Chiêu lừa xuất khẩu lao động của tội phạm “ngoại”
- Lừa đảo người đi XKLĐ, chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng
- Thêm 4 doanh nghiệp XKLĐ bị tạm dừng cung ứng lao động sang Đài Loan
- Làm giả hồ sơ lừa đảo XKLĐ sang Nhật Bản lương 40 triệu đồng/tháng
Tuy nhiên, sau khi đã cầm tiền của nhiều người dân nhẹ dạ, các đối tượng đều tìm cách chuồn mất. Người lao động có nhu cầu làm việc ở nước ngoài cần hết sức cảnh giác với thủ đoạn mới của những đường dây này.
Tháng 12-2015, Phòng Cảnh sát hình sự PC45 Công an TP Hà Nội tiếp nhận nhiều đơn trình báo của nhiều bị hại, tố cáo một đối tượng mang quốc tịch châu Phi lừa xuất khẩu lao động, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của họ.
Anh Phạm Đình B. (SN 1990 trú tại Đô Lương, Nghệ An) được một người quen giới thiệu với Mutsini E. (SN 1990, quốc tịch Ruanda) là người có khả năng đưa người sang Hàn Quốc làm việc, với giá "mềm". Mặc dù sinh ra và lớn lên tại một quốc gia nghèo ở Trung Phi, song Mutsini E. lại có thể nói được 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Hàn Quốc, tiếng Việt. Vốn đang có nhu cầu, anh B. liền sốt sắng liên hệ với Mutsini E. Đầu tháng 11-2015, đối tượng cho biết sẽ về Việt Nam và bảo B. ra đón.
Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin khi muốn tham gia thị trường XKLĐ. |
Sau khi đón Mutsini E. tại sân bay Nội Bài, anh B. đưa đối tượng về quê để thăm thú, nghỉ ngơi. Trong thời gian ở Nghệ An, đối tượng Mutsini E. đã vẽ ra những viễn cảnh tương lai xán lạn ở Hàn Quốc. Đồng thời, Mutsini E. còn kể nhiều chuyện về cuộc sống của anh Phạm Đình H. (SN 1982 trú tại Đô Lương, Nghệ An, hiện đang làm việc tại Hàn Quốc) khiến cho anh B. tin sái cổ.
Sau ba tháng "ăn nằm ở dề" tại Nghệ An, Mutsini E. được anh B. đưa đi chơi ở Long Châu (Yên Phong, Bắc Ninh). Trong các câu chuyện Mutsini E. cho biết hắn có thể đưa người đi Hàn Quốc làm việc, với chi phí là 5.000 USD/người. Nếu ai có nhu cầu thì đưa trước 2.500 USD làm visa và mua vé máy bay, còn lại 2.500 USD thì khi nào sang đến nơi thì đưa nốt.
Tin lời Mutsini E., anh B. rủ thêm 4 người quen của mình là anh Nguyễn Văn M. (SN 1977, trú tại Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An); anh Lê Văn H. (SN 1989, trú tại Nghi Công Bắc, Nghi Lộc, Nghệ An); anh Trần Văn S. (SN 1986) và anh Nguyễn Duy L. (SN 1993 cùng trú tại Nghi Công Nam, Nghi Lộc, Nghệ An) chuẩn bị tiền nong để lên đường sang Hàn Quốc "đổi đời".
Đầu tháng 12-2015, Mutsini E. cùng với nhóm thanh niên ở Nghệ An ra Hà Nội, thuê một nhà nghỉ ở quận Nam Từ Liêm để Mutsini E. làm thủ tục xin visa. Mutsini E. thu trước của mỗi người 2.000 USD và hộ chiếu, hứa đến giữa tháng 12 là có visa.
Ngày 14-12-2015, tự dưng Mutsini E. bảo muốn qua Bắc Ninh thăm một người bạn trước khi xuất cảnh. Mấy ngày sau không liên lạc được với Mutsini E., anh B. vội gọi điện cử một thanh niên xuống sân bay Nội Bài để kiểm tra. Tại đây, họ đã phát hiện Mutsini E. đang ở trong khu vực cách ly, chuẩn bị bay ra nước ngoài. Anh B. đã trình báo với Cơ quan Công an về hành vi lừa đảo của Mutsini E.
Được biết, việc đấu tranh với đối tượng Mutsini E. là rất khó khăn. Các lao động Việt Nam đưa tiền cho đối tượng song không có chứng cứ chứng minh. Mà Mutsini E. lại là kẻ hoạt ngôn, nhiều mưu mẹo hiếm thấy. Đối tượng bịa ra nhiều tình huống khiến cho những người đưa tiền cho hắn phải "cứng họng".
Bài bản hơn chiêu lừa trên là vụ việc một đối tượng người Hàn Quốc, cấu kết với nhiều người Việt để chiếm đoạt gần 30.000 USD của 3 lao động Việt Nam. Tháng 4-2015, anh Lê Văn H. (SN 1961, trú tại phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương); chị Trần Thị Quỳnh L. (SN 1989, trú tại Bắc Sơn, Lạng Sơn) và anh Trịnh Văn B. (SN 1987, trú tại Lương Tài, Bắc Ninh) nộp đơn tố cáo một đối tượng người Hàn Quốc tên Huang Jeon (SN 1985) đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ.
Tài liệu điều tra của Cơ quan Công an cho thấy Huang đã cấu kết với các đối tượng Đỗ Thị C. (SN 1990, trú tại Xuân Trường, Nam Định) và Lương Quốc P. (SN 1969 trú tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) để thiết lập một đường dây lừa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Để lấy lòng tin của các bị hại, P. tự xưng là Giám đốc Công ty M., là đối tác liên kết với Huang chuyên đưa người sang Hàn Quốc làm việc.
Tin lời P., tháng 5-2015 các anh Lê Văn H., Trịnh Văn B., Trần Thị Quỳnh L. mỗi người đã đưa cho Huang 8.500 USD để đối tượng lo việc làm visa và chi phí xuất cảnh. Tuy nhiên, sau nhiều tháng trời mà không thấy có dấu hiệu gì được ra nước ngoài, các bị hại tìm tới công ty của P. ở Vĩnh Phúc thì mới phát hiện đó là công ty "ma". Đối tượng người Hàn Quốc cũng biệt tăm từ đó đến nay.
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây người dân đã dần cảnh giác hơn với những thủ đoạn lừa xuất khẩu lao động của nhiều cá nhân, tổ chức người Việt. Tuy nhiên, với những đường dây mà kẻ đứng đầu là người ngoại quốc thì không ít người lại tỏ ra rất tin tưởng. Lợi dụng điều này, các đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động do người nước ngoài làm chủ trò đang ngày một phát triển.
Còn nhớ cuối năm 2014, một vụ lừa đảo xuất khẩu lao động sang Thái Lan đã xảy ra với quy mô và tính chất rất nghiêm trọng. 46 người Việt Nam phần lớn quê ở Hải Dương và một số tỉnh khác như Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ... được một công ty có giám đốc là người Nhật Bản hứa hẹn đưa họ sang Thái Lan làm việc với mức lương 1.000USD/tháng. Tuy nhiên sau vài tháng làm việc ở đất khách quê người, họ mới phát hiện ra mình là nạn nhân của một màn kịch tinh vi.
Một vụ lừa XKLĐ sang Nhật Bản bị cơ quan chức năng phát giác. |
Theo bản hợp đồng tuyển dụng lao động ký với Công ty STO, có trụ sở tại Nhật Bản do ông Sato Hiroaki làm Giám đốc, mỗi người được tuyển dụng phải đóng 3.000USD phí làm visa lưu trú và thẻ lao động bên Thái Lan, 500USD các loại phụ phí và 1.000USD đặt cọc. Sang Thái Lan, người lao động được đào tạo nghề mà không phải trả tiền nhà ở, tiền điện, nước.
Nhóm bị hại đầu tiên cho biết sau khi ở Bangkok một thời gian, họ được đưa tới tỉnh Pathumthani, nằm cách Bangkok 60km về phía bắc. Khi bắt tay vào học việc, một số người được trả lương, thậm chí có người còn được lo cho visa cư trú 3 tháng. Thấy có vẻ "ổn ổn", họ gọi điện về và rủ thêm nhiều người tiếp tục sang.
Nhóm thứ hai được giao việc phá dỡ các linh kiện trong thiết bị điện tử cũ, phân loại để thu hồi kim loại, nhựa... Hằng tuần cũng có ôtô đưa hàng đến và chở hàng đi. Mọi giao dịch với chính quyền được thông qua một người Thái Lan tên Keo. Nhà trọ thì nằm trong một khu ở lẫn với người Thái nhưng nhóm 45 người Việt được sắp xếp ở gần nhau.
Sau ba tháng ăn ở trên đất Thái Lan, gần 50 người mới phát hiện ra mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi. Đó là khi chủ nhà trọ thông báo số tiền thuê nhà sắp hết. Còn các đối tượng trong đường dây cứ lần lượt thay nhau biến mất. Tổng cộng số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt của người lao động là hơn 200.000USD.
Chính quyền Thái Lan đã vào cuộc và tổ chức truy nã kẻ lừa đảo. Tháng 6-2015, đối tượng chính của vụ án là Nakatsu đã bị tóm khi vừa nhập cảnh vào Thái Lan.