Chiều hướng mới trong hoạt động tình báo

Thứ Bảy, 28/08/2010, 10:35
Chỉ mới mấy năm trước đây, những điệp viên như Jonathan Pollard (nhân viên phân tích tình báo dân sự làm gián điệp cho Israel), và Robert Hanssen (nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) làm gián điệp cho Liên Xô cũ và nước Nga sau này), phải làm bản photocopy các tài liệu này, đôi khi đến hàng nghìn trang, gói lại rồi sau đó chuyển tay cho các nhân viên gián điệp ngoại quốc hay giấu vào chỗ nào đó chờ người đến mang về.

Còn những người lấy và cung cấp 92.000 tài liệu mật được trang Wikileaks phổ biến làm điều này dễ hơn rất nhiều. John Pike, Giám đốc Tổ chức GlobalSecurity nhận định: "Người đó có thể chứa nguyên tệp tin vào một ổ cứng di động rồi đi ra ngoài. Đó là điều tôi cảm thấy lo ngại nhất. Tôi không hiểu tại sao một hệ thống được chuẩn bị kỹ càng như của quân đội Mỹ lại để cho điều đó xảy ra".

Ông Pike cho rằng, ngành công nghiệp âm nhạc và Google Books có vẻ kiểm soát điều này hay hơn là quân đội Mỹ. Thí dụ Google sẽ lưu ý nếu người nào đó "download" (tải) số lượng lớn sách trong dạng PDF cùng một lúc.

Một lý do khác là sự thay đổi trong sự hợp tác của quân đội và tình báo. Vụ khủng bố 11/9/2001 đã đưa đến nỗ lực nhanh chóng tìm cách phá vỡ các bức tường ngăn cách giữa các cơ quan tình báo Mỹ và những người có giấy phép xem tài liệu mật ở cấp cao. Con số các trung tâm tập trung tài liệu mật và con số những người có quyền xem các tài liệu này cũng gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó sự chia sẻ và thảo luận các tin tức này một cách chính thức và không chính thức cũng trở nên dễ dàng hơn qua Internet.

"Việc này đưa đến sự kiện có các phòng tán gẫu (chat room), nhật ký điện tử (blog)... nơi các nhà phân tích tự do thảo luận với nhau. Sau đó họ mở rộng ra thêm bên ngoài vòng những chuyên gia tình báo, cho phép các quân nhân trong các phòng hành quân có được tin tức... đến mức cả những quân nhân cấp bậc khá thấp trong hệ thống quân báo cũng có được các tin tức tối mật" - theo lời ông Larry Seaquist, một chiến lược gia tại Lầu Năm Góc.

Lý do nữa góp phần đưa đến vụ "Wikileaks" là hình thái chiến tranh thay đổi. Các hoạt động quân sự ngày nay khác hẳn tình trạng chiến tranh cổ điển, có sự phối hợp ở trung ương, như chiến tranh Afghanistan, được coi là một chiến trường không quy ước, chống nổi dậy, chứ không phải là một cuộc chiến quy ước. Các cuộc hành quân nhỏ, phần lớn không được dân chúng biết tới, đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Có rất nhiều nỗ lực riêng của các cá nhân và của các đơn vị nhỏ, được sự khuyến khích của cấp chỉ huy và được coi là cần thiết vì phía địch quân cũng được coi là có hành động tương tự.

Hoạt động của các đơn vị quân đội ngày nay không còn được chỉ huy ở cấp trung ương nhiều như trước và có thể đưa tới nhiều vấn đề, kể cả việc sử dụng sai trái tài liệu mật cho mục tiêu cá nhân, mục tiêu chính trị hay chủ thuyết riêng.

Ông Seaquist cho rằng trong cách tổ chức trước đây, người ta dễ ràng nhận ra những người lính có vấn đề về tinh thần, tâm lý hay có sự bất mãn nào đó để có thể thảo luận, tư vấn. Nay với lề lối làm việc riêng rẽ, theo các sáng kiến của cá nhân và có sự uyển chuyển trong nguyên tắc, tuy có thể thích ứng với điều kiện của cuộc chiến chống nổi dậy nhưng cũng đưa đến tình trạng người lính bất mãn có điều kiện làm những hành động mà hình thức kiểm soát chỉ huy khi trước sẽ dễ dàng phát giác

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.