệt và hoàn toàn mới lạ mà dư luận mong chờ từ Chuck Hagel.
Hagel luôn phản đối ý kiến rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ sau các cuộc chiến tranh sẽ cho phép tăng cường đầu tư vào các hoạt động quốc phòng. Ông bị ám ảnh bởi thâm hụt ngân sách, và rằng nỗi sợ vô hình này còn lớn hơn cả chuyện ông phải đi đàm phán để ký các thỏa thuận hay quyết định các chính sách quốc phòng. Theo đó, khi còn làm trợ lý tổng thống, Hagel là người duy nhất đề xuất ý kiến cắt giảm ngân sách quốc phòng, hay những khoản đầu tư tốn kém, tập trung vào xây dựng chính sách và cơ sở hạ tầng để gia tăng sức mạnh quốc phòng Mỹ. Một trong những quyết định táo bạo nhất Hagel từng cố vấn là cắt hoàn toàn 20% ngân sách liên bang cho hoạt động quân sự, tinh giảm biên chế 4 chánh văn phòng thuộc các bộ phận khác nhau của Bộ Quốc phòng.
Lo lắng của Hagel hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ sức mạnh kinh tế sẽ giúp ổn định an ninh quốc gia, đặt trong bối cảnh chính phủ cần cắt giảm mạnh chi tiêu phung phí từ ngân sách của Lầu Năm Góc nếu không muốn tiếp tục "nợ như chúa chổm". Với Hagel, Bộ Quốc phòng đang "phình ra" vì những khoản chi tiêu thiếu minh bạch hoặc đầu tư sai mục đích, do vậy ông luôn chủ trương hiện đại hóa quân đội đi kèm thắt chặt ngân sách sao cho hợp lý nhất.
Một số nhà phân tích nhận định việc cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ khiến Mỹ vô tình thành “nơi dụng võ” của các đối tượng khủng bố. Thế nhưng Hagel lại nghĩ hoàn toàn khác - ông thẳng thắn tuyên bố: Một quốc gia không thể định nghĩa chính xác "mối đe dọa" nếu chưa xác định được những lợi ích trước mắt. Hagel cho biết, Mỹ cần biết những khu vực trọng yếu trên thế giới để tăng cường đầu tư quốc phòng, thay vì rải đều lực lượng quân đội ở mọi ngóc ngách không cần thiết. "Hàng chục năm qua, Mỹ gần như chưa đưa ra được một chiến lược quân sự nào bởi vì chúng ta thiếu tư duy chiến lược về lợi ích của chính chúng ta".
Nỗi ám ảnh bởi những cuộc chiến tranh
Năm 2008, Hagel cho xuất bản một cuốn sách phê phán đường lối đối ngoại hiếu chiến của chính quyền Tổng thống Bush. Ông tin rằng, cuộc chiến Iraq là một trong những sai lầm ngớ ngẩn nhất trong lịch sử nước Mỹ, yêu cầu chính quyền Mỹ phải học từ những sai lầm và thất bại từ cuộc chiến tại Việt Nam. Bấy giờ, Hagel gọi chính sách đối ngoại của Mỹ là "trận đấu bóng bàn", với màn đặt cược là sinh mạng của người dân.
Cuốn sách của Chuck Hagel lên án các chính sách đối ngoại hiếu chiến của cựu Tổng thống Bush.
Dù ủng hộ Mỹ đem quân vào Iraq nhưng sau đó, Hagel trở thành nhân vật phản đối và phê phán mạnh cách tiến hành cuộc chiến của chính quyền Bush. Ông từng gọi kế hoạch của Tổng thống Bush khi đó muốn tăng 30.000 quân cho chiến trường Iraq là "vụ việc nguy hiểm nhất trong chính sách ngoại giao kể từ chiến tranh Việt Nam". Bởi thế, ông phải thường xuyên sang Iraq và Afghanistan để xem xét tình hình.
Chuck Hagel là thượng nghị sĩ mang trong mình một nỗi sợ chiến tranh rất lớn. Bởi lẽ ông đã trải qua những thời khắc kinh hoàng và thực sự khốc liệt của sự đau thương, mất mát. Việt Nam là nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời Hagel khi ông đã suýt bỏ mạng trong cuộc chiến tranh đang diễn ra sôi sục những năm 70.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Mỹ về chiến tranh Việt Nam gần đây, Chuck Hagel kể: Ông được huấn luyện làm xạ thủ bắn hỏa tiễn Red Eye (dùng cảm ứng nhiệt tìm mục tiêu) và sang miền Nam Việt Nam từ tháng 12/1967. Phục vụ trong Tiểu đoàn Cơ giới số 2 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 9, ông được điều tới khu vực tác chiến tại vùng sông Mê Kông. Chỉ là binh nhì nhưng trong gần một tháng, Hagel đóng vai trò của một trung sĩ và phải cùng đồng đội đánh cận chiến nhằm giành từng căn nhà để rút ngược ra lưu vực sông. Năm 1968, chiếc xe bọc thép chở quân Mỹ bị mìn phá nổ, Hagel bị bỏng nặng phần mặt và thủng màng nhĩ, sau đó được đưa về nước điều trị.
Hồi phục khi cuộc chiến tranh kết thúc, Chuck Hagel làm quản lý quầy bar, rồi làm nhà báo trước khi tham gia chính trị. Ông dùng kinh nghiệm chiến trường để thuyết phục chính khách Mỹ nên có chính sách sát thực hơn tình hình bên ngoài, và ủng hộ dùng vũ lực khi cần thiết. Những ám ảnh chiến tranh đã định hình cho Hagel một sự nghiệp chính trị hoàn toàn khác so với giới chính khách và học giả Mỹ thời bấy giờ. Ông ủng hộ hòa bình và nêu cao tiếng nói về hậu quả kinh hoàng mà các cuộc chiến tranh đem lại, với hàng loạt các ví dụ về số người chết, ảnh hưởng của chất độc và sự xuất hiện của vũ khí hủy diệt. Ông kịch liệt phản đối cuộc chiến Iraq khi cho rằng Chính phủ Mỹ đang thực hiện những hành động vô nghĩa và chối bỏ những giá trị nhân quyền cơ bản.
"Nhiều người muốn Mỹ tiến hành cuộc chiến "thẳng tay" với Iraq trong thời gian càng ngắn càng tốt vì lo sợ an ninh quốc gia bị đe dọa. Tôi cho rằng họ vô cùng ấu trĩ và tỏ ra chẳng có chút hiểu biết gì về quốc phòng hay sức mạnh thực sự của quân đội Mỹ. Tôi không muốn phải chứng kiến cảnh tượng anh em, đồng đội của tôi phải bỏ mạng trên các mặt trận vô nghĩa vì suy nghĩ nông cạn của người khác. Tôi phải nói thay cho linh hồn của những người đã khuất, rằng chiến tranh là ác quỷ!".
Tất nhiên, ý kiến vẫn chỉ là ý kiến khi Hagel buộc phải miễn cưỡng chấp nhận mọi quyết định từ chính quyền mà không thể làm gì được. Ông vẫn tiếp tục ủng hộ các hoạt động ngăn chặn chiến tranh, có phần cương quyết hơn Tổng thống Obama. Hagel không tiếc lời lên án cách bình luận "rẻ tiền, mất nhân tính" của những kẻ hiếu chiến sau các vụ không kích cướp đi sinh mạng của hàng triệu người vô tội, cùng những khoản tiền "rải đều như rác" chỉ nhằm phục vụ mua sắm và ăn chơi trong quân đội.
Giới chính khách hiếu chiến lo sợ sự xuất hiện của Chuck Hagel trong Nhà Trắng. Hagel là "báu vật Washington", rất dũng cảm khi luôn tin vào trực giác và lý trí của chính ông, dù có sai lầm hay đúng đắn. Vì đi ngược lại chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Bush "thích chiến tranh", Hagel đang khiến một ghế thượng viện rơi vào tình thế "nước sôi lửa bỏng" với sự hiền lành và hơi hướng hòa bình của ông. Đa phần chính khách Nhà Trắng muốn ông “gác kiếm” về sống với gia đình thay vì tiếp tục truyền bá tư tưởng hòa bình. Bốn năm qua, ông Bush vẫn âm thầm làm cố vấn đối ngoại cho Tổng thống Obama, tiếp tục đưa ra những ý kiến sắc sảo định hướng cho quan hệ của Mỹ với các quốc gia khác. Và nếu Chuck Hagel trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, có lẽ ông Bush sẽ mất dần tiếng nói để nhường chỗ cho xu hướng hòa bình của Hagel, đưa Mỹ trở thành một cường quốc hiền hòa và ít hiếu chiến hơn trước.
Suy cho cùng, quyết định lựa chọn Chuck Hagel của ông Obama, nếu là sự thật, thì ta có thể hiểu động thái đó đang phát đi tín hiệu về tinh thần chung của chính quyền Mỹ trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề toàn cầu thời gian tới. Mỹ muốn làm dịu đi tình hình bạo loạn tại Trung Đông-Bắc Phi, giải tỏa thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân của Iran, và tiếp tục những nỗ lực hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan. Có lẽ Tổng thống Obama đã nhận ra đây chính là thời điểm cần phải thay thế một Bộ trưởng Quốc phòng ôn hòa hơn trước để giải quyết êm thấm mọi vấn đề, nếu không muốn Mỹ tiếp tục đánh mất phong độ của một siêu cường trên thế giới…